HV113 - Thân ở nội thành, hướng về chiến khu (tiếp theo kỳ trước và hết)

Giúp đỡ kháng chiến

Không trực tiếp công tác hay chiến đấu ở chiến khu, nhân sĩ trí thức yêu nước ở nội thành luôn làm mọi việc để đóng góp vào thành công của kháng chiến.

• Tiếp tế cho chiến khu

Chúng ta giành được chính quyền chưa đầy một tháng thì đã bước vào kháng chiến (25-8 đến 23-9-1945), nên việc chuẩn bị chưa thật sự đầy đủ. Do đó, việc tiếp tế cho chiến khu là hết sức cần thiết.

Trước hết là thuốc men, dụng cụ và máy móc y tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng kể những ngày còn ở Sài Gòn: “Hằng ngày, tôi tới phòng mạch làm việc nghiêm túc, ra vẻ một người thầy thuốc tận tụy với nghề nghiệp, chẳng màng tới những biến động chính trị bên ngoài. Nhưng thật ra, tôi bí mật vận động quỹ mua thuốc và dụng cụ y tế cho Quân y Quân khu 7. Việc vận động dễ dàng vì tôi được bạn đồng nghiệp y dược thương mến”(1). Ông kể tiếp: “Tôi xin anh em dược sĩ cho những thuốc cần thiết cho chiến sĩ. Các nhà thuốc Vương Hữu Lễ, Hồ Đắc An, Thái Văn Hiệp, Lê Quang Thăng, Trần Văn Luân… sẵn sàng giúp đỡ. Về dụng cụ, có thể mua của lính Pháp hoặc ở ngoài như: kềm đẻ (forceps), đồ mổ, ống chích… Mỗi tháng tôi mang về nhà, phân loại, đóng gói, nhờ người đem xe nhà binh (mà lái xe là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp) chở đến chỗ hẹn”(2). Bác sĩ Trần Cửu Kiến cho biết thêm: “Dược sĩ Bùi Quang Tùng đích thân lái xe ô tô chở ra cho Y tế Nam Bộ một máy điện quang, một máy truyền máu trực tiếp Rivelet của bác sĩ Phạm Kim Tương gởi”(3).

Khi Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ chủ trương thành lập Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ, nhà giáo Lê Văn Huấn (lúc đó còn ở Sài Gòn) dưới vỏ bọc chủ một tiệm sửa rađiô tại nhà, đã gởi ra chiến khu một khối lượng thiết bị vô tuyến điện khá lớn.

Đóng góp tài chánh cũng là một việc làm có ý nghĩa. Nhiều nhân sĩ trí thức (như bác sĩ Dương Tấn Tươi, Dương Tấn Trung, dược sĩ Dương Thị Liễu, Lý Công Kiều, hội đồng Huỳnh Văn Dậu…) và tập thể (Hãng sản xuất nước mắm Liên Thành, Nghiệp đoàn Hàm hộ Bình Thuận…) thường xuyên mua công phiếu kháng chiến, đóng đảm phụ quốc phòng. Ủy viên tài chánh Đặc khu Sài Gòn Phạm Văn Ngà cho biết: “Hơn 90% giấy bạc xanh [giấy bạc do Ngân hàng Đông Dương của Pháp phát hành] là của các anh [nhân sĩ trí thức nội thành] gởi ra”(4).

• Yểm trợ cán bộ, chiến sĩ nội thành

Cán bộ, chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch muốn hoàn thành nhiệm vụ cần phải dựa vào đồng bào nội thành, trong đó có các nhân sĩ trí thức yêu nước.

Nhiều vị không ngại nguy hiểm, cho mượn nhà làm nơi hội họp, hội thảo (nhà giáo Trương Công Mùi, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Phi, bác sĩ Nguyễn Hiển, bác sĩ Phạm Kim Tương, bà Thái Thị Liên…), làm chỗ in báo bí mật (nhà bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, các ông Nguyễn Tấn Đức, Nguyễn Văn Nhạc…), làm hầm bí mật (nhà kiến trúc sư Hoàng Hùng(5)…).

