HV117 - Viết sử như thế là giết sử

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng từng là phụ tá về Tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (1971-1973) rồi làm Tổng trưởng Bộ Kế hoạch và Phát triển (1973-1975). Ông kể: “Là người điều hợp viện trợ trên bình diện kinh tế toàn quốc, [chúng tôi] làm việc trực tiếp với Tổng thống Thiệu trong những ngày tháng cuối cùng [của chế độ Việt Nam Cộng hòa]. Trong cương vị này, hồi 1974-1975, nhiều lúc chúng tôi đã phải dẹp bỏ tự ái, lui tới Quốc hội Hoa Kỳ như một người đi cầu xin”(1).

  “Khi đồng minh tháo chạy”

Lần đi “cầu xin” cuối cùng của Nguyễn Tiến Hưng diễn ra vào lúc cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đang giành thắng lợi liên tiếp. Đó là thời điểm mà ông gọi là “những ngày tháng đầy tuyệt vọng” (tr.21)(2).

Ngày 14-4-1975, Tổng thống Thiệu cử ông, cùng với Ngoại trưởng Vương Văn Bắc và Đại sứ Trần Kim Phượng, mang thư gửi Tổng thống Mỹ Gerald Ford để xin vay đôla. Nhiều lần Tổng thống Thiệu viết thư và cử người sang Mỹ xin viện trợ quân sự bổ sung khẩn cấp để đối phó với tình hình đang ngày càng suy sụp, nhưng đều bị Mỹ từ chối. Lần này ông ta không xin Mỹ cho không, mà xin Mỹ cho vay. Thư do Nguyễn Tiến Hưng và một người nữa soạn thảo, “tránh không nói tới tình hình quá tuyệt vọng” (tr.312) của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) lúc đó, được viết với lời lẽ thống thiết: “Tôi trân trọng thỉnh cầu Ngài [Ford] kêu gọi Quốc hội [Mỹ] cho VNCH vay dài hạn 3 tỉ đôla, chia làm ba năm, lãi suất do Quốc hội ấn định, và xin triển hạn 10 năm trước khi trả vốn và lời. Tài nguyên dầu hỏa và canh nông của VNCH sẽ dùng làm tiền thế chân cho món nợ này… Chúng tôi kêu gọi lương tri và lòng trắc ẩn của nhân dân Hoa Kỳ hãy nghĩ đến một quốc gia đồng minh trung thành trong hai mươi năm sóng gió vừa qua…” (tr.314-315).

TS Nguyễn Tiến Hưng được giao một sứ mệnh cực kỳ khó khăn vì nó diễn ra vào lúc mà Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Schlesinger cũng như những người cầm đầu khác của nước Mỹ “đều tin rằng chiều hướng của cuộc chiến đã hoàn toàn bất lợi cho VNCH và chẳng còn cách nào đảo ngược nó được nữa” (tr.285). Mọi người đều khuyến cáo Tổng thống Ford tìm cách rút lui khỏi miền Nam Việt Nam. Ngoại trưởng Henry Kissinger khuyên: “Có thể Ngài phải bỏ vấn đề Việt Nam ra đàng sau lưng để đất nước [Mỹ] không bị xâu xé thêm nữa” (tr.291) trong khi Ron Nessen, phụ tá về Báo chí của tổng thống, thì nói: “Tổng thống phải lãnh đạo đưa nước Mỹ ra khỏi Việt Nam, chứ chớ có đưa vào nữa” (tr.291).

Về phía Quốc hội, “các ông nghị ở đó đang phủi tay hoàn toàn đối với miền Nam Việt Nam” (tr.317). Ngày 18-4-1975, Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Mỹ “bỏ phiếu chống việc tăng quân viện cho VNCH” (tr.318).

