“Sáng hừng đông tía em đi cày bừa,
Sáng hừng đông má em đi cấy lúa…”
Câu ca ấy sao mà đúng quá với gia đình tôi lúc tôi còn nhỏ. Thuở đó sáng tinh mơ gà gáy canh năm, trời còn mờ tối là má tôi đã thức dậy nấu cơm cho ba tôi đi ra ruộng cuốc đất. Nghề nông lam lũ cực nhọc lắm, hôm nào ba tôi cũng làm việc ngoài ruộng tới trưa đúng ngọ mới về. Bù lại, mỗi khi nhìn đám mạ non xanh rờn hay cả cánh đồng trổ bông lúa nặng trĩu đòng đòng thì ba tôi vui lắm.
Tháng 6 dương lịch, khi trời mưa vài đám lớn ướt đất ba tôi bắt đầu chuẩn bị đất gieo mạ. Tùy năm mà ba tôi trồng lúa ngắn ngày hay dài ngày, một vụ hay hai vụ. Nhưng cứ tới khi lúa chín vàng rực là lúc vui nhất của cả nhà. Nguyên cả nhà ra gặt lúa, ba và các anh tôi đập lúa, còn tôi và các chị thì cắt lúa. Mùi bùn non, mùi lúa chín, gió từ các rặng dừa nước ven sông thổi lên, rồi tụi chim tụi vịt hùa nhau theo ăn lúa mót... sao mà nhộn nhịp rộn ràng làm tôi không cảm thấy mệt chi cả. Từng vạt gốc rạ cứ lan ra dần theo tiếng đập rào rào từ cót đập lúa. Thường cuối ngày đầu tiên chở lúa về, ba tôi hay đem ngay một thúng lại nhà máy xay lúa xay liền để hôm sau nấu cơm ăn thử. Nồi cơm gạo lúa mới vừa sôi lên là ngạt ngào mùi thơm, đứng từ xa cũng ngửi thấy. Buổi trưa ngồi dưới bóng mát của các đụn rơm, ăn bát cơm dẻo nhẹo, mềm, phưng phức mùi ngọt ngào hơn cả mùi lá dứa, lại thêm thịt kho của má tôi làm nữa, í mẹt ơi tôi chén liền tù tì mấy chén căng bụng mà vẫn còn muốn ăn thêm. Nhất là cơm cháy vàng rộm dưới đáy nồi giòn tan chấm nước thịt kho quẹt thì số dách luôn. Mỗi loại gạo ba tôi trồng có cái ngon riêng của nó. Gạo nàng hương trắng bóc, hạt cơm nhỏ xíu y như hạt ngọc, thơm đúng như tên gọi của nó, cắn hạt nào là dẻo hạt ấy. Gạo lứt rồng hạt dài màu đỏ đỏ hồng hồng mới nhìn đã thèm, không thơm bằng nàng hương nhưng bùi bùi ngọt cơm…
Lúa gặt đem về nhà còn phải phơi, các nhà khác thường rải ra đường trước nhà mà phơi, riêng nhà tôi có mái tôn rộng nên hay phơi trên nóc nhà. Tôi ngán nhất là khâu này, trời nắng chang chang phải cầm cái cào cào qua cào lại đảo lúa cho khô đều. Cũng may, gần nóc nhà là cây nhãn trái trĩu trịt đúng mùa phơi lúa nên tôi cứ cào hai ba cái là lại nhón vài trái nhãn bóc ăn. Hôm nào trời mưa trái mùa là thôi rồi, chạy xất bất xang bang để đem lúa vô nhà. Lúa khô còn phải quạt cho bay bớt hạt lép rồi mới quây bồ. Ba tôi sáng chế ra cái bồ lúa bằng tôn nên lũ chuột đành chịu thua không tài nào leo lên mấy tấm tôn trơn trợt để vào phá lúa được. Những gói gạo lúa mới gặt là món quà quý nhất mà ba má tôi dành riêng cho bà con thân tộc và người quen, vì bao công sức, gian lao mới có được những hạt gạo ngon lành đó.
Lâu lắm rồi tôi ít khi nào thấy cả cánh đồng lúa chín vàng rực, không còn nghe tiếng rào rào vui tai của hạt lúa rơi trong cót đập lúa. Đi tới đâu tôi cũng hỏi mua “gạo lúa mới” cho ba má tôi dùng, nhưng không bao giờ tôi tìm lại được bát cơm dẻo, ngọt ngào thơm phưng phức như cơm gạo lúa mới gặt của nhà tôi xưa kia nữa. Biết bao loại gạo thơm, cả thơm Thái, thơm Nhật, thơm Đài Loan… nhưng sao các mùi thơm ấy còn thiếu cái gì ấy, phải chăng là thiếu mùi nắng, mùi rơm rạ vàng hay thiếu hơi gió ngoài đồng ngoài sông, thiếu tiếng tanh tách của bầy cá đớp lúa rơi. Mãi mãi trong tâm hồn tôi không bao giờ quên được những ngày gặt lúa, những cực khổ của người nông dân như ba má tôi để làm ra từng hạt gạo cho đời...