Tình hình thư viện ở ta (trừ một số thư viện quốc gia) đang rất khó khăn. Đặc biệt là các thư viện đại học, viện nghiên cứu, thư viện các tỉnh, thành… Kinh phí quá eo hẹp khiến việc mua sách chập chờn (ấy là nói những sách cơ bản, cần cho nghiên cứu, giảng dạy, học tập…). Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giảng dạy, đào tạo. Có thể có ý kiến cho rằng, bây giờ là thời đại 4G, người ta “câu” trên mạng xuống, cũng đủ cả! Nói như thế là ngụy biện. Cuốn sách bao giờ cũng là trung tâm của nền văn hóa. Học tập, nghiên cứu… phải là từ văn bản sách, phải đọc một cách cẩn trọng, câu “mạng” chỉ là bất đắc dĩ, mà làm sao mạng có sách nghiên cứu ở trình độ sâu.
Học, về bản chất là tự học, đào tạo cơ bản là tự đào tạo. Thế mới có nhân tài. Đằng này chỉ nghe giảng “chay”, không tham khảo, không đào sâu, mở rộng bằng sách, thì làm gì có sinh viên giỏi. Trong xã hội cũng thế, nâng cao dân trí thì phải có thư viện. Đó là những trung tâm văn hóa của mỗi làng, mỗi huyện, mỗi tỉnh… Sách là một kho tri thức, tri thức nhiều đời, của cả nhân loại. Bây giờ người ta coi thường điều này. Hóa cho nên, không chỉ tri thức xã hội không tăng tiến mà đạo đức xã hội cũng suy giảm. Coi thường văn hóa thì mọi cái trong xã hội, giáo dục sẽ giảm sút. Điều đó thiết tưởng là khỏi cần bàn cãi. Xưa kia, Nguyễn Trãi nói nước ta là nước văn hiến. Văn là thư tịch, sách vở. Hiến là hiền tài. Đó là những chủ thể của văn hóa. Bây giờ, hiền tài “như sao buổi sớm”, còn sách vở thì bị coi thường, liệu nước ta có còn có thể tự hào là nước “văn hiến” được không?
Hãy tái lập, củng cố, nâng cấp tất cả các thư viện. Hãy biến thư viện thành những trung tâm văn hóa, đọc, giao lưu, truyền bá văn hóa. Hãy làm cho mạng lưới thư viện mạnh lên, tức là văn hóa mạnh lên.
Có một vấn đề: văn hóa đại chúng đang lấn át văn hóa tinh hoa, văn hóa đọc. Người đọc hiện nay hơi hiếm. Phải hết sức quan tâm vấn đề này. Từ trên ghế nhà trường, học sinh phải được truyền lòng yêu thích đọc sách, thấy cuốn sách là người bạn lớn, người thầy, giúp mình lớn lên, nên người. Chính phủ nên thành lập Tổng cục sách (như ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…), phụ trách việc đọc sách, tổ chức cho xã hội đọc sách.
Điều đầu tiên là tiền. Phải tiết kiệm các khoản chi lãng phí khác để lấy tiền chi cho văn hóa, ở đây là chi cho sách, cho thư viện. Tình hình đã xuống cấp trầm trọng rồi, nếu không quan tâm, thì không biết rồi sẽ đi đến đâu.
Hãy làm một cuộc tham quan hệ thống thư viện các nước. Đành rằng họ giàu, nhưng cái chính là họ biết quan tâm, họ có văn hóa. Vào các thư viện của họ, thì thấy cả tầm quan tâm của họ, sức mạnh mềm của họ, hạ tầng trí tuệ của họ.
Mỗi năm bây giờ, hình như ở ta, mỗi người đọc chưa đến một cuốn sách. Sách xuất bản nhiều nhưng sách nhảm nhí không hiếm. Phải “rèn” dân ta từ việc đọc sách. Các cơ quan truyền thông, báo chí nên được giao trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá, tổ chức việc này, đừng chỉ chạy theo các chương trình “truyền hình thực tế” ngày càng nhiều “rác” - như báo Sài Gòn Giải phóng ngày 19-7-2017 phê bình. Làm sao tên tuổi các nhà văn, nhất là nhà văn cách mạng - kháng chiến thời đại lớn Hồ Chí Minh, tên các danh nhân văn hóa quá khứ như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… vang lên trên phát thanh, truyền hình, trên báo chí mỗi ngày để nhắc nhở con em ta về văn hóa dân tộc… Có biết bao điều đáng làm, cần làm nữa, chỉ cần có sự chỉ đạo thích đáng.