HV116 - Một kỷ niệm về Giáo sư ĐẶNG THANH LÊ

Năm 2007, sau khi dự một hội nghị văn học tại Seoul, GS Đặng Thanh Lê, cùng một số nhà văn nhà báo trong đó có tôi, đi thăm thành phố Pohang ở miền trung Hàn Quốc. Pohang là thủ phủ của Tập đoàn Posco, ngôi sao sáng của nền kinh tế Hàn, nên ngoài các danh lam và cơ sở văn hóa trong vùng, người ta còn mời chúng tôi tới thăm các công xưởng và trụ sở của ngôi sao ấy. Vào nhìn một nơi đúc thép, dù rằng nó tột bậc đồ sộ, tôi vẫn sẽ chẳng có ấn tượng gì đáng kể về chuyến tham quan ấy nếu như không có bài phát biểu ngẫu hứng, nói vo, ngắn gọn mà rất hay của GS Đặng Thanh Lê. Ngẫu hứng nói vo là bởi bà không định nói song chẳng đặng đừng.

Hôm đó tại nhà bảo tàng Posco, ông giám đốc truyền thông đã tỉ mỉ giới thiệu với chúng tôi lịch sử hình thành, quá trình phát triển và những thành tựu của tập đoàn thép lớn hạng nhất Á châu này. Với sự quan tâm vừa phải, tôi tưởng mình sẽ chỉ nghe để đại khái biết vậy, nhưng, đã lập tức tôi thấy “dội”, bởi ngay từ đầu đã nghe thấy cái tên Park Chung Hee quá sức quen thuộc thuở xưa; và rồi trong suốt bài giới thiệu của ông giám đốc, ba cái từ đó - Park Chung Hee - luôn được nêu lên với giọng kính cẩn. Đi kèm bài giới thiệu, hình Park Chung Hee cũng liên tiếp hiện ra trên màn hình lớn của bảo tàng. Tuy nhiên, khó chịu thì khó chịu, chúng tôi là khách, còn các ông Posco là chủ nhà, họ hàm ơn ngài tổng thống của họ là việc của họ. Và GS Đặng Thanh Lê cũng sẽ chẳng có ý kiến gì nếu như ông giám đốc, khi nói về nguồn kinh phí to lớn mà Park Chung Hee đã ưu ái dành cho Posco vào những năm 1967, 1968, không bảo rằng “trong nguồn tiền hàng trăm triệu USD quý giá đó có sự hy sinh của các chiến binh Hàn Quốc đã sang Đông Nam Á chiến đấu vì nền hòa bình thế giới”. Ông ta nói thế, “hy sinh vì nền hòa bình thế giới”, lời lẽ được dịch rất chuẩn.

Cái gọi là vì hòa bình thế giới ấy, không phải là lời gì quá bất thường ở Hàn Quốc hồi đó, thậm chí còn được Bộ Ái quốc và Cựu chiến binh của Tổng thống Lee Myung-bak đưa vào dự luật trình quốc hội, và bản thân ông giám đốc cũng chỉ là nói theo bài bản viết sẵn, nhưng ông ta nói đâu thì nói, không được phép nói vậy với người Việt Nam.

GS Đặng Thanh Lê không là trưởng đoàn và cũng không định phát biểu, song bà thấy buộc phải phát biểu. Sau những lời mào đầu xã giao cần thiết, bà nói ngay tới cái sự “vì hòa bình thế giới” ấy. Tôi rất nhớ, bà nói: trong những năm chiến tranh, các ông chủ Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từng tung ra nhiều lời phát biểu cực kỳ vô nhân tính, mà đặc biệt ghê sợ là câu “thay đổi màu da xác chết”, Tổng thống Nixon dùng để diễn tả cho “dễ hiểu” chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh; câu nói ấy trước tiên cho thấy bản chất dã man của chiến lược hiểm ác dùng người Việt giết người Việt, đồng thời cũng cho thấy sự tệ mạt của những kẻ sẵn sàng thí mạng những đồng bào da vàng của họ để phụng sự chiến lược ấy của Mỹ, những kẻ đó tất nhiên là chính quyền Sài Gòn, và nữa, không thể nào nói khác được, là chính quyền Nam Hàn thời kỳ đấy. Cùng với xiết bao tội ác đối với dân lành Việt Nam - Việt Nam chứ chẳng chung chung Đông Nam Á nào hết - chính quyền Nam Hàn thời kỳ đấy rõ ràng là đã tàn nhẫn bán mạng thanh niên Hàn Quốc cho Mỹ để thu đôla. Đi giết thuê cho Mỹ sao lại dám bảo là vì hòa bình thế giới? Posco cường thịnh, xin chúc mừng, nhưng xin đừng khoe ra những đồng tiền có được từ chiến tranh xâm lược đất nước tôi.

Bà giáo già tóc bạc, vốn rất lặng lẽ, đã nhỏ nhẹ nhưng mạnh mẽ và thẳng thừng lên tiếng như vậy đấy!

Khép lại quá khứ không hề có nghĩa là né tránh nó, càng không có nghĩa là trốn chạy và đầu hàng nó. Khi giáo sư đang phát biểu, trong đoàn có sự xì xào lo bà nói vậy làm mếch lòng chủ nhà. Nhưng, trái lại, nghe xong lời dịch những ý kiến của giáo sư, đông đảo cử tọa người Hàn đã nhiệt liệt vỗ tay. Bản thân ông giám đốc, sau một lúc bối rối đã trấn tĩnh, nói rằng ông lỡ lời, và cúi xuống trước giáo sư ông nói: Xin lỗi Việt Nam.

Hồi đó, mười năm về trước, chưa mấy người Hàn có được cử chỉ ấy và lời xin lỗi ấy. Nay thì phong trào “Xin lỗi Việt Nam” do Tạp chí Hankyoreh 21 với những bài báo nổi tiếng của Tiến sĩ sử học Ku Su Jeong khởi phát từ năm 2000 đã phát triển sâu rộng khắp Hàn Quốc, nhất là trong giới trẻ.

GS Đặng Thanh Lê qua đời năm 2016. Cùng năm ấy, qua Hàn Quốc, tôi gặp lại nhiều người từng có mặt ở bảo tàng Posco hồi 2007. Họ đều nói về GS Đặng Thanh Lê với sự kính trọng và lòng khâm phục. Đặc biệt họ ghi nhớ những phát biểu của bà hôm ấy. Có người nói, tôi còn trẻ không liên quan tới những tội ác do thế hệ cha anh tôi gây ra, nhưng từ hôm ấy, tôi luôn cúi đầu xin lỗi Việt Nam.

BẢO NINH