HV113 - Sai mãi thành đúng (tiếp theo kỳ trước)

Vòng xơ men chứ không phải… xi men!

Trong những món đồ trang sức dành cho phụ nữ có bộ vòng đeo tay bảy chiếc do các nhà tạo mẫu người Pháp sáng chế, tiếng Pháp gọi là bague semainier nghĩa là bộ vòng tuần lễ - tiếng Việt gọi vắn tắt là vòng xơ men. Có thể tạm dịch ra tiếng Anh là seven-band bangle. Thế nhưng bây giờ thử truy cập vào Google với từ khóa vòng xi men, sẽ thấy từ này đầy dẫy trên các phương tiện truyền thông. Tệ hơn nữa, hầu như rất hiếm có tờ báo, bài báo nào biết gọi đúng cái tên của nó là vòng xơ men. Toàn gọi là xi men, nghĩa là cái sai đã mặc nhiên thay thế cái đúng!

Chẳng những không biết gọi đúng tên, nhiều người còn không biết cách dùng. Vòng xơ men là một ý tưởng thời trang trẻ, thoạt đầu dành cho lứa tuổi học trò vì học trò rất chú ý đến các ngày trong tuần và thường dùng vòng xơ men làm quà tặng tình yêu. Thế nhưng bây giờ có những bà sồn sồn, đã có cháu nội cháu ngoại cũng đeo vòng “xi men”. Bộ vòng của họ bằng vàng 24, không phải bảy chiếc mà có đến mười mấy chiếc, chỉ nhằm khoe cái sự giàu!

Cà vẹt là cái gì?

Những người mua bán sử dụng mô tô, xe máy thường phải quan tâm đến một thứ giấy tờ quan trọng gọi là “cà vẹt”. Từ này có nguồn gốc ở tiếng Pháp là Carte verte, nghĩa là thẻ màu xanh lá cây. Ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, từ này rất thông dụng nhưng đọc gần với phát âm tiếng Pháp là “cạc vẹc”. Nó là thẻ xác nhận chính chủ của chiếc xe. Hồi ấy cạc vẹc nào cũng có màu xanh lá cây, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Pháp và nhiều nước trên thế giới. Quy ước về màu xanh lá cây này đã có từ năm 1949 nên nói cạc vẹc là đúng cả nghĩa đen (màu sắc) và nghĩa bóng (chủ quyền).

Hiện nay, cái mà báo chí hay gọi là cà vẹt có tên gọi chính thức là giấy chứng nhận Đăng ký mô tô, xe máy. Nhưng nó không hề có màu xanh lá cây mà có màu trắng pha chút xanh da trời. Do đó nói cạc vẹc hay cà vẹt không còn đúng nữa. Nếu muốn nói vắn tắt cho nhanh gọn theo thói quen của người miền Nam thì có thể gọi là thẻ chủ quyền, thẻ chính chủ hay gì gì đó chứ gọi cà vẹt thì không giống ai cả. Từ này nếu dịch ra tiếng Anh là Green card (thẻ xanh) thì lại có nghĩa là thẻ chứng nhận quyền định cư (Permanent resident) trên đất nước Mỹ, dịch kiểu nào đó thì rất dễ có sự hiểu lầm giữa hai thứ giấy tờ dành cho xe và dành cho người nói trên.

Lương và Giáo

Người Việt Nam hay dùng cụm từ Lương và Giáo để phân biệt những người theo đạo Thiên Chúa (Giáo) và những người không theo đạo ấy (Lương). Cách phân biệt ấy rất không ổn bởi vì nếu nói rằng những người không theo đạo là “lương” (lương thiện), vậy chẳng lẽ những người bên Giáo là bất lương? Những từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Khi ấy có những mâu thuẫn gay gắt giữa các thành phần tôn giáo, chính trị trong cộng đồng dân tộc. Nay những mâu thuẫn ấy cơ bản đã được hòa giải. Nếu ai vô tình hay cố ý dùng cụm từ Lương và Giáo thì rất dễ gây mất đoàn kết.

Sư thầy là nam hay nữ?

Ở một số chùa, nhất là ở miền Bắc hiện nay có những nữ tu sĩ được gọi là sư thầy. Ví dụ: Sư thầy Thích Đàm Lan ở chùa Bồ Đề. Xin nói rằng danh xưng ấy rất không đúng với tiếng Việt cả ở ngoài đời lẫn trong đạo. Sai ở chỗ làm đảo lộn giới tính của người tu sĩ.

