HV115 - Đóa hồng Baroque và Mặt trời nước Pháp

Có thể nào tin, có một tình bạn tri kỷ giữa một hoàng đế được mệnh danh “Mặt trời của nước Pháp” với một cô bé mới lên 5? Đó là điều có thật, bởi âm nhạc đã gắn kết họ với nhau. Tình bạn vong niên đặc biệt và thú vị ấy đã đi suốt cuộc đời họ…

Mắt nàng sáng dịu dàng. Đôi tay ngà ngọc của nàng cầm một cây bút lông chim và một tờ giấy kẻ khuông nhạc còn trống. Mái tóc vàng óng của nàng được bới cao, vài lọn duyên dáng rơi xuống gương mặt hồng mơn mởn. Tuổi xuân tao nhã và kiêu hãnh của nàng đã được bảo tồn cùng năm tháng trong bức tranh của người họa sĩ đương thời François de Troy (1645-1730). Nàng là Élisabeth Jacquet de La Guerre (1665- 1729), một thần đồng âm nhạc người Pháp có thể sánh với nhạc sĩ Áo nổi danh Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791), một người phụ nữ hiếm hoi cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 có thể theo đuổi âm nhạc một cách chuyên nghiệp, xuất bản và biểu diễn âm nhạc của mình.

***

Nàng sinh ra trong thời kỳ Baroque, giai đoạn trong lịch sử âm nhạc phương Tây từ năm 1600 đến 1750. Chữ Baroque, hay barroco trong tiếng Bồ Đào Nha, có nghĩa là “viên ngọc dị dạng”. Cái tên mang hàm ý khinh miệt của những học giả thế kỷ 18 dần trở nên đẹp đẽ trong mắt người của thế kỷ 19. Nhưng tên gọi Baroque vẫn bất biến vì nó thể hiện những đổi thay táo bạo trong âm nhạc của thời kỳ này: những opera đầu tiên được sáng tác, những dàn nhạc đầu tiên được thành lập, và khí nhạc bắt đầu cạnh tranh với thanh nhạc. Âm nhạc phá bỏ những nguyên tắc đối âm nghiêm khắc, thuận hòa của thời Phục hưng (1400-1600). Nhịp điệu thì hoặc cực đều đặn, hoặc cực tự do. Giai điệu được điểm tô hoa mỹ. Tất cả những đổi mới này diễn ra khi châu Âu phát triển rực rỡ về mọi mặt.

Nước Pháp, quê hương của Élisabeth Jacquet de La Guerre, là nước hùng mạnh nhất châu Âu bấy giờ. Đặc biệt, thời gian vua Louis XIV cai trị từ 1643 đến 1715 là thời cực thịnh. Louis XIV còn có tên gọi là le Roi-Soleil, Vua Mặt trời. Ngài chính thức nắm quyền hành ở tuổi 23, trong thời kỳ nước Pháp hỗn loạn sau cuộc nội chiến Fronde gây ra bởi những người Pháp căm hận sự nhiếp chính của hai người ngoại quốc: mẹ của ngài là Hoàng hậu Anne nước Áo và người tình là Hồng y Mazarin người Ý. Cuộc nội chiến trở thành một ấn tượng khủng khiếp trong thời thơ ấu của Louis XIV, thúc đẩy ngài thi hành những biện pháp khắc nghiệt để tập trung quyền lực trong tay mình. Ngài chuyển kinh đô từ Paris về Versailles, tước giảm quyền lực của quý tộc, tuyển chọn quan lại từ tầng lớp trung lưu, tiến hành nhiều cuộc chiến tranh tàn bạo. Nhưng đồng thời, Louis XIV vẫn không hổ danh là “Mặt trời của nước Pháp” khi ngài chấn hưng khoa học và nghệ thuật của đất nước lên một tầm cao rực rỡ. Bản thân ngài là một nghệ sĩ tài hoa: năm 13 tuổi ngài đã là một vũ công ballet xuất sắc, với vai diễn ấn tượng nhất là vị thần Hy Lạp Apollo - thần của Mặt trời, Chân lý, Âm nhạc và Nghệ thuật. Vai diễn này đã mang lại biệt danh Vua Mặt trời cho Louis XIV; và cũng để xứng đáng với vinh quang của Apollo, ngài thành lập nhiều Học viện Hoàng gia. Hàng trăm nhạc sĩ tài hoa đã được ban cho một môi trường phát triển lý tưởng trong cung đình của ngài.

