Hv115 - TRẦN HUY LIỆU và bài thơ “Khách chiến bại với nàng Xuân nữ”

Trần Huy Liệu sinh năm 1901 ở làng Vân Cát - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước. Vốn thông minh, từ nhỏ ông đã được học chữ Nho. Lòng yêu nước thương dân sớm nảy nở, thời trẻ ông đã thuộc lòng những bài thơ của phong trào Đông Kinh nghĩa thục và thơ ca từ hải ngoại gửi về.

Sự nghiệp của ông thật phong phú và to lớn. Dưới đây xin nêu sơ lược về một số lĩnh vực hoạt động của ông.

Trần Huy Liệu - nhà báo yêu nước, kiên trung...

Ông làm báo từ rất sớm. Tháng 6-1924 ông được giới thiệu vào làm biên tập cho tờ Nông cổ mín đàm ở Sài Gòn và viết cho nhiều tờ báo khác, khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc, lên án chế độ thực dân, đòi tự do dân chủ. Tờ Đông Pháp thời báo do ông làm chủ bút (1925-1927) là trung tâm của phong trào yêu nước và dân chủ sôi nổi thời đó ở Nam Bộ nên tháng 6-1927 ông đã bị kết án 6 tháng tù tại Khám Lớn Sài Gòn.

Năm 1928, ông gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng và được cử làm Kỳ bộ trưởng Nam Kỳ. Tháng 8-1928 ông lại bị bắt, bị kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo. Ở đây ông được tiếp xúc với những người tù cộng sản và được giác ngộ về chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi ra tù ông bị trục xuất khỏi Nam Kỳ, đưa về quê để quản thúc.

Đầu năm 1935, ông rời quê ra Hà Nội hoạt động. Thực dân Pháp tìm cách dụ dỗ ông hứa sẽ giao cho ông một chức vụ trong Viện Viễn Đông bác cổ hoặc tặng ông 5.000 đồng để mở hiệu sách thay cho việc làm báo. Nhưng ông từ chối và tiếp tục làm chủ bút cho nhiều tờ báo. Tháng 5-1936, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản và cũng được phân công tổ chức và biên tập cho nhiều tờ báo của Đảng: báo Tin tức, báo Đời nay. Dụ dỗ ông không được, tháng 10-1939, chúng lại bắt ông và đưa đi giam ở các nhà tù Sơn La, Bá Vân (Thái Nguyên), Nghĩa Lộ. Ở trong tù, ông lại cùng với một số đồng chí sáng lập rồi làm chủ bút tờ Suối reo (nhà tù Sơn La, 1941), Dòng sông Công (trại giam Bá Vân, 1942), Con đường nghĩa (trại giam Nghĩa Lộ, 1945). Những tờ báo này được lưu hành bí mật ở trong tù, đã có tác dụng động viên, giữ vững khí tiết các chiến sĩ cách mạng, Tháng 3-1945, ông tham gia phá trại giam Nghĩa Lộ, vượt ngục trở về Hà Nội. Thật là: “Hổ tung cũi sắt còn chờ dịp/ Rồng bẻ then cài hẳn có khi”(1). Về Hà Nội, ông lại được phân công làm báo Cứu quốc (cơ quan bí mật) của Mặt trận Việt Minh.

Báo chí cứ như cái nghiệp bám ông suốt đời. Ông viết hay, viết giỏi và cũng có nhiều thủ thuật, mưu mẹo trong nghề. Người viết bài này còn nhớ mãi buổi nói chuyện thời sự năm 1948 trong một lớp huấn luyện về chuyên môn ở chiến khu Việt Bắc. Ông nói nhiều vấn đề rất hấp dẫn rồi đề cập chuyện Bảo Đại được cử sang Trung Quốc và rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Ông kể chuyện báo phỏng vấn Nam Phương hoàng hậu về chế độ mới sau khi Bảo Đại trao ấn kiếm; bà đã không trả lời, lẳng lặng tiến đến chiếc đàn dương cầm đánh lên bài Tiến quân ca. Ông bảo “Họ có biết thế đâu, mình “vẽ” ra cho họ đấy, thế mà họ không biết điều”. Ông nói có khi Hồ Chủ tịch xem báo, biết thủ thuật của ông, đã bảo: “Cái này, lại Trần Huy Liệu rồi!”. Cái thủ thuật này, chắc đến nay không được sự đồng tình, báo chí phải chân thật chứ.