Ông Ford tán đồng ý kiến của các quan chức thân cận của mình. Vì vậy, “sau cuộc rút lui cam go của Quân đoàn II và cuộc di tản kinh hoàng từ Đà Nẵng, ông Ford vẫn bình chân như vại, đi Palm Springs đánh gôn” (tr.24). Là một chính trị gia già dặn (năm ấy Ford đã 62 tuổi), ông ta không muốn bất cứ ai - bạn cũng như thù - trút cho mình trách nhiệm về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của VNCH, nên ngày 10-4, ông ra trước Quốc hội đề nghị cấp thêm viện trợ quân sự cho chế độ Sài Gòn. Cách đề nghị của ông khiến “người ta có cảm tưởng là ông Ford vừa đưa ra thỉnh cầu về quân viện, vừa mở đường cho Quốc hội từ chối” (tr.292). Tuần báo Time ngày 21-4 bình luận: “Có phải thực sự ông Ford đã yêu cầu viện trợ, nhưng chẳng mong gì Quốc hội chấp nhận. Hay là ông cho rằng quân viện sẽ còn giúp được gì để ổn định tình hình quân sự tồi tệ ở miền Nam… Hay là ông Ford đã dựng Quốc hội lên như một bung xung để rồi đổ lỗi cho Quốc hội đã không cấp quân viện nên miền Nam sụp đổ” (tr.293). Nhà báo đã hiểu thấu tim đen của tổng thống Mỹ.

Thực ra, chuyến đi vay đôla của Nguyễn Tiến Hưng đã thất bại ngay từ đầu. Ngày 15-4, khi Nguyễn Tiến Hưng chào từ giã Graham Martin thì viên đại sứ Mỹ buột miệng hỏi “bao giờ thì tổng thống của ông [tức Nguyễn Văn Thiệu] từ chức?” (tr.388). Là một người cộng sự thân thiết của ông Thiệu, Nguyễn Tiến Hưng, “hết sức ngạc nhiên” trước “câu hỏi trớ trêu” của người đại diện nước Mỹ ở Sài Gòn. Có bao giờ ông Thiệu có ý định từ chức đâu? Phải chăng Mỹ đang âm mưu gây sức ép để ông Thiệu rời bỏ chiếc ghế trong Dinh Độc Lập nhằm phục vụ một ý đồ chính trị nào đó của Nhà Trắng? Còn nhớ tướng O’Daniel, tư lệnh Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam MAAG, đã từng tuyên bố: “Ai chi tiền thì người đó chỉ huy” (Who pays, commands) (tr.454). Trước đây, Mỹ đã chi tiền cho ông Diệm nên Mỹ có quyền lật đổ ông Diệm. Nay Mỹ chi tiền cho ông Thiệu nên Mỹ cũng có quyền loại bỏ ông Thiệu khi cần. Theo tiết lộ của Roger Morris, khi ông Thiệu chưa đồng ý với một số điểm trong Hiệp định Paris vào cuối năm 1972, Mỹ đã định “sẵn sàng thanh toán Thiệu” (tr.90) nên sau đó ông Thiệu phải chấp nhận ký hiệp định. Rút kinh nghiệm đó nên lần này ông Thiệu miễn cưỡng chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình (ngày 21-4) sau khi lên đài truyền hình tố cáo Mỹ đã có “một hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo” (tr.389).

Ngày 21-4, ngoài sự kiện chính trị trên đây, còn có một biến cố quân sự quan trọng: phòng tuyến Xuân Lộc bị chọc thủng, “cánh cổng thép” bảo vệ phía đông của Sài Gòn sụp đổ.

Ngày 23-4 (giờ Mỹ, tức 24-4 giờ Sài Gòn), tại Đại học Tulane (thành phố New Orleans, bang Louisiana), Tổng thống Ford chính thức tuyên bố: “Đối với Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc rồi” (tr.413). Tuyên bố ấy đặt dấu chấm hết cho chuyến đi vay tiền của Nguyễn Tiến Hưng. Ông ở lại nước Mỹ: “Nghĩ tới cái cảnh đất nước phải lệ thuộc, cái cảnh ăn nhờ ở đậu, tôi thấy nó chua xót làm sao!” (tr.316).

