Trong bối cảnh ông D. Trump rút Mỹ ra khỏi TPP, tố Việt Nam cướp công ăn việc làm của Mỹ, cười tươi khen Tập Cận Bình, thỏa thuận với Trung Quốc, chưa có xác quyết về đối sách biển Đông… thì chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của chính Tổng thống D. Trump là một thắng lợi lớn. Có đặt nó trong bối cảnh tình hình quốc tế sau khi D. Trump nắm quyền thì mới thấy cái tài giỏi tuyệt chiêu về ngoại giao của Việt Nam. Báo chí thế giới bình luận rôm rả, quan tâm nhiều đến chuyến đi này vì Thủ tướng Việt Nam là thủ tướng đầu tiên của ASEAN được mời đến Mỹ. Trước đó, Mỹ đã công bố việc ông D. Trump sẽ tham dự APEC ở Đà Nẵng - Việt Nam vào tháng 11 tới. Còn trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ thì ông Trump còn nhận lời mời thăm chính thức Việt Nam vào dịp đó nữa. Điều đó báo hiệu những thuận lợi trong chuyến thăm của Thủ tướng. Những vấn đề về thương mại, chính trị, biển Đông, an ninh quốc phòng và các vấn đề khác đã được thỏa thuận một cách thỏa đáng, tốt đẹp, tiếp tục cái đà quan hệ chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam đã được xác lập từ trước. Một hiệp định thương mại 8 tỉ USD đã được thỏa thuận. Hàng Việt Nam tiếp tục vào Mỹ và hàng Mỹ đặc biệt là máy bay Boeing tiếp tục vào Việt Nam. Thú vị nhất là động thái Thủ tướng Việt Nam giơ hình mẫu đôi giày Việt Nam lên cho cả nước Mỹ thấy để an tâm là trong một đôi giày thì Việt Nam chỉ được hưởng lợi 22%, còn thì người tiêu dùng Mỹ và các phía khác hưởng lợi. Ông D. Trump nêu cao “nước Mỹ trên hết”, thì đó, Việt Nam cũng đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn người Mỹ. Ông D. Trump ra tận cửa Nhà Trắng đón Thủ tướng Việt Nam. Ông nói ông vinh hạnh tiếp đón Thủ tướng Việt Nam. Tuyệt vời! Còn về biển Đông thì Mỹ vẫn giữ chính sách can dự như cũ. Trước đó họ đã cho tàu USS Dewey tiến sát đảo Đá Vành Khăn, một bãi đá do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, tôn tạo và quân sự hóa để bảo vệ cái quyền tự do hàng hải hàng không của Mỹ trên biển Đông. Việt Nam và doanh nghiệp Mỹ cũng khai thác dầu ở lô Cá Voi Xanh, và việc này đem lại lợi ích cho Việt Nam hàng chục tỉ USD trong những năm tới. Mỹ đã chuyển cho Việt Nam 6 tàu tuần tra trên biển và tàu USNS Fall River và JS Izumo đã ghé Cam Ranh và Mỹ cũng mong muốn hàng không mẫu hạn của Mỹ sẽ ghé vào đấy. Chưa thấy bàn về Việt Nam mua vũ khí của Mỹ sau khi Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Chắc đây là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt với Trung Quốc trong khi Việt Nam và Trung Quốc vừa có chuyến thăm tốt đẹp, tích cực của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Trung Quốc. Những thỏa thuận mềm dẻo, tích cực về mối quan hệ giữa hai nước, trong đó ngoài kinh tế thương mại thì lập trường của Việt Nam về vấn đề biển Đông bao giờ cũng là đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Lập trường này được toàn thế giới ủng hộ, bởi nó là lẽ phải, là công bằng, bởi ai cũng biết từ ngàn đời nay, biển Đông có bao giờ là của Trung Quốc. Mặc dầu người ta đặt tên cho nó là biển Hoa Nam, cũng như đặt tên cho bán đảo Đông Dương trước kia là bán đảo Trung Ấn (Indo-Chine) bởi vì nó tiếp giáp Trung Hoa và Ấn Độ chứ đâu có thuộc Trung Hoa và Ấn Độ. Đây quyết không phải là gần Mỹ xa Trung Quốc mà Việt Nam gần cả hai vì hòa bình, phát triển.
Báo chí toàn thế giới hoan nghênh chuyến đi này, vì chuyến đi cho thấy thái độ tích cực hơn của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng qua đấy cũng thấy rõ vị trí địa-chính trị của Việt Nam. Trung Quốc qua tờ Hoàn cầu thì tỏ ra bực mình, nói Việt Nam có thể bị lợi dụng như con cờ của Mỹ, Sputnik của Nga thì dè dặt đưa tin nhưng cảnh báo Việt Nam coi chừng Mỹ (“khi người Hy Lạp tặng quà thì anh hãy coi chừng” - đó là một câu cổ ngữ). Quan hệ Nga - Mỹ đang rất phức tạp, căng thẳng. Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận Nga, nhưng Nga đang thắng lợi ở Syria và đang bắt đầu tăng trưởng kinh tế trở lại. Nga tuyên bố ủng hộ lập trường đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế về biển Đông, nhân chuyến thăm làm việc của một Thứ trưởng ngoại giao Nga.
