Chúng ta đã từng có phim trường…
Hơn 50 năm trước, phim trường Cổ Loa đã có đầy đủ từ bối cảnh, phòng dựng tới phòng in tráng, lồng tiếng. Là nơi nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như: Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu... ra đời. Nhưng đến những năm 1980, phim trường Cổ Loa trở nên hoang tàn.
Năm 2008, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và để ngành Điện ảnh có một trường quay chuyên nghiệp, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã ký quyết định về việc xây dựng phim trường Cổ Loa, đầu tư kinh phí lớn đến hơn 100 tỉ đồng. Dự án được xây dựng ngay cạnh vòng thành Cổ Loa, rộng 15ha, trong đó có trường quay ngoại cảnh, trường quay nội, khu kỹ thuật, khu hậu kỳ… với mục tiêu là phim trường Cổ Loa sẽ đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và năm 2020 sẽ đạt 35 phim truyện nhựa, đến năm 2030 sẽ đưa nước ta đứng trong 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh.
Dự án phục hồi nâng cấp cải tạo vào tháng 2-2011 với khu trường quay nội hơn 400m2 xây dựng cách đây hơn 50 năm được cải tạo, nâng cấp khang trang, hệ thống phòng ghi hình được trang bị hệ thống đèn hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn làm phim nhựa theo công nghệ mới; các phòng hóa trang, phục trang, phòng đạo diễn, diễn viên...
Khu vực nội cảnh với hệ thống âm thanh, hệ thống ánh sáng, hệ thống điều hòa trung tâm hiện đại với chi phí thiết bị lên đến 1,5 triệu USD nhưng mới dùng để quay được 2, 3 bộ phim như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô…, còn hiện nay chỉ là nơi dùng để trưng bày mấy loại đạo cụ của các phim lịch sử, thi thoảng phục vụ một vài đoàn khách tham quan…
Khu vực ngoại cảnh thì hoang tàn đến lạnh người. Hầu hết những bối cảnh thái ấp, cung điện, kiến trúc làng quê, những khu phố nhà giàu, nhà nghèo, những cổng thành, tường thành dài hàng trăm mét - những bối cảnh đã dựng lên mất hàng tỉ đồng của hai phim Thái sư Trần Thủ Độ và Huyền sử thiên đô đã không còn nữa. Điều này cũng dễ hiểu, vì hầu hết những bối cảnh dựng lên chỉ làm tạm bợ bằng xốp, gỗ dán… nên chỉ một thời gian sau, vì nắng mưa, và thiếu kinh phí bảo trì, đã nhanh chóng xuống cấp thảm hại…
Họa sĩ Phạm Quang Vĩnh, một trong số những người thiết kế bối cảnh khu miếu hoang và nhà ngục ở phim trường, nói: “Trước đoàn phim Thái sư Trần Thủ Độ, đoàn phim Mùa hè lạnh lẽo của đạo diễn Ngô Quang Hải đã cho dựng ở trường quay Cổ Loa một bối cảnh khách sạn với chi phí tốn hơn 100 triệu đồng. Sau đó, phim tạm dừng vì chưa có đủ kinh phí, nên buộc phải tháo dỡ bối cảnh để đoàn phim Thái sư Trần Thủ Độ vào sản xuất. Thương đồng nghiệp nên chúng tôi đã tận dụng mua lại một số nguyên vật liệu có thể sử dụng cho bối cảnh nhà ngục. Đầu tư hơn 100 triệu đồng, gỡ gạc được vài chục triệu đồng là mừng, còn lại là phế liệu. Nói vậy để thấy, nếu chúng ta có trường quay, các bối cảnh được dựng với chất liệu bền vững để sử dụng cho các phim sau và phục vụ cho du lịch thì quá lý tưởng. Còn như bây giờ, quay xong là lại dỡ bỏ. Tiếc đứt ruột nhưng đành chịu thôi!”.
Đó chính là thực trạng của điện ảnh Việt Nam, do mỗi đoàn phim đều có kinh phí riêng và dùng kinh phí của mình để xây dựng bối cảnh ở phim trường. Do đó, để tiết kiệm kinh phí, không ai có can đảm xây dựng bằng chất liệu bền vững mà chỉ là bằng gỗ tạp và tấm xốp. Khi quay xong thì các công trình xây dựng trở thành rác, có thu nhặt cũng chẳng để làm gì!!
