Nhớ đến anh, người đã hoàn thành một cách xuất sắc quyết tâm sắt đá của Bác Hồ và Đảng ta, đưa sự nghiệp giải phóng miền Nam đến thắng lợi trọn vẹn, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Càng ngẫm nghĩ, tôi càng kính phục đôi mắt thiên tài về con người - sự nghiệp cách mạng và quyết định cực kỳ sáng suốt của Bác Hồ kính yêu, một lần nữa trao trách nhiệm lớn lao cho anh Ba Duẩn. Về sau này, tôi lại có dịp hiểu thêm khi Người quyết định cử anh Nguyễn Chí Thanh, thay mặt cho Bác, cho anh Ba Duẩn và Bộ Chính trị vào cùng Trung ương Cục chỉ đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam lần thứ hai.
Tinh thần tiến công cách mạng, ý chí kiên cường, không mơ hồ về “cam kết của kẻ thù” thi hành Hiệp định Genève, hai năm tổng tuyển cử để “hòa bình thống nhất đất nước” chính là thể hiện ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi sau khi Hội nghị Genève được ký kết: “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”, cho nên, Người chỉ rõ: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”. Thấm nhuần tinh thần đó, Đề cương Cách mạng miền Nam được đồng chí Lê Duẩn hoàn thành vào tháng 8 năm 1956 ngay tại Sài Gòn, ở số nhà 29 đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Sài Gòn, nay là TP.Hồ Chí Minh.
Để bắt tay vào khởi thảo Đề cương, anh Ba đã lăn lộn cùng đồng chí, đồng bào, từ đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ. Hiểu thấu nỗi đau của sự tổn thất quá lớn phải chịu đựng trước thủ đoạn tàn khốc của kẻ thù, thông cảm với nguyện vọng và ý chí chiến đấu của nhân dân, anh cảm nhận được chủ trương ban đầu không còn thích hợp, ý tưởng định hình trong bộ óc lớn ấy hiện thành câu chữ của Đề cương: “Trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”.
Sau này được đọc lại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 năm 1959, tôi thấy rõ những ý tưởng cơ bản của Đề cương Cách mạng miền Nam được thể hiện rất nổi bật trong nghị quyết ấy. Đã có những công trình nghiên cứu so sánh từng câu, từng đoạn trong Đề cương và trong Nghị quyết 15 mà khi được đọc, tôi càng hiểu rõ hơn tầm vóc của tư duy Lê Duẩn, người thật sự thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong chỉ đạo thực tiễn.
Cũng phải nói thêm rằng, tuy Đề cương hoàn thành vào tháng 8 năm 1956, nhưng nó được hình thành dần trong tập kết chuyển quân và nhất là sau khi kết thúc chuyển quân từ mùa khô 1955. Đó là thời gian anh Ba tiếp cận ngay tình hình, nhất là lòng dân, ý dân qua nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó cũng là thời gian địch gây ra những vụ đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của đồng bào ở chợ Được, Vĩnh Trinh (Khu 5), Mỏ Cày (Bến Tre), Vĩnh Xuân (Vĩnh Long)... Đề cương được thảo luận kỹ trong Hội nghị Xứ ủy mở rộng tháng 12 năm 1956 và mấy tháng đầu năm 1957 ở Phnôm Pênh, là một điểm tựa cơ bản, trở thành cái khung để hình thành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, nhưng quá trình thảo luận và thông qua nghị quyết ấy có nhiều ý kiến khác nhau do tình hình trong nước, quốc tế biến chuyển không ngừng…
Anh đã cùng Bộ Chính trị chỉ đạo sát sao ở cả hai miền Nam Bắc và trên mặt trận quốc tế, trong từng bước, trực tiếp đề xuất rất kịp thời từ những chủ trương lớn đến những biện pháp cụ thể, nhất là trong những bước ngoặt của chiến tranh.
Tôi muốn đặc biệt nhắc lại mấy cột mốc lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt của ý chí cách mạng và bản lĩnh tuyệt vời của anh Ba Duẩn.
- Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 đồng loạt đánh vào các cơ quan đầu não của địch, đặc biệt ở Sài Gòn, trong đó đánh thẳng vào Tòa đại sứ Mỹ và hàng chục thành phố miền Nam là một đòn chiến lược bất ngờ làm chấn động cả nước Mỹ, đưa thực tế của chiến tranh vào từng gia đình Mỹ, vang vọng rộng lớn, sâu xa trên thế giới, thúc đẩy phong trào nhân dân các nước ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, cứu nước, giáng rất nặng vào ý chí của lực lượng xâm lược, chuyển hẳn lợi thế so sánh về chính trị sang thế có lợi nhất về phía Việt Nam, buộc Mỹ xuống thang, tạo lợi thế cho ta trên bàn đàm phán.
- Với ý chí sắt đá, tư tưởng tiến công của Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn, chúng ta kịp thời tập trung quân chủ lực, mở chiến dịch Đường 9 Nam Lào, rồi chiến dịch Quảng Trị thu hút quân Mỹ và chủ lực ngụy, tạo cho chiến trường Khu 5 và Nam Bộ phát triển.
- Thất bại liên tiếp, cuối năm 1972 Mỹ tập trung không lực, suốt 12 ngày đêm đánh phá dữ dội miền Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Chúng hy vọng Đảng ta và quân dân miền Bắc phải chấp nhận cái giá phải trả cao trên bàn đàm phán, nhưng thực tế là ngược lại. Bộ Chỉ huy tối cao và người đứng đầu là Lê Duẩn đã không rời Hà Nội một ngày, trực tiếp chỉ đạo và chứng kiến thắng lợi lừng lẫy ghi vào lịch sử trận “Điện Biên Phủ trên không”.
- Cuối năm 1974, chúng ta có trận chiến giải phóng hoàn toàn thị xã Phước Long (Đông Nam Bộ, cửa ngõ Sài Gòn) cho xuất hiện xe tăng yểm trợ thăm dò. Tiếp sau đó là chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và sau cùng là cuộc tổng tiến công, nổi dậy thần tốc năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975 và ngay sau đó là giải phóng toàn Nam Bộ nguyên vẹn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được chuẩn bị công phu từ hàng năm trước, là một công trình chiến lược, chiến thuật và chiến dịch vĩ đại thể hiện rõ ràng nhất cống hiến lớn lao của anh Ba Duẩn, bản lĩnh của người lãnh đạo kháng chiến, tài thao lược, những dự đoán tài tình cả về cục diện chiến tranh và phản ứng quốc tế, những quyết định táo bạo và rất kịp thời, cùng với Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh là đồng chí Văn Tiến Dũng và các tướng lĩnh khác đã thể hiện tài sử dụng hiệu quả rất cao mọi binh chủng, mọi thứ quân, mọi loại hình của lực lượng vũ trang với niềm tin mãnh liệt vào quân đội anh hùng của ta và nhân dân ta.
Vô cùng tự hào về Đảng ta và người đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn, thật sáng suốt tầm nhìn vĩ đại, thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao trọng trách cho đồng chí Lê Duẩn, cùng với Người, và sau này khi Người đã đi xa, đứng đầu sóng ngọn gió, cùng với tập thể Bộ Chính trị, những học trò xuất sắc của Bác, hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc với ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử.
Tôi cảm nhận sâu sắc rằng anh Ba đã dốc vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn bộ tâm lực của mình, toàn bộ tinh hoa của trí tuệ, toàn bộ dũng khí cách mạng tiến công, toàn bộ phẩm chất của người con nhân dân, toàn bộ bản lĩnh của người lãnh đạo, từ lúc bắt đầu kháng chiến cho đến ngày thắng lợi…
Tôi nhớ mãi hình ảnh đầy xúc động của anh Ba khi xuống thang máy bay tại Tân Sơn Nhất, anh Ba Duẩn dừng lại nói to với mọi người ra đón anh và Bác Tôn: “Chiến công này là chiến công chung của cả dân tộc, của các anh hùng, chiến sĩ và đồng bào cả nước đã hy sinh. Không của riêng ai”.
Lời nói ấy chứa đựng tinh thần của toàn dân phấn đấu hy sinh vì độc lập thống nhất, có âm vang của thiên anh hùng ca bằng lòng nhân ái bao la. Đó là lời nói thấm trong hành động, từng ngày đêm trên rừng núi chiến khu, ngoài bưng biền kinh rạch, nơi làng xóm thôn ấp, trong phố phường thành thị, ở chính giữa lòng dân.
Chặng đường tiếp theo, anh Ba tiếp tục những tìm tòi, suy nghĩ, thử nghiệm từ hàng chục năm trước ngay trong thời chiến về con đường và cách làm của dân tộc Việt Nam ta để xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trăn trở để cải thiện đời sống của đồng bào vốn đã phải chịu đựng thiếu thốn, hy sinh quá lớn trong chiến tranh, bù đắp những hy sinh mất mát của mọi tầng lớp nhân dân ở cả hai miền Nam, Bắc. Đáp ứng và cải thiện đời sống của dân đối với anh Ba là yêu cầu cháy bỏng, làm sao sớm ra khỏi cái nghèo, anh luôn nhắc nhở phải lo từ miếng cơm manh áo cho mọi người, hộp sữa cho trẻ em, thuốc thang cho người già... Đất nước bao nhiêu năm mới ra khỏi cái nghèo, 15 năm hay 20 năm, và bằng cách nào theo kịp thiên hạ. Nhưng anh Ba lại không khuyến khích rập khuôn theo mô hình sẵn có nào. Ngay như hợp tác hóa ở miền Bắc, anh cũng nhắc không nên áp dụng ở miền Nam.
Anh không tán thành mô hình Xôviết. Qua tìm hiểu thực tế ở các nước anh em và suy ngẫm về lý luận, anh nhận ra có quá nhiều vấn đề bất ổn. Anh không tán thành áp đặt thể chế nhà nước “chuyên chính vô sản” khi mà nhân dân đã giành được quyền làm chủ đất nước bằng những hy sinh không sao kể xiết. Không thể “vô sản” lại chuyên chính với chính mình, với nhân dân. Tư tưởng về “làm chủ tập thể” mà anh nung nấu chính là sự cố gắng tìm đường bứt phá ra khỏi những công thức giáo điều không phản ánh được sự vận động và biến đổi của cuộc sống, xa rời ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Đọc lại những bài viết của anh Ba Duẩn từ sau năm 1975, nhớ lại những quan điểm và ý tưởng mà rất nhiều lần anh nói đi nói lại trong khi làm việc với cấp ủy Đảng, với các cán bộ những nơi anh tới thăm, tôi nhận thấy trong tư duy của anh đã và đang có phần hình thành một hệ thống suy nghĩ về đường lối xây dựng đất nước. Đó là đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, vận dụng các giá trị tốt đẹp của dân tộc và các thành quả tinh hoa của loài người. Có thể tóm tắt một số ý để minh chứng những suy nghĩ đó của anh:
- Dân chủ đến mức thực sự nhân dân làm chủ, con người làm chủ tập thể.
- Phát huy dân tộc và phát huy cá nhân từng người.
- Vận dụng thị trường để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cả giá trị sử dụng và giá trị của hàng hóa đều là mục đích của hoạt động kinh tế. Rất coi trọng giá cả, tài chính, tiền tệ, thương nghiệp.
- Quá trình tạo dựng xã hội mới là quá trình nảy sinh chứ không phải chỉ là quá độ. Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Bừng nở toàn thân nền kinh tế và xã hội ở mọi cấp độ. Có những ngành (như nông nghiệp, nhiều ngành, nghề tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp) đi lên CNXH theo một con đường mới, không qua quốc doanh, không tập thể hóa kiểu nông trang tập thể Liên Xô hoặc công xã nhân dân Trung Quốc, cũng không phải kiểu hợp tác xã nước ta như ở miền Bắc trước khi giải phóng miền Nam.
- Cách mạng khoa học kỹ thuật (nay ta nói là cách mạng khoa học và công nghệ) là then chốt, nhiều thành quả lớn là ở phương Tây, cần tranh thủ nắm và vận dụng những thành quả ấy.
- Kinh tế và thị trường toàn thế giới là một thực tế đang phát triển, phải sống với thực tế ấy, biết thích nghi, tranh thủ mọi thời cơ và nguồn lực. Chủ nghĩa tư bản hiện đại có những thành quả rất quan trọng. Phải tìm cách học nhanh những thành quả ấy.
- Văn hóa và tri thức của loài người giàu có, phong phú lên rất nhiều, rất nhanh, tạo ra những chuyển biến lớn, thấm sâu vào chính trị và kinh tế, vào đời sống xã hội. Phải vươn lên văn hóa và tri thức tiên tiến.
- Bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng và an ninh bằng lòng dân, sức dân, bằng dân làm chủ, bằng chiến tranh nhân dân, bằng chính sách đối ngoại vững vàng, mềm dẻo.
- Đảng lãnh đạo, Đảng không cai trị, Đảng phát huy Nhà nước là công cụ chủ yếu, sắc bén nhất để dân làm chủ. Người Tổng bí thư suốt đời chỉ làm công tác Đảng lại luôn luôn tôn trọng và đòi hỏi phát huy Nhà nước.
- Đảng viên nhất thiết không được quan liêu, sách nhiễu và ăn cắp của dân. Đưa ngay những kẻ như vậy ra khỏi Đảng.
- Con người Việt Nam là con người của lẽ phải và tình thương, tình thương và lẽ phải.
Qua quá trình dài làm việc dưới sự lãnh đạo và được gần gũi anh Ba Duẩn, tôi chứng minh thêm về dòng suy nghĩ gần như nhất quán trong tư duy của anh: Anh là người đứng đầu của Đảng, nhưng chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh không phải là sự quan tâm nhiều của anh, và anh cũng không coi đó là một thứ động lực cho sự phát triển, là nhân tố đưa đất nước ra khỏi cái nghèo và lạc hậu. Thực tế lại ngày càng ngược lại, làm nỗi băn khoăn của anh càng nhiều hơn. Trong hoàn cảnh gần như bế tắc đó, anh là người khuyến khích những mô hình tháo gỡ, cởi trói trong công, nông nghiệp. Trước những bức xúc gay gắt ở TP.Hồ Chí Minh phải lo từng bữa ăn cho dân mặc dù nằm bên cạnh vựa lúa, vựa cá và vựa rau (Đà Lạt), chúng tôi, một số đồng chí Trung ương ủy viên trong vùng, bàn nhau, anh em cử tôi ra Trung ương đề nghị cho khoán thử 3 năm, đóng góp đủ theo những chỉ tiêu gộp lại của cả vùng từng năm cho Trung ương. Tôi gặp, trình bày với anh Ba. Anh tán thành và bảo nên trình bày với số anh lãnh đạo khác, kết quả không được đồng ý. Sau đó, Thành ủy giao tôi tranh thủ báo cáo xin cho thành phố và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ khoán riêng về lương thực, anh Ba tán thành nhưng số anh lãnh đạo khác cũng không đồng ý.
Khi tôi ra Trung ương phụ trách kế hoạch, tuổi tác anh Ba đã cao, sức khỏe anh đã sút nhiều. Người lãnh đạo kiệt xuất với tư duy khám phá và sáng tạo, với lòng tin mãnh liệt đất nước phải sánh vai với thiên hạ, không chịu theo khuôn mẫu sẵn của bất cứ thứ giáo điều nào, vậy mà đành chấp nhận không thành công trong xây dựng đất nước.
Lúc đó, một yêu cầu hết sức tối thiểu được đặt ra là nhân dân thủ đô Hà Nội “phải có dự trữ gạo đủ 2 tháng ăn”. Đó như một mệnh lệnh thiết tha cho Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đó là nỗi đau còn lại ở tôi đối với anh Ba, trước khi anh ra đi, tôi vẫn chưa lo nổi 2 tháng dự trữ gạo cho thủ đô Hà Nội. Đó là sự bất lực một cách vô lý, hậu quả của một cơ chế giáo điều - tự mình “ngăn sông cấm chợ”. Đến khi đất nước bắt đầu đổi mới, chỉ một cái lệnh xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, lưu thông tự do thì tức thời Hà Nội không cần dự trữ 2 tháng ăn, từ đó đến nay, không lúc nào lương thực thiếu cho Hà Nội.
Với bằng ấy sự việc tóm tắt nêu trên, tôi xin được khẳng định đồng chí Lê Duẩn không phải là nhà lãnh đạo bảo thủ, giáo điều, qua thực tiễn xuyên suốt đủ chứng tỏ anh là người luôn tìm tòi sáng tạo và tư duy luôn đổi mới. Nhưng với vị trí Tổng bí thư của mình, anh cũng không đột phá nổi độ dày của bảo thủ, giáo điều, đường mòn, xơ cứng.
Nhớ anh Ba, cảm thông sâu sắc với người lãnh đạo kiệt xuất đáng được tôn kính, người học trò tuyệt đối trung thành và xuất sắc nhất của Bác Hồ kính yêu, chúng ta cần đánh giá đúng về anh. Nhưng cũng không thể xem nhẹ trách nhiệm của anh về những sai lầm sau 10 năm đất nước thống nhất. Đó là những bài học rất đau của Đảng, đã kéo dài thêm cái nghèo của đất nước. Chắc chắn rằng ở nơi chín suối anh Ba còn đau gấp bội, bởi lúc ấy anh là người đứng đầu, càng đau hơn bởi đó không phải là tư duy của anh. Để làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lớn ấy trong lịch sử (kể cả một số vấn đề trong Đại hội lần thứ IV của Đảng), nhằm đúc kết bài học cho những thế hệ hôm nay và mai sau, không thể là những phát biểu tùy tiện, mà phải là những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc với tinh thần trung thực và khách quan.
Năm tháng đã trôi qua, khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động nghĩ đến một con người mãi mãi chiếm giữ trong tim óc tôi một vị trí thật thiêng liêng và gần gũi, những hình ảnh thân thiết nhất, cảm phục nhất, có sức động viên và nâng tôi lên chính là hình ảnh của đồng chí Lê Duẩn, anh Ba Duẩn kính mến.
* Nguyên Thủ tướng Chính phủ.