Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ ở Việt Nam có một trận đánh lớn gọi là chiến dịch Ba Gia diễn ra ở thị trấn Ba Gia - huyện Sơn Tịnh - tỉnh Quảng Ngãi trong 3 ngày, từ 29 đến 31-5-1965. Phía quân Giải phóng xem đây là chiến thắng mang ý nghĩa quan trọng làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ. Phía quân Giải phóng cũng có những tổn thất đáng kể. Đài BBC Luân Đôn đưa tin này có nêu một sự kiện đáng chú ý là khi lục soát những chiếc ba lô của quân ta bỏ lại trên chiến trường, người ta bắt gặp những lọ đựng “bạch tuyến”. Bình luận viên đài này dựa trên nhận định của phóng viên người Mỹ nào đó tại chiến trường này, ngờ rằng “bạch tuyến” là một loại hóa chất doping dùng để kích thích tinh thần quân Giải phóng khiến cho họ liều chết xung phong.
Sự thật cái mà BBC gọi là “bạch tuyến”, đơn giản chỉ là bột ngọt. Lúc bấy giờ rất ít người Mỹ biết đến bột ngọt. Ở miền Nam thì chưa có những nhà máy sản xuất bột ngọt đại trà. Chỉ một số nhà hàng, nhà chùa và các bà nội trợ khá giả ưa dùng và gọi là vị tinh do Hồng Kông sản xuất mà giá rất đắt. Thế nhưng trong hành trang gian khổ của người bộ đội miền Bắc vào Nam chiến đấu, hầu như mỗi người đều có một lọ bột ngọt mà họ gọi là mì chính. Mì chính của miền Bắc hay vị tinh của miền Nam là biến âm của từ tiếng Hoa 味精 wèijīng, không hề là chất doping mà chỉ là món gia vị. Mỗi khi dừng chân trên đường hành quân, chỉ cần nhặt nhạnh dăm ba con ốc bên suối, một nắm là giang, lá bứa, bỏ thêm chút mì chính là có được nồi canh đạm bạc nhưng rất cần và quý trong bữa ăn dã chiến của bộ đội ta. Mì chính có tên khoa học là monosodium glutamate. Ngoài công dụng bếp núc, đây còn là chất dẫn truyền thần kinh, giữ cân bằng huyết áp và điều vị. Do đó, trong điều kiện khó khăn của chiến trường miền Nam, các y bác sĩ Giải phóng thường bổ sung mì chính vào toa thuốc dành cho bệnh nhân. Mì chính của miền Bắc là sản phẩm do nước bạn Trung Quốc chi viện.
Cũng trong thời kỳ chiến tranh ác liệt vào năm 1966, một đêm tôi nằm trong hang núi, mở đài Bắc Kinh nghe được một mẩu tin ngắn: “Một em bé người dân tộc thiểu số Trung Quốc nhà ở chân núi Thái Hàng nhờ chuyển cho bộ đội Giải phóng miền Nam một nhân dân tệ do em dành dụm được từ kế hoạch nhỏ”.
Dẫu hiểu rằng đây chỉ là cách nói, cách làm tượng trưng, có ý nghĩa động viên tinh thần mà sao nghe cũng thật ấm lòng, tưởng chừng như chúng tôi mỗi người đều đã nhận được đồng bạc của em bé ấy.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sự chi viện của Trung Quốc cho cách mạng Việt Nam quả là rất to lớn và quan trọng. Đó là nghĩa vụ quốc tế - nghĩa là ta đánh giặc để giành độc lập nhưng đồng thời cũng nhờ đó mà giữ cho phên giậu của bạn được an toàn. Nếu không, đế quốc Mỹ đâu có để cho họ rảnh tay hàng chục năm mà xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên khi Trung Quốc trở mặt chiếm đóng các hải đảo của ta, xua chính binh tràn qua biên giới phía Bắc, dùng kỳ binh Pôn Pốt tràn qua biên giới Tây Nam, gây thêm một cuộc chiến tranh phá hoại mới thì họ đã trở thành kẻ thù xâm lược. Từ đó, ta có thể coi như không còn nợ nần gì với nhà nước Trung Quốc nữa. Ấy thế mà
sao, mỗi khi nhớ đến lọ mì chính bên bờ suối hay đồng bạc của em bé nhặt giấy vụn dưới chân núi, tôi vẫn cảm thấy như mình còn vướng vít chút nợ nần khó đền, khó trả. Phải chăng đấy là tình cảm chân thật và trong sáng giữa nhân dân hai nước, vượt lên trên những âm mưu, tham vọng đen tối của các tập đoàn lãnh đạo bá quyền ở Bắc Kinh?
