HV114 - Dã tràng “hát” với biển trăng

Sóng biển muôn đời dạt dào. Gió đại dương muôn đời vi vút. Biết cơ man nào những con dã tràng muôn đời cần mẫn xe cát tìm mồi tạo nên các âm tiết hoang dã rồi tan biến trong những đợt sóng triều. Theo sách Khám phá biển(1), cách đây 4,5 tỉ năm trái đất được tạo thành từ những vật chất trong vũ trụ kết lại, rồi phải đợi hàng triệu năm sau các đại dương mới xuất hiện. Nước không ngừng những vòng tuần hoàn và tạo ra những vỉa san hô ở đáy đại dương. Từ các vỉa san hô ấy sinh ra hàng ngàn loài động vật giáp xác biết bơi, biết đi bằng hai chân. Chúng sống dưới đáy biển và tụ tập thành đàn đến hàng vạn con ở bãi cát, bùn non lầy lội ven bờ các vùng duyên hải Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

“Còng còng” là tên gọi chung để chỉ nhóm cua biển trong bộ giáp xác có mai cứng, yếm mềm, có năm cặp chân hoạt động cực kỳ nhanh nhạy như: con cua, cáy, dam, rạm, ghẹ, tôm hùm... Em út bé nhỏ nhất trong nhóm là con còng còng, chỉ bằng đốt ngón tay người. Không biết cái tên “dã tràng” nó được mang từ bao giờ. Phải chăng cái tên thoạt nghe đã gợi nên sự bi ai buồn thảm ấy bắt nguồn từ truyện cổ tích truyền tụng trong dân gian: “Dã tràng xe cát biển Đông” không? Truyện kể rằng trong vườn của một ông già, tên là Dã Tràng, có cái hang rắn hổ mang. Một hôm con rắn chồng bò ra một mình, rắn vợ nằm cuộn trong hang vì mới lột. Lúc sau rắn chồng bò về miệng cắp một con nhái đút cho vợ ăn. Ít lâu sau rắn chồng lột, rắn vợ bò đi tìm mồi nuôi rắn chồng. Lúc rắn vợ trở về có một con rắn đực bò theo. Rồi hai con quấn lấy nhau như bện dây thừng trước cửa hang. Xong, con rắn hổ mang đực hăm hở bò vào hang. Dã Tràng nghĩ có thể nó sẽ làm điều ác với con rắn chồng đang ốm yếu. Ông giương nỏ bắn con rắn đực hoang tình. Nhưng chẳng may mũi tên trúng đầu con rắn vợ... Một hôm trong bữa cơm chiều, ông Dã Tràng kể lại chuyện đó cho vợ con nghe thì có con rắn hổ mang phì phì trên xà nhà, rồi nhả xuống một viên ngọc. Giữa đêm khuya viên ngọc phát ra tiếng nói “Ông là ân nhân của tôi. Trước đây tôi cứ ngỡ ông là kẻ thù, tôi tìm đến báo oán. Nhưng bây giờ đã rõ chuyện, tôi xin biếu ông viên ngọc quý này. Ông đeo nó bên mình thì nghe được tiếng nói của muôn loài chim muông...”.

Một hôm ông Dã Tràng nghe được tiếng lũ chim sẻ rủ nhau bay lên vùng biên ải ăn thóc gạo, vì nước láng giềng động binh sang đánh, xe chở lương thực sụt đổ bên sông. Dã Tràng báo tin đó với triều đình. Vua đem quân lên chống giữ ngăn chặn được cuộc chiến tranh... Một lần khác, Dã Tràng đến chơi nhà người bạn thân. Đêm ông nghe được vợ chồng nhà ngỗng sụt sùi than khóc với nhau ngày mai sẽ phải chết không bao giờ được gặp đàn con nữa. Sáng sớm Dã Tràng nói với người bạn “Tôi có trọng bệnh phải kiêng ăn thịt ngỗng”. Vợ chồng bạn dọn cơm với đĩa tép đãi Dã Tràng. Lúc khách rời nhà, vợ chồng nhà ngỗng đi theo. Con ngỗng chồng khạc từ cổ ra một viên ngọc báo ơn, nói: “viên ngọc này sẽ giúp ngài đi khắp thiên hạ qua sông biển cũng như đi trên đất bằng vậy...”. Để nhớ ơn thế mạng, từ đó loài ngỗng không ăn tép và trên đầu mọc lên một cái mào trắng để tang cho loài tép.

Biết Dã Tràng có ngọc quý, Đông Hải Long Vương muốn cướp đoạt, đã xuống chiếu: Ai đưa ngọc quý đến dâng, đàn ông thì được phong làm Tể tướng, đàn bà được phong làm Hoàng hậu. Vợ Dã Tràng đã trộm túi ngọc của chồng dâng lên Đông Hải Long Vương. Dã Tràng tức giận, suốt ngày dài đêm vắng ông miệt mài xe cát lấp biển mong thành con đường đi xuống Thủy phủ gặp Long Vương để đòi lại ngọc quý. Ông già làm việc đó đến lúc kiệt sức chết hóa thành con còng còng. Dân gian gọi là con dã tràng “xe cát biển Đông/ Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”...

