Thỉnh thoảng lúc ngồi uống trà hay lai rai với nhau vài cốc, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu thường gọi đùa nhà văn Nguyễn Trọng Oánh là ông đầu gối củ lạc, bởi nhà văn rất gầy, nhất là đầu gối co lại như chỗ thắt củ lạc, lại bước đi lập cà lập cập nữa.
Tôi đọc thơ Nguyễn Trọng Oánh từ năm lên 14, 15 tuổi, nhớ nhất là bài Chuyện cũ dân Lèn nhưng đến khi ra họp Hội nghị trù bị Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 3 (năm 1979) mới gặp Nguyễn Trọng Oánh. Đến khi về làm biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1980) thì mới thật hiểu anh. Tôi nhớ, đêm đầu tiên tôi từ Khu 5 ra, Nguyễn Đức Mậu có mua một chai rượu cùng một túm lạc về đãi tôi và Bùi Minh Quốc. Đang uống thì Nguyễn Trọng Oánh đi xách nước, ngang qua, chúng tôi mời “lai rai” luôn. Giữa cuộc, Nguyễn Trọng Oánh hỏi tôi:
- Quyển Đất trắng của tôi ở Khu 5 đánh giá ra sao?
Tôi thật thà:
- Khu 5 thì tôi không biết nhưng riêng tôi có được đọc một lần, đọc lướt thôi. Tôi thấy anh đặt vấn đề thì bạo nhưng nhiều chỗ anh kể việc chớ không dựng truyện. Ví dụ Trung đoàn 16 đứng ở chỗ đó, anh không vẽ ra nó đứng ở vị trí ra sao, liên hệ với xung quanh thế nào thành ra khó hình dung. Với lại văn anh mộc mộc thô thô thế nào tôi không thú lắm.
Nguyễn Trọng Oánh gật gật đầu. Thời gian ấy, Đất trắng của anh được rất nhiều người ca ngợi. Thậm chí có những số báo Văn nghệ Quân đội hay Văn nghệ đăng liền 2, 3 bài khen quyển sách. Vậy mà, tôi, một cây bút trẻ, một biên tập viên mới lại chê anh. Tất nhiên, sau này đọc lại, tôi phải “điều chỉnh” ý kiến của mình. Mấy hôm sau, Nguyễn Đức Mậu nói với tôi:
- Ông Oánh nói ông thật thà, là biên tập viên mới mà chê quyền tổng biên tập không nể nã, không sợ trù dập. Vậy ông là người có bản lĩnh, là người tốt.
Càng sống với anh Oánh tôi thấy anh là người nhỏ nhẹ, khiêm nhường, cứ ngỡ như anh muốn khuất mình sau người khác. Anh lại ăn nói ấp a ấp úng như người ngậm hạt thị vậy. Tôi nhớ có lần trong một cuộc họp, anh Oánh nói gì đó, nhà văn Nguyễn Khải nói lại rất căng:
- Anh im đi. Anh cãi không nổi tôi đâu.
Nguyễn Trọng Oánh đỏ mặt, miệng ấp úng không nói gì nữa. Ai cũng biết Nguyễn Khải “chỉ bỏ trí khôn ở nhà” khi gặp Chế Lan Viên thôi.
Một lần khác, trong cơ quan có cuộc đấu tranh quan điểm gì đó, tôi phản ứng lại ý kiến nhà văn Hải Hồ lúc đó là chi ủy viên. Tối đến, Nguyễn Trọng Oánh đến phòng tôi nói:
- Tôi lạy ông, mai ông đừng nói gì nữa, tính ông nóng nảy, ý kiến thì tốt mà nói ra thì trật bậy trật bạ.
