HV117 - Cao Xuân Huy-Cao Xuân Hạo

Đọc gia phả của dòng họ Cao Xuân ở Diễn Châu - Nghệ An, có thể thấy đây là dòng họ khá nổi tiếng với nhiều người con thành danh mà khởi đầu là ông Cao Xuân Dục, quan đại thần triều Nguyễn. Với nhiệm vụ chính là lập dựng các văn thư quan trọng coi sóc việc tuyển chọn nhân sự của triều đình, vị Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục có điều kiện và có ý thức quý hiếm, từ đó xây dựng nên Long Cương bảo tàng thư viện của dòng họ Cao Xuân, một trong những thư viện lớn bậc nhất ở xứ Nghệ, được các danh sĩ đương thời hay lui tới để đàm đạo văn chương, thế cuộc. Chính từ cái nôi văn hóa này, nhiều người con dòng họ Cao Xuân đã thành danh.

GS Cao Xuân Huy

Nhà ngữ học Cao Xuân Hạo

Ngày 28 tháng 5 năm 1900 tại làng Thịnh Mỹ - tổng Cao Xá - phủ Diễn Châu - tỉnh Nghệ An (nay là xã Diễn Thịnh - huyện Diễn Châu - tỉnh Nghệ An), cậu bé Cao Xuân Huy chào đời. Gia đình dòng dõi khoa bảng, ông nội là nhà văn hóa lớn Cao Xuân Dục, cha là Cao Xuân Tiếu. Ngay từ năm lên 6 tuổi, Cao Xuân Huy đã bắt đầu học chữ Hán và chữ quốc ngữ. Suốt cả một thời tuổi thơ đắm say trong rừng sách ở thư viện Long Cương, nên từ tấm bé, Cao Xuân Huy đã hình thành nếp ham học hỏi, ham nghiên cứu, tư duy rõ ràng, rành mạch. Dù được đào luyện và rèn giũa trong một môi trường gia tộc, nền nếp và phú quý, những Cao Xuân Huy không theo con đường thăng tiến làm quan như ông cha mình. Sau khi tốt nghiệp, ông về dạy học ở trường Quốc học - Huế và ông bắt đầu tham gia viết các bài cộng tác trên tờ báo Pháp Revue pédagogique. Mê triết, ông đọc rất nhiều sách của các nhà tư tưởng phương Đông cũng như các triết gia phương Tây. Vừa đọc vừa nghiên cứu, vừa đưa ra những quan điểm mới mẻ và sâu sắc của mình, đến mức ông được mệnh danh là “nhà đạo học” khi mới gần 30 tuổi. Ông đặc biệt yêu thích và đi sâu vào nghiên cứu triết học Lão - Trang, đúng như giáo sư Đặng Thai Mai nhận xét về ông: “Ở Việt Nam, không ai hiểu học thuyết Lão - Trang sâu sắc hơn cụ Cao Xuân Huy”. Còn viện sĩ Eidelyn (Liên Xô), sau mấy ngày làm việc với ông đã thốt lên kinh ngạc: “Những nhà Trung Quốc học như cụ Cao Xuân Huy ở trên thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”.

