Phim tư nhân - Công nghệ càng cao, nội dung càng bối rối…
19 phim truyện điện ảnh dự thi năm nay đều là phim do tư nhân sản xuất. Và đã là của tư nhân thì đừng đòi hỏi gì nhiều về nội dung tư tưởng, bởi hầu hết đều nhắm vào thị trường, vào doanh thu, vào thị hiếu của những người trẻ chịu đến rạp mua vé… Vì thế, có phim cực nhảm chỉ là một màn rượt đuổi, gào thét, có phim chỉ chú trọng đến tên tuổi vài nghệ sĩ có số lượng người hâm mộ hùng hậu, có phim ăn theo mô típ nước ngoài… Nhưng dù cố gắng nắm bắt thị hiếu công chúng trẻ, trong 19 phim, chỉ có vài phim đạt doanh thu cao và có lãi, còn lại lấy được vốn là mừng… Đó chính là sự khắc nghiệt của thương trường, năm nay có thể đề tài này với danh hài này kéo khán giả tới rạp ầm ầm, nhưng năm sau nếu cứ tiếp tục gương mặt ấy, kiểu cách ấy thì lại không thành công. Hoài Linh được coi là gương mặt để bán vé cho một số nhà làm phim, và cũng từng mang lại lãi to với Hello cô Ba, Nhà có 5 nàng tiên, Quý tử bất đắc dĩ, Tía tui là cao thủ (50 tỉ đồng)…, năm nay lại tiếp tục với Bảo mẫu siêu quậy, Nàng tiên có 5 nhà, nhưng doanh thu đã rớt xuống còn 19 tỉ. Đặc biệt Tấm Cám: chuyện chưa kể dựa trên nền câu chuyện cổ tích truyền thống để dựng nên câu chuyện tình yêu bằng công nghệ kỹ xảo điện ảnh của Ngô Thanh Vân đã đạt doanh thu gần 80 tỉ. Đây là bộ phim được làm khá công phu và chỉn chu với công nghệ kỹ xảo không thua kém nước ngoài, đã kéo đông đảo giới trẻ đến rạp. Nhưng Tấm Cám: chuyện chưa kể cũng chỉ là thể loại phim giải trí, một bộ phim đầu tay của một đạo diễn nữ tâm huyết với điện ảnh. Qua một số phim như Truy sát, Fan cuồng, Bao giờ có yêu nhau, 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy, Sút, Sài Gòn - anh yêu em… chúng ta có thể tự hào về một lớp đạo diễn trẻ, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, về công nghệ kỹ xảo điện ảnh Việt ngày càng tiến bộ, không thua kém những nước láng giềng. Đã qua rồi thời phim Việt với những màn đấm đá gượng gạo như trò hề, những màn kỹ xảo ấu trĩ không giống ai, những màn phi ngựa ì ạch trên những chú ngựa gầy nhỏ như con la trong những phim cổ trang. Phim Việt bây giờ đã tiến bộ rõ rệt về kỹ thuật, về tay nghề đạo diễn, đấm đá ra trò, rượt đuổi ra trò, kỹ xảo ra trò, nhưng xem phim cứ thấy như chuyện ở đâu, không có chút gắn kết gì với đất nước mình, hầu hết nội dung của 2/3 số phim dự thi đã cho thấy sự lúng túng của người làm phim. Những đạo diễn trẻ tài năng như Charlie Nguyễn từng có bộ phim lịch sử nổi tiếng Dòng máu anh hùng, bộ phim đầu tay trình làng với đất nước khi anh quyết định trở về Việt Nam, nhưng giờ đây chỉ còn là phim hài nhảm, và khi đã hết sức với hài thì chuyển đề tài sang bạo lực vô nghĩa từng bị cấm chiếu như Bụi đời Chợ Lớn. Và bây giờ với Fan cuồng, nhại theo ý phim Trở lại tương lai của Mỹ, nhưng lại quá nghèo nàn ý tưởng. Có đạo diễn từng thành danh ở phim truyền hình, giờ chỉ chuyên trị những phim hài nhảm, từng tự hào là mình làm nghệ thuật vị nhân sinh, khi cho rằng phim mình có doanh thu có nghĩa là đang phục vụ con người!?
Có cảm giác như điện ảnh Việt đang bị thả nổi bởi vô số những loại phim vô bổ, nhưng may mắn là những ngày cuối đã ló dạng bộ phim mang đầy chất trẻ và thể hiện hồn hậu như 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy, nhưng đó lại là phim không được đón nhận nhiệt tình của giới trẻ. Phim không có doanh thu, nhưng được đánh giá cao trong giới làm nghề. Duy nhất giữa những thước phim ồn ào này, Cha cõng con đưa người xem về với cuộc sống của người dân vùng lũ, rất xa những ánh đèn phồn vinh là cuộc sống nghèo khổ của những người bám dòng sông sống bằng nghề đánh cá. Cuộc sống của hai cha con bên dòng sông, những đợt tránh lũ của người dân trên căn nhà chung cao nhất làng, tình làng nghĩa xóm thể hiện nhẹ nhàng, dung dị, chân thật như là những thước phim tài liệu. Tình cảm hai cha con đã làm lay động lòng người, mãi đến khi đứa con bị bệnh máu trắng thì mơ ước được ra thành phố, được đứng ở tòa nhà cao ngất ở thành phố ngắm ánh sao trời của bé con mới thành sự thật… Có lẽ đó là bộ phim duy nhất đậm chất Việt Nam nhất, mang hồn Việt Nam nhất giữa những pha đấm đá rượt đuổi của nhiều bộ phim mà nếu lồng tiếng Hàn, Hồng Công, Đài Loan thì đó sẽ là phim Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan.
Điện ảnh Việt như con thuyền mất lái…
Vì sao 2 năm nay vắng bóng những phim được tài trợ từ hãng phim nhà nước? Bởi thực sự hiện nay cũng không còn hãng phim nào là của nhà nước nữa. Hãng phim Giải Phóng đã cổ phần hóa, còn Hãng Phim truyện Việt Nam cũng đang xúc tiến việc cổ phần hóa, cả một cơ ngơi đã từng làm nên những bộ phim kinh điển của Việt Nam một thời vang bóng đang sắp biến mất! Nếu nhìn từ bề mặt thì có lẽ nhiều người sẽ thấy tự hào vì có cảm giác như Việt Nam đang hòa chung dòng cùng thế giới. Đã qua rồi thời dân Việt Nam phải coi lại những thước phim cũ do Fafilm mang về từ các nước xã hội chủ nghĩa, phim cũ nên vừa bán vừa cho mà mang về chiếu rạp vẫn có đông kín người xem. Còn phim Mỹ và Âu châu thì cả thế giới đã xem từ mấy năm mới tới lượt dân mình xem lại những bản đã cũ xước lằn dọc lằn ngang, rạp chiếu thì tồi tàn xuống cấp, chuột chạy ngang chân khán giả như dạo chơi. Bây giờ rạp chiếu hiện đại ngang tầm thế giới, phim phát hành chiếu vài ngày ở Mỹ là đã tới Việt Nam. Dân Việt Nam tiếp cận đủ thể loại, hay dở chen lẫn… Phim vừa đoạt giải Oscar và cũng có phim bị tặng Giải mâm xôi, thượng vàng hạ cám, loại nào cũng sống được ở Việt Nam… Nhưng nếu như các nước làm phim, sản xuất phim, phát hành phim đều bằng nội lực của mình thì ở Việt Nam, sản xuất phim người Việt Nam tự bỏ tiền, nhưng thu lợi trên quầy vé nằm trong túi người Hàn Quốc!
Trước nay bên cạnh phim do tư nhân bỏ tiền sản xuất bao giờ cũng có một dòng phim chính thống bằng tiền tài trợ của Nhà nước. Đó là những phim thuộc các đề tài lịch sử, truyền thống, dân tộc, thiếu nhi… Nhưng năm nay, lần đầu tiên dòng phim này biến mất. Nhà nước sẽ đặt hàng và sẽ không phân biệt hãng tư nhân hay nhà nước, mà sẽ tài trợ 70% cho dự án phim tốt. Ví như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cục Điện ảnh tài trợ 8 tỉ trên định giá tổng dự toán 12,6 tỉ, còn lại do hãng tự hạch toán lấy, nếu anh làm nhiều hơn anh sẽ phải tự bỏ thêm tiền.
Theo bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam thì sởdĩ việc đặt hàng làm phim năm 2015-2016 không thực hiện được do thông tư đấu thầu làm phim của Bộ bị tắc vì không thể thực hiện cho một tác phẩm điện ảnh, bởi đây là một công trình của cả một bộ máy vận hành…
Việt Nam hay bất kỳ nước nào trên thế giới, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh dành cho những phim nói lên được bản lĩnh của dân tộc, là niềm tự hào của một lớp trẻ vươn lên, hiện đại nhưng không hề bị cắt rời với truyền thống dân tộc, để khi đi thi thố ởnước ngoài, người ta có thể nhận diện đúng về con người Việt Nam, một con người tỏa sáng trong chiến tranh và trong hòa bình… Hiện nay Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh ởPháp đã tài trợ từ 100 đến 150 phim, họ xem xét rất kỹ và phải đúng với tiêu chí là bảo vệ truyền thống văn hóa của đất nước, thể hiện được bản lĩnh của công dân đất nước họ. Hàn Quốc cũng thế, bởi vì không có đất nước nào tài trợ cho những dự án phim thể hiện con người bế tắc, bệnh hoạn trong một xã hội mục ruỗng.
Vì thế, không có dòng phim chủ lực này, không có sự quan tâm đặt hàng từ Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước, điện ảnh Việt Nam sẽ giống như con thuyền mất lái. Điện ảnh Việt Nam sẽ hoàn toàn bị thả nổi cho phim tư nhân làm mưa làm gió trên thị trường, mà tư nhân thì không thể đòi hỏi họ phải làm phim theo tiêu chí văn hóa dân tộc, muốn định hướng thì Nhà nước phải đặt hàng tài trợ… May mà năm nay còn có vài phim khá để trao giải, nếu như tất cả chỉ là những phim hài nhảm vô thưởng vô phạt, thì Giải Cánh diều không biết sẽ bay về đâu? Với con thuyền không lái này, giới trẻ Việt Nam khi đến rạp sẽ nhận được gì khi họ bị bao vây gần như hoàn toàn những loại phim nhảm nhí, bạo lực từ nước ngoài đến trong nước?
Tất cả các nước đều có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, và quỹ đó sẽ lấy từ nguồn thu chiếu bóng và truyền hình. Doanh thu chiếu bóng của ta hiện nay mỗi năm tăng 25%- 30%, như vậy mỗi năm nếu ta thu 3.000 tỉ đồng thì sẽ có 90 tỉ làm quỹ hỗ trợ cho những tài năng trẻ, tài trợ cho phim truyền thống, văn hóa dân tộc. Theo bà Ngô Phương Lan, Cục Điện ảnh đã hai lần soạn thảo công văn đề nghị với Bộ về vấn đề này, nhưng vẫn chưa thực hiện được vì vướng vào Luật ngân sách nhà nước. Năm 2017, Cục Điện ảnh đang soạn thảo công văn một lần nữa mong mỏi được Bộ chấp nhận… |