HV117 - Bác Hồ với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Tôi có duyên may gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh năm 1947 tại chiến trường Bình Trị Thiên, nơi ông làm Bí thư Phân khu ủy. Từ bấy cho đến ngày 5 tháng 7 năm 1967, ông ra đi về cõi khác, tôi luôn được ông dìu dắt, và có thời gian trực tiếp giúp việc ông, khi ông là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, lại làm Trưởng ban Công tác nông thôn trung ương - thời gian ấy tôi là Trưởng ban Biên tập nông nghiệp và nông thôn báo Nhân dân.

Tôi chưa bao giờ được tham dự hoặc chứng kiến buổi làm việc nào giữa Bác Hồ với đại tướng. Mấy mẩu chuyện kể lại hôm nay nhân cuộc Tọa đàm kỷ niệm 50 năm ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời (5-7-1967 – 5-7-2017) đều do ông, mà tôi xin phép vẫn gọi là anh Thao như hồi ấy, kể cho nghe những lần tôi đi công tác cùng anh. Mặc dù những gì cảm nhận được, tôi ghi luôn vào sổ tay tại chỗ hoặc ngay sau đấy, nhưng có khi nghe hoặc ghi không chuẩn, lại lâu ngày nhớ nhớ quên quên, có gì sai xin bạn đọc lượng thứ và chỉ giáo.

Lần đầu gặp Ông Cụ(1)

Khoảng đầu tháng 8 năm 1945, trước Tổng khởi nghĩa, anh Thao ra tù đang hoạt động ở phía Nam. “Mình phụ trách mấy tỉnh Nam Trung Bộ. Đang họp hội nghị thì anh Tố Hữu vào. Anh Lành(2) hồi ấy là Xứ ủy viên phụ trách Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, liên lạc được với Trung ương. Mừng quá. Cùng bàn việc cử Đại biểu Trung Bộ đi dự Quốc dân Đại hội sẽ họp tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang”. Hai đồng chí, Trần Quý Hai người Quảng Ngãi và Nguyễn Vịnh người Thừa Thiên, thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ lên Việt Bắc. Anh Thao kể tiếp: “Từ Trung Bộ ra đến Hà Đông, gặp anh Lê Đức Thọ. Cùng đi với anh lên Tân Trào, gặp các anh Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh. Anh Tô(3) và anh Văn(4) (lúc ấy) đang ngồi viết báo. Đến bữa cơm, nghe anh Việt nói: ‘Tối nay đi gặp’. Biết các đồng chí Thường vụ chuẩn bị gặp Ông Cụ, mình vội nói: ‘Cho tôi đi cùng’”.

Tối hôm ấy, được Bác Hồ ân cần hỏi chuyện, anh Thao thật thà nghĩ thế nào, báo cáo với Bác thế ấy. Chiều hôm sau, cuối Đại hội Tân Trào, công bố danh sách Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam có tên Nguyễn Chí Thanh. “Mình đang ngơ ngác thì anh Tô bảo: ‘Ông Cụ đặt tên cho anh đấy. Từ nay anh là Nguyễn Chí Thanh’. Sáng hôm sau, lật đật trở về miền Trung tham gia chỉ đạo Tổng khởi nghĩa, mình được anh Tô cho cái áo blouson Mỹ rộng thùng thình anh đang mặc. Cái áo ấy mình vẫn dùng. Được cái người mình nay cũng đẫy đà lên chứ không đến nỗi ốm nhom như hồi ấy, mặc cũng thích”.

Bộ Chính trị đã quyết, chú phải đi nghỉ

Anh Thao nghiện thuốc lá. Bác Hồ mỗi lần được ai biếu thuốc lá ngoại, Bác gửi sang cho anh một gói. Anh xuýt xoa: “Thời ấy nhãn hiệu Craven A là nhất”. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bác sĩ phát hiện anh chớm bị bệnh phổi, khuyên anh hạn chế thuốc lá, tối đa 5 điếu mỗi ngày. Chị Cúc vợ anh không quản nổi, đành cậy chú Chắt, sĩ quan cận vệ và là người cùng quê với anh. Anh Chắt quản chặt mọi loại thuốc lá trong nhà, thỉnh thoảng mời anh Thao một điếu theo “định mức” bác sĩ ghi. Hôm được tin chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, anh Thao nói khó với Chắt, “xin cho mình một điếu hút mừng chiến thắng, điếu này thay cho điếu cuối (trong ngày)”.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đề nghị anh thu xếp công việc, đi nghỉ một thời gian. Thấy bệnh nhân ậm ừ, biết anh sẽ không theo lời, bác sĩ đề nghị Bộ Chính trị ra quyết định. Anh Thao vội viết thư gửi Bộ Chính trị xin chấp hành nghiêm túc, tuy nhiên hiện có một số việc làm dở, xin thư cho một thời gian, xử lý xong sẽ thảnh thơi đi nghỉ.

Thư vừa gửi hôm trước, hôm sau Bác Hồ đột ngột đến nhà. Hồi ở chiến khu, đôi ba lần Bác Hồ có qua thăm anh Thao, chơi với các cháu, có hôm Bác ở lại dùng cơm với gia đình, lần nào cũng có báo tin trước. Lần này không những anh Thao không được báo, Bác Hồ lại đi theo lối tắt. Khi anh cảnh vệ nhìn thấy Hồ Chủ tịch, mừng rỡ reo lên: “Bác! Bác!”, mọi người xúm đến thì Bác đã bước vào trong nhà. Thấy mồ hôi lấm tấm trên vầng trán cao của Người, anh Thao cầm cái quạt nan phe phẩy cho Bác. Hồ Chủ tịch hỏi thăm sức khoẻ anh, và không để cho anh kịp thưa, Bác nói: “Bộ Chính trị đã quyết, chú sắp xếp đi nghỉ thôi”.

Ngày hôm sau, anh Thao bàn giao công việc, đi điều dưỡng.

Bác Hồ đặt tên cho phong trào Đại Phong(5)

Trung ương chủ trương, việc hợp tác hóa nông nghiệp miền Bắc nên hoàn thành nội trong ba năm 1958-1960 để sang năm 1961 bước vào Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế, xã hội.

Cuối năm 1960, việc hợp tác hóa nông nghiệp cơ bản hoàn thành. Phong trào mới, cán bộ thiếu. Nông dân theo lời Đảng, ồ ạt lập hợp tác xã, tuy nhiên một số người vừa vào làm tập thể, thấy chưa có lợi trước mắt, xin ra làm riêng. Ra ít lâu lại xin vào. Cứ người vào người ra, công việc làm ăn không ổn định. Lại thêm vụ chiêm năm 1960 mất mùa do rét đậm kéo dài, để lại nhiều khó khăn.

Một hôm anh Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân dân, đi họp về mời tôi lên gặp. Với cái giọng tưng tửng quen thuộc, anh nói:

- Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nay làm Trưởng ban Công tác nông thôn trung ương. Đại tướng lại xắn quần lội ruộng. Anh Thanh bảo tôi cử cán bộ làm việc với anh. Tôi đề cử Phan Quang, hình như anh Thanh cũng có biết anh đấy. Từ nay anh bám sát đại tướng, đi công tác với anh, làm những việc anh giao. Anh Thanh chỉ thị thế nào, anh cứ thế mà làm, báo cáo tôi sau cũng được.

Thì ra (điều này chính anh Thao kể tôi nghe), một hôm Bác Hồ cho mời anh đến gặp. Bác nói: “Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp mới nhóm, còn trầm trầm. Chú hãy cố tìm cho được điển hình tốt, rút bài học rồi phát huy lên, chớ để tình hình kém phấn chấn như hiện nay”.

Thế là anh Thao cùng cán bộ hăng hái vào cuộc. Anh bôn ba khắp miền Bắc chọn điển hình tiên tiến, anh sang tận Bình Nhưỡng tìm hiểu phong trào thi đua Thanh Sơn Lý của Triều Tiên. Đợt vận động thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” khởi động, các địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Sau khi “ngọn gió Đại Phong” đã lồng lộng khắp miền Bắc từ Cao Bằng, Lào Cai đến Quảng Bình, Vĩnh Linh, Hội nghị Trung ương lần thứ 5 họp, đánh giá kết quả. Anh Thao hào hứng nói: “Tôi đâu dám gọi cuộc vận động ấy là phong trào thi đua Đại Phong ngay từ đầu. Bác Hồ trong bài viết đăng báo Nhân dân đã đặt tên là Phong trào Đại Phong. Và Lê Duẩn, tại lời kết thúc Hội nghị Trung ương 5, đã vinh danh Đại Phong là hợp tác xã gương mẫu, do nó giải quyết đúng hướng nhiều vấn đề đặt ra trong bước đi ban đầu”.

Anh em ta cùng viết Lời kêu gọi của Bác(6)

Nhằm đưa phong trào Đại Phong đi vào chiều sâu, Bộ Chính trị quyết định tập trung vào nội dung “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ, vững chắc”. Qua nhiều cuộc họp giữa Ban Nông nghiệp Trung ương với các tỉnh, được sự đồng thuận cao, dự kiến sẽ khởi đầu đợt vận động vào đầu tháng 3 năm 1963.

Dạo ấy anh Thao bận tất bật. Một sáng, anh cho gọi tôi qua nhà, bảo góp ý về bài diễn văn anh sẽ đọc trong buổi lễ kỷ niệm 80 năm ngày Các Mác từ trần (1883-1963) tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, tiếp đó cùng bàn việc tuyên truyền đợt vận động nói trên. Anh bảo: “Có lẽ bọn mình nên xin Bác Hồ nói cho mấy lời kêu gọi mở đầu, đợt ra quân mới rôm rả”.

Anh cầm máy điện thoại gọi sang Văn phòng Trung ương, nhận được trả lời Bác Hồ đang chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị. (Anh Thao xin phép vắng mặt cuộc họp ấy để làm mấy việc khẩn). Tới gần trưa mới liên lạc được. Gác máy điện thoại xuống, anh hồ hởi: “Bác đồng ý rồi. Quang ở lại dùng bữa trưa với mình, anh em ta chuẩn bị nội dung bài nói, kịp trình Bác chiều nay”. Anh Thao đề xuất ý kiến, tôi chấp bút. Anh dặn: “Viết cho thật gọn. Bác Hồ ghét nhất những bài lê thê, rễ cà ra dây muống”.

Tôi lục cục cày, anh Thao mấy lần góp ý. Hoàn tất công việc, anh cầm bản vừa đánh máy xong lên xe sang chỗ Bác. Sáng hôm sau, tôi lại đến nhà anh, xem bài được Bác Hồ duyệt ra sao. Anh Thao gí vào mặt tôi một bản khác: “Này Quang xem, chúng mình chuẩn bị công phu thế mà Bác sổ toẹt, Bác viết lại thế này. Cậu đọc cho kỹ, học cách viết của Bác, sau này còn nhiều dịp cần”.

Ôi thôi, một bản đề cương khác hẳn cái chúng tôi chuẩn bị chiều qua. Tuyệt nhiên không hô hào, kêu gọi mà giản đơn, cụ thể. Hồ Chủ tịch dẫn mấy trường hợp vừa diễn ra tại Nghệ An, Hà Nam. Sau khi biểu dương Thường vụ Huyện ủy Duy Tiên đi sâu đi sát, chia nhau về các xã giải quyết tại chỗ tình trạng dân kêu “thiếu nước, thiếu trâu, thiếu người làm” (lời Bác Hồ). “Nhờ cách chỉ đạo thiết thực đó (Bác Hồ gạch dưới), chỉ trong ba ngày, mười xã ấy đã có đủ nước cấy 2.200 mẫu bị hạn”.

Sau lời khen, Bác Hồ tiếp: “Trong việc huyện Duy Tiên còn cho chúng ta thấy một khía cạnh. Vì sao mà các chi bộ nơi đó không biết giải quyết việc chống hạn? Vì sao ruộng đã cấy xong là 8.800 mẫu, thì báo cáo là 5.658 mẫu? Ruộng bị hạn là 2.560 mẫu thì báo cáo là 6.115 mẫu? Vì sao các chi bộ cố ý báo cáo sai sự thật như vậy. Đó là một vấn đề, không nên để có những sự giả dối như vậy”(7).

Chiều hôm ấy 7-3-1963, sau khi nghe Bác Hồ phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn miền Bắc, anh Thao có ý kiến: Báo Nhân dân in ngay bài Bác nói lên số báo ra ngày mai, kèm xã luận. Tôi thấy việc này khó đây. Vừa dự cuộc họp Ban biên tập, tôi biết kế hoạch báo tuần này nặng lắm. Ngày mai 8 tháng 3, xã luận về Ngày Quốc tế Phụ nữ và kỷ niệm Hai Bà Trưng. Tiếp đó, tập trung tuyên truyền sự kiện 80 năm ngày Các Mác qua đời. Cả một loạt bài, bài nào cũng đồ sộ. Mở đầu với bài của Lênin viết về Mác. Số tiếp theo, in tiểu sử Mác cùng bài chuyên khảo Ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác. Hồi ký của Paul Lafargue, con rể Mác, đăng hai kỳ. Sang ngày 13-3-1963, xã luận dài 5.000 từ - kỷ lục độ dài xã luận báo Nhân dân cho đến lúc bấy giờ. Trang trong còn có chuyên luận dàn suốt hai trang, cùng một chủ đề. Tối hôm ấy, mít tinh chính thức kỷ niệm 80 năm ngày Các Mác mất, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thay mặt Bộ Chính trị đọc diễn văn, và dĩ nhiên số báo ra sáng hôm sau 14-3-1963 sẽ đăng toàn văn bài phát biểu ấy(8).

Tôi nối máy điện thoại, mời anh Thao trao đổi với Tổng biên tập báo. Anh Hoàng Tùng giải trình, nếu đăng bài nói của Bác Hồ kèm xã luận báo mở đầu cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật...” vào sáng ngày 8-3- 1963 thì sẽ hụt hẫng mất một tuần, mới lại có bài nối tiếp. Anh Thao băn khoăn, trường hợp báo chưa đăng, phải xin chỉ thị Bác. Anh lên xe ngay, và được Bác đồng ý cho báo Nhân dân lùi việc công bố bài nói đến số ra ngày 15-3-1963.

Gặp Bác Hồ lần cuối

Sau khi tôi hoàn thành việc chấp bút bài báo về hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm Phù Lưu Tế, tỉnh Hà Đông, với nội dung: Các hợp tác xã chuyên canh cũng cần tự túc một phần lương thực, giảm gánh nặng cho Nhà nước bao cấp trọn cái ăn của nông dân các vùng chuyên canh cây công nghiệp(9), anh Thao duyệt, trao trả tôi bản đánh máy có ký tắt tên anh lên đầu trang 1, và tiễn ra tận cổng - chuyện chẳng mấy khi anh làm. Nắm chặt tay tôi, anh dặn: “Phan Quang giữ bài này. Khi nào bên mình điện thoại sang thì cho in luôn lên báo số ra sáng hôm sau”.

Tuy không nói ra, tôi hiểu: “Con chim bằng” sắp cất cánh trở lại chiến trường. Bài báo ký tên Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bàn về nông nghiệp, bên cạnh tác dụng chỉ đạo phong trào, còn có thể là một tín hiệu đánh lạc hướng tình báo Mỹ đang bám sát vị “tướng Việt cộng”.

Đau xót thay, cánh chim bằng không hạ cánh xuống chiến trường miền Nam mà bay luôn lên cõi vĩnh hằng.

… Sáng sớm ngày 6-7-1967, tôi đến cơ quan báo Nhân dân, gặp anh Hoàng Tùng ở cầu thang. Anh buồn rầu thốt: “Anh Thanh mất rồi!”. Tôi ngẩn người, không thể nào tin nổi. Anh nói tiếp: “Anh Thanh mất đêm hôm qua”.

Tôi vội đạp xe sang ngôi nhà phố Lý Nam Đế. Câu chuyện sau đây tôi được nghe thư ký của anh và một số người khác kể lại. Chiều hôm ấy, anh qua chào từ biệt Bác Hồ. Giã từ Người, anh xuống cầu thang ngôi nhà sàn, thẫn thờ ngồi lên bờ tường thấp ven lối đi. Anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác, hỏi tại sao chưa về nhà nghỉ, anh đáp:

- Mình thương Bác quá. Trông Bác dạo này người yếu lắm.

Hình như anh Thao linh cảm: đây là lần cuối anh được gặp Bác Hồ.

2017

 

_____

(1) Ghi ngày 1-8-1962.

(2) Tên gọi đồng chí Tố Hữu.

(3) Tên gọi đồng chí Phạm Văn Đồng.

(4) Tên gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp.

(5) Ghi ngày 19-8-1962.

(6) Ghi ngày 8-3-1963.

(7) Bài nói tại Hội nghị phát động cuộc vận động “Cải tiến quản lý hợp tác xã...”, Bác Hồ phát biếu sáng 7-3-1963, báo Nhân dân đăng số ra ngày 15-3-1963, được in trong Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 11, trang 92-94.

(8) Hồi ấy đang có sự phân liệt trong phong trào cộng sản quốc tế giữa quan điểm của Liên Xô và quan điểm Trung Quốc. Kỷ niệm 80 ngày Các Mác qua đời là dịp để Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình.

(9) Câu chuyện này tôi đã kể chi tiết trong bài Gió Đại Phong và phong cách Nguyễn Chí Thanh, viết vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-2014), ở đây xin tóm tắt.

 

PHAN QUANG