***

Theo Bách khoa toàn thư mở, dã tràng có tập tính xe cát thành từng viên để tìm thức ăn, khi thủy triều xuống. Thức ăn của dã tràng là xác tôm tép, rong rêu, xác cá nát vụn lẫn trong cát. Trong cuộc sinh tồn, dã tràng có những động tác rất lạ lùng và thú vị. Đó là hai chiếc càng to phía trước của nó hoạt động nhịp nhàng như hai chiếc máy xúc đào hất cát lên, bốn cặp chân sau của nó mềm mại đón cát. Miệng nó phun vào cát những bong bóng nước bọt như để lựa chọn tiếp nhận mồi và “tăng chất phụ gia” để xe thành viên tròn trĩnh, đều đặn như đúc nén trong một khuôn lò. Chừng vài giây đồng hồ lại có một viên cát ướt lẫn cả sạn biển được “chế tác rất nghệ thuật” đặt nhẹ nhàng xuống quanh cái hang lỗ của nó. Rồi cứ thế những viên cát được xếp rộng vòng ra bằng cái mâm ăn cơm, bằng cái nong phơi tôm, cá. Khi vòng tròn viên cát giáp với “lãnh địa” của đồng loại thì cũng vừa lúc sóng triều lên. Con sóng như những cái lưỡi tàn nhẫn cuốn đi tất cả “công trình nghệ thuật” ấy của nó, thì nó chui xuống hang hầm hình xoắn ốc ẩn náu. Dã tràng nằm nhấm nháp thức ăn, kiên tâm chờ vầng trăng, mặt trời, biển cả tạo con nước triều ngày mai rút xuống. Và, có thể chưa nhiều người biết điều bí ẩn đến kỳ diệu này của con dã tràng. Đó là mỗi con “trời ban” cho nó một “bộ máy khí tượng thủy văn” gắn ở chân. Các cặp chân của dã tràng đều được phủ một lớp lông. Lớp lông đó giúp nó phát hiện con mồi, thăm dò mặt cát, đo nhiệt độ của nước, biết chừng thủy triều lên, sớm phát hiện tiếng động từ xa để chui xuống hang ẩn náu. Trong biển đêm mịt mùng sóng gió, “chàng” dã tràng đã dùng đôi càng to phía trước gẩy vào mai cứng tạo nên các âm tiết như tiếng đàn để quyến rũ bạn tình đến. Nên có những vùng biển, bà con gọi nó chung tên với loài cua vĩ cầm. Tuy “đa tình” vậy nhưng dã tràng có tập tính sống “cô đơn” trong “lâu đài” xoắn ốc. Mỗi “lâu đài” chỉ có một con sinh trú. Những đêm trăng sáng mùa biển ấm, chàng ta “gẩy đàn” gọi bạn tình đến. Tàn cuộc vui thì “nhà” ai nấy về yên phận ở, chờ nghe “tiếng đàn” gọi tình dưới trăng khuya chúng lại đến với nhau. “Nàng” dã tràng mang bầu đến hàng nghìn quả trứng. Mỗi quả chỉ nhỉnh hơn hạt cát biển. Ấu trùng dã tràng nở ra trôi dạt vào đám phù du làm mồi cho đồng loại, chỉ có một phần rất nhỏ trưởng thành là dã tràng con.

Từ xa xưa những người dân đánh cá trên biển đã bắt được “cái thần” của loài giáp xác hoang dã này. Họ đã gắn những điều tinh tế ấy vào tính cách của những ai quanh mình để thuận cho việc giao tiếp hàng ngày. Ví như người có tính ngang như cua, nhát như cáy; người có mồm mép như tép nhảy; đôi trai gái không rời nhau thì được ví như đôi sam; kẻ sống lộn xộn tình cảm trong họ hàng hoặc hỗn láo với bậc sinh thành thì gắn cho “mác đen” họ nhà tôm phân lộn lên đầu. Người có tính xấu hổ e thẹn hay lánh mặt thì được ví như con dã tràng luôn ẩn mình trong “lâu đài” cát... Thế nhưng theo các nhà nghiên cứu tâm lý con người thì riêng điều sau cùng này chưa chuẩn, vì loài vật không hề biết xấu hổ. Xấu hổ là một trạng thái nhận thức của con người. Con người là loài động vật duy nhất sống trên trái đất này biết xấu hổ. Cha đẻ của thuyết tiến hóa nhân loại(2) nói xấu hổ là hành vi đặc thù của loài người so với cầm thú. Vì khi con người biết mình làm những điều không hợp với chuẩn mực thông thường, sai đạo lý, trái lương tâm, tham lam, gieo điều ác, tiếng xấu cho đồng loại... thì biết xấu hổ, nếu không nhận thức được điều đó thì họ chưa thoát ra loài cầm thú. Con dã tràng hoang dã thì không phân biệt được điều đó.

