“Đầu năm 1956, phong trào văn hóa, nghệ thuật dân tộc cách mạng phát triển vô cùng sôi nổi trong các giới sinh viên, học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn và lan rộng khắp miền Nam. Họ hát đòi hòa bình, thống nhất đất nước, đòi tuyển cử tự do, Hiệp thương Nam - Bắc theo Hiệp định Genève.
Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu đàn áp. Trước mắt tôi diễn ra hình ảnh những bà mẹ, những công nhân, lao động… những đôi nam nữ đang tuổi yêu đời bị bắt bớ, đọa đày, chia ly thống khổ. Thế là tôi đã chia sẻ những giọt máu tim của mình cho đồng bào và thế hệ trẻ bằng hai bài hát: Bắc lại nhịp cầu và Giọng hò thôn dã.
Cả hai bài hát trên đã được phổ biến khá nhanh và lan rộng trong các giới trí thức, sinh viên, học sinh, đặc biệt là trong các chương trình văn nghệ quần chúng và của Hội Truyền bá quốc ngữ, khắp các tỉnh thành đến nông thôn miền Nam, người ta hát say sưa trong mơ ước, trong niềm vui và nước mắt”.
Vào mùa thu năm 1995, nhạc sĩ Văn An đã kể lại về bài hát “một thời vang bóng” ấy của ông”(1).
Bài Bắc lại nhịp cầu đã được Hội Truyền bá quốc ngữ xuất bản với nhan đề Tình yêu đất nước. Lời bài hát như sau:
Tình yêu đất nước
Nhạc và lời: Văn An
Làng em có bờ ruộng xanh bên khóm tre lành
Dưới hàng dừa xinh ngả bóng trên sông
Làng anh cách xa làng em một con sông lành
Một con sông lành nước chảy trong xanh
Làng anh bên đồi non xa muôn mái tranh già
Dưới ngàn thông reo tiếng suối hòa theo
Làng em muốn sang làng anh chỉ cách nhịp cầu
Chỉ cách nhịp cầu mong đợi từ lâu
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Chiều chiều mỏi mắt hằng trông
Chiều chiều mỏi mắt hằng trông
Trông theo nước lớn nước ròng
Trông theo nước mắt tuôn dòng
Mà bao năm vẫn cách dòng sông sâu
Mà bao năm vẫn cách dòng sông sâu
Dòng sông sâu vì đâu cách chia đôi tình
Dòng sông sâu vì đâu cách chia đôi ngả
Mong bắc lại nhịp cầu cho đời thêm tươi
Mong bắc lại nhịp cầu cho tình ta không dở dang
Chiều chiều nghe tiếng hò khoan
Chiều chiều nghe tiếng hò vang
Hò rằng sông núi Việt Nam
Hò rằng xương máu tiền nhân
Không ai chia sẻ sơn hà
Ai đi tô thắm nước nhà (x)
Tình ta như nước chan hòa Cửu Long
Tình Trung Nam Bắc một nhà muôn năm.
Nếu chú ý người ta sẽ thấy có một sự thay đổi nhỏ ở câu gần cuối (dấu x): trong Bắc lại nhịp cầu câu ấy là “Không ai cắt đứt ruột rà”. Có người sẽ hỏi vì sao tên bài hát quá quen thuộc lại thay đổi, và ở trang 4 lại đăng ảnh nữ ca sĩ Thùy Hương.
Câu chuyện như thế nào?
Từ khi ra đời, Bắc lại nhịp cầu đã đáp ứng nỗi lòng thầm kín của mọi tầng lớp nhân dân miền Nam thiết tha với sự thống nhất đất nước, điều mà Ngô Đình Diệm khăng khăng cự tuyệt. Bài hát vang vang trong các buổi họp mặt, trong các cuộc liên hoan văn nghệ, nhất là của Hội Truyền bá quốc ngữ và học sinh, sinh viên. Người ta còn nghe giọng của anh Lê Tấn Nghiệp (học sinh trường Pétrus Trương Vĩnh Ký)(2) và chị Ngọc Mỹ (học sinh trường Gia Long)(3) truyền cảm, sâu lắng trên làn sóng của đài Pháp - Á trong chương trình “Tiếng hát học sinh” của đài này.
Mong bắc lại nhịp cầu cho đời thêm tươi
Mong bắc lại nhịp cầu cho tình ta không dở dang
Mọi người đều biết rõ chủ đích của nhạc sĩ - dòng sông trong bài ám chỉ dòng sông Bến Hải, còn nhịp cầu chính là cầu Hiền Lương; bài hát không ngần ngại khi nói đến bộ đội, cán bộ Nam Bộ tập kết ra Bắc sau tháng 7-1954 rằng:
Không ai chia sẻ sơn hà
Ai đi tô thắm nước nhà
… Tình Trung Nam Bắc một nhà muôn năm.