Trong chốn anh tài hội tụ đó, Elisabeth Jacquet de La Guere nổi lên như một bóng hồng hiếm hoi trong nền âm nhạc đang được thống trị bởi nam giới. Lần đầu diện kiến đức vua, nàng chỉ là một cô bé con 5 tuổi trong khi vua đang ở độ gần 30. Cuộc gặp gỡ này đã để lại cho cô bé một kỷ niệm khó quên nên đến khoảng hơn 40 năm sau, năm 1707, trong lời đề tặng tác phẩm âm nhạc của mình cho đức vua, nàng đã hồi tưởng: “Bệ hạ đã không khinh thường tuổi nhỏ của thiếp: bệ hạ vui mừng khi chứng kiến tài năng mà thiếp đã dâng cho người; và bệ hạ tôn trọng thiếp với những lời ngợi khen mà thiếp lúc đó chưa hiểu nó đáng giá nhường nào”. Sau lần tri ngộ đó, La Guerre tiếp tục học nhạc với cha nàng. Đến năm nàng 15 tuổi, Louis XIV giao việc dạy dỗ nàng cho người ái thiếp của mình là phu nhân de Montespan. Kể từ đây, nàng được thụ hưởng đời sống âm nhạc phong phú chốn cung đình cùng với các con của vua. Sự nghiệp âm nhạc của nàng bắt đầu phát triển rực rỡ: nàng biểu diễn trong các salon (phòng khách thính), sáng tác hàng loạt tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau, từ opera, cantata cho tới sonata cho violon và đàn phím. Hầu hết các tác phẩm của nàng được đề tặng vua Louis XIV, người đã bảo trợ cho tài năng của nàng thăng hoa. Ngoài sáng tác, Jacquet de La Guerre còn có khả năng biểu diễn tuyệt vời. Nguyệt san Mercure Galant ở Paris, tháng 7-1677 đã viết về nàng: “Cô thị xướng ngay những đoạn nhạc khó nhất. Cô tự đệm cho mình và đệm cho những người muốn hát, với cây đàn harpsichord mà cô chơi với một phong thái khó ai bắt chước. Cô sáng tác nhiều bài và chơi ngay với mọi điệu thức mà cô được yêu cầu”.

Tài năng của nàng hiếm có, nhưng nàng thực ra không phải người phụ nữ duy nhất trong thời đại đó biểu diễn hát hay chơi đàn phím. Đối với phụ nữ, khả năng âm nhạc trở thành một biểu tượng của sự phong lưu, khiến họ có giá hơn khi tiến tới hôn nhân. Vì lẽ đó, có rất nhiều phụ nữ là nghệ sĩ đàn phím giỏi thời Baroque. Ngoài ra, nhiều phụ nữ đương thời cũng nổi danh là nhạc sĩ, nhà bảo trợ nghệ thuật, chủ salon âm nhạc. Họ cũng tham gia làm nhạc cụ, in ấn, xuất bản, kinh doanh âm nhạc. Tuy nhiên, phụ nữ không thể xem hoạt động âm nhạc như một nghề nghiệp. Chỉ có nam giới mới được đào tạo một cách bài bản trong các nhạc viện và nắm giữ những vị trí tốt trong giới âm nhạc, đặc biệt là ở chốn cung đình và nhà thờ. Thế nên, dù La Guerre rất giỏi chơi đại phong cầm (organ), nàng cũng không được chơi cây đàn này ở Versailles vì đại phong cầm được xem là vua của các loại nhạc cụ, thường chỉ dùng trình tấu trong nhà thờ với những nghi lễ tôn giáo, nơi chỉ có nam giới mới có tư cách cử hành.