Ngoài đời gọi thầy giáo, cô giáo, thầy cô, thầy bà… thì đã phân biệt nam nữ rõ ràng.

Từ Hán Việt cũng phân biệt sư phụ, sư mẫu, sư nương… Trong chữ đã có chữ thầy. Nói “sư thầy” là thừa một chữ.

Còn danh xưng trong đạo, theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thì phải thống nhất như sau: nam tu sĩ gọi là Tăng; nữ tu sĩ gọi là Ni.

1. Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại đức.

2. Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng tọa.

3. Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi đạo, được gọi là Hòa thượng.

Còn đối với bên nữ (ni bộ):

1. Năm 20 tuổi đời, vị nữ xuất gia thụ giới tỳ kheo ni được gọi là Sư cô.

2. Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 20 tuổi đạo, được gọi là Ni sư.

3. Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo ni được 40 tuổi đạo, được gọi là Sư bà (bây giờ gọi là Ni trưởng).

Đó là các danh xưng chính thức theo tuổi đời và tuổi đạo (hạ lạp), được dùng trong việc điều hành Phật sự, trong hệ thống tổ chức của giáo hội Phật giáo, không được lạm dụng tự xưng, tự phong, tự thăng cấp, mà phải được xét duyệt và chấp thuận bởi một hội đồng giáo phẩm có thẩm quyền, và được cấp giáo chỉ tấn phong, nhân dịp đại lễ hay đại hội Phật giáo, trong các giới đàn, hay trong mùa an cư kết hạ hằng năm.

Như trên, chúng ta có thể hiểu rằng: Sư cô nghĩa là Đại đức bên ni bộ. Ni sư nghĩa là Thượng tọa bên ni bộ. Sư bà (hay Ni trưởng) nghĩa là Hòa thượng bên ni bộ.

Thực ra đối với người tu hành, danh xưng cũng chỉ là vật ngoại thân. Tuy nhiên nếu người đi tu chưa phải mai danh ẩn tích trong núi mà còn phải nhập thế thì cũng cần phải thể hiện khả năng hội nhập với người đời. Đã xưng là Sư thầy thì đáng lẽ phải là nam, thế mà lại là nữ thì nhiều khi cũng có sự hiểu lầm bất tiện lắm đấy.

Anh không ra Anh, Pháp chẳng ra Pháp!

- Kênh VTC14 của Đài Truyền hình Việt Nam chiếu một phim hài của Mỹ do CBS phát hành nhan đề Last Vegas - 2013 kể chuyện bốn ông già 60 tuổi họp mặt trong một bữa tiệc cuối cùng ở Las Vegas để tìm lại kỷ niệm về tình bạn thời trai trẻ và chia tay một người bạn duy nhất còn độc thân trong nhóm đi lấy vợ. Phim này được nhà đài đặt tên tiếng Việt là Bô lão xì tin.

- Khoảng cuối năm 2013 trên kênh VTV6 vào tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần chiếu bộ phim dài 30 tập của đạo diễn Trần Quang Vinh, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thu Thủy. Phim này được đặt tên là Gái già xì tin.

- Trên kênh HTV3 thì có hai chuyên mục rất quen thuộc dành cho thiếu nhi nhan đề: Ba lô xì tin Góc nhỏ xì tin.

Những từ “xì tin” nói trên của nhà đài ở đâu ra?

Cứ theo nội dung của các phim nói trên thì có thể thấy nhà đài muốn dùng từ xì tin để chỉ những thứ thuộc về lứa tuổi TEEN tức lứa tuổi vị thành niên. Đó là những ông già cưa sừng làm nghé; cô gái già vị thành niên; ba lô, góc nhỏ dành cho thiếu nhi…

Nhưng tiếng Anh không có từ nào đọc ra tiếng Việt là xì tin. Chỉ có những từ Teen - Teenage - Teenager chỉ những thứ thuộc lứa tuổi teen và những từ này thì không có “xì”.

Tiếng Pháp có từ STYLE có thể đọc ra tiếng Việt là xì tin. Cũng từ này tiếng Anh phải đọc là xì tai - cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh đều có nghĩa là phong cách. Ví dụ phong cách văn học, phong cách thời trang… Nhưng nghĩa này hoàn toàn không thích hợp với nội dung chữ xì tin trong các phim nói trên.

Ấy thế mà những cái sai ấy đã truyền nhiễm khắp cả nước, làmvẩn đục kiến thức của hàng triệu lượt khán thính giả truyền hình. Than ôi!

Ai là người khủng bố?