Có lần, Nguyễn Trọng Oánh với tôi tranh luận việc gì đó, tôi tức khí đuổi anh ra khỏi phòng. Nguyễn Trọng Oánh chỉ lắc đầu cười, lập cập bước ra khỏi phòng để rồi sáng hôm sau, chính anh, người không có lỗi lại đến xin lỗi tôi để dàn hòa:
- Hồi hôm mình nói hơi căng làm ông bực, mình xin lỗi nhé. Xí xóa nhé, đừng giận mình nhé.
***
Những ngày sống bên anh Nguyễn Trọng Oánh tôi chưa có ý định gì về việc chuẩn bị tư liệu để sau này sẽ viết về anh, nhưng thỉnh thoảng trong những lúc ngồi uống trà tôi cũng có dịp được nghe anh tâm sự về cuộc đời tham gia cách mạng và viết văn của anh. Tôi được biết anh tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi (1946) làm công tác Đoàn Thanh niên Cứu quốc, dạy bổ túc văn hóa. Mùa hè năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đi vào giai đoạn quyết liệt, cả nước đều chuẩn bị cho cuộc tổng phản công, Nguyễn Trọng Oánh nhập ngũ, phục vụ ở Sư đoàn chủ lực 304. Anh vốn biết tiếng Pháp, chữ Hán lại thông minh chăm chỉ nên được cấp trên phân công làm tờ tin trung đoàn rồi sư đoàn. Nguyễn Trọng Oánh có điều kiện thâm nhập thực tế chiến đấu của các chiến sĩ và bắt đầu làm báo viết văn. Tuy vậy, mãi sau hòa bình (1954) được điều về trại viết viết về những anh hùng do Tổng cục Chính trị mở, anh mới được bạn đọc đông đảo biết đến. Nhưng người ta biết đến thơ chứ không phải những trang truyện ký anh viết trong trại. Thơ Nguyễn Trọng Oánh chân chất, giản dị thấm đẫm chất ca dao tục ngữ xứ Nghệ và thơ Đường.
Đêm ba mươi không ngủ
Mẹ ngồi kể chuyện cũ
Thuở ấy Đảng chưa về
Áo cơm lấm xương máu
(Chuyện cũ dân Lèn)
Những sản vật giản dị của quê anh cũng ùa vào thơ:
Xôn xao sóng giục con đò
Đã nghe âm ấm câu hò Nghệ An:
“Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Ngon khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài”
(Quê Bác)
Vào năm 1961, anh gom những bài thơ viết lẻ tẻ vào tập Thơm hương bốn mùa. Từ đó người đọc chú ý tới anh với tư cách nhà thơ.
Vào những năm giặc Mỹ gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Khu 4, Cồn Cỏ là những vùng đất ác liệt, anh hùng. Nguyễn Trọng Oánh đeo ba lô, mang dép cao su đi đến những nơi máu lửa ấy. Bạn đọc được đọc những bài ký nói về cuộc chiến đấu của nhân dân Khu 4, đặc biệt là Nhật ký ở Cồn Cỏ. Từ đây, người ta lại chú ý thêm nhà viết ký sự Nguyễn Trọng Oánh. Bẵng đi một thời gian, độc giả không thấy tên Nguyễn Trọng Oánh xuất hiện trên báo chí miền Bắc. Mọi người đâu hiểu rằng, con người gầy gò kia lại vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên rồi Nam Bộ. Trong các tác phẩm từ miền Nam gửi ra, có tập thơ Ngày đẹp nhất của Nguyễn Thành Vân. Đó là bút danh mới của Nguyễn Trọng Oánh. Anh lấy tên con gái anh, cháu Vân, làm bút danh. Tiếp đó là tập thơ Lời người cầm súng và người đọc chú ý đến anh với những truyện ngắn, ký sự nóng bỏng hơi thở cuộc sống được một cây bút trằn trọc suy nghĩ, lấy máu và mồ hôi mình ra để trải nghiệm mà viết nên. Văn anh mới đọc ngỡ như khô khan nhưng càng đọc càng thấy tình cảm anh nén dồn lại như những giọt nước mắt chảy vào trong. Đó là giọng văn của Nguyễn Trọng Oánh và chính nhờ cái giọng văn đó mới chuyển tải được những hiện thực dữ dội của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà anh là người tham gia và chứng kiến.