Tháng 8-1945, ông được cử đi dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào, được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng, rồi được giao soạn thảo bản “Quân lệnh số 1”. Khởi nghĩa thành công, ông được cử thay mặt chính phủ cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận vào kinh đô Huế chấp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại để đến ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đệ ấn kiếm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông còn tham gia nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng trong chính quyền cách mạng: Bộ trưởng Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Chính trị cục trưởng trong Quân sự ủy viên hội, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, đại biểu Quốc hội khóa 1 và 2, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước...

Trần Huy Liệu - nhà nghiên cứu khoa học lịch sử xuất sắc

Năm 1953, ông chuyển sang nghiên cứu khoa học lịch sử và có những cống hiến xuất sắc. Có người bảo ông có năng khiếu sử học bẩm sinh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã hoàn thành hai bộ sử: Việt Nam cách mạng cận đại giản sử và bản Dự thảo sử cương cách mạng cận đại Việt Nam 1858- 1945. Cuốn Lịch sử 80 năm chống Pháp của ông đã được dùng làm sách giáo khoa trong các trường đại học và được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên năm 1996.

Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học, là Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, là Phó ban nghiên cứu lịch sử Đảng do đồng chí Trường Chinh làm trưởng ban. Ông đã để lại 290 công trình nghiên cứu và các bản hồi ký là một di sản đồ sộ.

Năm 1963, nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã tặng ông Huân chương khoa học Humbôn và mời ông làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hòa Dân chủ Đức.

Trần Huy Liệu - nhà văn, nhà thơ sâu sắc, lãng mạn

Về văn, ông viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, kiếm hiệp, tiểu thuyết lịch sử, hồi ký, tùy bút, phóng sự..., viết cả phê bình, nghiên cứu văn học.

Về thơ, ông làm thơ từ rất sớm. Ông để lại hơn 100 bài thơ thuộc nhiều thể loại nhưng chủ yếu là thơ Đường luật và Thơ mới. Thơ trước cách mạng của ông được làm chủ yếu trong các nhà tù. Năm 1977, NXB Văn học đã tập hợp, tuyển chọn, in thành tập Trần Huy Liệu thơ gồm 88 bài sáng tác từ năm 1918 đến khi tác giả mất (1969).

Ta xem thư góp ý của Trần Huy Liệu về bản thảo Thơ Sóng Hồng của đồng chí Trường Chinh thì thấy, ngoài ý kiến ca ngợi, ông nói thẳng: “có những câu, những chữ kém thi vị”, có những câu là “lời nói chứ không phải là thơ”, có những câu “chẳng thơ chút nào”. Ngày 28-10-1966, đồng chí Trường Chinh đã có thư trả lời cám ơn đồng chí Trần Huy Liệu “đã nhặt cho một số hạt sạn” và tự nhận xét: “Còn ít có thời giờ suy nghĩ, chọn lọc hình tượng và mài giũa về lời thơ... và giọng văn lý luận, văn chính luận cũng đã in ít nhiều dấu vết trong thơ”(2).

Và hãy xem bài thơ Khách chiến bại với nàng Xuân nữ, một trong những bài thơ hay in trong tập Trần Huy Liệu thơ nói trên, để thấy nghệ thuật thơ ca của ông.

Bài thơ tự sự dài 60 câu chia làm 15 khổ, làm theo thể thơ mới, viết vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc năm 1943, tố cáo sự giam cầm khét tiếng hà khắc của trại giam Bá Vân (Thái Nguyên) đồng thời cũng nêu lên tinh thần lạc quan, tin tưởng sắt son vào thắng lợi của cách mạng. Tác giả và các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hà Kế Tấn, Vương Thừa Vũ... đã bị giam ở đây.

Bài thơ giàu chất hiện thực và sức tưởng tượng lãng mạn đã có sức hấp dẫn đặc biệt.

Vào bài, tác giả dựng lên cảnh trại giam Bá Vân trên một cái đồi trọc, cao, quanh năm “không một bóng cây, một chùm hoa”, được canh gác rất cẩn mật:

“Giữa quãng đồi cao, làn cát trắng

Không một bóng cây, một chùm hoa

Hai giải lều gianh, bốn bóp gác

Nhốt chung một lũ khách không nhà”

Đặc biệt là những người bị giam ở đây không nhận mình là người tù mà chỉ là những “khách không nhà” vì yêu nước, làm cách mạng đâu phải là có tội. Từ “nhốt” trong bài thơ được sử dụng một cách rất “đắt”, nêu lên cái nghịch lý, đối lập với từ “khách”. Ai lại nhốt khách bao giờ. Từ cái nghịch lý, bất công, tàn bạo này mà dẫn đến cái lôgích tất yếu, khách phải: “Nghiến răng khách nuốt bao nhiêu hận”, “Thèm biết bao nhiêu thú vẫy vùng”. Từ “bao nhiêu” được nhắc lại hai lần nhấn mạnh cái uất ức và thèm khát đã ở mức cao độ.