Dựa vào các câu nói sau này của Brent Scowcroft (phụ tá Tổng thống Ford) “Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi” (tr.293) và của Đại sứ Graham Martin “Rút cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy” (tr.25), Nguyễn Tiến Hưng đặt cho quyển sách xuất bản năm 2005 cái tên Khi đồng minh tháo chạy.

Cuốn sách ra đời gặp những phản ứng trái chiều trong độc giả người Việt ở Mỹ. Người khen vì tìm thấy trong sách những chi tiết mà trước đó họ chưa biết; kẻ chê thì cho sách có “nhiều cái không chính xác”, “dịch sai”, “trích dẫn thiếu và suy luận vô căn cứ” v.v… (bbc. com, 3-8-2005).  “Khi đồng minh nhảy vào”

Năm 2016, tức 11 năm sau, TS Nguyễn Tiến Hưng cho ra mắt một cuốn sách nữa. Dựa trên câu nói của Ngoại trưởng John Foster Dulles “Ta phải tiến tới và phải lao vào”, ông đặt cho sách mới cái tên Khi đồng minh nhảy vào.

Rất tiếc, ông không rút kinh nghiệm từ những nhận xét của độc giả về cuốn sách trước, nên tiếp tục mắc phải những sai sót tương tự trong cuốn sách sau(3).

Những nhầm lẫn về kiến thức là điều mà bất cứ tác giả nghiêm túc nào cũng cố gắng tránh. Nhưng nghiêm trọng hơn là việc tác giả cố tình viết sai sự thật. Xin nêu ra một ví dụ.

Ở trang 173, Nguyễn Tiến Hưng viết: “Ngày 4 tháng 6, 1954, Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Độc lập (Treaty of Independence): Việt Nam được chính thức công nhận là “một nước hoàn toàn độc lập và là một quốc gia tự trị với đầy đủ quyền hạn theo luật quốc tế” (tác giả vừa in nghiêng vừa gạch dưới trong nguyên tác).

Thật ra, sự kiện này được nhiều nhà sử học nhắc đến, chẳng hạn:

* “Ngày 4 tháng 6, hai hiệp ước được ký tắt” (Jean Lacouture và Philippe Devillers, La fin d’une guerre -Indochine 1954, NXB Seuil, Paris, 1960, tr.193).

* “Điều không may là hiệp ước đã nói đó chỉ được ký tắt và không được phê chuẩn, điều đó khiến cho nó chỉ có một giá trị pháp lý tương đối” (Georges Chaffard, Les deux guerres du Vietnam de Valluy à Westmoreland, NXB Table Ronde, Paris, 1969, tr.178).

* “Cho đến nay, cả Pháp lẫn [Quốc gia] Việt Nam chẳng quan tâm đệ trình các hiệp ước cho lập pháp phê chuẩn” (Bernard B. Fall, The Two Viet-Nams, NXB Frederick A. Praeger, New York, 1966, tr.222-223).

Như vậy, hai hiệp ước - Hiệp ước Độc lập (Traité d’indépendance) và Hiệp ước liên kết Pháp-Việt (Traité d’association Franco- Vietnamienne) - chỉ được ký tắt. Chính Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Bửu Lộc đã nói với Phó thủ tướng Pháp Paul Reynaud: “Chúng ta sẽ chỉ ký tắt thôi, việc ký thuộc về phần hai người đứng đầu nhà nước của chúng ta” (J. Lacouture và P. Devillers, sđd, tr.193). Vả lại, hiệp ước dù được ký hay ký tắt, nhưng nếu không được Quốc hội phê chuẩn thì cũng không có giá trị pháp lý gì.

Ở phần Tài liệu và sách tham khảo, Nguyễn Tiến Hưng có ghi hai cuốn sách The Two Viet- Nams (tr.842) và End of a War - Indochina 1954 (tr.842). Vậy tại sao ông lại viết “Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Độc lập”? Có thể có hai cách giải thích:

- Ông ghi, nhưng không đọc, nên không biết.

- Ông có đọc, có biết, nhưng vẫn viết theo ý mình.