Học trò của ông, trong các hồi ức về thầy vẫn còn nhớ như in ngày khai giảng đầu tiên “học sinh chúng tôi rất cảm phục vì tướng mạo thông minh, vầng trán cao, đôi mắt hiền hòa, giọng nói sang sảng và thấm đượm tình người, lời lẽ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc của thầy”. Với Cao Xuân Huy, việc dạy học trò cũng giống như nghiên cứu, luôn luôn đào sâu tìm tòi, đồng thời sáng tạo để có kiến thức nền tảng sâu rộng nhất và phương pháp thuyết phục nhất. Thời ấy chưa có sách giáo khoa, Cao Xuân Huy vừa là thầy vừa là sách. Cách dạy sinh động cùng vốn kiến thức sâu rộng đã khiến những giờ dạy của Cao Xuân Huy trở thành buổi học đáng nhớ đối với các thế hệ học trò. Giảng về chữ “nhân”, thầy bảo: “Nhân là lòng thương yêu con người, hết lòng thương yêu cha mẹ, anh chị em, bạn bè, đồng bào, đồng chí… Nhân là sẵn sàng chịu khổ trước thiên hạ, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Giàu sang không ham muốn, cực khổ không chuyển lay, uy vũ không khuất phục…”. GS Phong Lê trong bài viết Hư thực chân dung một bậc thầy đã tưởng nhớ về Cao Xuân Huy rằng: “Sự nghiêm trang, đạo mạo - thầy có thừa. Sự uyên thâm của kiến thức - thầy có thừa. Nhưng như vậy còn là chưa đủ để nói về giáo sư lúc ấy (và cả cho đến sau này). Có thể nói, phong thái ‘tiên ông’ trong cổ tích của thầy là một hình ảnh không mờ nhạt nơi chúng tôi”. Còn GS Bùi Duy Tân tâm sự: “Chỉ có những kiến văn còn hạn hẹp, chúng con đã thấy thầy là một trong những số ít những danh nhân văn hóa lớn của thời đại. Thầy thuộc người xưa nay cực hiếm, với trước hết là một nhân cách chỉ có ở bậc vĩ nhân. Cho cực nhiều mà nhận cực ít”. Còn nhớ, năm 1952, đang dạy ở Trường Dự bị đại học tại Thanh Hóa, cụ Cao Xuân Huy về thăm quê, linh cảm những biến động xã hội sẽ đe dọa đến tòa thư viện của ông, ông thuê người gánh sách ra Thanh Hóa. Rồi từ Thanh Hóa, sách được chuyển lên Việt Bắc. Một số sách, ông tặng Bộ Giáo dục, một số sách tặng Thư viện ban Văn - Sử - Địa. Về sau, sách từ ban Văn - Sử - Địa phân phát tới các thư viện của Viện Nghiên cứu sử học, Viện Nghiên cứu văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hiện nay trong các thư viện đó vẫn còn lưu giữ nhiều sách của “Long Cương tùng bản”.

GS Cao Xuân Huy đã viết trong diễn văn bế mạc đọc trước lớp đại học Hán Nôm đầu tiên ngày 1-11-1968 mấy lời xúc động: “Dưới chế độ cũ, một người trí thức như tôi còn biết làm gì lương thiện hơn là yên phận với đồng lương dạy tư và suốt ngày chúi đầu vào trang sách, một cách tìm lại ‘bản ngã’ của mình và trở về với dân tộc. Phải đến khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, hồ hởi, nhiệt tình đi theo cách mạng, tôi mới dần dần mang được kiến thức ra giúp đời một cách bổ ích (…). Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo dục chi - tìm được kẻ anh tài trong thiên hạ mà dạy dỗ họ - cái diễm phúc ấy không phải dễ mà có…, thì ngày nay là một việc thường thấy”.

Cao Xuân Huy là người viết ít, tổng cộng số lượng trang viết không nhiều. Cuốn Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu (NXB Văn học, 1995) tập hợp gần như đầy đủ những công trình chủ yếu ông đã soạn thảo trong nhiều năm, trong đó phần lớn là những giáo trình triết học phương Đông dạy tại các trường đại học. Đây là những bài giảng tóm tắt, được viết hết sức cô đúc về Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, Hàn Phi Tử, Tuân Tử…

Cao Xuân Huy nghỉ hưu ngày 15-12-1974. Từ năm 1981, ông vào sống với con trai tại TP.Hồ Chí Minh.