Cuộc sống trong lao tù cũng được phác họa một cách thật ái ngại, đầy xót thương! Tết đến, nhớ nhà, nhớ lắm, nhớ “như tương ngấu” nhất là “những buổi hoàng hôn phủ kín trời”: “Nhà xa, xa lắm vắng tăm hơi”. Đêm đông thì “quằn quại suốt đêm”, “dậy bao nhiêu lượt” vì thiếu chăn ấm, “Lạnh cả làn da, cả cõi lòng”. Nhưng cái khổ nhất là khổ về tinh thần: “Sống trong chờ đợi, trong mong mỏi” - “Tuổi trẻ, đầu xanh lững thững trôi” với những ngày tẻ nhạt, “một điệu” cứ “nối nhau hoài” trong lúc bên ngoài phong trào cách mạng đang đòi hỏi sự hoạt động tích cực của mỗi một đồng chí.

Cuộc sống trong lao tù đầy uất hận như vậy nhưng khi xuân về, tác giả thấy vui ngay. Một mùa xuân mới đẹp vô cùng:

“Đâu biết hôm nay quang đãng lạ!

Non xanh in đậm chân trời xa

Từng màn, từng lớp: mờ, xanh, biếc

Chim sẻ ca vang khúc thái hòa

Nắng đưa ấm áp rải nghìn phương

Gió cũng quăng ra áng dịu dàng!”

Cảnh xuân thật tuyệt đẹp, hài hòa! Ít ai tả sánh kịp. Nếu Nguyễn Du có câu thơ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều) thì ở đây tác giả tuy buồn chán, uất hận nhưng vẫn rất lạc quan, một thứ lạc quan cũng ít ai sánh kịp.

Bằng hình thức nghệ thuật đối thoại độc đáo và nhân hóa, mùa xuân đã trở thành một cô thiếu nữ dịu dàng, duyên dáng, trẻ đẹp với những cụm từ “tha thiết mềm như liễu”, “uyển chuyển mình trong chiếc áo hoa”; nàng đã đến trò chuyện với “những khách không mời” một cuộc trò chuyện thú vị, mang ý nghĩa sâu sắc nhưng đầy chất lãng mạn:

Khách:

- “Chẳng hay nàng đến tự nơi nao?

Như quen, như lạ, người hay mộng?

Như mới cùng nhau gặp độ nào?...”

Nàng:

- “Ồ nhỉ? Anh quên em là xuân

Đi lại quanh năm có một lần

Em đến đâu là tươi trẻ đấy

Reo vào hoan lạc khắp muôn dân”

Nàng đã động viên khách: “Rằng đời đẹp lắm, cứ vui say”, rằng: “Hãy vui mừng mà đón lấy” - “Vầng hồng chói lọi của ngày mai” và cũng rất lãng mạn dâng cho khách nụ cười và nụ “hôn nhè nhẹ” rồi sẽ sàng:

“Vậy thì anh hãy thưởng em đi

Cổng kín tường cao xá quản gì”

và hứa:

“Mai mốt em còn đưa lại nữa

Những tin thắng trận ở bên kia”

Mùa xuân của đất trời tuyệt đẹp mà khách “nhỏm dậy” đón lấy, “rạo rực những yêu đương” cũng là mùa xuân thắng lợi của cách mạng. Tác giả đã sử dụng biểu tượng hai mặt.

Hình thức đối thoại độc đáo và nhân hóa là một tài năng sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của nhà thơ Trần Huy Liệu làm cho bài thơ sinh động, giàu tình cảm, tăng thêm sức hấp dẫn nhằm thể hiện một ý thức chính trị, lời của non nước, của cách mạng mà cũng chính là của tác giả đối với những chiến sĩ tạm thời chiến bại, hãy cứ lạc quan tin tưởng ở thắng lợi. Họ là khách chiến bại mà sẽ không chiến bại.

Một bài thơ có nội dung chính trị mà không khô cứng, giọng mượt mà, uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thoát, không hề có giọng chính luận, đọc thích thú, dễ nhớ, dễ thuộc.

_____

* Tài liệu tham khảo:

- Từ điển văn học (bộ mới)

- Trần Huy Liệu thơ (NXB Văn học, Hà Nội, 1977)

- Các tài liệu trên mạng và các tư liệu cá nhân thu thập được.

(1) Tội gì?, thơ Trần Huy Liệu, Sở Mật thám Sài Gòn, 1927.

(2) Chương 5 “Trần Huy Liệu - Cõi người”, Trần Chiến.

 

TRẦN HÀNH