Cũng phải nói thêm rằng, trong những năm chiến tranh, Nguyễn Trọng Oánh cũng như những nhà văn chiến sĩ khác, không có thời gian ngồi viết mà chủ yếu phải làm nhà, đào hầm, làm rẫy để tự túc lương thực hay đi bắt cá trên sông phơi khô làm thực phẩm dự phòng cho lúc địch càn. Tất cả là làm sao để tồn tại mà chống lại và chiến thắng quân thù.
Sau Tết Mậu Thân, nhà văn Nguyễn Thi, thủ trưởng cơ quan văn nghệ quân Giải phóng hy sinh, Nguyễn Trọng Oánh vừa thay anh phụ trách cơ quan, vừa lo làm báo. Việc làm báo ở chiến trường rất khó khăn. Có lần Nguyễn Trọng Oánh kể với tôi:
- Sau đợt 1 Tết Mậu Thân, tôi và Thanh Giang [nhà văn] làm một số báo về tổng tiến công. Tụi tôi vừa viết bài vừa biên tập. Họa sĩ của tờ báo là Trần Dũng, chưa học qua trường lớp nào. Ở đơn vị chiến đấu thấy cậu ta vẽ đẹp, anh em khen và đề nghị chúng tôi lấy lên cơ quan văn nghệ. Dũng không quen làm ma-két báo, lấy những tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội mà chúng tôi có để làm mẫu. In báo cũng vất vả. Nhà in có một máy dập và một số chữ đã mòn do Nguyễn Thi và Thanh Giang mua ở Tây Ninh từ năm 1962. Nhà in lại hay di chuyển vì địch đánh bom B-52, có lúc đến nơi, anh em nhà in không có thời gian lắp máy mà phải lăn tay cho kịp số báo. Do in vậy nên họa sĩ chỉ vẽ tranh khắc gỗ. Cậu Hóa người thợ khắc gỗ của cơ quan đi đâu thấy gỗ lòng mực là đốn, thuê người xẻ từng tấm. Khi di chuyển cũng vác kè kè theo để dùng dần...
Trong những năm ấy, lực lượng viết ở chiến trường quá ít, anh em lại lần lượt hy sinh. Muốn có người viết, các anh không thể nhờ miền Bắc chi viện mãi mà phải tự đào tạo lấy bằng cách mở các cuộc thi và trại viết để tập hợp người viết từ các cơ sở về. Nguyễn Trọng Oánh cùng các đồng chí trong cơ quan phải lo chỗ ở, lo cái ăn cho trại viên. Bản thân anh phải soạn bài nói chuyện về văn học cho anh em. Không có tài liệu, anh phải lục lọi những quyển sách cũ và vắt óc rút kinh nghiệm từ bản thân để viết bài giảng. Rất nhiều nhà văn sau này trưởng thành từ cái lò đào tạo của Nguyễn Trọng Oánh: Văn Lê, Kiều Vượng, Nguyễn Ngọc Mộc, Trần Ninh Hồ, Lê Văn Vọng, Đoàn Việt Bắc, Hào Vũ...