Loại radio mà chúng tôi thường sử dụng trong chiến khu là thứ máy bán dẫn nhãn hiệu Orionton, quà tặng của nhân dân Hungary. Chất lượng và kiểu dáng của nó kém xa các nhãn hiệu Sony, Hitachi của Nhật nhưng nhiều loại thuốc bổ, thuốc chữa bệnh của Hungary như thuốc Kalves chữa đau dạ dày, thuốc bổ Seripa gốc vitamin B12 thì rất có giá trị. Tôi cũng từng được hút những điếu thuốc lá đen của Albania. Hungary và Albania là những nước bạn nghèo ở Đông Âu nhưng ai bảo quà nghèo không quý?
Triều Tiên là một nước vừa trải những năm tháng chiến tranh nặng nề đến nay vẫn còn phải thắt lưng buộc bụng. Thế mà lúc ấy họ đã viện trợ cho ta loại vải tốt nhất để may võng và quân trang. Đặc biệt họ có cho ta một loại thuốc chữa trị các loại nọc độc của rắn, rết, bọ cạp, ong… Có lần tôi bị một đàn ong bò vẽ đánh, mặt mày sưng húp, đau nhức khôn tả. Thế mà uống 2 viên thuốc ấy, chỉ sau 15 phút là hết nhức và sau 1 giờ là hết sưng. Thực là loại thần dược quý hiếm. Về vũ khí, Triều Tiên viện trợ cho ta loại tiểu liên nồi gọn nhẹ, có băng đạn tròn đựng được 300 viên đạn. Giá như lúc ấy họ đã sản xuất thành công những loại tên lửa tầm gần tầm xa như bây giờ, có khi họ cũng viện trợ cho ta không tiếc. Cuba thì có câu nói đầy hào khí của Chủ tịch Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Đặc biệt Chủ tịch Fidel đã gửi tặng Việt Nam cây tiểu liên mà chính ông đã sử dụng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Cuba.
Bấy giờ Tiệp Khắc đã là nước có công nghệ luyện kim rất phát triển. Họ chi viện cho ta loại tiểu liên cực nhanh P-38 gọn nhẹ, có thể đeo nơi thắt lưng như súng ngắn. Họ cũng đã cải tiến cây AK-47 báng gỗ dài thòng của Liên Xô thành cây AK báng xếp gọn nhẹ gọi là AK Tiệp. Sự cải tiến này là nhằm thích nghi với chiến trường miền Nam Việt Nam. Còn Liên Xô thì chi viện cho ta từ cái nhỏ đến cái lớn nhất, không thể kể xiết. Thế mà chưa hề nghe họ kể công hay đòi nợ mặc dầu họ cũng có những thời kỳ đầy khó khăn thử thách. Có thể nói: “Việt Nam - Liên Xô, núi không liền núi, sông không liền sông. Không chung biển Đông nhưng tình hữu nghị sáng như rạng đông”…
Tưởng cũng nên nhắc lại thêm một lần nữa rằng trong chiến thắng cuối cùng của nhân dân ta có phần đóng góp rất quan trọng của phong trào phản chiến của nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới. Bà Madeleine Riffaud, người Pháp và ông Wilfred Burchett người Úc là hai nhà báo từng lặn lội trong bưng biền rừng núi để quay phim chụp ảnh và viết sách ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Hai quyển bút ký Dans les maquis “Vietcong” của M. Riffaud và La seconde résistance - Vietnam 1965 của W. Burchett là thành quả của những ngày tháng kề vai sát cánh với những người du kích Việt Nam. Cố Thủ tướng Olof Palme của Thụy Điển trước khi bị ám sát, từng cùng đại sứ Việt Nam Nguyễn Thọ Chân xuống đường phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Mục sư Martin Luther King cũng bị ám sát vì những lý do sâu xa như vậy. Ông không chỉ đòi quyền sống cho người da màu ở Mỹ và ở các nước Á - Phi mà từ thập niên 1960, đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Trong lễ tang của ông có gần nửa triệu người tiễn đưa, bà mục sư King đã đọc những lời cuối cùng của ông trước khi nhắm mắt: “Hãy nói với mọi người rằng tôi đã nỗ lực cho người đói ăn có cái ăn, cho người trần truồng có cái mặc và hành xử đúng đắn trong vấn đề chiến tranh Việt Nam”.
