HV116 - Sam biển “thủy chung” gặp người thuần hậu

“Ngóng lên đỉnh rừng vàng cậu con trai đứng gác. Ngó ra bờ biển bạc ông bố mang súng tuần canh. Xóm làng ta khuya sớm được yên bình. Nhớ con người thuần hậu sống trọn nghĩa vẹn tình với dân…”

Những câu hát theo làn điệu ví ấy trong hoạt cảnh vui của Đội văn nghệ làng Hội trình diễn tặng ông Trần. Ông là trưởng công an làng. Ông đang có cậu con trai cả là lính trên trạm gác tiền tiêu của Đồn biên phòng Cầu Treo.

Ngày ấy ông Trần được trang bị một khẩu súng trường CKC. Ông nhận nhiệm vụ hằng ngày vào lúc hừng đông mới ló dạng và buổi chiều muộn lúc khói sóng mờ nhòa biển xanh đi tuần từ bãi ngang lên Cửa Hội. Bởi ngày ấy lúc đêm khuya, lúc trời nhập nhoạng bọn giặc thường dùng thuyền cao su đưa người nhái xâm nhập vào cửa biển dò la, thám sát tuyến phòng thủ của ta. Có lần chúng đã táo tợn vào các xóm vắng bắt cóc ngư dân đưa đi khai thác thông tin rồi vất xác xuống biển. Lúc triều lên, ông Trần đi bên mép sóng, ông xem có dấu vết thuyền trượt cát vào bờ không; trong rác biển có truyền đơn, có hàng “chiến tranh tâm lý”, có máy thu thanh rẻ tiền đã cài sẵn băng xuyên tạc nói xấu làm suy giảm lòng tin của nhân dân, giặc thả sóng đêm lùa vào bờ không… Lúc triều xuống, ông nhìn kỹ những đám cát non bầy dã tràng đã xe viên tìm mồi, có dấu chân, dấu giày không… Có những buổi đi sớm, ông Trần đã nhặt được những con chim vàng anh lông vàng, con chim cu biển cánh xanh đốm tím, con chim bói cá mỏ đỏ như nhuộm sơn… Chúng từ đảo Ngư, đảo Mắt bay vào bị gió dập mưa vùi trôi dạt theo sóng biển. Ông Trần ủ ấm nó trong áo đưa về nuôi. Lúc chim khô lông rộng cánh cất được tiếng hót, ông thả nó vào rừng phi lao. Có bữa ông nhặt được con mèo lông vàng của một nhà đã chuyển đi xa bỏ lại. Ông ôm nó về nhà, chăm chút và tắm cho nó (lần đầu ở vùng biển này có người tắm cho mèo). Con mèo béo tốt mượt lông vàng. Ông đặt tên cho nó là con Biển Vàng. Đi đâu về đến cửa, ông Trần gọi “meo, meo, Biển Vàng”, con mèo chạy ra đón ông, quấn quýt bên ông. Đêm ông nằm trên chõng tre, con Biển Vàng nằm gác đầu lên chân ông. Một buổi sáng ông Trần nhặt được chiếc túi vải vùi lấp trong cát. Trong túi có cả triệu đồng gấp chung với một lá thư. Cái túi vải đó của một bà ở xóm bên đi mua cá, và lá thư đó của cậu con trai bà ở chiến trường vừa gửi về. Ông Trần đã đưa tiền, đưa thư đến tận nhà cho bà. Còn buổi sáng nay, ông Trần gặp con sam bò từ trên bãi cát xuống biển sóng. Nhìn nó, ông nhận ra ngay đây là con sam “chồng”, vì phía đầu vành mai cứng của nó vẹt lõm một mảng lớn.

Là người dân biển quen vào lộng ra khơi với nghề đánh cá, ông đã được các bậc cao niên truyền kinh nghiệm rồi. Nhờ cái “khuyết tật” vẹt lõm vành mai tạo hóa ban cho mà con sam “chồng” được “vợ” nuông chiều cõng trên lưng suốt đời. Nó sống được chỉ nhờ sam “vợ”. Con sam “vợ” tròn vành kín mai úp bắt được mồi ở đáy biển rồi “đút” cho ăn. Rời sam “vợ”, sam “chồng” chết đói. Các cụ ở vùng biển có thói quen ngắm tướng mạo con cháu rồi “phán”: “Con trai đứa nào hớt môi sam chỉ bẻm mép, suốt đời sống nhờ vợ!”.

