HV114 - Khi đàn sếu bay qua...

Có lẽ chỉ sau khi cha mất thật rồi tôi mới thực sự hiểu ý nghĩa sâu xa của việc thắp một nén nhang trước bàn thờ. Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ, thảng hoặc ba đốt một cây nhang rồi dắt tôi tới vái trước bàn thờ ông nội, bà nội, bàn thờ tiên tổ… Tôi hiểu đó là một lễ nghi, là bổn phận, là lòng kính trọng, trí tưởng tượng bé bỏng giúp tôi hình dung mơ hồ một thế giới xa vời của các đấng tiền nhân - một “cõi” nào đấy như người ta thường nói - mà trong lòng chẳng nghĩ ngợi được gì nhiều…

Giờ đây, mỗi lần nhớ cha, việc đầu tiên mà tôi có thể làm là đến trước bàn thờ ông thắp một nén nhang, hy vọng làn khói mong manh này có thể giúp tôi gửi tới chỗ người niềm nhớ thương vô hạn của một đứa con, trong lòng tràn ngập nỗi xót xa. Ba ơi, nếu ba thực sự đang ở một “cõi” nào đấy, sao ba không về tìm con?

Giống như với rất nhiều gia đình con dân đất Việt khác, nỗi nhớ cha của tôi trải dọc theo chiều dài đất nước. Khi tôi vừa vào lớp 1 thì cha tôi nhập ngũ. Đơn vị ông đóng quân và rèn luyện ở Lạng Sơn trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam. Phóng viên Vụ Quốc tế ngày nào của tờ báo lớn nhất của Trung ương có trụ sở Bộ biên tập nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội nay trở thành sĩ quan quân đội, chính trị viên đơn vị.

Bắt đầu những tháng năm đằng đẵng mong đợi tin chồng, tin cha đối với mẹ con tôi. Sau gần 6 tháng di chuyển xuyên rừng núi, có lúc phải mượn đường đất bạn Lào, Campuchia… cuối cùng đơn vị ông đã tới đích, ông đã có tin tức gửi về.

Những ngày ở Cục Chính trị Quân giải phóng, ở Trung ương Cục miền Nam, những ngày chống càn khốc liệt, những ngày yên bình hiếm hoi ngồi viết giữa rừng già, những ngày ém mình mật phục giữa đồng cỏ lác ở cửa ngõ Sài Gòn, những ngày tổng tấn công Mậu Thân hào hùng, rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử… ông vẫn một tay súng, một tay bút, vừa tham gia đánh giặc vừa viết báo với tất cả tấm lòng mình…

Thắp nhang gửi hương hồn cha, tôi cũng muốn kính viếng cả một thế hệ những người như cha tôi - “thế hệ được lịch sử lựa chọn” như người ta thường nói - muốn tỏ lòng kính trọng vô bờ và niềm tiếc thương vô hạn đối với họ, trong đó có những phóng viên chiến trường tay súng tay bút như cha… Như khi tôi tới nghĩa trang Quảng Trị thắp nhang trước mộ các chiến sĩ vô danh thì đấy cũng là lúc tôi thắp nhang cho cha mình, khóc nhớ các bác các chú các anh cũng là khóc nhớ cha của chính mình…

Mỗi khi ngước lên nhìn bầu trời Bắc Mỹ bao la, nơi thường có hàng ngàn hàng vạn con sếu bay qua khi mùa xuân tới, tôi lại nghe vang vọng giai điệu u buồn tràn ngập yêu thương và kiêu hãnh, nhưng không kém phần lãng mạn và phóng khoáng của bài hát Khi đàn sếu bay qua (thơ Rasul Gamzatov, Yan Frenkel phổ nhạc năm 1968). Đất nước Nga rộng lớn, tâm hồn Xlavơ đặc quánh một nỗi u sầu lãng mạn, nhưng tình cảm của người Nga trước những hy sinh mất mát to lớn do chiến tranh gây ra, tình cảm của họ đối với những người con đã anh dũng hy sinh vì Đất Mẹ Tổ quốc có lẽ không mấy khác so với tình cảm của người con đất Việt (và của mọi con người nói chung) trong hoàn cảnh tương tự. Vì thế, bài hát cứ tự nhiên thủ thỉ trong tôi:

… Đôi lúc tôi chợt nghĩ rằng, người lính

Trong cuộc chiến tranh đẫm máu đã hy sinh

Không vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất

Mà hóa thành những đàn sếu trắng tinh…

… Họ bay mãi tự xa xăm quá khứ

Tới ngày nay và trò chuyện cùng ta

Phải vì thế mà ta thường tư lự

Hay chạnh buồn khi lặng ngắm trời xa…

… Sẽ có ngày tôi bay cùng đàn sếu

Trong mịt mờ sương xám tựa hôm nay

Và ở giữa trời cao như chim tôi sẽ gọi

Tất cả mọi người còn ở lại nơi đây…

(Trích lời dịch của Hồng Thanh Quang)

Hãy ngẩng đầu nhìn lên bầu trời xanh trên cao kia. Những người thuộc thế hệ cha anh chúng tôi được lịch sử lựa chọn. Họ đã không sống một cuộc đời uổng phí. Cha, hãy cho phép con ví cuộc đời của các bác, các chú, các anh, của cha như một bản giao hưởng của Beethoven với tất cả những cung bậc của nó, và tất cả cùng hòa thanh làm nên bản đại giao hưởng vang vọng suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

Còn con, mỗi khi nhớ cha, thắp nén hương, mắt dõi theo đàn sếu bay qua, con tự an ủi mình được ít nhiều. Cha vẫn luôn ở bên con.

Có những ngày 30 tháng Tư như thế…

 

_____

* Con gái Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng Vũ Tuất Việt.

VŨ NINH HÀ* (Canada)