Trên báo, đài đã có tin tức trong nước nổi bật rất đầy đủ. Ở đây chỉ xin lưu ý bạn đọc mấy tin quan trọng:
- Một là, cuộc đấu tranh chống tham nhũng do đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ huy đã đạt một bước tiến quan trọng. Đã kỷ luật, đưa ra tòa… hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật. Như lời Tổng bí thư, “lửa trong lò đã cháy, dù củi xanh rồi cũng cháy”. Đã tạo ra được đà, được xu thế… Nhưng cái gốc vẫn phải là vấn đề thể chế, vấn đề bộ máy kiểm soát quyền lực mà trong đó vấn đề dân chủ của cả xã hội, để tạo cơ chế kiểm soát, sức mạnh, động lực, hiệu quả. Ở Trung Quốc, dù Tập Cận Bình làm mạnh như thế, người ta vẫn cho là mới làm ở ngọn, chưa phát động được quần chúng, xã hội tham gia.
- Hai là, Tổng bí thư đã ký quyết định về việc quản lý cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, các quy định, tiêu chuẩn cụ thể. Mong rằng, việc này sẽ được thực hiện nghiêm.
- Ba là, Chính phủ hoạt động theo phương châm kiến tạo, hành động, liêm chính… ngày càng mạnh thấy rõ. Tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước đều được đặt lên bàn làm việc. Đã huy động kênh tư vấn chính sách kinh tế. Các chuyên gia đều cho rằng, trên Chính phủ, các Bộ… chuyển biến, nhưng dưới địa phương chưa chuyển mạnh. Phấn đấu tăng GDP năm nay lên mức 6,7% là việc cam go. Còn những nút thắt, những “cục máu đông” phải giải tỏa. Chẳng hạn, việc thoái vốn ở các xí nghiệp nhà nước còn quá chậm. Chẳng hạn, các sáng kiến đột phá cho kinh tế của từng địa phương còn ít; tình hình vẫn làm như cũ còn nhiều, vẫn biết địa phương có nhiều cái khó, không đủ thực lực…
Bước chuyển phải là đồng bộ, phải là “đồng khởi”. Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế có nhiều, ta vẫn ráng tăng trưởng mức cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
- Một việc nữa cần ghi nhận là trong tình hình văn hóa văn nghệ xuống thấp, sự quan tâm của Thủ tướng đến hoạt động của Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật toàn quốc có một ý nghĩa quan trọng. Cuộc gặp của Thủ tướng với lãnh đạo Liên hiệp để lại một ấn tượng sâu sắc không chỉ trong giới văn hóa văn nghệ, mà là toàn dân, những người quý trọng văn hóa, quý trọng các tác phẩm, nghệ sĩ. Đã giải quyết rốt ráo vấn đề Hội là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Đây là điều mà Đảng đã làm ít ra từ năm 1943, năm ra đời Đề cương văn hóa của Đảng; và sau đó là Hội Văn hóa Cứu quốc… Một nền văn hóa văn nghệ vĩ đại, “tiên phong chống đế quốc”, thời đại Hồ Chí Minh đã ra đời, góp phần to lớn vào công cuộc giành độc lập, tự do. Bao nhiêu văn nghệ sĩ đã ra chiến trường, đã ngã xuống và để lại những tác phẩm bất tử. Ngày nay, trong hoàn cảnh mới, kinh tế thị trường, văn hóa văn nghệ gặp phải những khó khăn chiến lược (từ cảm hứng sáng tạo, từ người đọc người xem…), nhưng không phải vì thế mà “đảo chiều”, gạt văn hóa văn nghệ ra ngoài cuộc, đi theo phương án của các nước phương Tây (do kinh tế phát triển, ở Anh, người ta chi cho Hội đồng Anh số tiền từ xổ số để dùng cho các dự án văn hóa văn nghệ, số tiền này khá lớn).
Về phía văn hóa văn nghệ, cũng phải tổ chức, phát động lại một cách căn cơ, cụ thể để có tác phẩm phục vụ bạn đọc, đáp ứng yêu cầu văn hóa văn nghệ ngày càng cao, càng phong phú đa dạng của người đọc, người xem, tránh đi vào tổ chức hành chính, quan liêu… xa rời truyền thống cách mạng - kháng chiến.
Về đối ngoại, xin lưu ý bạn đọc:
Quan hệ giữa ta và Trung Quốc hiện vẫn giữ được sự thăng bằng đã đạt được, nhưng đây là một quan hệ lớn, chiến lược, nhiều mặt, nhiều chiều luôn biến động. Khi nào Trung Quốc vẫn còn quyết đoán về đường chín đoạn, về biển Đông là lãnh thổ từ xa xưa (!) của họ, thì vấn đề quan hệ là không đơn giản. Ta quyết tâm giữ hòa bình, ổn định, mọi việc phải được giải quyết qua quy trình ngoại giao, luật pháp, trước hết là Luật biển 1982. Ta tăng cường tiềm lực quốc phòng để tự vệ, tăng cường quan hệ quốc tế để làm chỗ dựa, nhẫn nhịn mà kiên trì, kiên quyết giữ nguyên tắc, tóm lại là “dĩ bất biến ứng vạn biến” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vừa qua chẳng hạn, ra được Tuyên bố chung ASEAN ở Manila (Philippines), có đưa được ý quan ngại về việc Trung Quốc tôn tạo biển đảo, quân sự hóa biển đảo… Trung Quốc tỏ vẻ “giận”, không hài lòng. Họ nói: chúng tôi đã xây xong rồi và đã thôi rồi, còn nói đến làm gì, gây phức tạp… Họ đang đưa ra cái khung COC để thương thảo, nhưng chắc chắn nó sẽ không có tính ràng buộc pháp lý như chúng ta muốn. Họ đang có vẻ thắng thế trước bước lùi của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, mưu toan gạt Mỹ ra khỏi khu vực, xem đây là câu chuyện “nội bộ” giữa Trung Quốc và các nước quanh vùng, Mỹ và các nước khác đừng “xía” vào chuyện của tôi… 9.000 tàu cá Trung Quốc thắng tiến biển Đông sau khi lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp do Bắc Kinh đưa ra chấm dứt vào ngày 16-8-2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, đi Mỹ, hội đàm với người đồng cấp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, đạt kết quả hai bên tăng cường hợp tác nhiều mặt về quốc phòng, tỏ rõ thiện chí hữu nghị ở nhiều điểm (như tẩy rửa dioxin, tìm hài cốt lính Mỹ…); nhưng quan trọng nhất là thỏa thuận hàng không mẫu hạm Mỹ - biểu tượng cho sức mạnh Mỹ - sẽ vào Cam Ranh (Việt Nam) trong năm tới.
Về quan hệ với Đức sau việc Trịnh Xuân Thanh, bạn đọc theo dõi những diễn biến tiếp theo. Đức đang mùa bầu cử (tháng 9) với những dự đoán khó lường, các đảng phái đang lấy lòng cử tri, nên phức tạp.
TP.Hồ Chí Minh, 18-8-2017