Nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu(*) vừa qua đời ở tuổi 82. Khi tròn 80, chị nói đùa với tôi: tôi mới vừa lên tám. Kể ra, ở tuổi đó mà lìa đời đã là thọ, nhưng sao chúng tôi vẫn thấy tiếc cho chị, tiếc cho nền văn hóa của chúng ta. Một tài năng lặng lẽ mà lỗi lạc, một tài năng khó có người thay thế bây giờ! Chị được đào tạo kỹ càng về bạch thoại (tiếng Bắc Kinh) ở Trung Quốc vào những năm sau giải phóng miền Bắc (1954). Chị cùng với các dịch giả được đào tạo ở Trung Quốc như lớp của chị Phạm Thị Hảo, Đặng Đức Siêu và Trương Chính, đều là những nhà Hán học hàng đầu. Từ năm 1965 đến 1969 chị lại theo lớp cổ văn ở Đại học Hán học. Có thêm cái nền cổ văn, chị vững vàng theo cả hai ngành nghiên cứu một lúc: cổ đại và hiện đại. Ở Trung Quốc, những người nghiên cứu cổ ít khi kiêm nghiên cứu hiện đại, đó là hai lĩnh vực gần như cách tuyệt. Chị Châu nghiên cứu, phiên dịch thơ văn Lý Trần, và khảo cứu, dịch lại Hoàng Lê nhất thống chí, khảo cứu Truyện Kiều; dịch các tiểu thuyết hiện đại như Gót sen ba tấc (giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, 1998)… Chị cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, ra mắt cuốn Kim Vân Kiều lục (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015) và viết nhiều bài khảo cứu thông tin thú vị về văn học Trung Hoa trên tạp chí Hồn Việt như: Văn học Trung Quốc năm 2015 - Phải đề cao cái tốt của đất nước; Những độc hại của Tam Quốc diễn nghĩa; Những bóng hồng đi vào tiểu thuyết Kim Dung; Cách hiểu khác về hai câu thơ “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán - Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường” v.v…
Công trình và học vấn của chị tỏa sáng không những ở Việt Nam mà cả ở Bắc Kinh, Đài Loan, Nga… Chị thân thiết với những tên tuổi nghiên cứu xuất sắc như GS Ayđơlin (Nga), GS Triệu Ngọc Lan (Bắc Kinh), GS Trần Ích Nguyên (Đài Loan).
Chị Châu là người ở lứa tuổi chị chúng tôi, dịu dàng, cần mẫn, ít nói nhưng sâu sắc. Chị đã từng làm Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, thường trực ở Hà Nội dưới sự chỉ đạo của nhà thơ Huy Cận. Lớn tuổi rồi, chị vẫn say sưa công việc, từ nghiên cứu, dịch thuật đến việc hướng dẫn luận án tiến sĩ. Cống hiến cho đời như vậy là đáng quý. Nhưng gia cảnh chị thì khó khăn nhiều: chồng mất, chị nuôi con trai bị bệnh, một mẹ một con nương nhau sống, và bây giờ chị đi rồi, xiết bao thương tâm!
Không ai tránh được số phận. Đã vào đời thì phải chịu đựng số phận. Chị Châu ơi, xin chị yên nghỉ. Lòng tiếc thương của chúng tôi dành cho chị thật khôn cùng! Nhiều đồng nghiệp nữ của chị đến viếng chị đã khóc chị chân thành, thương đau. Tôi xin hòa lệ vào những dòng nước mắt ấy tiễn biệt một người chị, một người bạn, một người đã cộng tác hết mình với Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Hồn Việt. Tôi còn nhớ trước ngày vào bệnh viện vài hôm, chị còn trao đổi với tôi về Nguyễn Du và Hồng lâu mộng qua e-mail. Đối với tôi, đó là những thông tin mới và quý, chứng tỏ tầm sâu rộng kiến thức của chị. Vì là những lời cuối cùng, tôi xin trích nguyên văn:
“Còn Hồng lâu mộng thì Trung Quốc nghiên cứu nhiều và đánh giá cao, truyện chính bản và truyện viết nối đã có trong thư viện triều Nguyễn nhưng không có ảnh hưởng gì đến bạn đọc nước ta, không để lại dấu vết gì ở Truyện Kiều. Chỉ có thơ Chu Thục Trân đời Tống, một nhà thơ nữ tài hoa nhưng số phận hẩm hiu được Nguyễn Du vay mượn mà thôi. Có lẽ ông cũng trọng và thương nàng như Tiểu Thanh vậy...
“Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” là lấy lại câu thơ của Chu Thục Trân. Cụ Nguyễn Quảng Tuân cho biết xuất xứ này nhưng không cho biết gì về Chu Thục Trân và bài nguyên thi của bà. Cụ còn cho Chúa xuân cũng xuất xứ từ thơ Chu Thục Trân nhưng Chúa xuân có trong thơ của rất nhiều người khác, nên không phải…
Hồng lâu mộng ở thư viện triều Nguyễn có ghi trong sách của thư viện Hán Nôm, Trần Ích Nguyên đã đọc và viết một bài rất dài về những thư viện này. Nếu anh thích thì tôi viết giới thiệu về hai tư liệu này - Tú Châu”.
Một tài năng khó có lại được của văn hóa, đã ra đi, giữa lúc chúng ta đang thiếu những tài năng như vậy! Những tài năng nối chúng ta với cha ông, với phương Đông vĩ đại; những tài năng được đào tạo tinh thục của một thời. Thương thay và tiếc thay!
_____
(*) Sinh ngày 20-9-1935, mất ngày 23-3-2017.