Nhiều bác sĩ tình nguyện chữa bệnh miễn phí cho cán bộ, chiến sĩ công tác nội thành hay từ chiến khu gởi về. Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng kể: “Tôi còn nhớ một đồng chí bị phỏng nặng, chở lại nhà chị Phạm Ngọc Thạch(6), tôi đến săn sóc mỗi ngày trong mấy tháng trời mới trở về [chiến] khu được”(7). Còn luật sư Hoàng Quốc Tân thì nhớ: “Bí thư Thành ủy lúc đó là Nguyễn Hộ bị bệnh lao, được luật sư Nguyễn Hữu Thọ bố trí ở trong nhà số 152 đường De Gaulle (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), cứ hai, ba ngày thì đưa đến dưỡng đường bác sĩ Nguyễn Văn Tạo để chữa trị cho đến khi lành bệnh mới đưa trở ra căn cứ(8).

Giới luật sư yêu nước cũng có nhiều đóng góp đáng kể. Chẳng hạn trong vụ Nguyễn Thị Lan (bí danh Lan Mê Linh, nữ chiến sĩ thuộc Ban Công tác Thành số 1) trừng trị Hiền Sĩ (chủ bút báo Phục hưng, cổ động cho chủ trương phân ly của Pháp), luật sư Ngô Sách Vinh đã phát biểu trước tòa án của Pháp ngày 21-3-1946: “Nếu có ai tách một vùng nào của nước Pháp, chẳng hạn như vùng Pyrénées, lập một nước tự trị, chắc chắn người Pháp sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước. Thân chủ của tôi cũng vậy. Làm sao có thể chấp nhận Nam Bộ tách khỏi Tổ quốc Việt Nam? Người Việt Nam hoan hô cô Lan Mê Linh là chuyện tất nhiên, mà cả người Pháp chân chính cũng đồng tình với cô. Vậy thì hành động của cô là yêu nước, là chánh đáng, không thể buộc tội được”(9).

Lập luận chặt chẽ của luật sư Vinh khiến tòa án không kêu án tử hình như đề nghị của ủy viên chính phủ Pháp, chỉ tuyên án 20 năm khổ sai (trong thực tế, 8 năm sau, Lan Mê Linh được trao trả theo quy định của Hiệp định Genève).

Một lần khác, vào ngày 25-5-1948, ủy viên chính phủ Pháp - đại úy Avazeri - buộc Hoàng Xuân Bình, nguyên trợ lý tham mưu Bộ Tư lệnh Khu 9, vào tội phản quốc vì đã cầm vũ khí chống lại Pháp, đề nghị với Tòa án quân sự thường trực ra bản án khổ sai dài hạn, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đập lại bằng những lý lẽ đanh thép:

“Khi khép thân chủ của tôi vào tội phản quốc, bản cáo trạng đã phạm một sai lầm cơ bản. Một điều hiển nhiên mà ai cũng biết là luật pháp của nước Pháp chỉ có thể truy tố một người nào đó về tội phản quốc khi người đó là dân Pháp hay mang quốc tịch Pháp.

Như vậy, thân chủ của tôi đã thi hành - trong danh dự - nghĩa vụ công dân của mình và không thể bị truy tố với tội danh phản quốc. Tôi đề nghị quý Tòa quyết định miễn tố và trả tự do ngay cho bị cáo”(10).

Đại úy Avazeri phải đứng dậy xin bỏ tội danh phản quốc và thay bằng tội danh hoạt động lật đổ. Sau đó, Tòa án quân sự thường trực chỉ kết án 3 năm tù giam.