Ông mất ngày 22-10-1983. Nhân dịp này, báo Nhân dân có đăng bài Cao Xuân Huy, một nhà giáo, nhà nghiên cứu uyên bác, có đoạn: “Ở Việt Nam, đối với những người nghiên cứu triết học, văn học, sử học Trung Hoa thời cổ, tên tuổi Cao Xuân Huy gần như trở thành sự hiển minh của cả nền văn hóa đó, và trong những công trình viết về lịch sử tư tưởng Việt Nam về thiền học đời Trần…, không chỉ những người thuộc thế hệ trẻ mà cả những cây bút lão thành ít nhiều đều phải tìm đến sự giúp đỡ của giáo sư.

(…) Trên con đường đi vào khai phá khu rừng Hán học còn dày, rậm cây cành cổ thụ của trí tuệ phương Đông, các nhà nghiên cứu thuộc nhiều thế hệ hôm nay dù đã có một đội ngũ khá đông, nhiều sức mới, nhưng không thể không cảm thấy sâu sắc một tổn thất lớn không thể bù đắp nổi khi GS Cao Xuân Huy không còn nữa”.

Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I, năm 1996. Ông và cụ Cao Xuân Dục đều được đặt tên đường tại TP.Hồ Chí Minh và một số nơi khác.

Ù

Được sự chăm sóc và truyền dạy từ người cha Cao Xuân Huy, nhưng cậu con trai Cao Xuân Hạo dù sau này đã thành danh vẫn luôn cảm thấy “cái gánh nặng tinh thần đang đè nặng lên một người con không thực hiện được hoài bão của cha, một người học trò vốn đã phụ lòng trông đợi của thầy”. Tuy Cao Xuân Hạo chưa tự bằng lòng với bản thân, nhưng với số đông những người yêu mến Cao Xuân Hạo, thì tám chữ “văn chương siêu quần, ngữ học bạt chúng” mà nhà khảo cứu An Chi tặng ông vẫn chưa đủ để khái quát hết những đóng góp của ông cho ngôn ngữ học và dịch thuật Việt.

Trong nghiên cứu, Cao Xuân Hạo được các thế hệ sau đánh giá ông “giỏi lật ngược lại vấn đề, không muốn theo lối mòn và khuôn sáo, cứ như bẩm sinh ra để làm ngôn ngữ học”. Thực tế, cuộc đời của Cao Xuân Hạo từng có nhiều lối đi bất ngờ mà “ngạch” ngôn ngữ lại chính là điều không ai ngờ khi ông còn trẻ. Xuất thân trong một gia đình dòng dõi, trang công tử tài hoa Cao Xuân Hạo vừa học giỏi vừa đàn hay, hát mượt, rất được bạn bè yêu mến.

Cao Xuân Hạo sinh ngày 30-7-1930 tại Diễn Châu (Nghệ An), có tài liệu nói ông sinh tại Hà Nội. Ngay từ tấm bé, Cao Xuân Hạo được định hướng học tập khá rõ ràng. “Thầy tôi cho tôi được học kỹ những thành tựu của nền học vấn nhân văn phương Tây để sau này học triết học phương Đông trên một cơ sở thật vững chãi”. Nhưng sau khi đỗ bằng Thành chung, hoàn cảnh chiến tranh đã làm cho ý định học tập ấy không thực hiện được. Cao Xuân Hạo sau đó đã vác cây guitar trên vai đi khắp vùng Bình Trị Thiên khói lửa. Từ những bài hát tươi tắn, hồn nhiên sáng tác khi còn là học sinh như Bướm xuân, Bài hát của đôi én… mà anh bộ đội Cao Xuân Hạo khi phục vụ chiến trường đã trở thành nhạc sĩ bằng những ca khúc chiếm được cảm tình của bao người như Bến đò liên khu, Đảng là ánh đuốc, Tình quân dân, Lữ hành, Mùa về chiến khu… Với những ca khúc trữ tình lãng mạn mà vẫn trong sáng, vẫn hào sảng, vẫn đượm hơi thở cuộc sống chiến đấu tưởng như sự nghiệp âm nhạc của Cao Xuân Hạo đã được ấn định. Ấy vậy mà năm 1953, Cao Xuân Hạo rẽ ngang, tiếp tục con đường học vấn tại Trường Dự bị đại học ở Thanh Hóa rồi Trường đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1983, trong dịp sinh nhật nhạc sĩ Văn Cao 60 tuổi, Cao Xuân Hạo đã cất giọng tenor bay trong, vang và đầy sức truyền cảm, khiến nhạc sĩ Văn Cao tiếc nuối: “Nếu ngày ấy Hạo đi vào âm nhạc, chắc sẽ trở thành một tay “anh chị” trong làng nhạc!”.

