HV117 - Vài lời gởi theo Phan Duy Nhân

Một hôm, anh Phan Duy Nhân đến tìm tôi, nói một câu chuyện về hoạt động tôn giáo. Tôi nghe tên anh đã lâu, rất quý trọng anh, nay mới có duyên được gặp gỡ, chuyện trò. Từ đó, anh gởi thơ đăng tờ Hồn Việt, sinh hoạt chung cùng chúng tôi. Trong những cuộc gặp gỡ của tòa soạn với anh, thường có Vũ Hạnh, Phan Văn Hoàng, Lê Tự Hỷ, Bùi Kha (hai anh Hỷ và Kha là tín đồ Phật giáo ở Mỹ)…, chuyện trò rôm rả, trong bộ đồ nâu “hòa thượng” anh thường nói ít, nghe nhiều… Sau một cuộc đời đấu tranh trong sinh viên, rồi ra Khu giải phóng, rồi trở lại thành chỉ đạo đấu tranh, bị địch bắn trọng thương ở chân, bị bắt, phải qua hàng loạt nhà tù, cuối cùng là Côn Đảo…; đến năm 1974, anh mới được trao trả. Lại công tác cho đến khi giải phóng, 1975. Trong một cuộc họp, anh phát biểu về tôn giáo, đồng chí Nguyễn Văn Linh nghe, điều anh ra làm quyền Trưởng ban tôn giáo Chính phủ. Đó là ban có tầm quan trọng đặc biệt, có thể nói đáng ra phải là một bộ. Anh đem hết hiểu biết, tấm lòng, vận dụng sáng tạo đường lối và tiếp tục cống hiến cho Cách mạng.

Gần anh, chúng tôi càng hiểu anh, yêu quý anh. Một anh hùng trong đấu tranh, hẳn thế rồi, nhưng cộng vào đó là một nhà thơ trữ tình chiến đấu. Mấy trăm bài thơ kêu gọi đấu tranh đầy tình cảm, đi vào lòng người (như Thư gửi các bạn sinh viên…) vang lên từ trong máu lửa, nó là khí phách, tinh hoa, tâm hồn của cả một thế hệ. Rồi những bài thơ dành cho vợ con, cho gia đình, những bài thơ về thế cuộc…, cho ta thấy tâm hồn dào dạt yêu thương, yêu nước của anh. Và sau cùng, đó là một học giả với tầm hiểu biết sâu rộng về tôn giáo, đặc biệt là về Phật giáo. Có thể nói, những năm cuối đời của anh, trong khi đồng tiền lên ngôi, làm ô nhiễm nhiều quan hệ xã hội, người chiến sĩ già Phan Duy Nhân có phần ẩn mình sau lòng thương mênh mông từ bi hỉ xả của Phật, để nhìn đời. “Hiếm có một người như vậy!” - nhà văn Vũ Hạnh thốt với chúng tôi về Phan Duy Nhân.

Có thể là anh chưa được đánh giá đúng. Những năm Hà Nội đọc thơ “giải phóng” miền Nam, anh ở tù (1968-1974). Còn sau 1975 thì bao nhiêu việc khẩn thiết ập đến, người ta đâu để ý đến một Phan Duy Nhân trong lĩnh vực hết sức đặc thù: tôn giáo.

Nhưng có cần gì những điều ấy, anh Phan Duy Nhân! Anh cống hiến đâu có đòi trả giá! Anh ra đi sau sự ra đi trước đó không lâu của vợ và con gái (mà gia đình giấu anh, vì lúc đó anh cũng trên giường bệnh). Tôi nhớ cái nắm tay của anh trên giường bệnh khi tôi đến thăm, cái nắm tay giã biệt!

Chúng tôi nghĩ rằng, trong cuộc chiến đấu anh hùng - bi thương ngàn năm có một vừa qua, anh là tinh hoa, anh là tâm hồn, là khí phách… Thật không dễ có! Tiếc thương anh lắm, nhưng lẽ sinh tử ở đời làm sao tránh được, đành đau lòng vĩnh biệt anh, anh Phan Duy Nhân!

MAI QUỐC LIÊN