HV116 - Đêm cuối mẹ ru con

Ngày 18-10-2008, tôi và một số cựu chiến binh từ Hà Nội về Thái Bình dự họp mặt lính Thái Bình trong E64-F320. Tôi có mang tặng các bạn Thái Bình cuốn Văn nghệ Quân đội cũ từ năm 2003 trong đó có chuyện Ký ức tháng tư được giải tư đợt thi 2 năm 2002-2003. Cái truyện ký ấy tôi viết về trận đánh ác liệt cuối cùng của trung đoàn chúng tôi vào Củ Chi ngày 29-4-1975. Trong đấy có chi tiết vẻn vẹn hai dòng... “Trong số những người hy sinh có một người trúng đạn vào phút cuối của trận đánh là trợ lý tham mưu tên Măng người Thái Bình. Măng chết trong lúc đang giương khẩu chống tăng của địch bắn xe tăng địch”...

Thế rồi một tuần sau, ngày 23-10-2008, tôi nhận được điện thoại từ một số máy Thái Bình tôi không quen.

- Thưa… anh là Luân phải không?

- Vâng, tôi là Luân. Ai hỏi tôi đấy?

- Tôi đang ngồi nhà anh Măng, người mà anh viết trong Văn nghệ Quân đội.

- Vâng đúng là tôi viết.

- Anh biết mộ anh Măng chứ?

- Tôi cam đoan là biết rõ.

- Vậy thì anh nói chuyện với mẹ anh Măng.

Tôi nín thở. Đầu dây bên kia cũng lặng lúc lâu, rồi tiếng cụ già yếu ớt: “Bác ơi, tôi là mẹ cháu Măng đây. Nếu bác biết… làm ơn giúp tôi đưa cháu về... Tôi tám mươi mốt rồi, tôi cũng sắp chết rồi, chỉ mong đưa cháu nó về...” rồi máy tắc nghẹn.

Người tôi lạnh toát. Tôi chợt hình dung ra cái lúc Măng gục xuống ở chợ Tân Phú Trung và Ngô Thịnh, sinh viên đại học Cơ Điện, vuốt mắt cho Măng.

Trưa hôm ấy, 29-4-1975, chúng tôi để Măng lại cho các mẹ các chị ấp Chợ - xã Tân Phú Trung khâm liệm, còn mình thì tiếp tục cùng đơn vị truy kích địch chạy về Hóc Môn, Bà Điểm, Tân Sơn Nhất… Và cũng chỉ 24 tiếng đồng hồ sau chúng tôi có mặt tại Dinh Độc Lập...

Một tuần sau. Có hai người phụ nữ từ Thái Bình lên nhà tôi (một là em gái Măng, một là chị họ Măng). Thật may mắn, tháng 7-2008, vợ chồng tôi đi Củ Chi thắp hương cho đồng đội, tôi đã chỉ cho vợ ngôi mộ Phí Văn Măng và chụp cả ảnh mang về. Gia đình Măng an tâm và làm thủ tục xin đi lấy hài cốt. Tôi gọi điện cho Nguyễn Công Thành, bạn lính cùng đơn vị cũ (người Tuyên Quang, đang công tác ở Đài Truyền hình TP.HCM) làm thủ tục trước. Sau 3 tuần vừa xong mọi việc cho gia đình Măng ở Thái Bình thì tôi bị tai biến phải vào viện. Ngày đi kíp rồi nên em gái Măng gọi vào Sài Gòn cho các bạn tôi đón. Những ngày qua khỏi phút nguy kịch, nằm trong viện tôi cứ miên man nghĩ về chuyến đi của em gái Măng. Một đêm, chừng 12 giờ khuya có điện thoại. Tôi nghe thấy tiếng khóc nức nở trong máy... “Anh ơi em đang đi cùng anh Măng về tới Quảng Ngãi rồi. Anh Măng bảo là anh rồi sẽ khỏi, nhà mình bị động long mạch ở trên quê Phú Thọ đấy anh ạ”.

Tôi bàng hoàng tưởng như có người ngồi bên cạnh, căn phòng bệnh viện như lạnh toát.

Rồi tiếp: “Anh ơi, anh Măng bảo đưa anh về để ở nhà thổi kèn một ngày một đêm rồi mới đưa anh ra nghĩa trang huyện”.

Và thế là tôi hình dung ra người mẹ của Măng lại ôm Măng vào lòng. Lúc ra đi con của mẹ là thanh niên cường tráng, trở về con của mẹ trở lại hình hài bé thơ. Đêm ấy tôi viết luôn bài thơ mà không hề sửa một câu nào. Vì vẫn phải nằm trong viện nên tôi không về Thái Bình đón và đưa Măng ra nghĩa trang với đồng đội được. Những ngày ấy lòng nôn nao nhớ một thời khói lửa đời mình.

Bài thơ này có lẽ cũng là nỗi niềm của những cựu chiến binh nhớ thương những đồng đội của mình.

***

Đêm cuối cùng mẹ ru con

(Viết tặng mẹ đồng đội tôi, liệt sĩ Phí Văn Măng)

Biền biệt mấy chục năm mẹ đón con về

Đồng đã gặt rồi, đón con rơm vàng xóm ngõ

Tám mươi tuổi mẹ lại bồng con vườn nhà nức nở

Nức nở... à ơi

Đêm nay nhà mình đèn lại sáng choang

Nước mắt tưởng khô mấy chục năm không khô nổi

Thức cùng con đêm nay

Mai con lại đi rồi

Mẹ bồng con à ơi

Hài cốt quấn vuông vải mới

Có tã lót nào đau xé lòng đến thế?

Mẹ ru con quằn quại tiếng trống kèn

Cái tên Cửa ngõ Sài Gòn

Ba mươi ba năm mẹ nằm mơ đêm nào cũng thấy

Ngày một ngày rằm thắp hương bánh cáy

Ngày thường rau tập tàng cua ốc... à ơi...

Mai lại đưa con đi với đồng đội con rồi

Nghĩa trang heo heo gió tím

À... ơi...

Ngủ đi con

Đêm nay mẹ ru con lần cuối...

À... ơi...

***

Bảy năm sau. Trước ngày kỷ niệm 30-4 năm 2015, nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc bài thơ này. Bài hát vẫn mang tên Đêm cuối cùng mẹ ru con.

NGUYỄN TRỌNG LUÂN