Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hàm Dương (1930-1992) là giáo sư khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp TP.HCM. Nói đến anh là nói đến một cuộc đời hàm chứa nhiều cuộc đời: phong phú, bình dị, gian truân, hào hoa, hiện đại. Vốn quê ở Nam Định, khi Cách mạng tháng Tám thành công anh dừng việc học xung vào đoàn quân Nam tiến. Sức trẻ, giàu hoài bão và nghị lực, Nguyễn Hàm Dương là một thanh niên mang tinh thần của thời đại. Vào đến Nam Trung Bộ mặt trận bị vỡ, Nguyễn Hàm Dương tạt sang Lào, là tình nguyện quân Việt Nam tại Lào, và thường sang Thái Lan mua và chuyển vũ khí về cho bộ đội. Nguyễn Hàm Dương bị bắt và bị tù ở Thái Lan bảy tháng. Sau đó anh về chiến khu Nam Bộ hoạt động trong Quân khu 9. Được giao nhiều nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm, anh không hề ngần ngại, luôn thể hiện tinh thần của người cách mạng. Khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, anh trở về miền Bắc và được cử đi học ở nước ngoài.
Năm 1963, Nguyễn Hàm Dương bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngôn ngữ học ở Liên Xô. Trong những năm học ở đây, theo bạn bè kể lại, anh là người học giỏi và nhảy đẹp vào loại nhất ở Trường đại học Lomonosov. Anh có ngoại hình đẹp, người cao to, ngực nở, có đôi chân dài, dáng người cân đối đi lại uyển chuyển mềm mại. Có lần tôi hỏi anh: “Anh học nhảy ở đâu?”. Anh cười: “Tự học thôi, thích cái gì thì cũng dễ làm theo”. Tôi lại hỏi: “Ở câu lạc bộ nhảy anh thích nhảy với bạn nữ của nước nào?”. Anh bảo: “Họ thường thích nhảy với mình còn mình thích nhảy với nữ sinh viên Anh, Mỹ, các cô ấy ăn chơi nhiều nên nhảy giỏi. Còn các cô gái Nga thì nhảy mộc mạc, bài bản”. Về nước, khi đã ổn định công việc anh gặp gỡ và kết duyên cùng chị Ngọc Oanh, người đẹp nổi tiếng ở phố Hàng Khay.
Bước vào thời kỳ chống Mỹ, khoa Ngữ văn sơ tán lên Vạn Thọ - Đại Từ - Thái Nguyên. Đây là một thời thịnh vượng của khoa. Nhiều giáo sư tài giỏi về ngôn ngữ, văn học phương Tây, văn học hiện đại, văn học dân gian đều có mặt. Việc học tập có nền nếp phù hợp với không khí thời chiến và vẫn đảm bảo chất lượng.
Tổ ngôn ngữ của anh Hàm Dương lúc này có vợ chồng giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, chị Hoàng Thị Châu, các anh Nguyễn Hàm Dương, Nguyễn Cao Đàm, Đoàn Thiện Thuật và vài năm sau có Lê Quang Thiêm, Nguyễn Thiện Giáp, Đinh Văn Đức. Và đặc biệt có hai thầy không lên lớp nhưng là lực lượng hậu bị vững chắc, quan trọng của khoa: thầy Phan Ngọc và thầy Cao Xuân Hạo. Tinh thông nhiều ngoại ngữ phương Đông cũng như phương Tây, các thầy đã dịch một khối lượng tư liệu quý cung cấp cho nghiên cứu và giảng dạy.
Anh Nguyễn Hàm Dương ở trong nhà dân. Tính tình hiền lành, khéo tay, chỗ ở được anh trang trí đẹp mắt. Đặc biệt, anh có tài nấu ăn. Chủ nhà mỗi lần nhà có việc đều phải nhờ “thầy Dương” chỉ đạo cho. Ông tấm tắc khen: “Cầy, dê là loại khó nấu nhưng con vật nào thầy cũng ngả sáu, bảy món lạ và ngon miệng”. Nếu hỏi anh học nấu nướng ở đâu, anh cũng chỉ cười và nói: “Cứ quan sát rồi quen và tự nấu được”. Ngoài việc giảng dạy, anh tham gia công tác xã hội cùng với ngành y học, tâm lý học giúp đỡ chữa chạy, khôi phục cho bệnh nhân và thương binh mất tiếng. Anh là người nhiệt tình và hoàn thành chu đáo công việc.