Nhưng ngoài một số rào cản không tránh khỏi của thời đại, La Guerre thành công hơn các nữ nhạc sĩ khác rất nhiều, nhất là khi nàng được vua Louis XIV sủng ái bảo trợ. Ngay trong lúc Jean- Baptiste Lully, một nhạc sĩ vừa tài hoa vừa độc đoán, đang thống trị nền opera của Pháp, thì La Guerre, một cô gái trẻ, dám sáng tác một opera và trở thành người phụ nữ đầu tiên có opera được diễn trong Viện Âm nhạc Hoàng gia ở Paris. Ngay cả sau khi kết hôn và cùng chồng là nhạc sĩ Marin de La Guere chuyển tới Paris, nàng vẫn giữ được mối liên kết với triều đình ở Versailles và tiếp tục sự nghiệp âm nhạc. Cần biết rằng đối với đa số nữ nhạc sĩ thời đó và trong vài thế kỷ sau, hôn nhân là dấu chấm hết cho sự nghiệp. Tiêu biểu trong số họ là Maria Anna (1751-1829), chị của nhạc sĩ thiên tài người Áo W.A. Mozart. Thời thơ ấu, bà nổi tiếng là thần đồng âm nhạc không kém em trai mình, nhưng đến tuổi 18, bà bị cha bắt kết hôn và ngưng hoạt động âm nhạc, ngưng lưu diễn. Một số nữ nhạc sĩ khác thì buộc phải làm vợ bé của các nhà quý tộc để có thể tiếp tục làm nghề.

Élisabeth Jacquet de La Guerre đã trở thành một nhân vật khác thường khi nàng đã vượt qua được định kiến xã hội đương thời, tiếp tục làm vợ, làm mẹ mà vẫn phát triển trên con đường âm nhạc. Nàng ý thức và tự hào về phận nữ nhi của mình khi viết lời đề tặng vua Louis XIV trong vở ballet Niềm vui và vinh quang chiến thắng: “Không phải đến bây giờ phụ nữ mới viết những bài thơ xuất sắc và thành công. Nhưng cho tới giờ, chưa ai thử đặt nhạc cho cả một vở opera; và thiếp đã tận dụng điều này trong sự nghiệp của mình: tác phẩm này càng khác thường thì càng xứng đáng với bệ hạ, càng lý giải được ý nguyện của thiếp muốn dâng nó lên bệ hạ”. Có thể nói, Louis XIV, với trình độ thưởng thức nghệ thuật uyên thâm, đã nhận ra tài năng của nàng khi nàng chỉ mới là một bé con, bồi dưỡng và nâng đỡ nàng cho tới khi nàng trở thành một phụ nữ trưởng thành. Năm 1707, gần 40 năm sau lần hội ngộ đầu tiên, khi “Mặt trời của nước Pháp” đang ở độ xế chiều, ngài vẫn ân cần tiếp đón người bạn nhỏ của mình và thưởng thức những tác phẩm của nàng, trò chuyện với nàng với phong thái thân mật. Vào thời nhạc sĩ được xem là người hầu của giới quý tộc, có lẽ đối với Louis XIV và La Guerre, quan hệ giữa họ đã vượt lên sự phân biệt đó rất nhiều, trở thành một tình bạn vong niên đặc biệt và thú vị.

Chính ánh mặt trời Louis XIV đã chiếu sáng bóng hồng La Guerre, mang nàng ra khỏi phạm vi nhỏ bé của những salon gia đình vốn mặc định dành cho phụ nữ, đưa nàng đến với số công chúng rộng lớn hơn và đứng cạnh những nam đồng nghiệp danh tiếng cùng thời như Jean- Baptiste Lully, François Couperin, Jean Henry d’Anglebert và hậu bối Jean-Philippe Rameau.

KỲ NAM (Chicago - Mỹ)