Thực ra bức tranh cuối cùng của ông vẽ chân dung tôi năm 1994 khi tôi lại quay về Đức. Khi ấy ông trực họa trên bếp nhà tôi. Vẽ một lát ông buồn rầu nói, cái tay không nghe cái đầu. Nói rồi thẫn thờ ra mặt và quăng bút không bao giờ vẽ nữa.
Thuộc lứa họa sĩ Đông Dương khóa 3 (1930- 1936), ông thành công ở hai lĩnh vực lụa và sơn khắc. Năm nào triển lãm mỹ thuật Việt Nam đầu tiên sau hòa bình, ông khắc bức Xuân Hồ Gươm đoạt giải 3. Ông vẽ ít. Là giảng viên tại Trung cấp Kiến trúc Hà Đông (nay là Đại học Kiến trúc), cha tôi lo dạy bao nhiêu giờ, đào tạo lứa kiến trúc trẻ sau cách mạng. Năm nào ông cũng giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua với tư cách giáo viên vẽ truyền. Với lại, giấy đâu, màu đâu; nuôi 7 miệng ăn, 5 đứa con biến lao động nghệ thuật hội họa bỗng dưng thành thứ xa xỉ ở một họa sĩ Đông Dương rất cầu toàn.
Tôi hay nghĩ về người cha kính yêu của mình, trêu yêu, gọi ông là: “Người họa sĩ bị lãng quên”. Thực tế, ở Hà Nội, ít ai nhắc tới tên ông, thậm chí xướng tên ông lên, người ta ngơ ngác. Ông thì chả buồn đâu, nhưng tôi, đứa con thứ hai của ông cứ vơ vẩn buồn.
Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, học khóa 2. Ông Ngôn học dang dở thì ốm hai năm, lưu ban, học cùng lứa khóa 3 với cha tôi. Hai người kết nghĩa anh em. Hơn cha tôi hai tuổi, ông là anh. Ông kể với tôi, đứa con thứ của bạn mình: “Thọ này, cha cậu ngày xưa gọi là Thiệu Kỹ, Thiệu Hiền. Trò cưng của Vistor Tardieu”.
Thi vào Đông Dương năm ấy, Pháp cho đậu lấy 6 người toàn xứ Đông Dương, bao gồm Việt Nam, Ai Lao (Lào), Căm Bốt (Campuchia). Sau 6 người lại thêm ông Ngôn là 7. Cha tôi dự bị hai năm, đậu ngay vào Boda cũng là kỳ lạ. Những trò vào học trường này toàn con nhà giàu. Nhà tôi gia thế không quá giàu có. Năm ấy, ông nội tôi gom góp bán 60 thùng thóc cho con trai tên Thiệu lên Hà Thành ăn học. Thương bố mình, cha tôi cố học, vẽ vời và được nhận học bổng toàn phần. To lắm. Người Pháp lo xây dựng cấu trúc một hệ thống trí thức bấy giờ rất quy củ và thận trọng, chọn lựa nhân tài. Không ồ ạt đào tạo họa sĩ nhân dân.
Ngày cha tôi mất, mùa xuân 2001, Hoàng Lập Ngôn gầy guộc, thanh hao, từ Bờ Hồ bay xuống Chợ Giời, vội chạy tới bên quan tài kêu thảm thiết: “Thiệu ơi, Thiệu em ơi”. Tiếng kêu xé lòng của bạn bè, người anh em. Họ đấy, giới trí thức xưa cũ, thủy chung bên nhau, vui buồn, hạn họa. Tiếng gọi của cụ Ngôn vọng theo tôi mãi, cứa vào lòng tôi bao năm trời.
Là anh, ông Ngôn tay chơi Hà Thành cũ, nổi tiếng với xe ngựa Mê Ly, tới già vẫn phá cách, vẽ ký họa phiêu linh, thiên hạ đặt cho danh: Tinh Tướng Họa. Cha tôi hiền. Vẫn chủ trương mỹ thuật kinh điển. Kiên trì đuổi theo cái tuyệt kỹ của những gì các thầy Pháp đã dạy ở sơn dầu, sơn khắc và lụa.