Phim trường phim cổ trang Yên Tử mà giới điện ảnh đặt nhiều hy vọng nhất hiện nay là dự án có quy mô 14,6ha, nằm trong khu vực khoảnh 6 - tiểu khu 32 - xã Thượng Yên Công - thành phố Uông Bí - tỉnh Quảng Ninh (thuộc khu vực danh thắng Yên Tử) do Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện tối đa.
Phim trường chia làm hai khu vực với hai con đường dẫn vào là Đào Nguyên và Tùy Duyên. Ở phim trường 1 bố trí cảnh quan mô phỏng đời sống văn hóa bản địa và nhiều công trình phóng tác như: chợ quê, bãi tập binh lính, đền miếu dân gian và một số cụm kiến trúc mô phỏng khu sứ quán, trạm ngựa, nơi tiếp sứ thần, cổng thành cổ, lầu gác, nhà sàn… Trong tương lai, nơi đây sẽ được xây dựng thành khu du lịch văn hóa với những gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mô phỏng đạo cụ dùng trong các bộ phim cổ trang quay tại phim trường. Khu phim trường 2 là khu trung tâm của dự án với 6 khu phục dựng cảnh quan theo đặc thù vùng miền, giai cấp, địa vị xã hội thu nhỏ của một kinh đô xưa (gồm cả nội thị và ngoại thành). Khu Hoàng thành là bối cảnh chính với Đại điện rộng 1500m2, bên trong là một phim trường tạo dựng nội thất của các cảnh phim.
Được biết, vào khoảng giữa năm 2017, bộ phim cổ trang dài 52 tập Phật hoàng Trần Nhân Tông chính thức được khởi quay tại phim trường này.
Nhưng thực sự hiện nay, chúng ta cũng chưa biết chắc được điều gì sẽ xảy ra với phim trường này trong vài năm nữa, bởi khi xây dựng phim trường Cổ Loa với cả trăm tỉ đầu tư, không ai nghĩ hiện nay nó trở thành nơi phế tích hoang tàn như thế này... Phim trường Yên Tử lớn nhất Việt Nam cũng được định hướng sẽ trở thành một Công viên Văn hóa - Lịch sử, khu du lịch chuyên để dành cho du khách trong nước và ngoài nước tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Đây là cách làm của các nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, nếu phim trường chỉ xây để làm mấy mươi tập Phật hoàng Trần Nhân Tông thì quá lãng phí. Hiện nay dự án làm phim cổ trang của Việt Nam rất hiếm hoi, nên việc kêu gọi các đoàn phim cổ trang khác đến khai thác phim trường này là điều khó, còn phim truyền hình với vốn đầu tư cho phim lịch sử cao nhất là 400 triệu đồng/tập thì việc thuê mướn phim trường lại càng khó thực hiện vì không đủ kinh phí…
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết: “Nếu phim trường có sẵn cảnh thì chi phí thuê sẽ rất cao, còn nếu phải vào dựng bối cảnh, chi phí có khi còn cao hơn. Thay vì dựng ngôi nhà cổ trong phim trường quá tốn kém, đoàn làm phim sẽ kiếm tìm một ngôi nhà cổ đang có trong các khu dân cư để thực hiện cảnh quay với một khoản chi phí thuê nhà rất nhỏ”. Vì vậy, đã từ lâu, trong suy nghĩ của nhiều đạo diễn và nhà sản xuất phim truyền hình giá rẻ không còn nghĩ đến chuyện phải dựng cảnh quay ở phim trường nữa. Và như thế, nếu không có sự kết nối giữa các đoàn phim với phim trường thì việc bỏ hoang phế các bối cảnh đã xây dựng trong phim trường là điều khó thể tránh.