Ngay cả trong một chương trình của ban dân ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết, bài hát trên cũng được chọn trình bày, qua sự giới thiệu của người em trai nuôi Trịnh Hoài Châu(4); người hát là nữ ca sĩ trẻ Thùy Hương, và để tránh những ca từ “thân Cộng” quá lộ liễu, nhan đề Bắc lại nhịp cầu được đổi thành Tình yêu đất nước, và câu “Không ai cắt đứt ruột rà” đổi thành “Ai đi tô thắm nước nhà”. Bộ Thông tin của Diệm đã gọi Thùy Hương lên hoạnh họe:
- Tại sao lại hát bài của Việt Cộng?
- Tôi là người của ban, - nữ ca sĩ bình tĩnh trả lời - trưởng ban là ông Nguyễn Hữu Thiết phân công tôi là tôi hát. Các ông cứ hỏi ông ấy.
Bấy giờ, Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm rất nổi tiếng, hễ có lễ hội, dinh Độc Lập đều gọi đôi song ca này vào trình diễn. Do vậy Bộ Thông tin nể mặt không dám quấy rầy hai người, mà chỉ răn đe Thùy Hương là không được hát bài ấy nữa. Nhưng bài hát đã phổ biến ngày càng rộng, đến nỗi các nhà sản xuất săn tìm. Người ta chỉ biết anh Châu là người đã đem bài hát đến cho ông Nguyễn Hữu Thiết, và chính anh đã ký hợp đồng bán bản nhạc trên cho nhà xuất bản An Phú; toàn bộ số tiền bán bản nhạc, anh đã đem giao cho vợ nhạc sĩ đỡ đần trong cơn túng bấn (vì lúc ấy Văn An đã “lặn” để tránh bị khủng bố do “bể” ở cơ sở khác). Anh Châu cũng không quên tưởng niệm ca sĩ trẻ Quốc Trung (một “danh ca học sinh” ở trường Pétrus Trương Vĩnh Ký) đã quá cố khi nhà xuất bản in bản này.
Đôi song ca Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm đã tuyển chọn bản trên trong một album do nhạc sĩ Y Vân hòa âm, với những bản nhạc nổi tiếng như Các anh đi của Văn Phụng (lời thơ Hoàng Trung Thông), Đợi anh về của Văn Chung (lời thơ Tố Hữu), Gạo trắng trăng thanh của Hoàng Thi Thơ, Lời người ở lại của Hoàng Nguyên, Lời người ra đi của Trần Hoàn, Lúa vàng của Mặc Huy, Thao thức của Văn Lương (Đặng Tấn)…, nhưng chưa kịp chuyển thành băng cát xét mà chỉ mới lưu trong băng gốc (loại băng tròn). Đến nay những người mộ điệu rất tiếc là chưa thấy nữ ca sĩ Hồng Hạnh tung tác phẩm này của song thân ra thị trường.
Dù gì chăng nữa, Tình yêu đất nước đã lan xa, bay xa, qua nhiều giọng ca khác nhau của các ca sĩ trong nước lẫn hải ngoại… Thính giả nào muốn nghe bản này, xin cứ mở Internet, vào Google, gõ từ khóa “Tình yêu đất nước”, sẽ tải được lời ca như chúng tôi đã ghi ở trên, và sẽ nghe bài hát này qua giọng của ca sĩ Thanh Tuyền, rồi Hoàng Oanh - Duy Khánh, Thanh Tuyền - Duy Khánh…
Xin trở lại với tác giả bản nhạc. Sau khi tình hình lắng dịu, để tránh bị theo dõi, Nguyễn Văn Nhữ (tên thật của nhạc sĩ Văn An) được cấp trên gợi ý chuyển sang lĩnh vực khác. Sang cổ nhạc, soạn giả Văn An được ái mộ qua một số vở cải lương khá ăn khách, nhất là vở Mắt em là bể oan cừu từng được trình diễn với nhiều đội ngũ diễn viên khác nhau của nhiều đoàn và hãng dĩa khác nhau, kể cả ở Hoa Kỳ.
_____
(1) “Chút tâm tình” đăng trong Thỏ chống Hùm của Lê Thanh Văn, Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn và NXB Trẻ, TP.HCM, tháng 12-1997, tr.145-146.
(2) Anh Lê Tấn Nghiệp sau tham gia cách mạng, thuộc Ban bảo vệ an ninh Khu Sài Gòn - Gia Định, bị bắt và bị đày Côn Đảo với án 10 năm tù, được trao trả tại Lộc Ninh năm 1974; sau giải phóng, anh công tác tại Sở Công an TP.HCM, đã từ trần.
(3) Chị Ngọc Mỹ hiện ngụ tại TP.HCM.
(4) Anh Trịnh Hoài Châu vốn học ca nhạc với ca sĩ Trần Văn Trạch và nhạc sĩ Lê Thương. Khi hai ca sĩ Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm từ miền Trung mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn gặp nhạc sĩ Lê Thương, ông này bảo anh Châu dẫn hai người đến gặp Trần Văn Trạch, từ đó hai ca sĩ được đưa vào chương trình biểu diễn rồi trở nên nổi tiếng. Mẹ của Châu nhận đôi danh ca làm con nuôi và Châu kể như là em nuôi. Về sau Châu tham gia hoạt động cách mạng, hai lần bị tù, hiện đã nghỉ hưu với cấp bậc thượng tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngụ tại TP.HCM.