***

Rạng sáng. Hừng đông tỏa ánh hồng xuống biển xanh. Triều lên muộn. Con sóng vô tư dập dờn mơn man bờ cát hiu quạnh trải rộng dưới chân đèo. Hằng hà sa số dã tràng mê mải với cuộc sinh tồn xe cát tìm mồi. Bạt ngàn những viên cát xếp trải kín bãi.

Đội tuần tra của Đồn biên phòng Mũi Gió (tỉnh Hà Tĩnh) dừng lại trước những dấu giày, vết trượt trên bãi cát. Đây là vùng bờ biển hiểm yếu, là trọng điểm bảo vệ của Đồn biên phòng. Vì hằng ngày tất cả các phương tiện giao thông qua đèo Ngang duy nhất chỉ có một con đường độc đạo cheo leo và buộc phải qua cầu Khe Lũy.

Ngày ấy - những năm 60 thế kỷ trước - bọn giặc ở Trung tâm huấn luyện đặc biệt có biệt danh “Flying John” đặt ở một hẻm núi vắng giữa biên giới hai nước Việt - Miên. Trung tâm này chuyên đào tạo gián điệp biệt kích: “Sói điên”, “Cọp đen”, “Gấu xám”... thả ra phá hoại các tỉnh phía Bắc. Chúng đã hai lần thả lũ “thú điên” ấy ra đây. Một toán nhảy dù xuống giữa đêm trăng, một toán luồn rừng vượt biên giới nhằm đánh sập cầu Khe Lũy, khống chế con đường huyết mạch qua đèo Ngang. Nhưng lũ “thú điên” ấy đã bị biên phòng bắt nhốt vào “cũi sắt”.

Anh đội trưởng ngồi xuống. Anh nhìn kỹ những đám cát dã tràng xe tìm mồi trong đêm bị xéo nát. “Cư dân” dã tràng sinh trú nơi đây đã giữ nguyên vẹn hiện trường dấu giày, vết trượt bên mép sóng của ba kẻ xâm nhập để “tố cáo” với các anh. Thoạt nhìn các dấu giày đó đều cùng một hướng từ bãi cây rậm dưới chân đèo đi ra biển nơi có vết trượt dài trên cát. Sự cảnh giác đã sáng lên trong ánh mắt của anh đội trưởng. Anh gọi các chiến sĩ trong đội tuần tra đến đo dấu giày, xác định độ lún của nó trong cát... Chẳng lẽ lũ biệt kích đã đưa thuyền cao su vào bờ đón người trong đất liền đi ra? Không. Không thể như thế. Vì người đi lên phía trước thì mũi giày bao giờ cũng lún sâu hơn trong cát bởi phải rướn sức lên theo đà lao tới. Ở đây gót giày lại ngập sâu vào trong đám cát dã tràng xe viên. Đúng rồi, những tên giặc đã dùng thủ đoạn đi loại giày ngược đế - gót giày quay về phía trước, mũi giày phía sau - hòng đánh lừa ta.

Đồn biên phòng Mũi Gió triển khai ngay phương án chiến đấu bảo vệ cầu giữ an toàn con đường lên đèo. Đội chó chiến đấu xung trận. Thấy động, “ba con thú điên” lẩn vào giải núi Giăng Màn. Chúng chôn giấu các phương tiện thông tin, quần áo cải trang, chất nổ phá cầu... rồi tìm đường ngược lên phía biên giới. Nhưng chú chó “Mũi tên” đã bắt mùi truy đuổi theo dấu vết. Và, chỉ đến quá chiều thì “ba con thú điên” đã được đưa về nhốt trong “cũi sắt”. Vậy là những người lính biên phòng thì nuôi dạy con thú để nó gần gũi với con người, hỗ trợ con người giữ bình yên cuộc sống. Còn lũ giặc thì lại muốn biến con người thành bầy thú dữ... Điều đó ngược với quy luật tiến hóa nhân loại(3). Chúng bị loại bỏ là điều tất yếu.

***

Ánh trăng rải đều xuống biển khuya. Đêm chan hòa một màu vàng nhạt nhòa huyền ảo. Từ trong ánh trăng vắng lặng, từ trong tiếng sóng rì rào, tiếng gió trời vi vút có một thứ âm tiết rúc rích nhỏ nhẹ, tiếng gẩy tí tách đều đều của biết cơ man nào là con dã tràng đang mải mê xe cát “đàn hát” tình tự với biển trăng. Đó là tiếng muôn đời trong cuộc sinh tồn của thế giới hoang dã truyền đi tín hiệu bình yên. Và, chỉ có người lính biên phòng trong khoảnh khắc của chuyến tuần đêm mới cảm nhận được...

 

_____

(1) Nhiều tác giả, NXB Kim Đồng, 2013.

(2), (3) Cha đẻ của luật tiến hóa nhân loại: Charles Robert Darwin (1809-1882) người nước Anh, là nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên. Ông phát hiện và chứng minh mọi loài đều tiến hóa theo thời gian qua quá trình chọn lọc, tự nhiên. Ông kiểm định sự tiến hóa của loài người và chọn lọc giới tính trong các dòng dõi của con người... (Bách khoa toàn thư mở).

TRẦN HỮU TÒNG