Xây dựng phim trường phải gắn kết với du lịch
Hầu hết các phim trường của các nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga… đều kết hợp với du lịch và được nhà nước đầu tư. Ví như phim trường Hoành Điếm - phim trường lớn nhất Trung Quốc, cũng là phim trường ngoài trời lớn nhất thế giới hiện nay thuộc tỉnh Chiết Giang. Nơi đây có tổng diện tích lên tới hơn 30km2 bao gồm 9 khu ngoại cảnh chính: Tần Vương cung, Thanh Minh thượng hà đồ, Minh Thanh dân cư thành, Đại Trí thiền tự, Mộng Ảo cốc, phố Quảng Châu, phố Hương Cảng, Minh Thanh cung uyển, vườn văn hóa Hoa Hạ, Bình Nham động phủ. Nơi đây là bối cảnh của hơn 1.000 bộ phim điện ảnh và truyền hình trong đó phải kể đến những tác phẩm gây được tiếng vang lớn và quen thuộc với khán giả Việt Nam như: Thiên địa anh hùng, Hoàng kim giáp, Ngọa hổ tàng long… Trung bình mỗi ngày ở đây tiếp đón 20 đoàn phim, vì thế khi kết hợp du lịch, du khách sẽ có cơ hội xem và gặp gỡ các diễn viên nổi tiếng.
Phim trường Vô Tích có tổng diện tích đến 100ha nằm bên bờ Thái Hồ tỉnh Giang Tô, mỗi năm đón tiếp 2 triệu du khách và là bối cảnh chính cho 250 bộ phim điện ảnh truyền hình trong và ngoài nước…
Những phim trường ở Hàn Quốc đều được chính phủ Hàn Quốc xây dựng và bảo tồn thành những khu công viên có chủ điểm, nơi du khách có thể tận hưởng không khí yên bình, đi dạo trong thư thái hoặc thử biến mình vào các vai diễn của ngôi sao mình hâm mộ.
Bộ phim cổ trang nổi tiếng Nàng Dae Jang Geum lấy bối cảnh quay ở làng dân gian độc đáo rộng 243ha với hơn 140 nhà rơm, hơn 130 nhà mái ngói, trường học, làng, quán phố… bảo tồn và tái hiện sinh động cuộc sống thời xưa. Trường quay Suncheon có diện tích 70.000m2, là nơi dựng bối cảnh trong nhiều bộ phim cổ trang Hàn Quốc như Mặt trăng ôm Mặt trời, Chuyện tình SungkyunkWan... Những ngôi nhà ở đây xây dựng theo kiến trúc mô phỏng triều đại Chosun với kiến trúc được đầu tư kỹ lưỡng, những chi tiết chạm trổ sang trọng, đường nét tinh xảo. Đây không chỉ là nơi đem lại thành công cho các bộ phim cổ trang Hàn Quốc mà còn là nơi mang về khoản lợi nhuận kếch xù từ việc thu hút khách du lịch tới tham quan. Tại đây, du khách được nhìn ngắm, mặc những trang phục vua chúa truyền thống của Hàn Quốc và chụp hình lưu niệm.
Nhưng độc đáo nhất trên thế giới, có lẽ không có nền điện ảnh nào có được một phim trường “đổ nát” một cách… kỳ công như phim trường của hãng Mosfilm (Nga). Để phục vụ riêng cho những cảnh quay về đề tài thế chiến II - một mảng đề tài quan trọng trong dòng phim chiến tranh của điện ảnh Nga, Mosfilm đã dựng lên hẳn một phim trường đổ nát hoang tàn rất chân thực, trên một diện tích lớn để bất cứ bộ phim điện ảnh nào làm về đề tài chiến tranh, khi cần bối cảnh đổ nát chân thực, đều có thể tìm tới đây ghi hình.
Nghĩa là việc xây dựng phim trường của các nước có nền điện ảnh phát triển luôn luôn phải gắn kết với du lịch và đó là vai trò của nhà nước. Một phim trường có thể có chi phí từ 2 tỉ đến 5 tỉ đôla như phim trường Trùng Khánh mà Trung Quốc vừa xây dựng, con số ấy phải được thu về trong vòng vài năm. Đó là một bài toán kinh tế rất rõ ràng cộng với lợi nhuận kép là bản sắc văn hóa đất nước mình được giới thiệu cụ thể và trực quan từ phim ảnh, từ không gian cổ xưa mà phim trường đã mang lại cho du khách.
Với Việt Nam, phim trường Cổ Loa đã là một sự thử nghiệm thất bại, hy vọng phim trường Yên Tử sẽ không theo vết xe đổ đó. Mong thay…