Sau giải phóng, trên cơ sở những vốn từng trải trong chiến tranh, anh viết tiểu thuyết Đất trắng. Quyển sách như sự tiếp nối và nâng lên của những trang văn mà anh đã viết trước đó. Phải nói, đây là một hành động dũng cảm của người cầm bút Nguyễn Trọng Oánh. Cuốn sách nói về sự khốc liệt, mất mát, sự dao động dẫn đến đầu hàng của một cán bộ cao cấp trong quân đội. Hồi ấy, những quyển sách như thế này thường bị “đập”, bị phê phán về lập trường, nói xấu cấp trên này nọ. Trong thời kỳ văn học ta còn lặn ngụp trong sự tô hồng, ca ngợi thì Đất trắng như là một sự mở đường. Có lần Nguyễn Trọng Oánh nói với tôi:
- Mình rất tâm đắc với ý của I. Êrenbua(*) nói chiến tranh là thử thách lớn với mỗi dân tộc và mỗi con người. Trong những năm chiến tranh mình đã thấy rõ lòng dũng cảm vô song của nhiều chiến sĩ, nhưng cũng thấy rõ sự hèn nhát phản bội của một số người kể cả cấp chỉ huy. Nói như ta vẫn nói chiến tranh là cuộc thử lửa để thấy rõ vàng thau. Mình cố gắng để làm cho quyển sách đạt được sự trung thực như hiện thực đã có.
Quyển sách ra đời gây được sự tranh cãi của các nhà văn cũng như các nhà phê bình văn học và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Song tôi không thấy Nguyễn Trọng Oánh tỏ ra vui vẻ, tự hào, dẫu chỉ là một chút. Anh vẫn trầm lặng, vẫn bước đi lập cập, người gầy đen, tóc điểm bạc, dáng ngơ ngác. Có lẽ anh nghĩ, quyển sách anh viết ra cũng như công việc của một người lính phải làm để trả nghĩa với nhân dân, với đồng đội. Xong việc thì làm việc khác, có chi mà tự hào...
Vào một ngày hè năm 1985, Nguyễn Trọng Oánh từ đâu đột ngột mang ba lô bước vào nhà tôi ở Đà Nẵng. Anh mặc quân phục, người đen đúa, đẫm mồ hôi mồ kê. Anh bảo anh đi lấy tài liệu trong Nam Bộ nhưng có một số nhân vật ở Quảng Nam nên ra đây nhờ chúng tôi giúp đỡ để đi Duy Xuyên. Lúc đó chúng tôi đang mở trại sáng tác văn học. Chúng tôi bàn với nhà văn Phan Tứ mời Nguyễn Trọng Oánh tham gia bộ phận lãnh đạo để có điều kiện bồi dưỡng sức khỏe cho anh và gởi anh một số tiền để tiêu vặt. Ai cũng biết gia đình Nguyễn Trọng Oánh rất vất vả. Tuy vậy, ở khách sạn, ăn cơm thịt có bia rượu mấy bữa, Nguyễn Trọng Oánh đã nói với tôi:
- Thôi cảm ơn mấy ông, ở đây sướng quá nhưng tôi sốt ruột quá. Ông cho xe để tôi vào Duy Xuyên lấy tài liệu rồi vù về Hà Nội mà viết ông ạ. Tôi thấy sức tôi hơi yếu rồi, phải tranh thủ làm nhanh quyển này.
Thế là Nguyễn Trọng Oánh ra đi. Sau này, một quyển sách nói lên kết quả của chuyến đi ấy ra đời: quyển Con tốt sang sông.
Tôi cầm quyển sách của anh và chợt mỉm cười nhớ lại: Nguyễn Trọng Oánh cũng là tay đánh cờ tướng có hạng. Có đêm anh cùng nhà văn Nguyễn Chí Trung thức thâu đêm bên ván cờ. Nguyễn Chí Trung thì vừa đánh cờ vừa cười la to, Nguyễn Trọng Oánh thì vẻ mặt trang nghiêm, khắc khổ suy nghĩ. Thật là hai tính cách trái ngược nhau.
***
Có một lần, nhà thơ Vương Trọng, cũng là một ông đồ Nghệ, đặt một câu thơ tả chân dung Nguyễn Trọng Oánh như một vế đối: “Đất trắng, người đen, bàn tay trắng”.
Ngỡ là đùa tếu nhưng theo tôi đấy là chân dung chính xác nhất của nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Nhà văn Xuân Sách có lần nói với tôi:
- Thằng Oánh là một người không bao giờ được sự may mắn. Nó chỉ như con gà vừa bới đất vừa cục tác kiếm ăn.