Cách giải thích thứ hai có lẽ đúng hơn, vì ở trang 218, ông viết: “Trong quá vãng, ông Bảo Đại đã mời ông Diệm làm thủ tướng tới ba lần (…). Cả ba lần, ông Diệm đều từ chối, cho rằng ông không thể làm được việc gì khi người Pháp còn dính líu vào chính trị Việt Nam. Tới năm 1954, sau khi Quốc hội Pháp đã thông qua Hiệp ước Độc lập (Treaty of Independence) ngày 4 tháng 6, ông Diệm mới chấp nhận”. Thì ra Nguyễn Tiến Hưng bịa đặt việc “Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Độc lập” chỉ để hợp lý hóa chuyện ông Diệm chấp nhận làm thủ tướng! Một việc xuyên tạc sự thật lịch sử có ý đồ!

Việc ông vừa cho in nghiêng vừa gạch dưới câu: Việt Nam được chính thức công nhận là “một nước hoàn toàn độc lập và là một quốc gia tự trị với đầy đủ quyền hạn theo luật quốc tế” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp ước, xem đó như một bước ngoặt trong quan hệ Pháp - Việt.

Sự thật không phải như vậy. J. Lacouture và P. Devillers cho biết đó là “lần thứ năm [Quốc gia] Việt Nam được Pháp công nhận độc lập!” (sđd, tr.193). Nếu tính cả những lời tuyên bố thì, như François Mitterrand đã nói, “Từ 1949, chúng ta đã 18 lần ban cho Việt Nam “nền độc lập hoàn toàn” (B.B.Fall, sđd, tr.221).

Hiệp ước Độc lập ngày 4-6- 1954 không những không có giá trị pháp lý mà cũng chẳng có hiệu lực gì trong thực tế. Nhấn mạnh tầm quan trọng (không có thực) của nó, Nguyễn Tiến Hưng đã tự mâu thuẫn với chính mình khi ông mô tả tình hình Việt Nam sau hiệp ước ấy: “Khi ông tân thủ tướng [Ngô Đình Diệm] về tới Sài Gòn thì trên thực tế, tất cả các quyền hành về quân sự, chính trị, xã hội, kinh tế còn do người Pháp kiểm soát hoặc trực tiếp hay gián tiếp… Ngân sách thì eo hẹp vì tiền bạc còn do Pháp quản lý… Banque de l’Indochine (Ngân hàng Đông Dương), một ngân hàng Pháp in tiền cho cả ba quốc gia liên kết [Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia], rồi tới Service Douanier (Sở Đoan) do Pháp thu thuế nhập cảng, tức phần lớn nhất của ngân sách nội địa… Quân đội Việt Nam thì còn nằm trong Liên hiệp Pháp, và viên Tổng tham mưu trưởng, Tướng Nguyễn Văn Hinh, con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, lại là một sĩ quan cũ trong Không quân Pháp” (tr.222, 223).

(Còn tiếp kỳ sau)

 

_____

(1) Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, California, 2005, tr.21-22.

(2) Những số trang ghi sau các trích dẫn trong phần này là của sách Khi đồng minh tháo chạy nói trên.

(3) Các sơ sót trong sách Khi đồng minh nhảy vào (Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, San Jose, California, 2016) khá nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu một số sai sót tiêu biểu như:

* Sai sót về ngày tháng:

- “1945… Nhật lật đổ Pháp (ngày 11 tháng 3)…” (tr.671): đúng ra là ngày 9-3-1945.

- “Thế là chiến tranh bùng nổ tại miền Nam ngày 11 tháng 10-1945 mà sau này hay gọi là cuộc kháng chiến Nam Bộ” (tr.38): ở Việt Nam, bất cứ em học sinh nào cũng biết hát bài Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn bắt đầu bằng câu “Mùa thu rồi ngày hăm ba…” (23-9-1945).