• Cung cấp tin tức

Tạ Minh Long, trưởng Phòng báo chí Phủ thủ tướng Nam Kỳ tự trị, thông báo cho ta biết: ngày 25-4-1947, phái đoàn Chánh phủ Lê Văn Hoạch - do bộ trưởng Trương Vĩnh Khánh (con của Pétrus Trương Vĩnh Ký) và thứ trưởng Diệp Quang Đông dẫn đầu - sẽ từ Sài Gòn theo lộ Đông Dương (nay là quốc lộ 1) xuống các tỉnh miền Tây. Được tin, Khu bộ trưởng Khu 8 (miền Trung Nam Bộ) Trần Văn Trà đã tổ chức trận phục kích ở Giồng Dứa (huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Trong gần 1 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã đốt cháy 14 xe, diệt 43 tên địch (trong đó có đại tá Trocard, trung úy Fray, bộ trưởng Khánh, thứ trưởng Đồng và nhiều quan chức khác), bắt sống 7 người, tịch thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Giồng Dứa làm chấn động dư luận trong nước và vang dội đến nước Pháp.

Một quan chức khác là Thái Lập Thành (làm đổng lý văn phòng Phủ thủ tướng Chánh phủ Trung ương Lâm thời từ 11-8-1948, sau đó làm Thủ hiến Nam Việt từ 19-3-1951), từng tâm sự với cán bộ ta rằng ông phải ra làm công chức “vì gia đình quá nặng” nhưng “giúp gì được cho kháng chiến thì ông sẽ cố gắng”. Chính ông đã tiết lộ cho ta biết tướng tư lệnh quân Pháp ở Nam Việt “định kế hoạch đánh lớn vào Đồng Tháp Mười, nơi cơ quan đầu não Nam Bộ kháng chiến đóng”(11). Nhờ vậy, ta chuẩn bị đối phó với địch, vừa không bị tấn công bất ngờ, vừa chủ động phản công lại địch.

Công tác đối ngoại

Ở Sài Gòn có hai nhóm người Pháp tiến bộ, chống chính sách xâm lược của chính phủ Pháp và Phủ Cao ủy ở Đông Dương. Một số nhân sĩ trí thức yêu nước Việt Nam cùng hoạt động với họ, giúp họ hiểu rõ hơn cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Nhóm thứ nhất là Đảng bộ Nam Bộ của Đảng Xã hội Pháp (SFIO), có cơ quan ngôn luận là tuần báo Justice bằng tiếng Pháp (do Lemaire, bí thư Đảng bộ Nam Bộ, chủ biên và Âu Quang Cảnh quản lý).

Nhóm thứ hai là Nhóm Văn hóa mácxít (Groupe Culturel Marxiste, viết tắt GCM) thành lập tháng 10-1945, tập hợp không chỉ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và cả những người có lập trường tiến bộ nhưng không tham gia đảng nào.

Từ 22-10-1946, nhóm xuất bản tuần báo Lendemains do A. Canac làm chủ nhiệm, V. Saulnier làm quản lý. Một số nhân sĩ trí thức Việt Nam cùng làm việc với nhóm GCM (như Vũ Tùng, Lê Khắc Tấn, Lương Huệ Dương…). Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thọ Chân, Hà Huy Giáp, Mai Văn Bộ, Dương Bạch Mai… thường tiếp xúc với nhóm GCM để trao đổi công việc.

Tướng Nguyễn Bình cũng từng đến trụ sở nhóm GCM (106 đường Léon Combes, nay là đường Sương Nguyệt Anh, nhà của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho mượn) để trực tiếp bàn bạc với những người bạn Pháp.

Năm 1948, cao ủy Pháp Bollaert mời viện sĩ Georges Duhamel, tổng thư ký Viện hàn lâm Pháp, qua Việt Nam để “lên dây cót tinh thần” cho số công chức và các nhà khoa bảng thân Pháp, không ưa kháng chiến.

Nhưng ông Michel Nguyễn Văn Vĩ, chủ tịch Liên hiệp lao động trí thức Nam Bộ, tìm cách mời ông Duhamel đến gặp các nhân sĩ, trí thức yêu nước tại nhà của luật sư Trịnh Đình Thảo. Thay mặt gần 200 người dự buổi tiếp tân ấy, ông Vĩ nói: “Tôi được trường học Pháp đào tạo, có vợ Pháp. Tất cả đều khiến tôi gần với nước Pháp, nhưng chánh sách của Pháp ở Việt Nam bắt buộc tôi phải xa nước Pháp và trở về với dân tộc của tôi”(12).

Ông Duhamel chăm chú lắng nghe và tỏ ra cảm động. Ông nhận định: qua buổi gặp gỡ này “ông mới thấy rõ sự thật là đa số trí thức đều đứng sau kháng chiến”.

Tháng 3-1949, Đảng Xã hội Pháp cử Alain Savary, ủy viên trung ương Đảng xã hội Pháp, sang Việt Nam để tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh. Nhà văn Thiếu Sơn, luật sư Trịnh Đình Thảo và dược sĩ Nguyễn Văn Liễn(13) đưa A. Savary vào chiến khu Đồng Tháp để gặp các nhà lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ như luật sư Phạm Văn Bạch (chủ tịch), luật sư Phạm Ngọc Thuần (phó chủ tịch), tướng Nguyễn Bình (ủy viên quân sự), luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (giám đốc Sở Thông tin), kỹ sư Lê Tâm (trưởng phòng quân giới)… Cuộc đối thoại diễn ra chân thành và cởi mở.

Cuối buổi tiếp tân, A.Savary nâng ly chúc “Kháng chiến được nhiều may mắn” và tướng Nguyễn Bình đáp lại “Nước Pháp xã hội chủ nghĩa muôn năm”.

A. Savary hứa sẽ chuyển những đề nghị của các nhà lãnh đạo kháng chiến tới chính phủ Pháp và Ban chấp hành Đảng Xã hội Pháp(14).

Về lại Pháp, A. Savary báo cáo với tổng thống Pháp Vincent Auriol rằng “Chính phủ kháng chiến [Việt Nam] không phải là một chính phủ [toàn bộ là] cộng sản, vì có nhiều nhà tư sản, bác sĩ, luật sư trong bưng biền”(15).

Tiếp tục ra chiến khu

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng kể: “Tôi quyết định ra khu kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp thì mới giành được độc lập, tự do… Tôi bàn với vợ tôi và thưa với nhạc gia tôi: Nhiệm vụ của công dân Việt Nam là phải đi kháng chiến chống Pháp, chừng nào giành được độc lập, tự do mới về… Tôi sắp xếp công việc gia đình… Tôi được hẹn ra An Nhơn có người đón… Ngày hôm sau có giao liên đưa tôi đi. Khi đi bộ, lúc đi xuồng, gặp khúc đường lầy phải lội nước… Đi mấy ngày mới tới cơ quan của Ủy ban Nam Bộ đóng ở kinh Dương Văn Dương… Sau đó, tôi nhận được quyết định có chữ ký của Hồ Chủ tịch cử tôi làm ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ kiêm giám đốc Sở Y tế Nam Bộ”(16).

Một nhân sĩ trí thức nữa ra chiến khu sau Chỉ thị số 4/NV là ông Phan Văn Chương, được nhiều người biết đến vì ông đã lớn tuổi (55 tuổi), làm công chức cho Pháp trong 35 năm, được phong đốc phủ sứ, phó đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sống phong lưu trong lầu son gác tía, nhưng ông không quên cái nhục mất nước. Trong thư gởi nhà cầm quyền Pháp trước khi ra đi kháng chiến, ông viết: “Tự do của một quốc gia phải được giành lại bằng máu biết bao người… Như vậy, người Việt Nam thành thật yêu nước không thể nào hợp tác được với người đi cướp nước của mình. Để giành lại tự do cho đất nước, chỉ có kháng chiến và phải kháng chiến. Tôi hy vọng rằng sẽ gặp lại các ông trong một ngày gần đây với một tư thế khác”(17).

Sáng ngày 21-9-1947, ông rời Sài Gòn. “Xe qua bót Phú Lâm, trước mắt tôi là cánh đồng mênh mông trải dài. Phía xa xăm kia là Đồng Tháp Mười, nơi mai mốt đây tôi sẽ đến và sẽ ở đó. Có cái gì đó rạo rực trong lòng tôi”(18).

Các nhà lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ đón tiếp ông một cách niềm nở, tin tưởng ở lòng yêu nước chân thành của ông, trân trọng mời ông giữ chức vụ đổng lý văn phòng Ủy ban.

Ngày 30-10, báo Cộng đồng (xuất bản công khai ở Sài Gòn) đăng lời tuyên bố của ông: “Trong cái thảm kịch đổ máu và tàn phá xứ sở của chúng tôi đã bao năm nay, tôi luôn luôn hy vọng rằng nước Pháp của Cách mạng 1789 - cây đuốc văn minh, kẻ dẫn đầu về sự tự do cho các dân tộc - có thể chiến thắng được sự ích kỷ của bọn lý tài. Hỡi ôi! Bây giờ tôi mới biết toàn là ảo tưởng cả. Vì vậy, tôi nhất định xa lìa một sở cai trị mà tôi không thể chia sớt những ý tưởng, để theo cùng với đồng bào tôi ra bưng biền kháng chiến”.

Báo Nay… mai (cũng xuất bản công khai ở Sài Gòn) ra ngày 5-11 đăng bài trả lời phỏng vấn của ông: “Tôi ra bưng biền được một tháng rồi, có dịp đi quan sát để biết sự thật. Tôi lấy làm ngạc nhiên và vui mừng mà thấy sự tổ chức các cơ quan rất chu đáo… Có một điều làm tôi chú ý nhiều là Chánh phủ dùng mỗi người tùy theo sở năng, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, và mỗi khi có điều chi trọng hệ thì hết thảy những người có thẩm quyền đều hội lại, bàn cãi, mọi người có quyền tự do bày tỏ ý kiến mình, rồi do đa số định đoạt”.

Thoát ly tham gia kháng chiến, ông từ bỏ mọi thói quen, nếp sống ngày trước. Những người gặp ông trong bưng biền đều nhận xét: “Ông luôn có một nếp sống giản dị, thanh bạch, không dính dấp một chút nào đến cảnh sống cao sang, quyền quý của một đốc phủ sứ, cùng ăn uống, lao động tự túc lương thực với anh em [trong chiến khu], khi đi công tác cũng ngủ nóp như anh em…”.

Tiếng lành đồn xa, nếp sống khắc khổ, trong sạch của ông đã lôi cuốn được nhiều người và càng tăng thêm uy tín của kháng chiến”(19), “ông đầu râu tóc bạc mà chèo xuồng rất khỏe… ông thường mặc quần xà lỏn hơn quần dài, sợ mặc quần dài hao vải, nên muốn tiết kiệm cho kháng chiến”(20).

Đốc phủ sứ Chương không phải là trường hợp duy nhất. “Có hàng chục đốc phủ sứ và quận trưởng ở Nam Bộ ra đi kháng chiến”(21).

Đợt ra chiến khu ồ ạt năm 1947 chưa phải là đợt cuối cùng. Trong những năm sau, một số nhân sĩ trí thức bị lộ, không còn khả năng hoạt động công khai hợp pháp ở nội thành, lần lượt thoát ly, như: Vũ Tùng (giữa năm 1948), Thiếu Sơn (tháng 7-1949), Dương Tử Giang (1950) v.v…

Từ năm 1950, cuộc kháng chiến trở nên khốc liệt, vì Mỹ giúp Pháp ngày càng nhiều: riêng trong năm 1954, Mỹ viện trợ cho Pháp 1 tỉ 115 triệu đôla(22), trả 78,25%(23) chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Nhưng với tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, cuối cùng nhân dân ta đã giành được thắng lợi. Đóng góp của nhân sĩ trí thức Sài Gòn - Gia Định vào chiến thắng lịch sử ấy là xứng đáng.

Ngày nay, tất cả những nhân sĩ trí thức mà chúng tôi nhắc đến trong loạt bài này đều đã trở về với Đất Mẹ. Nhưng những suy nghĩ và hành động của họ trong cơn quốc biến đều đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau ngưỡng phục và noi theo…

 

_____

(1) Nguyễn Văn Hưởng, “Từ một ước mơ”, Một mùa Thu nhớ mãi, NXB Văn nghệ TP.HCM, tr.73.

(2) Nguyễn Văn Hưởng, “Nhớ lại và mong ước”, Hành trình một đời người (nhiều tác giả), NXB Trẻ, tr.29.

(3) Trần Cửu Kiến, “Anh Huỳnh Tấn Phát - người bạn và người thầy của tôi”, Làm đẹp cuộc đời (nhiều tác giả), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.184.

(4) Trần Cửu Kiến, “Anh Huỳnh Tấn Phát - người bạn và người thầy của tôi”, Làm đẹp cuộc đời, sđd, tr.187.

(5) Về sau bị lộ, địch tịch thu nhà của kiến trúc sư Hoàng Hùng làm đồn cảnh sát, gọi là “bót Hoàng Hùng” (Làm đẹp cuộc đời, sđd, tr.177).

(6) Bà Phạm Ngọc thạch người Pháp, tên Marie Louise, Sau khi bác sĩ Thạch thoát ly tham gia kháng chiến, bà nhường căn nhà số 106 đường Léon Combes (nay là Sương Nguyệt Anh) cho nhóm Văn hóa mácxít (Groupe Culturel Marxiste), dẫn hai con về sống ở phòng khám bệnh trước đây của bác sĩ Thạch, số 202 đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai).

(7) Nguyễn Văn Hưởng, “Nhớ lại và mong ước”, Hành trình một đời người, sđd, tr.29.

(8) Hoàng Quốc Tân, “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trước những thời điểm lịch sử”, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cả nước tôn vinh anh, NXB Văn học, Hà Nội, 1995, tr.56.

(9) Trần Đình Vân, “Một luật sư nhiệt tình bảo vệ những người kháng chiến”, Sống mãi với đô thành (nhiều tác giả), CLB Truyền thống Vũ trang TP.HCM, 1991, tr.62.

(10) Hoàng Xuân Bình, “Người anh kháng chiến của tôi”, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cả nước tôn vinh anh, NXB Văn học, Hà Nội, 1995, tr. 64-65.

(11) Trần Cửu Kiến, “Anh Huỳnh Tấn Phát, người bạn và người thầy của tôi”, Làm đẹp cuộc đời, sđd, tr.191.

(12) Thiếu Sơn, “Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào”, Nghệ thuật và nhân sinh, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.490.

(13) Trong hồi ký Suy nghĩ và hành động (sđd, tr.20 và 23), luật sư Trịnh Đình Thảo viết tắt tên của dược sĩ này là NVL. Nhưng trong hồi ký Décolonisation du Viet Nam - Un avocat témoigne (NXB L’Harmattan, Paris, 1994) ở các trang 82 và 84, ông lại nhớ nhầm là dược sĩ Trần Văn Luân.

(14), (15) Trịnh Đình Thảo, Décolonisation…, sđd, tr.83.

(16) Nguyễn Văn Hưởng, “Nhớ lại và mong ước”, Hành trình một đời người, sđd, tr.30, 31.

(17), (18) Phan Văn Chương, “Trở về”, Một mùa Thu nhớ mãi, sđd, tr.167, 168.

(19) Huỳnh Văn Tiểng, “Đời tôi với những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến”, Nam Bộ thành đồng tổ quốc, đi trước về sau (nhiều tác giả), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.178-179.

(20) Thiếu Sơn, “Nợ bút nghiên hay nghĩa đồng bào”, Nghệ thuật và nhân sinh, sđd, tr.543.

(21) Huỳnh Minh Hiển, “Những kỷ niệm sống và làm việc ở Văn phòng Trung ương cục miền Nam và Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ”, Nam Bộ thành đồng tổ quốc, đi trước về sau, sđd, tr.212.

(22) The Pentagon Papers, ấn bản của thượng nghị sĩ Mike Gravel, NXB Beacon Press, Boston, 1971, tập I, tr.91.

(23) Alain Ruscio, Les communistes français et la guerre d’Indochine, NXB L’Harmattan, Paris, 1985, tr.210.

PHAN VĂN HOÀNG