Như lý lịch của Nguyễn Trọng Oánh ở Hội Nhà văn Việt Nam, anh sinh năm 1929, là năm Tỵ, chẳng hiểu con rắn này sinh trúng giờ nào mà vất vả như thế. Suốt những năm tuổi trẻ anh đi lính, về quê lấy vợ lại xa vợ con đi vào tận Nam Bộ đến hòa bình mới ra Bắc. Khi về lại Văn nghệ Quân đội, để hợp lý hóa gia đình, anh chuyển vợ con ra Bắc để gần nhau, nhưng không xin được vào Hà Nội - hồi đó việc xin hộ khẩu vào Hà Nội rất khó khăn - mà ở Hà Đông. Chuyện thực mà như đùa đến chảy nước mắt: hồi mới đưa vợ con ra Hà Đông, anh cạy cục xin đất làm nhà ở tạm. Lãnh đạo địa phương thương anh bảo tùy anh muốn làm nhà ở bên này hay bên kia một con đường đều được. Anh chọn một chỗ. Sau này, người ta lấy con đường làm ranh giới Hà Đông và Hà Nội, nhà anh lại lọt về Hà Đông. Trời ơi, giá anh chọn bên kia đường thì rồi sẽ đưa vợ con về nội thành dễ biết bao.
Vợ con ở xa, anh ở lại cơ quan để viết và làm việc. Chính hồi ấy anh cày cục viết quyển Đất trắng, Nguyễn Trọng Oánh phải tự nấu ăn, tự sắp hàng mua gạo, cá, thịt tiêu chuẩn. Chiều thứ bảy tự “cắt cơm, bơm xe” lọc cọc đi mấy chục cây số về tiếp tế cho vợ nuôi con nhỏ. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình từng kể lại với tôi rằng, có lần anh thấy quyền Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội phải đem tạp chí rải các quầy sách báo dọc đường Nam Bộ để kiếm vài đồng hoa hồng. Người anh gầy, mặc quân phục sờn cũ, xắc cốt ngang lưng, dáng đạp xe chầm chậm đi giữa Hà Nội mà thấy thương. Những năm đó, cháu Giáng Vân, nhà thơ trẻ hiện nay, đã thành cử nhân văn nhưng chưa có việc làm, cháu Tâm tàn tật cũng bám vào đồng lương của bố.
Vào những năm cuối đời, Nguyễn Trọng Oánh được cấp một căn nhà hai tầng khang trang dù ở xa trung tâm thành phố. Vợ chồng con cái đoàn tụ, cháu Vân có việc làm. Nguyễn Trọng Oánh có vui vẻ hơn, những nét nhăn trên trán như giãn ra chút ít. Nhưng chính lúc ấy số phận lại rình rập đánh vào anh. Vợ anh bị bệnh nan y và bị liệt. Anh vừa lo làm việc vừa lo chăm sóc vợ. Tóc anh bạc thêm, người anh gầy gò, đôi mắt thâm quầng trông ngơ ngác. Rồi chính anh cũng ngã bệnh và bị liệt. Lúc đó, tôi ở xa Hà Nội không biết được những ngày cuối cùng của anh nhưng nghe anh em kể lại:
- Vào những tháng trước khi anh Oánh mất, đến nhà anh trông thật thảm. Vợ nằm liệt ở giường trong, chồng nằm liệt phòng ngoài. Con cái bận làm việc, chỉ có cháu Tâm tàn tật là ở nhà chăm sóc bố mẹ.
Tôi hay tin vào sự công bằng của cuộc đời, con người có lúc sướng lúc khổ, nhưng không hiểu sao, Nguyễn Trọng Oánh suốt đời chưa bao giờ được hưởng những giây phút sung sướng. Hy vọng đời con đời cháu anh sẽ hưởng được sung sướng chăng?
_____
(*) Nhà văn Nga Xô viết.