Từ Chủ nghĩa khủng bố (Terrorism) thường được hầu hết các nhà cầm quyền trên thế giới dùng để gọi các tổ chức có hoạt động bạo lực chống lại chế độ của họ nhưng nóng nhất hiện nay là các nhóm tự xưng “Nhà nước Hồi giáo IS”, Al-Qaeda, Abu Sayyaf… Những tổ chức này thường nhân danh thánh chiến mà thực hiện những tội ác trời không dung đất không tha như chặt đầu, treo cổ, ném đá đến chết hoặc nhẹ hơn một chút thì bắt cóc, tống tiền, cưỡng bách phụ nữ làm nô lệ tình dục… Dầu với bất kỳ mục đích gì cũng không thể biện minh cho những hành động ấy. Thế giới gọi phương thức đấu tranh của họ là khủng bố và lý tưởng đấu tranh của họ là chủ nghĩa khủng bố quả thực không sai.

Thế nhưng chủ nghĩa thực dân đế quốc và phát xít giày xéo các dân tộc nhược tiểu còn gây tội ác gấp trăm ngàn lần. Thử hỏi máy bay B-52 của Mỹ ném bom xuống thủ đô Hà Nội suốt 12 ngày đêm đã làm chết biết bao thường dân vô tội? Đất nước Iraq bị chính quyền Mỹ thời Tổng thống Bush vu khống là chứa vũ khí hủy diệt hàng loạt rồi tiến hành chiến tranh xóa sổ cả một quốc gia, treo cổ tổng thống của họ. Trong những ví dụ nói trên và vô số ví dụ khác tự cổ chí kim trong lịch sử nhân loại, hãy nhìn lại cho rõ ai là người khủng bố?

Những nạn nhân bị chiến binh IS cầm mã tấu giết, nhìn rất rùng rợn nhưng vẫn còn đếm được và lưu lại được những cái xác. Nhưng với những vũ khí hiện đại như bom tấn, tên lửa… có khi hàng loạt nạn nhân bỗng chốc hóa thành tro bụi mà không kịp hiểu điều gì đã xảy ra - số phận con người càng thê thảm hơn. Giết người bằng đá xanh, mã tấu hay bằng bom H, bom A… chung quy đều là giết người - sao có thể nói cái này là khủng bố, cái kia thì không?

Cụm từ chủ nghĩa khủng bố chống khủng bố hiện nay đang được nói nhiều trong ngôn ngữ chính trị và trên các phương tiện truyền thông. Nhưng đây cũng là những từ đang gây nhiều tranh cãi.

“Một nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố trong chính trị đã kiểm tra hơn 100 định nghĩa về “khủng bố” tìm thấy 22 yếu tố định nghĩa riêng biệt (ví dụ như bạo lực, vũ lực, sợ hãi, đe dọa, sự phân biệt mục tiêu nạn nhân)…. Trong một số trường hợp, cùng một nhóm có thể được những người ủng hộ mô tả là “chiến sĩ tự do” và được đối thủ của nó coi là những kẻ khủng bố… Khái niệm về khủng bố có thể gây tranh cãi vì nó thường được sử dụng bởi cơ quan nhà nước (và cá nhân được nhà nước hỗ trợ) để làm giảm tính chính danh của các đối thủ, và có khả năng hợp pháp hóa việc sử dụng lực lượng vũ trang riêng của nhà nước để chống lại đối thủ (chính các lực lượng này có thể được đối thủ của nhà nước trên mô tả như là “khủng bố”). Đồng thời, ngược lại cũng có thể diễn ra khi các quốc gia thực hiện hoặc bị cáo buộc phạm vào tội khủng bố cấp nhà nước. Việc sử dụng thuật ngữ này có một lịch sử gây tranh cãi, chẳng hạn các cá nhân như lãnh đạo ANC Nelson Mandela tại một thời điểm cũng bị coi là khủng bố”… (Trích Wikipedia tiếng Việt).

Cho đến giờ phút này, đã có nhiều học giả, chính trị gia và nhà báo của chính phương Tây phải thú nhận rằng cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Iraq năm 2003 để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự ra đời của IS. Mới đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng thừa nhận cuộc chiến năm 2003 góp phần hình thành và phát triển IS.

Một khi vẫn vô tình hay cố ý không làm rõ bản chất của từng vấn đề, từng sự kiện, chưa phân biệt được thiện-ác, chính-tà thì cuộc tranh cãi sẽ không có điểm dừng. Đáng sợ hơn nữa là vì vậy mà cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa khủng bố và chống khủng bố sẽ không có hồi kết thúc.

 

HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN