Mùa xuân năm 1957, nghĩa là ba năm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và tiếp quản thủ đô, tại trụ sở Câu lạc bộ Đoàn Kết trước Nhà hát Lớn đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Các nhà văn tên tuổi đã tham gia Văn hóa cứu quốc trước Cách mạng tháng Tám và tham gia kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc, ở Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên… như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Tú Mỡ, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Lê Đạt, Nguyễn Xuân Sanh… là lực lượng chủ đạo của Đại hội; những nhà văn miền Nam tập kết, từ Nam Bộ như: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Đoàn Giỏi, Trần Kim Trắc, Xuân Miễn, Bảo Định Giang…, từ khu V như: Tế Hanh, Nguyễn Văn Bổng, Nam Trân, Nguyễn Viết Lãm, Yến Lan… Lớp người này nổi tiếng vì những đóng góp của họ trên văn đàn và là chỗ dựa cho những lý tưởng xã hội, lý tưởng thẩm mỹ tốt đẹp mà văn học thời đó hướng đến. Quan hệ giữa văn học và cuộc sống thời đó tuy rất phức tạp, nhưng chủ đạo vẫn là dựa trên nền tảng của hiện thực đấu tranh thống nhất đất nước và kiến tạo một xã hội mới trên miền Bắc. Ảnh hưởng của những sai lầm trong cải cách ruộng đất rồi sẽ qua cũng như những dao động trong phong trào Nhân văn rồi sẽ qua để đi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Những đóng góp của văn học từ sau Đại hội nhất là trong thời chống Mỹ là vĩ đại, là ngang tầm với cuộc kháng chiến vĩ đại ấy: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”.
Nếu quan niệm phản ánh hiện thực cuộc sống theo một nghĩa đơn giản, số lượng thì không bao giờ văn học có thể đạt được tầm vóc của nó. Nhưng nền văn học mới của chúng ta khai sinh ra trong những điều kiện rất khắc nghiệt, nhà văn vừa chiến đấu, công tác vừa học tập, vừa viết vừa tìm tòi, sáng tạo trên nền tảng của truyền thống văn chương dân tộc, vừa tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Không giáo điều, không rập khuôn máy móc mà luôn bắt nguồn từ tinh thần độc lập tự chủ, khám phá sáng tạo trên tâm hồn của nhân dân chiến sĩ dân tộc mình, thời đại mình. Như Nguyễn Đình Thi càng ngày càng tài hoa và sâu sắc triết lý, sâu sắc khát vọng muốn ôm trùm cả thời đại mình trong nhiều thể loại, như Chế Lan Viên vượt hết đỉnh cao này sang đỉnh cao khác: Điêu tàn, Ánh sáng phù sa, Những bài thơ chống Mỹ và cuối cùng là Di cảo với một thi pháp thơ đơn giản mà sâu sắc tình đời của một minh triết. Như Nguyễn Tuân vừa viết ra là thành cổ điển vì đã già dặn, tài hoa, độc đáo từ thời Vang bóng một thời. Như Nguyễn Huy Tưởng chớp sáng trong Đêm hội Long Trì, lại vươn tới Lũy Hoa, Sống mãi với thủ đô bất tử.
Thời kháng chiến chống Mỹ, nối bước các bậc đàn anh đó, hàng loạt các nhà thơ, nhà văn đã nhanh chóng vươn lên trong cảm hứng lớn, trong khát vọng lớn chưa từng có. Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Trần Quang Long, Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Xuân Thâm, Tạ Hữu Yên, Hữu Mai, Xuân Thiều, Trúc Thông, Chu Lai, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hà Khánh Linh, Trần Vàng Sao, Thanh Thảo, Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Hạnh, Viễn Phương, Lê Anh Xuân, Lê Vĩnh Hòa, Dương Tử Giang, Thanh Quế, Giang Nam, Lệ Thu, Nguyễn Văn Bổng… Những đỉnh cao của thể loại văn xuôi như Ván bài lật ngửa của Trần Bạch Đằng, Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Thao Trường, Hòn Đất của Anh Đức, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải… là những chiến công to lớn một thời. Sau đổi mới, văn học cũng có những khởi sắc mới. Nó đi sâu vào những miền đất khuất của hiện thực, vượt qua những áp lực quen thuộc, tái hiện hiện thực trong một ánh sáng của một “buổi sáng ảm đạm”, Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là hai gương mặt tiêu biểu của khuynh hướng văn học đó. Cũng đã có một sự trung thành, ngoan cường trong những tác phẩm viết về chiến tranh, mô tả những con người trong những xung đột lịch sử khắc liệt, không khoan nhượng với sự trải nghiệm của chính mình như trong Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Thượng Đức của Nguyễn Bảo, Tiếng khóc của nàng Út của Nguyễn Chí Trung, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy… Cũng không thể không nói đến những thể nghiệm của những cây bút có vốn văn hóa và suy tư về thế sự như Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư…, ở đây không thể làm một bảng tổng kết đầy đủ được.
Tổng duyệt lại, thì với 60 năm của Hội Nhà văn Việt Nam những đỉnh cao văn học, những tên tuổi lẫy lừng, những tác phẩm trác tuyệt đã làm nên diện mạo của con người thời đại. Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại giành độc lập thống nhất với những mối bận tâm, khát vọng và cả những bi kịch lịch sử mà nó gánh chịu kiên cường. Sau thời đại vàng ấy, văn học ngày nay dường như chưa tìm ra cách thức để kế thừa và phát huy nguồn cảm hứng lớn của các thế hệ đi trước. Nó đang lúng túng trong thị trường, trong những diễn biến quá phức tạp của một sự chuyển mình bất ngờ dữ dội, bão táp… trong đó con người bị cuốn vào vòng xoáy lốc đang cố tìm lối ra. Đó là một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Và con người cần phải hết sức tỉnh táo, trí tuệ ở tầm nhìn toàn nhân loại, toàn lịch sử để vươn lên tìm một lối ra thành công cho dân tộc. Đó là đổi mới và đổi mới chân chính. Nó cần những con người vĩ đại ngang tầm cuộc chiến ấy như những nhân vật vĩ đại thời Phục hưng. Và có lẽ, văn học cũng phải nương theo lý tưởng ấy mới tìm thấy lối đi.
60 năm - những năm tháng vẻ vang và những năm tháng suy tư bạc tóc, những đòi hỏi của trước mắt và tương lai là vô cùng khẩn thiết và to lớn, là chưa từng có. Tất cả đều đòi hỏi ở những con người(*), nhưng dường như người của ta đang còn hiếm. Những nhà văn đại diện cho tiếng nói của chủ nghĩa nhân văn thời đại, của phẩm giá và lương tri dân tộc, của sự hùng cường quốc gia… đang ở đâu?
_____
(*) Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được Huân chương Sao Vàng, huân chương cao nhất của đất nước và rất nhiều tác giả đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước.