Bội thực game show…
Theo thông tin từ c21media.net, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu format (định dạng) nước ngoài nhiều nhất khu vực châu Á năm 2015. Không chỉ nhập nhiều mà còn nhập nhanh, đến mức có những format còn trên giấy đã được đặt mua.
Năm 2016, chỉ tính riêng khung giờ buổi tối, đến nay THVL1 có đến 27 game show phát sóng. Chưa kể những chương trình cũ đang phát sóng, năm nay HTV cũng ra mắt một loạt món mới như Căn hộ trong mơ, Tuyệt chiêu siêu diễn, Biến hóa hoàn hảo, Giải mã cơ thể, Siêu bất ngờ, Siêu hài nhí... Còn VTV9 có Ai tỏa sáng, Tài năng DJ, X-show, Siêu mẫu nhí... Hầu hết chương trình đều mua từ nước ngoài.
Game show được các nhà đầu tư giăng lưới khắp nơi: các chương trình ca hát thì vô số, bắt đầu là Sao mai điểm hẹn đến Giọng hát Việt, Thần tượng Âm nhạc, Solo cùng Bolero, Thần tượng Bolero, Hãy nghe tôi hát, Ngôi sao phương Nam, Hát vui vui hát… Chương trình Gương mặt thân quen mùa đầu tiên của VTV3 được khán giả ái mộ vì sự mới lạ của nó thì ngay sau đó Người hóa thân số 1 (phiên bản gốc mua từ Mexico), Ca sĩ giấu mặt, cũng thi hát bắt chước giọng nghệ sĩ tiếp tục lên sóng THVL. Gương mặt thân quen mới kết thúc trên VTV3 thì ngay sau đó HTV7 tung Biến hóa hoàn hảo và VTV9 tung Ai tỏa sáng? cũng là hình thức thi bắt chước các nghệ sĩ nổi tiếng… Và bây giờ, trên HTV7, có đến hai chương trình thi hát nhép giả giọng nghệ sĩ là Kỳ phùng địch thủ và Tuyệt chiêu siêu diễn. Trẻ em cũng bị cuốn vào cơn lốc này, người lớn có Giọng hát Việt, Gương mặt thân quen, Siêu mẫu, Thần tượng âm nhạc thì trẻ em có ngay Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen nhí, Siêu mẫu nhí, Siêu hài nhí, Thần tượng âm nhạc nhí… Những mùa đầu những chương trình dành cho các em, ban tổ chức còn đợi đến hè, nhưng hiện nay thì gần như suốt năm, lúc nào cũng thấy các em nhỏ lên sóng, bất kể các em có đến trường được hay không khi bị cuốn vào cơn lốc này?! Đó là chưa kể những lời tâng bốc các em đến mây xanh của các thành viên Ban giám khảo khi giành giật các em về với đội mình, Trẻ con hát mà vị nào cũng kêu lên “Nổi da gà”, Rợn tóc gáy” và tôn các em lên như là thiên tài... làm khán giả hết sức ngỡ ngàng vì những lời quá lố như thế... Điều đó hết sức phản giáo dục đối với những đứa trẻ còn quá ngây thơ không thể biết đó chỉ là những chiêu trò để câu khách mà thôi.
Game show kinh dị và hài nhảm tràn lan…
Do quá nhiều chương trình ca hát trùng lắp nhau nên nhiều nhà đầu tư muốn tìm đến những chiêu mới lạ để lôi cuốn khán giả. Đó là những chương trình mang tính chất bạo lực, kinh dị khai thác sự sợ hãi để tạo tiếng cười cho khán giả xem truyền hình. Ví như chương trình Đố ai hát được khiến người xem rùng mình khi các nghệ sĩ trẻ tham gia chương trình phải trải qua những thử thách như phải lội qua thùng chứa huyết lợn, vượt qua các ô cửa chứa rắn, chuột, lợn... Đặc biệt, thí sinh còn bị đặt trong tình huống treo mình trên cao, từ từ bị thả vào một bồn nước chứa đầy rắn rết, trăn, cóc, nước đá… nhưng vẫn buộc phải hát đến hết bài. Các ca sĩ từ nam đến nữ đều khóc thét, cố vùng vẫy để thoát khỏi những con vật đáng sợ. Sau 10 tập phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV3, Đố ai hát được tạm ngừng một thời gian vì bị chỉ trích nhiều từ khán giả, nhưng sau đó chuyển sang phát sóng trên kênh HTV7.
Chương trình Ánh sáng hay bóng tối được phát sóng trên VTV3 cũng khiến người xem kinh hãi. Các thí sinh tham gia chương trình phải vục đầu vào bể nước để bắt cá bằng miệng, kéo miệng rộng hết cỡ để giữ hai thùng nước hai bên, vục đầu vào chậu bột mì pha loãng, hoặc cắn bóng bay chứa đầy các loại màu… Sau khi kết thúc các thử thách, thí sinh cũng lấm láp đầy màu, bột mì, khuôn mặt biến dạng.
Nhưng hài vẫn đang chiếm ưu thế với hàng loạt chương trình: 1.001 độ hót, Đấu trường tiếu lâm, Cười xuyên Việt, Diêm vương xử án, Làng hài mở hội, Danh hài đất Việt, Thách thức danh hài, Hội ngộ danh hài, Ơn giời, cậu đây rồi!...
Có thể nói, những chương trình game show hài hầu hết đều nhảm nhí với những cách chọc cười hình thể, thô thiển đến mức thô tục. Thách thức danh hài mùa thứ 3 đang bị khán giả phản ứng với người đoạt giải quán quân là Lê Tấn Lợi (biệt danh là Hot boy trà sữa). Trong vòng 1 phút người chơi phải làm cho 1 trong 2 giám khảo là Trấn Thành và Trường Giang bật cười thì chiến thắng. Lợi chỉ gọi người yêu của mình là mập địt thì Trấn Thành đã bật cười và lãnh trọn 150 triệu tiền thưởng trong sự kinh ngạc của hầu hết khán giả truyền hình. Không ai hiểu tại sao Trấn Thành lại cười được trong một pha diễn vô duyên đến thế? Ơn giời, cậu đây rồi! cũng là một chương trình hài thảm họa. Đây có lẽ là chương trình bị nhiều khán giả chỉ trích quá lạm dụng cảnh hôn, ôm trên sân khấu. Do người chơi không hề được biết trước tình huống mà chỉ diễn phản xạ theo bản năng nên người chơi phải dùng đến hình thể và các màn hôn hít, ôm ấp nhau… Đỉnh điểm có lẽ là những nụ hôn bị đánh giá là phản cảm của trưởng phòng Trấn Thành với khách mời Phương Trinh Jolie. Do chương trình không có kịch bản, người chơi phải ứng phó trước những tình huống bất ngờ nên nhiều lúc đã phát ngôn không kịp suy nghĩ và chỉ biết gây cười bằng sự nhảm nhí, thô tục. Trước nay các tiểu phẩm hài đều phải được đầu tư có kịch bản hẳn hoi, luôn hướng cái cười đến một ý nghĩa nhân văn. Nhưng cái cười ở đây hoàn toàn cơ học, như những màn bỡn cợt, tung hứng của các nghệ sĩ vô cùng thô thiển trước mắt hàng triệu khán giả trước màn ảnh nhỏ, đủ lứa tuổi, trong đó có trẻ con tâm hồn như tờ giấy trắng… Vì thế, để không vẩn đục tâm hồn con trẻ, cha mẹ chỉ có thể tắt truyền hình.
Trước “cơn bão” game show trên truyền hình hiện nay, NSƯT Hữu Châu vẫn đứng bên lề cuộc chơi vì tự nhận mình không phù hợp với thị hiếu này. Anh cho rằng nghệ sĩ đang giỡn mặt với khán giả vì xuất hiện trong chương trình nhưng lại không bộc lộ khả năng diễn xuất, và rằng “Thà xem thế giới động vật còn hơn xem game show”. Anh cũng chia sẻ lý do mình không nhận lời làm giám khảo game show: “Nếu làm giám khảo, tôi phải thỏa thuận với nhà sản xuất, chọn thí sinh này, loại thí sinh kia. Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen vì tiền thì ra ngoài tôi làm sao dám dạy ai nữa. Vì vậy tôi không nhận lời làm giám khảo game show”. Nhạc sĩ Thái Thịnh tỏ ra hết sức đồng tình, cho rằng đàn anh Hữu Châu đã nói hộ lý do mà nhiều nghệ sĩ không nhận lời ngồi ghế giám khảo game show truyền hình. Theo anh, những chiếc ghế giám khảo hoặc huấn luyện viên có nhiều người mơ ước, tìm cách để được ngồi nhưng cũng có không ít người tế nhị từ chối lời mời. “Trong đó, điều mà phần đông khán giả không hề biết, là các cuộc thi thố, chọn lấy hoặc loại bỏ thí sinh nào, các vị “giám khảo” hoặc “huấn luyện viên” không hề có quyền quyết định”.