Sau chuyến đi Mỹ là thắng lợi của chuyến đi Nhật. Hiện Nhật là người bạn chiến lược, đáng tin cậy của Việt Nam. Chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam đến Tokyo nâng cấp toàn diện quan hệ Việt - Nhật từ kinh tế thương mại, quốc phòng an ninh, đến đầu tư. Đã ký 43 thỏa thuận trị giá 22 tỉ USD, Nhật cung cấp 350 triệu USD hỗ trợ nâng cấp tàu bảo vệ bờ biển Việt Nam (báo Trung Quốc Hoàn cầu cảnh báo điều này là nhằm kích động đối đầu Việt Nam - Trung Quốc). Cuộc gặp mặt của Thủ tướng với 1.400 doanh nghiệp Nhật là một biểu hiện sinh động của giao thương Việt - Nhật. Việt Nam mời đón đợt đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật vào những lĩnh vực, công trình mà Việt Nam đang hết sức quan tâm.
Bây giờ nói về việc trong nước. Cuộc chất vấn của Quốc hội với Chính phủ vừa qua đã làm nóng lên rất nhiều vấn đề trong nước, từ đầu tư thương mại, doanh nghiệp đến văn hóa. Chất vấn như thế làm cho người ta thấy được tính tích cực, dân chủ của Quốc hội Việt Nam (còn hơn cả Trung Quốc). Bao nhiêu “quốc sự” được đặt lên bàn nghị sự. Người ta thấy đã bắt đầu có sự kiểm soát quyền lực từ bên trên, từ cấp cao. Người ta thấy nắm quyền lực ngày nay không dễ dàng. Bao nhiêu con mắt soi vào, bao nhiêu câu hỏi đặt ra trước trách nhiệm nặng nề. Chỉ mới như thế thôi thì rõ là chưa đủ vì nhiều lúc nhiều nơi còn chưa được như vậy, nhất là ở dưới cơ sở; nhưng dù sao thì đó cũng là một bước khởi đầu đáng khích lệ.
Người ta mừng thấy việc làm du lịch ở bán đảo Sơn Trà được nêu lên trước Quốc hội. Bán đảo Sơn Trà là một báu vật quốc gia, tuy nó nhỏ nhưng nó thử thách tầm nhìn thái độ và tình cảm của chúng ta đối với những vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhất là Sơn Trà còn là vấn đề quốc phòng an ninh, còn là bán đảo của lịch sử chống ngoại xâm, và người ta có quyền nghi ngờ, nghi ngại đằng sau chuyện này còn có chuyện gì khác nữa không?! Trong văn học Hy Lạp có câu chuyện Oedipe làm vua, trong đó có tình tiết Oedipe lấy (hiếp) mẹ, trước nay người ta cứ hiểu tình tiết này theo nghĩa đen. Thực ra, theo một số nhà bác ngữ học người Nga thì nó có nghĩa là bức hiếp mẹ Tổ quốc. Tự nhiên mà chúng tôi nghĩ đến chuyện này khi bao nhiêu việc đau lòng xảy ra trên Tổ quốc ta.
Giải quyết vấn đề Sơn Trà như thế nào là thỏa đáng? Nhưng dù giải quyết như thế nào như người thay mặt chính phủ - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói - đều phải căn cứ trên sự phát triển bền vững và lòng dân, lòng dân Đà Nẵng, lòng dân cả nước. Nguyễn Trãi nói: “Chăn dân chớ để mất lòng dân” (Chăn dân mạ nỡ mất lòng dân) vì ý dân là ý trời. Nghĩ được như vậy là quý lắm và chắc rằng Sơn Trà sẽ có được giải pháp tối ưu.
Vụ khởi tố vụ án bắt công an giam người ở Đồng Tâm làm nóng trở lại vụ việc này. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng nêu việc dùng cả một đại đội cảnh sát của Hà Nội về trấn áp ở Đồng Tâm, làm cụ Lê Đình Kình 82 tuổi, 55 tuổi Đảng bị thương phải đi bệnh viện. Trước đó, một số dân khiếu nại mà lâu lắm không được giải quyết việc một số quan chức địa phương tham nhũng, chiếm dụng đất (và bây giờ mới được giải quyết một số vụ). Việc 57ha của dân Đồng Tâm bị khiếu nại vì chính quyền chuyển nhượng cho Viettel đang được thanh tra giải quyết, có cả Thanh tra chính phủ tham gia. Nếu việc khởi tố trái với lời cam kết của ông chủ tịch Hà Nội là chuyện chẳng đặng đừng thì mong rằng vụ án sẽ được khép lại trên một quan điểm hiện đại, thực tế lành mạnh. Mong rằng” “tiền hung hậu cát”. Cái cốt lõi là nên sửa lại Luật đất đai để tránh xảy tiếp những vụ việc tương tự. Còn về quá tải, ùn tắc ở sân bay Tây Sơn Nhất thì đã rõ là nhất thiết phải lấy lại sân gôn để mở rộng sân bay. Chính phủ đang cho tiến hành, thuê cả chuyên gia nước ngoài tư vấn. Vấn đề còn lại, lớn hơn là vấn đề quân đội làm kinh tế. Trung Quốc đã giải quyết dứt điểm việc này, ta cũng nên tham khảo.
Theo quyết tâm của Chính phủ, GDP của nước ta năm nay sẽ tăng 6,7%, tăng được đến đó là rất cao. Ta đang chứng kiến hàng loạt những chuyển động đúng hướng trong kinh tế và chúng ta hy vọng. Còn tình hình văn hóa xã hội, thì như đã nêu ở diễn đàn Quốc hội là một việc không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Đây là một vấn đề lớn, hết sức lớn, chiếm đến ít ra là một nửa vấn đề, thì chúng ta phải chuyên tâm phấn đấu tìm giải pháp, những giải pháp cơ bản, lâu dài. Chuyện đó xin để hạ hồi phân giải.