Nhắc về một phần tuổi trẻ sôi nổi của Cao Xuân Hạo, hầu như không bao giờ kể về những năm tháng làm “nhạc sĩ ma cà bông” như GS Cao Xuân Huy thường gọi đùa con trai mình trong suốt “bảy năm thất học” ấy. Trừ những người đã quen thân với ông, thì độc giả và những người yêu mến phải đến tận năm 2005 khi album Kỷ niệm thời tuổi trẻ ở chiến khu của ông ra đời do con trai ông, nhạc sĩ Cao Xuân Minh hòa âm phối khí, mới ngỡ ngàng biết đến một Cao Xuân Hạo nhạc sĩ. Giải thích cho chuyện rẽ ngang đáng ngạc nhiên của mình, trong bài viết Mạnh hơn bão táp, Cao Xuân Hạo viết: “Khi tôi rời đoàn văn công để đi học lại, cho đến nay, khi tôi đã trở thành ‘nhà’ ngôn ngữ học già, tôi chưa bao giờ khắc phục nổi tâm lý tự ti và ganh tị đối với các nhà khoa học chân chính - những người giảng dạy và nghiên cứu các môn khoa học chính xác: toán học, vật lý học, hóa học, sinh học… Hồi mới vào Trường Dự bị đại học, trong tờ khai vì lý do gì chọn ngành văn thay cho những trang rực lửa mà các bạn đồng học của tôi viết về những ước mơ cao đẹp của một ‘kỹ sư tâm hồn’ [nhà giáo] tương lai, tôi chỉ viết được mỗi một dòng ‘Tại tôi dốt toán’”. Nhưng Cao Xuân Hạo đi chuyên sâu vào ngôn ngữ học đâu phải chỉ có thể vì “tôi dốt toán”, mà ông đã đi một chặng đường tiếp nối hết sức gần gũi từ âm nhạc đến ngôn ngữ.

Do việc học tập bị gián đoạn, nên phải đến năm 26 tuổi, ông mới tốt nghiệp đại học và bắt đầu giảng dạy. Không biết có phải do ý thức về sự “muộn” của mình, mà suốt cuộc đời nghiên cứu, Cao Xuân Hạo giữ cho mình được sự cần mẫn và sức làm việc phi thường, có thể thức ba, bốn đêm liền để hoàn tất một công việc.

Có lần Cao Xuân Hạo thổ lộ: “Từ năm 1945, khi mới 15 tuổi, tôi đã thoát ly theo bộ đội và làm nhiều việc như trinh sát, họa đồ và văn công quân đội. Năm 1953, tôi trở về đại học và tốt nghiệp Đại học Văn khoa. Ngành ngữ học lúc đầu không phải là sự lựa chọn do ý thích của tôi, mà là do nhu cầu của trường. Nhưng khi đã đi sâu vào rồi mới thấy sức hấp dẫn ghê gớm của nó. Tôi càng học, càng nghiên cứu càng thấy hay và mê nó hơn cả văn chương, hơn cả âm nhạc. Khi tôi đã làm ngôn ngữ thì không sáng tác nhạc nữa, vì tôi dành trọn hết sức lực cho nó. Đời người ngắn lắm, nếu anh mê toán mà đến giờ toán anh mới học thì anh không thể làm nên trò gì trong ngành toán học cả. Tôi là người luôn bị sự say mê lôi cuốn đi một cách không cưỡng nổi.

Tôi làm ngôn ngữ vì một phần đôi tai tôi có thiên bẩm rất tốt, và có lẽ cũng nhờ đó mà tôi học ngoại ngữ cũng khá dễ dàng hơn nhiều người khác. Tôi nói được tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, đọc được chút ít tiếng Đức, tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp, Hán văn… Ngoại ngữ tôi học đầu tiên là tiếng Pháp. Năm tôi 4 tuổi, ba tôi đưa gia đình vào Biên Hòa, ở cạnh nhà có một thợ Pháp có đứa con gái trạc tuổi tôi. Chúng tôi thường chơi đùa với nhau và tôi đã tiếp thu được tiếng Pháp của cô bạn trong hai năm. Sau đó, ba tôi chuyển ra Huế, tôi được ông cụ cho học một trường Tây. Ngoài tiếng Pháp (đương nhiên), tôi phải học tiếng Anh, Hy Lạp, Latinh. Tiếng Pháp tôi thường dùng nhất, vì nửa lớp là học sinh người Pháp. Thầy tôi bảo sau này tôi có thể thành một Chateaubriand. Thế mà hồi đầu nhiều bài luận của tôi bị điểm zero vì các thầy cho là tôi chép từ sách ra chứ không thể viết được như thế. Chữ Hán thì tôi học được ít nhiều từ ông cụ (GS Cao Xuân Huy). Sau này, tôi học thêm tiếng Nga ở trường đại học, học qua Đài Phát thanh Moskva (năm 1989, tôi mới được đặt chân trên đất nước này)”.

Ông viết và nói tiếng Pháp, tiếng Nga đạt đến mức tinh diệu. Đến nỗi một giáo sư người Pháp đã từng nghi ngờ Cao Xuân Hạo… nói dối là chưa từng đến Pháp vì ông nói đúng tiếng Pháp ở vùng Provence. Cả các bạn người Nga cũng khẳng định Cao Xuân Hạo phải từng ở bên Nga một thời gian dài, thậm chí còn từng có bạn gái ở đô thị mới thông thạo tiếng Nga như thế.

Chuyện kể rằng, hồi những năm 80 của thế kỷ trước, tại Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam ở Hà Nội có cuộc nói chuyện của viện sĩ khảo cổ học Liên Xô đã không thành. Một nhà nghiên cứu khảo cổ học từng học tại Liên Xô bảy năm đã không thể dịch được trôi chảy những gì viện sĩ nói, do vấp quá nhiều thuật ngữ chuyên dùng. “Người ta đã kiệu Cao Xuân Hạo đến và mọi việc êm xuôi” - GS-TS Mai Quốc Liên nhớ lại.

Còn giáo sư Đinh Văn Đức lại có một câu chuyện khác về tài dịch thuật của Cao Xuân Hạo. Khi đó là năm 1971, ông Đức có chân trong ban chiếu bóng của khoa Ngữ văn, mượn được hai tập phim Anh em nhà Karamazov của Dostoievski về cho anh em xem. Ngặt một nỗi, tới giờ chiếu lại chưa có bản thuyết minh tiếng Việt. Người đọc thuyết minh cũng lúng túng không biết phải làm sao. “May quá, chúng tôi phát hiện ra anh Hạo cũng ở đó nên phiền anh. Anh Hạo bảo phải mua ngay cho anh mấy điếu thuốc lá thơm, anh cầm thuốc hút rồi ngồi vào phòng máy, nhìn lên màn ảnh và dịch đuổi theo lời nhân vật trong phim. Chúng tôi phục lăn, còn anh thì nhận xét lời trong phim này kỳ quá, chả giống gì lời thật của nhân vật trong nguyên bản tiểu thuyết cả”, ông Đức cho biết.