Chia sẻ trên báo Thời đại, NSƯT Trịnh Kim Chi cho rằng, game show là một vấn đề nhức nhối của showbiz Việt hiện nay, nó oanh tạc nghệ thuật một cách không thương tiếc. Giữa game show và các môn nghệ thuật khác không phải là một cuộc chiến nữa mà nó đang chiếm vị trí độc tôn trên truyền hình. “Thời sân khấu vàng son, khán giả rất chịu khó đến rạp để được thưởng thức nghệ thuật còn hiện nay game show biến khán giả xem theo cách giải trí. Giờ khán giả tới sân khấu xem là phải vui, phải hài, nếu không đáp ứng được những yếu tố đó, họ sẽ không tới. Với sự ảnh hưởng khủng khiếp như thế thì game show thực sự rất đáng báo động”.
Khi bị phê bình hài nhảm ngày càng lộng hành trên sóng truyền hình, Trấn Thành đã phát ngôn gây sốc: “Nếu thấy chương trình quá nhảm, quí vị nên tắt tivi”. Rất nhiều ý kiến đã phê phán anh vì sự tự mãn này. Thực ra, đây không phải là chuyện cần tranh cãi giữa những nghệ sĩ hài và khán giả mà là vấn đề trách nhiệm lớn của cơ quan truyền thông (là các đài truyền hình) về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Thả nổi để cho hài nhảm tràn lan, cho những chương trình truyền hình thực tế vô bổ chiếm sóng, dẫn dắt thị hiếu công chúng ngày càng xuống thấp với những kiểu chọc cười thô thiển, ai sẽ chịu trách nhiệm với thế hệ tương lai?
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền!!
Không phải ngẫu nhiên những chương trình hài lại được các đài ưu ái chiếu dày đặc như vậy. Theo số liệu gần nhất từ công ty đo lường chỉ số khán giả (bao gồm cả Kantar Media VN và Vietnam TAM), hầu hết các chương trình có số lượng khán giả cao hiện nay đều rơi vào giải trí hài và ca hát.
Theo bảng giá công khai của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam, mức giá đối với quảng cáo 30 giây trên VTV3: Hòa âm ánh sáng giá 300 triệu đồng, Thần tượng âm nhạc Việt Nam 260 triệu đồng, Thần tượng bolero 250 triệu đồng, Song đấu 200 triệu đồng, Đừng để tiền rơi 180 triệu đồng... Nếu cứ tính theo mức giá quy định, mỗi tập phát sóng, doanh thu từ quảng cáo lên đến hàng chục tỉ đồng, chưa kể các chương trình có áp dụng tin nhắn bình chọn, phần lợi nhuận còn cao hơn, vì mỗi đợt nhắn tin bình chọn, nhà tổ chức thu được hơn 2 tỉ đồng. Vì thế, những giải thưởng vài trăm triệu cho Quán quân chương trình chỉ như muối bỏ biển.
Đó cũng là lý do phim truyền hình bắt đầu vơi đi gần như một nửa trên sóng truyền hình. Ngoại trừ Đài truyền hình Việt Nam vẫn còn giữ vững thương hiệu VFC (Hãng phim truyền hình VN) và không bị cơn sóng game show nhấn chìm, còn lại hầu hết các đài truyền hình cả nước đều bị ảnh hưởng. Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) đã ngưng làm phim từ tháng 5-2015, và mặc dù HTV có nhiều phim đã làm xong, nhưng do không có quảng cáo nên phải nằm trong kho chờ. Các công ty lớn trước nay vẫn là chủ lực sản xuất phim truyền hình như Sóng vàng, MT Picture, Sao thế giới... đã giảm một nửa số đầu phim. Bà Bảo Trâm, giám đốc Hãng phim Vietcom, công nhận hiện nay phim Việt không còn được chú ý như trước, lượng quảng cáo không đổ về phim nữa, nên công ty tập trung sản xuất 5 chương trình game show phát sóng trên VTV9, VTV3 và THVL…