Từ năm 1966 đến 1970, nhà bác học người Anh là Bá tước Bertrand Russell và triết gia Pháp Jean Paul Sartre đã mở các tòa án quốc tế xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Anh, Thụy Điển và Đan Mạch được sự hưởng ứng của hàng trăm nhân sĩ trí thức trên thế giới. Bác sĩ Erich Wulff, giáo sư người Đức dạy Đại học Y khoa Huế, sau khi bị chính quyền Sài Gòn trục xuất vì bí mật ủng hộ Mặt trận Giải phóng đã về nước bán một phần gia sản của mình làm lộ phí để đến tham dự tòa án Bertrand Russell với tư cách nhân chứng. Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia bị CIA Mỹ tổ chức đảo chính, lật đổ ngai vàng đến nỗi lưu vong thất thổ cũng vì với đường lối trung lập thân cách mạng Việt Nam. Hai thanh niên Pháp là André Menras và Jean Pierre Debris bị tù trong khám Chí Hòa vì treo cờ Mặt trận Giải phóng trước trụ sở Quốc hội Sài Gòn. Ngoài ra ở các nước Anh, Pháp, Đức, Canada, Nhật Bản… cũng đều có những phong trào phản chiến không ngừng hoạt động ủng hộ tinh thần và vật chất cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta.
Điều đáng ngạc nhiên là phong trào phản chiến quyết liệt nhất lại diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ. Mỹ là nước có nhiều người tự thiêu để phản chiến nhất. Đó là Norman Morrison, trước khi tự thiêu đã để con gái là em bé Emily trước cửa Lầu Năm Góc như là lời cáo buộc: “Bé Emily là biểu tượng khốn cùng của những trẻ em Việt Nam mà Mỹ đã giết hại bằng bom đạn, na pan, và của những đứa trẻ không còn có cha mẹ để được bế bồng trên tay”. Ngoài ra còn có Jean Laporte, Helene Kajaunsky… cũng tự thiêu để phản đối chiến tranh. Ngày 4-5-1970, 4 sinh viên biểu tình chống chiến tranh bị Vệ binh Mỹ xả súng bắn chết ở Đại học Kent, bang Ohio. Cả nước Mỹ đã phẫn nộ sục sôi xuống đường. Hàng trăm trường đại học, cao đẳng và trung học khắp nước đóng cửa vì 4 triệu sinh viên và học sinh tiến hành bãi khóa trong cuộc bãi khóa năm 1970. Sự kiện này càng tác động mạnh vào ý kiến công chúng về vai trò của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam. Trong số những người cầm đầu các đoàn biểu tình có cả những nghệ sĩ nổi tiếng như Jane Fonda, Joan Baez, Deen Reed… Theo Viện thăm dò dư luận Gallup, nếu tỷ lệ người dân ủng hộ chính quyền Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1966 là 59% thì đến năm 1971 chỉ còn 28%. Đó là con số đủ gây áp lực buộc Nhà Trắng và Lầu Năm Góc phải tìm đường triệt thoái và đủ khiến cho Tổng thống Nixon phải thú nhận: “Chúng ta không chỉ thua trên chiến trường Việt Nam mà còn thua ở ngay trong lòng nước Mỹ”.
Sở dĩ tôi phải dài dòng nhắc lại những chuyện xưa tích cũ nói trên là vì sợ rằng có ngày chúng ta quên hết. Có câu: “Thù thì nhớ lâu mà ơn thì quên mau”. Riêng đối với cái ơn nghĩa to lớn mà cả thế giới đã dành cho Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hình như chúng ta đã chọn cách dễ dàng nhất là… quên.
Thực tế cũng có một số ít nhân sĩ, khách mời đã trở lại Việt Nam và được Nhà nước tiếp đón niềm nở. Trên trường ngoại giao, chắc chắn khi nào cũng có những lời cảm ơn “quá giang” các chuyến công du của lãnh đạo. Nhưng như thế chưa đủ. Theo tôi cần tìm cơ hội để mời đông đảo anh em bạn bè, các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ đến họp mặt một lần tại Việt Nam để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta chính thức nói với họ một lời CẢM ƠN và có thể, cả những lời XIN LỖI. Dù là quá muộn nhưng còn hơn không.
Những năm sau chiến tranh, quả thật chúng ta có những khó khăn cần được thông cảm. Nhưng bây giờ, mỗi năm chúng ta không tiếc tiền để tổ chức cả ngàn cái gọi là lễ hội “Về nguồn” phần lớn vô bổ, lãng phí và phát sinh nhiều tiêu cực. Thế nhưng chỉ một cái lễ hội để bày tỏ lòng biết ơn nói trên thì hàng chục năm trôi qua, dường như chẳng có ai buồn nghĩ tới?!