* Sai sót về tên người (người Việt, người Pháp, người Mỹ):

- Vũ Quốc Định (tr.175), Trần Văn Vận (tr.258)… đúng ra là Nguyễn Quốc Định, Trần Văn Văn…

- Debès (tr.42, 44) đúng ra là Dèbes…

- Malcomb Brown (tr.442), Hillsman (tr.443), James Ball (tr.450), Neil Seehan (tr.472)… đúng ra là Malcolm Brown, Hilsman, George Ball, Sheehan…

- Hội nghị Postdam (tr.33, 34, 37), báo New York Time… đúng ra là Potsdam, New York Times…

* Nhiều chi tiết không đáng sai mà vẫn sai:

“đô đốc Mỹ Mountbatten” (tr.27) đúng ra là đô đốc Anh; “Trung tướng Anh Douglas Gracey” (tr.37) đúng ra là thiếu tướng (major-general); “tổng thống Pháp Mendès-France” (tr.233) đúng ra là thủ tướng Pháp, “Giám mục Ngô Đình Thục [là] bào đệ Tổng thống Diệm” (tr.430) đúng ra là bào huynh v.v…

* Ảnh minh họa cho sự kiện cũng sai:

Chẳng hạn ảnh “ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình ngày 2-9-1945” (tr.50) thật ra đó là ảnh Hồ Chủ tịch cùng 5 đại biểu Quốc hội (khóa I) ra mắt cử tri Hà Nội tại Việt Nam học xá ngày 12-1-1946…

* Báo cáo ở các trang 390-393 được ghi là “Báo cáo của phái đoàn Taylor”, thực ra là báo cáo ngày 11- 11-1961 của hai bộ trưởng Dean Rusk và McNamara. Để biến nó thành báo cáo của phái đoàn Taylor, tác giả rút ngắn các từ “Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng đề nghị” thành “Đề nghị”.

* Ngay cả dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng không chính xác:

Chẳng hạn: Self-Defense Corps dịch là “nhân dân tự vệ” (tr.393), đúng ra là dân vệ; Female Militia dịch là “đoàn nữ quân nhân” (tr.469), đúng ra là phụ nữ bán quân sự; Clear, hold, and build dịch là “quét, giữ và phát triển”, đúng ra là quét, giữ và xây dựng; câu của tổng thống Johnson: I am not going to be the first President who saw Southeast Asia go the way China went” dịch là “Tôi sẽ không là người Tổng thống đầu tiên để cho Đông Nam Á sụp đổ giống như Trung Quốc đã sụp đổ” (tr.551), đúng ra là “Tôi sẽ không là tổng thống đầu tiên chứng kiến Đông Nam Á đi theo con đường Trung Quốc đã đi” v.v…

* Ở trang 267, Nguyễn Tiến Hưng trích dịch một câu trong cuốn Vietnam: A Dragon Embattled của Joseph Buttinger, nhưng không ghi số tập và số trang: “…Ngoại trưởng Vũ Văn Mẫu cũng từ chức cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Hồ Thông Minh…”. Tháng 4-1955, Vũ Văn Mẫu chưa làm ngoại trưởng nên không thể từ chức được. Chả nhẽ J. Buttinger viết sai? Tôi tìm đọc nguyên văn (ở tập II, tr.875): “…Foreign Minister, Tran Van Don, also deserted him, together with Ho Thong Minh, the Minister of Defense…” thì ra ngoại trưởng lúc đó là Trần Văn Đỗ (nhưng J. Buttinger viết nhầm thành Trần Văn Đôn). Có lẽ Nguyễn Tiến Hưng cho rằng Trần Văn Đôn chưa từng làm ngoại trưởng bao giờ nên tự tiện thay “Trần Văn Đôn” thành “Vũ Văn Mẫu”. Tự tiện thay đổi nguyên tác (mà không giải thích lý do) là một việc mà không có dịch giả đứng đắn nào dám làm!

Những sai sót trong Khi đồng minh nhảy vào còn nhiều, nhưng chúng tôi chỉ nêu một số trường hợp tượng trưng như trên, vì sợ làm mất thì giờ của người đọc.

PHAN VĂN HOÀNG, Tiến sĩ sử học