Có những giai thoại như vậy về tài năng dịch thuật xuất chúng của dịch giả Cao Xuân Hạo, người đã dịch rất nhiều bộ tiểu thuyết nổi tiếng. Chuẩn mực trong dịch thuật của ông Hạo, không chỉ bắt nguồn từ khả năng tự học ngoại ngữ, mà còn bắt nguồn từ chính chuẩn tiếng Việt sang trọng, khắt khe mà ông tự đặt ra.

Có lần, một học trò, sau này là nhà báo, hỏi thầy Cao Xuân Hạo: “Trong kho tàng tư tưởng nhân loại thì cụ thân sinh của thầy, GS Cao Xuân Huy, đến với tri thức Thiên Chúa giáo trễ nhất, khoảng năm 1956-1957. Vậy tại sao cụ lại cho thầy học trường dòng vào thời gian cuối thập kỷ 30 và việc tiếp xúc với môi trường tôn giáo ấy có ảnh hưởng gì đến thế giới quan của thầy sau này?”. Cao Xuân Hạo trả lời: “Tôi không theo đạo vì biết rằng mình thiếu lòng tin, cái mà Thiên Chúa giáo xem là ân sủng của Chúa, không phải ai cũng được hưởng. Còn chuyện ba tôi cho tôi học trường dòng, sau này tôi mới hiểu: Khi ấy ông mới chỉ là chủ những tri thức về phương Đông, ông muốn con trai trưởng của ông am tường triết học phương Tây để bổ túc cho phần còn thiếu của ông. Nhưng rốt cuộc tôi lại làm nhà ngôn ngữ học”.

Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Mai Quốc Liên nhận xét về Cao Xuân Hạo: “Bình sinh, ông là người vui tính, hóm hỉnh, kể rất có duyên những câu chuyện đùa. Đó là chỗ ông khác với tính bố ông - cụ Cao Xuân Huy, cụ nghiêm nghị mà ‘Lão - Trang’, quên hết sự đời, chỉ biết đọc sách, dạy học. Cao Xuân Hạo nghệ sĩ hơn, ‘đa tình’ hơn, ông giống mẹ ông, một tôn nữ trong hoàng tộc. Và vì máu nghệ sĩ đó mà đời ông đôi lúc thăng trầm, ông hiểu rõ những hoàn cảnh lịch sử đặc thù, và biết vượt lên cao hơn những cái tầm thường của lịch sử, của cuộc đời… để đi trọn con đường bác học của mình, có những cống hiến lớn lao, đặc sắc… cho khoa học và văn hóa… Ông là một nhà nghiên cứu, vì nhiều lẽ, có thể xem là biểu tượng tuyệt vời cho trí tuệ, văn hóa Việt Nam thời chúng ta”.

Những tác phẩm do Cao Xuân Hạo dịch và đã xuất bản: Người con gái viên đại úy, Chiến tranh và hòa bình, Chuyện núi đồi và thảo nguyên, Trên những nẻo đường chiến tranh, Truyện ngắn Gorki, Con đường đau khổ, Tội ác và trừng phạt, Đèn không hắt bóng, Papillon, Khải hoàn môn… và hàng ngàn trang giáo trình về ngôn ngữ học.

GS Cao Xuân Hạo mất ngày 16-10-2007 tại TP.Hồ Chí Minh. Trong sổ tang, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi: “Giáo sư Cao Xuân Hạo là một bản lĩnh trí thức đáng kính trọng. Vượt qua mọi khó khăn, kể cả những ứng xử không đúng, anh vẫn có những cống hiến khoa học xứng đáng với ngành ngữ văn học Việt Nam, với việc cống hiến cho người đọc những thành tựu văn học nước ngoài qua sự nghiệp dịch thuật. Tinh thần của anh sống mãi!”.

TRẦN THANH PHƯƠNG