Bức tranh Những người yêu ca trù, ông vẽ một năm, từ phác thảo bột màu, thêm một năm, tới hoàn thành, muốn lưu lại cho hậu thế biết, ở Hà Thành còn một thứ văn hóa cao cấp, thức dậy sau cơn ngủ vùi từ các trí thức cũ, vực sống dậy sau chiến tranh. Nhân vật trong tranh đều có thật. Có thật như đời sống bấy giờ, các bậc cao nhân và tao nhân hay tụ tập ở nhà tôi, nghe đàn cha tôi chơi, nghe hát các bậc kỳ nhân như cụ Quách Thị Hồ, cụ Nguyễn Thị Phúc và sau này có lứa bậc con cháu là bà Kim Đức, là nhân vật chính trong tranh, mặc áo dài màu ngọc bích.
Khách là ai? Là các nhạc sĩ, thi sĩ, những bậc trưởng lão rường cột văn hóa Hà Nội, như Cụ Ban Hán - Nôm. Thi sĩ Trần Lê Văn có dịp tới nghe tắc tỏm nhớ mãi lưu giữ một giọt đàn, một nhịp phách, một giọng kỳ nữ xênh xang bay vào không gian tù túng, sặc mùi chợ búa giữa Chợ Giời, trên gác xép nhà họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Và thi sĩ yêu bạn thơ, bạn họa vong niên, nên yêu cả con của bạn, mà dạy tôi, nhủ tôi, thư tay, nhờ đạo diễn Trần Văn Thủy mang sang Đức, trao tận tay cho đứa con thứ hai của bạn họa sĩ. Dặn, gắng đường văn. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Khoát sống bên kia tường khu nhà tập thể, năm 1960 dựng lên trên nghĩa địa Tây, tìm tới cha tôi, ghi lại các bài ca trù cổ, khi cha tôi xướng ngũ cung. Ghi lại bằng nhạc lý cơ bản của phương Tây - tân thời, bảy nốt, thăng giáng...
Với cha tôi, các tác phẩm như từng đứa con lẫn đẫn ra đời. Bức Quê hương ông vào Sài Gòn vẽ, là bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam đầu tiên (4m dọc, 6m ngang), do chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ đặt vẽ đầu thập kỷ 50. Nhiều trí thức từ phương Bắc vào Nam sinh nghiệp. Cha tôi vẽ Quê hương đủ cả đình làng, cây đa, nông dân cấy cày, con trâu, cổng làng ngụ ý mang Bắc Kỳ vào tận Sài Gòn.
Tranh treo ở Nha Kiến trúc qua bốn, năm đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa, đến thời ông Diệm bị cạo mất tên, bởi lý do giản đơn là tranh này của họa sĩ Việt Cộng ở lại Bắc không chịu di cư. 40 năm chia cắt đất nước, tôi và Nguyễn Thước (con thứ ba - đạo diễn phim tài liệu) gom tiền mua vé máy bay cho ông bay vào tìm con. Nhà quay phim trẻ Đinh Anh Dũng dẫn đường, theo địa chỉ bạn bè cũ của cha tôi, giới họa sĩ, kiến trúc sư do Pháp đào tạo mách cho. Tôi chưa khi nào thấy cha mình vui như vậy. Ông về, cười cười rưng rưng, ngậm ngùi kể về đứa con mình bị lãng quên, xa cách bao nhiêu năm. Ông sờ tay lên mặt tranh, đứng im nhìn nơi bị cạo tên. Người lãnh đạo, lứa học trò cha tôi hôm đó đề nghị ông ký lại vào tranh, nơi góc xưa đã có chữ ký, ông đã từ chối.