Khu sơ tán của khoa Ngữ văn lúc này thật đông vui. Mỗi lần họp khoa, cán bộ các thế hệ gặp nhau hỏi han, chuyện trò vui vẻ. Nhiều thầy giáo đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu quan trọng của mình. Giáo sư Lê Đình Kỵ viết xong tập Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, thầy Hoàng Xuân Nhị chuyển hướng sang nghiên cứu thơ cách mạng trong nước và hoàn thành cuốn Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch, giáo sư Phan Cự Đệ viết xong tập Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tôi cũng hoàn thành bản thảo Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại. Chúng tôi có nhiều điều khích lệ, chiến tranh biết bao người vất vả, thậm chí tổn thất hi sinh, mình được ở hậu phương phải cố gắng trong công việc cho xứng đáng với người ở tiền phương. Chúng tôi cũng có điều kiện thuận lợi về tư liệu, có từ điển về sách vở và có những pho từ điển sống. Nếu cần hỏi về văn học cổ có giáo sư Đinh Gia Khánh, nhà ở chân núi hoặc giáo sư Trần Đình Hiệu hàng xóm bên cạnh. Nếu cần hỏi về văn học phương Tây có giáo sư Đỗ Đức Hiểu, về lý luận văn học có cụ Hoàng Xuân Nhị nhà bên bờ suối, nếu cần tra cứu về chữ nghĩa có thầy giáo Phan Ngọc và anh Cao Xuân Hạo.
Chiến tranh tạm kết thúc ở miền Bắc, khoa Ngữ văn lại chuyển về gần Hà Nội. Anh Hàm Dương lại chuẩn bị cho một kế hoạch mới tuy phải xa gia đình trong nhiều năm. Anh trở lại Liên Xô tiếp tục làm luận án tiến sĩ khoa học. Chúng tôi không có dịp gặp nhau nhưng một lần may đã đến. Tháng 6-1979, Hội Nhà văn cử tôi và nhà văn Trần Đăng Khoa đi trao đổi văn học ở Bulgaria. Trên đường bay phải dừng lại ở Liên Xô ít ngày. Lần đầu ra nước ngoài, cái gì cũng lạ. Anh Hàm Dương biết tôi đến Liên Xô và ở tại nhà tập thể của sứ quán. Vào một buổi sáng chủ nhật, anh đến đón tôi đến chỗ anh ở Trường đại học Lomonosov. Loanh quanh chuyện nhà, chuyện chuyến đi, chẳng mấy chốc đã đến trường Lomonosov - trường đại học mà tôi vẫn ngưỡng mộ qua phim ảnh. Anh dẫn tôi lên cầu thang và đến phòng ở của anh. Một căn phòng xinh xắn bé nhỏ ngăn cách thành hai khe nhỏ dành cho hai người. Anh bảo: “Hồi mình làm phó tiến sĩ thì chỉ được ở một nửa, còn lại là một bạn khác”. Tôi hỏi anh: “Ở chung với người Việt Nam thì vui hơn?”. Anh bảo: “Cái đó do tổ chức nhà trường quyết định, thường là người nước ngoài. Tôi thích ở với một bạn Nga ở tỉnh khác hoặc một người nước cộng hòa của Liên Xô, họ hiền mà nói được tiếng Nga. Bây giờ ở một mình tuy rộng rãi nhưng thấy cô đơn, nhớ vợ nhớ con”. Một phút yên lặng, anh bảo: “Để mình đi chuẩn bị bữa ăn mời anh”. Anh đãi tôi món thịt gà nấu nấm. Thỉnh thoảng đi chơi xa anh hay hái nấm mang về. Trong câu chuyện vui tôi hỏi anh: “Dạo này anh có đi nhảy không?”. Anh bảo: “Đó là chuyện của thời sinh viên. Mình đã đứng tuổi, bây giờ chỉ chăm chú vào công việc nghiên cứu, học hành sớm hoàn thành luận án để sớm về với vợ con”.
Năm 1984, anh lấy bằng tiến sĩ khoa học và trở về nước. Lúc này ở khoa Ngữ văn cũng có nhiều thay đổi. Ở khoa văn các thầy giáo Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc, Mai Cao Chương, Chu Xuân Diên đều trở về Nam giảng dạy và sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh. Ở khoa ngôn ngữ các thầy giáo Bùi Khánh Thế, Nguyễn Đức Dân đều về Nam. Anh Nguyễn Hàm Dương và gia đình về Nam dạy ở đại học Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh trong những năm 1990-1992. Ở tuổi 62 anh phát bệnh tiểu đường biến chứng và qua đời. Chị Ngọc Oanh lại trở về Hà Nội và ít năm sau bị trọng bệnh và mất.
Nghĩ về anh, một cuộc đời tiếp nhận nhiều đỉnh cao về khoa học, về tình yêu, và có nhiều công sức đóng góp qua những trách nhiệm khác nhau. Và cũng chính anh chịu nhiều gian truân vất vả trong hoạt động cách mạng xã hội, kể cả tù đày.
Anh đã được Nhà nước ghi công tặng huy hiệu Thành đồng Tổ quốc cùng với hai giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Hồ Tấn Trai.