HV116 - KHUÔNG VIỆT mang thẻ nhà báo Liên hiệp quốc

Một đường phố ở phường Phú Trung - quận Tân Phú - TP.Hồ Chí Minh mang tên Khuông Việt. Khuông Việt là ai, được một đường phố ở một thành phố lớn mang tên?

 Khuông Việt tên thật là Lý Vĩnh Khuông (1912-1978), ký giả của tờ Công chúng, một tuần báo lớn thời bấy giờ ở Sài Gòn, do Trần Tấn Quốc làm giám đốc, Nam Quốc Cang làm chủ bút, của Đảng Xã hội Nam Kỳ. Khuông Việt là người bạn rất thân của nhà văn Thiếu Sơn (tức Lê Sĩ Quỳ, 1908-1978), nhưng nhỏ hơn Thiếu Sơn 4 tuổi. Chính Thiếu Sơn lúc bấy giờ tham gia Đảng Xã hội và kết nạp Khuông Việt vào Đảng Xã hội. Lúc này Khuông Việt đang làm tham sự ngạch hành chính ở Sài Gòn và tòng sự tại Thư viện Quốc gia Nam Kỳ. Từ một thư ký dinh Thượng thư Nam Kỳ, Khuông Việt thăng lên ngạch tham tá Thư viện Sài Gòn - nay là Thư viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh. Lúc bấy giờ Khuông Việt hoạt động cùng giới trí thức Sài Gòn như giáo sư Huỳnh Cẩm Chương, giáo sư Lê Văn Nhiểu, nhà báo Thiếu Sơn, giáo sư Lê Văn Huấn, em ruột bác sĩ Lê Văn Hoạch - thủ hiến Nam Kỳ (thay bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, nguyên thủ hiến Nam Kỳ, bị bọn Pháp và bọn phản động bức tử).

Thẻ báo chí Liên hiệp quốc cấp cho Khuông Việt (Lý Vĩnh Khuông)

Sau Cách mạng tháng Tám, ở Sài Gòn không có tờ báo nào của người Việt có đủ khả năng tài chính để giới thiệu một phái viên ra nước ngoài theo dõi khóa họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Vậy mà ngày 18-9-1948, một nhà báo Việt Nam ở Sài Gòn được cấp thẻ báo chí của Liên hiệp quốc để tham dự khóa họp đó ở Paris. Đó là nhà báo Khuông Việt, ký giả của tờ Công chúng (trên thẻ nhà báo ghi nhầm là Công chinh). Khuông Việt là một công chức thời Pháp thuộc ở Sài Gòn, là một nhà hoạt động xã hội và nghiên cứu văn học, đã đoạt nhiều giải thưởng. Khuông Việt từng làm tổng thư ký các hội, đoàn như: Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ, Ủy ban cứu tế miền Bắc Đông Dương (cứu đói năm Ất Dậu 1945), Tổng thư ký Liên đoàn công chức Nam Kỳ… Năm 1948, Khuông Việt được Liên đoàn SFIO (Section française de L’Internationale ouvrière - tức đệ nhị quốc tế theo chủ nghĩa Marx nhưng chịu nhiều ảnh hưởng của Jean Jaurès) cử sang Pháp dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần 40 với tư cách là đại biểu của Đảng Xã hội Nam Kỳ, họp từ ngày 1 đến 4-7-1948 tại Paris. Khi lên đường đi dự đại hội, Khuông Việt có giấy chứng nhận là ký giả tờ Công chúng, vì thế Khuông Việt được kết hợp đến Paris theo dõi kỳ họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc và được cấp thẻ nhà báo của Liên hiệp quốc.

Khuông Việt được cấp thẻ báo chí của Liên hiệp quốc vào ngày 18-9-1948 với tư cách là ký giả của báo Công chúng, nhưng thật ra tờ báo này đã đình chỉ xuất bản từ ngày 6-8-1948, sau khi xuất bản số báo 54. Sau Đại hội Đảng Xã hội Pháp và bế mạc cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Khuông Việt vẫn còn ở lại Paris và cùng Trần Văn Khê viết bài từ Pháp gửi về cho các báo ở Sài Gòn. Tại sao Khuông Việt còn ở lại Pháp? Vì trong Đại hội Đảng Xã hội Pháp năm 1948 Khuông Việt đã mạnh mẽ lên án chế độ thực dân ở Đông Dương, gây xung đột với cánh hữu của Đảng Xã hội. Bọn thực dân cánh hữu của Đảng Xã hội ở Sài Gòn cay cú, đe dọa sẽ “thịt” Khuông Việt khi ông quay về. Hơn nữa đến giữa năm 1949, nhóm cực hữu của Đảng Xã hội Pháp lên nắm quyền, các đảng viên Đảng Xã hội người Việt muốn dựa vào đảng để đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất ba kỳ Bắc - Trung - Nam và ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh. Do đó, Khuông Việt ở lại Paris suốt mấy năm, cho tới khi thực dân Pháp thua tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, ông mới trở về Sài Gòn. Về đến nơi chưa bao lâu thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt nhốt mấy năm. Sau khi ra tù, Khuông Việt hợp tác với Nam Đình, xây dựng nhà xuất bản Thần Chung, và tham gia phong trào chống đối chính quyền Sài Gòn. Khuông Việt mất năm 1978, cùng năm với nhà văn Thiếu Sơn.

XUÂN TÙNG