Khoan hãy nói về nó, một câu chuyện cần kể lại cho tường, đóng góp vài nét về lịch sử hội họa lứa Đông Dương.
Quay lại bức tranh lụa Những người yêu ca trù, cha tôi nói, bà Kim Đức hôm ấy không mặc áo dài màu ngọc. Chậu Quỳnh cũng thực ra đâu có ở đó, nó nở chậm đêm qua ngoài nóc bếp. Khách âm nhạc tới nhà tôi, trải chiếu hoa xuống đất, quây quần bên nhau giữa nhà chính sảnh, nghe bà Kim Đức, Đệ nhất phách Hà Thành bấy giờ, nhẩn nha hát ca trù. Thường ra khi cụ Quách Thị Hồ hay cụ Nguyễn Thị Phúc ca, cha tôi vẫn đàn đáy, họa sĩ Nguyễn Đức Khoát cầm chầu. Thi thoảng vắng ông Khoát, thì Cụ Ban Hán - Nôm cầm chầu thay. Tao nhân quây bên ca kỹ nghe, nuốt lấy từng lời, nghe từng nhịp thở, để mà từng vị khách, mỗi người đuổi theo một suy ngẫm. Nghệ thuật lời ca trù, hay tựa vào các thi phẩm cổ, các bài ca dân gian, lục bát hay các thi phẩm nặc danh sâu xa ý lý, đòi hỏi người nghe cần có tri thức, cần đủ kiến văn. Điều ấy buộc tao nhân phải hiểu để mà yêu, phải thẩm thấu. Phải tường cả đường đi nước bước. Nghe Quách Thị Hồ hát nhả lời rõ chữ, hơi khí rõ ra từng câu, từng lời là cách hát không hề đơn giản. Không hề đơn giản khi cụ thoát xác ở xác chữ mà gửi rõ cái tâm hồn cụ bà rõ từng sắc thái trong từng âm tiết để cụ bà nhả ngọc phun châu.
Trong bức tranh này, theo một người hậu sinh, người cầm chầu hôm đó là “cố thi sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Linh Ngọc, được mệnh danh là Đệ nhất trống chầu”. Ông Khoát hôm đó, người mặc áo trắng bên phải cha tôi, sao không cầm trống chầu? Tất cả những người yêu ca trù đều đã khuất cả rồi, biết tìm đâu mà hỏi?
Bức tranh này cha tôi rất yêu quý, vì nó là họa phẩm cuối cùng của đời ông. Đứa con cuối cùng.
Mùa đông 2001. Tôi nghe tin cha trọng bệnh, hốt hoảng bay từ Đức về. Là con thứ, nhưng tôi yêu và kính cha, nên gần gũi. Bạn bè họa sĩ lứa Đông Dương, cha tôi chỉ quan hệ, thân thiết với cụ Trịnh Hữu Ngọc, Hoàng Lập Ngôn. Cụ Trịnh Hữu Ngọc ra đi, cha tôi đau buồn báo tin qua điện thoại. Cụ Hoàng Lập Ngôn hay di động, thi thoảng ghé thăm em Thiệu, khoe một chuyến bay với ai là xuân thì mười tám, đôi mươi; đa tình quá yêu gọi nàng là “Kiều xuân 19 cái xuân xanh”; khoe bảy hơi thở Yoga là đáp phi cơ an toàn xuống Sài Gòn. Hớn hở như trẻ nhỏ, cụ khoe cái tranh vẽ một bà Thụy Điển nào đó. Tranh tên là Mộng mơ và, lĩnh về cái xe đạp Pháp. Chao ơi, sang Pháp, tôi lần mò thấy nó giá chỉ 400 franc. Đóng thùng, tiền gửi thêm 300, 400 nữa là cùng. Một bức tranh vẽ cả năm, rào rạt cảm hứng, ào ạt niềm say mê của một danh họa Hà Thành có tên: Hoàng Lập Ngôn.
Con rồng xanh Hoàng Lập Ngôn khi ấy, bay lượn khắp nơi, di động như thời thanh niên, nên ít khi nằm lại ở Hà Nội, vì thế xa bạn họa, cha tôi chỉ quây quần với bạn bè âm nhạc. Thứ âm nhạc cao cấp, bác học ấy làm đời sống bớt mỏi mòn, quên đi nặng nhọc, đói khổ của lứa trí thức già, cùng chung hệ lụy với con cháu, sau cuộc chiến.
Năm ấy mưa cứ rả rích suốt. Trên cái gác xép nhỏ ấy đêm đêm nằm nghe rõ tiếng mưa xuân lộp bộp rơi ngoài hiên. Cha tôi nói: “Đêm qua nghe mưa, cậu buồn quá”. Rồi ông lấy đàn xuống. Cái đàn đáy bao ngày nằm bẽ bàng ở góc xép. Ông gảy một tiếng đàn. Đấy là âm thanh cuối rơi ra, tan lẫn vào không gian nhà tôi.
Cha tôi rất hay đàn một mình. Có những tiếng đàn chiều muộn sao mà buồn ơi là buồn, có khi nhịp nhàng ông dồn tiếng ngọc vui ơi là vui. Thực tâm, nghe đàn ông, tôi đều biết ông đang vui hay đang buồn. Biết ông đang đàn, nghe tiếng đàn bay lên, tôi lên cầu thang nghe vào. Rón rén bước chân ấy, khẽ đẩy cửa xanh khép hờ ngồi lẹ lên cái đệm cỏ mà chú Thước mua từ miền ngược về.
Đêm ấy, tôi nằm bên ông, bên cái mép đệm và tưởng thấy cụ Quách Thị Hồ, cụ Nguyễn Thị Phúc. Cụ Phúc mất, khi cha tôi còn đây. Cụ Quách Thị Hồ thì trọng bệnh, mất sau cha tôi vài tháng. Có còn ai đâu đến xép nhà tôi nghe đàn đáy, hát cùng đàn của người cha tội nghiệp sinh ra tôi? Cụ Ban Hán - Nôm cũng đi rồi. Những người tri kỷ nhất của cha tôi về âm nhạc cũng đi hết vào cõi xanh cả rồi.
Nói về ca trù, tuổi thơ ngỗ nghịch của tôi là đám con cháu, có đâu dám nghênh ngang, chỉ dám chầu rìa. Khép nép và nhón nhén. Được lệnh ban ra, pha trà xong, được gọi ra giới thiệu với khách; nói là, cháu thứ hai đi đâu vừa về. Rồi sau này, lại nói cháu từ Đức về thăm nhà. Thế thôi.
Vậy mà nghe lén, nghe lỏm, nghe ghé... tôi cũng hiểu ít nhiều tiếng hát cùa các Kỳ nhân đệ nhất Thăng Long thành.
Quách Thị Hồ là ca kỹ nổi tiếng nhất một thời Hà Thành từ bao nhiêu năm tháng trôi trượt vượt bay qua thứ văn hóa bác học này. Tiếng ca của bà ở Hồng Hồng Tuyết Tuyết xứng với tiếng thần tiên từ trên cao thăm thẳm xa dội xuống. Lúc khoan lúc nhặt, tiếng đàn đáy như ngọc vỡ trầm đục thanh thiết nhẩn nháy theo nhịp phách rơi ra. Lại tiếng phách và sênh dồn nhau thi thoảng trống chầu tom chát, tựa như một dàn giao hưởng kỳ vĩ. Khai thông u buồn, khai sáng u minh, để người nghe thấy một câu chuyện không hề tục lụy. Cho kẻ hậu sinh này bước vào cõi khác, sống một đời sống khác. Dường như thoát tục mà khấp khởi áo xanh áo đỏ, chấp chới bay lên cùng tiếng hát của Kỳ nhân.