Ông Trần đoán chắc rằng vợ chồng nhà sam này đêm qua đưa nhau lên bãi cát tìm chỗ đẻ trứng. Vì khi đẻ xong, sam “vợ” bò xuống biển thì sam “chồng” ở lại ấp trứng, thụ tinh cho trứng nên bò xuống sau. Ông Trần nấn ná dừng lại. Ông chờ con sam “chồng” bò xuống biển, lúc con sóng nâng nó ra xa bờ ông mới đi. Ông phòng xa nhỡ có người đi sau, họ sẽ bắt nó. Và, khi lẻ đôi thì “vợ chồng” nhà sam đâu còn sống được nữa. Ông Trần đã nghe các cụ kể chuyện về sự tích “thủy chung” của “vợ chồng” nhà sam ở vùng biển Cửa Hội này. Chuyện rằng một cặp vợ chồng thuyền chài nghèo hằng ngày thả câu giăng lưới bắt cá trên vùng biển quanh đảo Ngư. Rồi người vợ bị bọn cướp biển lừa phỉnh bắt đi. Người chồng cầu khẩn ông tiên ngự trên đỉnh đảo Ngư, xin ông cứu vớt. Ông tiên thương tình cho người chồng mượn viên ngọc quý ngậm vào miệng đi tìm vợ. Ông tiên dặn anh ta rằng không được rỉ răng với ai chuyện ông cho mượn ngọc. Nhưng khi tìm cứu được vợ rồi, chị ta nằng nặc đòi chồng kể cho nghe câu chuyện thần bí đó. Anh chồng chiều vợ, quên lời tiên dặn đã kể cho vợ nghe. Viên ngọc trong miệng anh rơi tòm xuống biển sóng... Rồi cơn cuồng phong ập đến, vòi rồng cuộn nước dâng lên. Chiếc thuyền câu chìm xuống đáy biển. Vợ chồng người thuyền chài chết đuối. Khi chết, họ vẫn còn ôm chặt lấy nhau và đã hóa thành đôi sam biển. Từ sự tích đó mà người dân vùng biển đã có câu nói: “Thương nhau dính chặt như sam”.

***

Loài sam biển - theo các tài liệu khoa học là sinh vật giáp xác thân mềm thuộc ngành chân khớp đã xuất hiện hơn 200 triệu năm trước dưới đáy đại dương. Chúng sống thành từng đôi với nhau. “Vợ chồng” nhà sam “thủy chung” và không lúc nào rời nhau. Quanh năm suốt tháng “sam vợ” cõng “sam chồng” trên lưng. Bắt được con mồi, “sam vợ” dùng hai chân sau quắp lấy ngoặt ngược lên “đút” vào miệng cho “sam chồng”. Có tài liệu gọi loài sam biển là “cua móng ngựa”. Thoạt nhìn không ai thấy nó giống loài cua và móng nó cũng không giống móng ngựa. Nhưng từ xa xưa nó có quan hệ di truyền với loài cua và nhện.

Sam được các nhà khoa học gọi là loài vật đã “hóa thạch sống”, bởi qua hàng trăm triệu năm rồi mà hình hài của nó vẫn không hề biến đổi. Loài sam có cấu tạo cơ thể thật lạ đến kỳ quái. Nó có đến bốn mắt. Hai mắt lồi ra hai bên cơ thể. Hai mắt còn lại nằm trên đầu. Mai cứng của con sam có dạng cái gáo, hình móng ngựa. Ở con sam đực mai bị vẹt lõm một đoạn ở phía trước. Con cái có chiều dài gần 40cm, con đực nhỏ hơn, chỉ gần 30cm. Loài sam có tám đôi chân đều tua tủa gai nhọn, sáu đôi chân trước dùng để bơi, còn hai đôi chân sau thì chuyên bắt, kẹp, giữ, xé con mồi đưa vào miệng. Và nếu là con “sam vợ” thì biết quặt ngược chân sau lên “đút” mồi cho “sam chồng”. Loài sam có một cái đuôi dài đến 30cm, hình ba cạnh nhọn sắc như mũi lê có gai móc câu. Cái đuôi sam rất khỏe, nó là “bánh lái” định hướng lúc di chuyển và giữ thăng bằng lúc bị sóng xô đẩy lật nghiêng ngửa...

Sam là loài sinh vật thở bằng mang. Nó có tới 150 tấm màng mỏng như lá cây hút lọc oxy trong nước. Sam chỉ có thể thở và sống được khi những tấm màng mỏng ấy dầm trong nước. Sam là sinh vật tạp ăn. Nó “xơi” hầu hết những loài giáp xác thân mềm: cua, tôm, ốc, hến... ẩn nấp trong cát, trong bùn mà cái mai của nó là cái chụp úp để bắt. Sam ăn cả tảo biển và cũng không từ xác chết của sinh vật.

Đặc tính của loài sam là ưa thích sống trong môi trường vùng đáy biển, cát pha bùn. Vào khoảng tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, sam thường rủ nhau về quần tụ ở các triền cát cửa sông nơi có nhiều thức ăn. Chúng đến đó như để “mở mùa hội… giao phối”. Chúng đến từng cặp với nhau, rất hiếm con đi lẻ. Đã có nhiều tài liệu nghiên cứu và cả bà con ngư dân chuyên làm nghề đánh cá biển nói rằng, “vợ chồng nhà sam” bò đi đâu cũng cõng nhau từng đôi, nếu một con bị người bắt, bị chết thì con còn lại cũng chết luôn. Nếu nó còn sống một mình sẽ trở thành con “sam độc”. Cho đến nay chưa có ai giải mã được điều bí hiểm vì sao một loài sinh vật ở biển lại có “cuộc sống thủy chung cực đoan” đến như thế. Sau “mùa hội” đó, chúng tìm đến các bãi cát ấm đẻ trứng. Trứng sam có hình dáng giống hệt như hạt tiêu sọ màu trắng ngà. Lúc “sam vợ” đẻ trứng, “sam chồng” là kẻ bảo vệ trung thành túc trực canh giữ rồi thụ tinh cho trứng. Xong, “vợ chồng nhà sam” bới cát vùi lấp kín ổ trứng rồi xóa dấu vết và lặng lẽ trở về biển xanh. Gần chục ngày sau, ấu trùng trong trứng nở ra lột xác biến thành hình hài chú sam con nhưng chưa có đuôi. Sau 3 tuổi, sam phân biệt giới tính và chọn “bạn tri kỷ” kết đôi. Cả cuộc đời con sam sau đó phải lột xác từ 16 đến 20 lần.

Ở Việt Nam ta, loài sam sinh trú nhiều nhất vùng biển các tỉnh miền Trung. Ở biển Ấn Độ, Tây Thái Bình Dương, vùng biển Đỏ, biển Đông Phi, biển Nhật Bản… cũng có loài sam sinh sống,

Ngoài ý nghĩa khoa học phát hiện loài sam là hiện vật “hóa thạch sống” từ kỷ nguyên Ordovic(*), loài sinh vật biển này còn có giá trị về dược học. Máu loài sam màu xanh vô cùng quý giá (trên 15.000 USD/lít), có nhiều chất mang hoạt tính sinh học cao, có khả năng nhanh chóng phát hiện độc tố endotoxin của vi khuẩn trong sản xuất thuốc. Máu loài sam còn có tác dụng làm đông tụ lượng vi khuẩn và khiến tác nhân gây bệnh bất động. Nhờ đặc tính này mà ngành dược học nước Mỹ dùng máu sam tạo ra chế phẩm lysate sử dụng trong việc chẩn đoán bệnh lậu, bệnh nhiễm khuẩn máu ở trẻ sơ sinh và một số chứng bệnh khác. Có tài liệu khoa học đã cho biết rằng chế phẩm lysate từ máu loài sam dùng để thử các loại vắc xin xem có sót độc tố trước khi sử dụng cho người. Máu của loài sam còn chế ra thuốc có khả năng ngăn ngừa và chữa bệnh ung thư, diệt khuẩn, thải độc, tăng cường sức đề kháng cho người. Loài sam biển tính hàn, được chế biến thành nhiều món ăn ngon đặc sản biển, như: gỏi sam, sam xào chua ngọt, sam xào sả ớt, trứng sam chiên dòn, sam bao bột rán, sam nướng, sam hấp…

Đặc biệt sam là loài không thể nuôi được như các loài tôm, cá. Nó chỉ phát triển tự nhiên hoang dã trong đại dương. Loài sam biển đã được ghi tên vào Sách Đỏ Việt Nam từ năm 1992 và năm 2000. Hội Bảo tồn tài nguyên biển đã có kiến nghị cần có những khu bảo tồn các bãi đẻ trứng của sam để bảo vệ loài sinh vật này.

***

Một buổi sáng sớm, ông Trần mang súng đi bên mép sóng. Ông ngạc nhiên vì nhìn thấy hàng chục con hải âu từ biển bay vào lượn vòng rồi thi nhau chúc đầu xuống bãi cát nhặt mồi. Ông mau đến xem, thì ra lũ chim đói đang nhặt những con sam tội nghiệp bò trốn nhanh xuống biển. Ông Trần vẫy khăn, tung mũ đuổi đàn chim đói đi. Ông đứng canh giữ cho lũ sam con bé bỏng chập chững bò trên cát. Khi con sóng triều ban mai xô lên đón hết lũ sam con về biển cả, ông Trần mới đi lên phía Cửa Hội. Nhìn sóng biển, ông cười vui, nụ cười thật hiền hòa và thân thiện - “Chắc bố mẹ chúng đang chờ ở ngoài đó”, ông Trần thầm nghĩ.

Vừa về đến sân nhà, ông Trần nhận được tin sét đánh. Cậu con trai ông vừa được đồng đội đưa về quân y viện. Ông bàng hoàng, treo vội khẩu súng lên cột nhà rồi nhờ người bà con đèo xe đạp lên viện. Anh quân y đón ông ở cửa phòng cấp cứu. Anh nói với ông rằng “mừng cho bác, anh Hữu đã tỉnh lại rồi, đã qua cơn nguy kịch rồi. Anh ấy bị bệnh sốt rét chuyển sang dạng ác tính hôn mê. Anh em ở đồn biên phòng phải cáng anh ấy đi xuyên rừng suốt đêm, ra đến bến sông Ngàn Phố mới có đò chở về đây. May lắm bác ạ. Bệnh này mười ca chỉ cứu được một, hai ca…”.

Ông Trần nhìn cậu con trai, đôi chân ông khuỵu xuống. Da cậu như màu đất rêu, tóc trên đầu rụng gần hết… “Nhưng đôi mắt nó, cái nhìn của nó còn thần sắc. Nó sẽ lại hồn. Nó sẽ sống…”, ông Trần mừng thầm.

Buổi chiều, ông ngồi đút cho cậu con trai từng thìa cháo mà lòng cứ tính gần nghĩ xa… Ông nhớ về một bữa cơm chiều của nhà ông năm xưa dọn ra trên sân cát biển. Cái mâm gỗ sứt vành được đặt giữa chiếc nong nan tre hằng ngày phơi tôm cá. Cả nhà ngồi quây quần xung quanh. Ông nội gắp vào bát cho các cháu mỗi đứa một đũa trứng sam vàng ươm, thơm phức đã nướng chín gói trong lá chuối. Ông nói với con cháu lời tâm huyết như muốn dốc cả nỗi lòng của tuổi già: “Phúc lộc ông cha để lại giống như mạch nước ngọt mát lành chảy ngầm trong lòng đất. Mạch nước ấy sẽ chảy về cái giống nhà cho con cháu hưởng đời đời…”.

_____

(*) Kỷ nguyên Ordovic - đặt theo tên một bộ lạc người sống tại vùng đất Wales. Nơi đây tìm thấy các hóa thạch được Hội Địa chất quốc tế công nhận là một kỷ chính thức của đại Cổ sinh khoảng 488,3 triệu năm trước (theo Bách khoa toàn thư mở).

TRẦN HỮU TÒNG