Nhân Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lấy ý kiến về vấn đề này, chúng tôi có vài ý kiến như sau:
1. Tiêu chí xét giải đã được định ra bằng văn bản, nghị định… nhưng khi đi vào thực tế, do có những khó khăn, phải vi phạm. Để được Giải Nhà nước phải là tác phẩm “xuất sắc”, Giải Hồ Chí Minh là “đặc biệt xuất sắc, có tác dụng sâu rộng và lâu dài trong toàn bộ xã hội, có ảnh hưởng quốc tế”. Đặc biệt, có quy định: người đã đạt Giải Nhà nước mà muốn lên Giải Hồ Chí Minh, thì phải có tác phẩm xuất sắc hơn là tác phẩm đã dự Giải Nhà nước.
Điều này cũng bị vi phạm.
Chẳng hạn, trong giải vừa rồi, Thu Bồn, Xuân Quỳnh, trước đó là Phạm Tiến Duật và có lẽ cả Hữu Mai, Xuân Thiều, thậm chí Thuận Yến (âm nhạc) đâu có tác phẩm nào hay hơn Giải Nhà nước? Đành làm phép “hình nhân thế mạng”! Với Xuân Quỳnh thì lấy Lời ru trên mặt đất, Bầu trời trong quả trứng (thơ thiếu nhi) để trao giải, làm sao so với Gió Lào cát trắng, Sân ga chiều em đi… gồm những kiệt tác. Thu Bồn, lấy mấy cuốn tiểu thuyết kém chất tiểu thuyết và không được đọc mấy (Chớp trắng, Vùng pháo sáng, tập truyện ngắn Dưới tro) làm giải, vì những bài thơ, những tập thơ hay nhất đã được Giải Nhà nước rồi. Phạm Tiến Duật, tiêu biểu cho thơ chống Mỹ trên đường Trường Sơn, khi nhận Giải Hồ Chí Minh, phải lấy tập tiểu luận Vừa làm vừa nghĩ (văn xuôi) và hai tập Đường dài và những đốm lửa, Tiếng bom và tiếng chuông chùa không nổi danh làm giải.
Tất cả các vị này đều xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng vì quy định như thế thì phải làm thế, nếu không làm sao qua ải. Nhưng như thế là phạm quy. Vậy phải sửa lại quy định, sao cho nhìn toàn đồ, toàn cục, trước sau mà đạt thì trao giải.
2. Các Hội đồng là người quyết định giải. Có 3 Hội đồng (thậm chí 4): Cơ sở, Bộ, Nhà nước. Ai ngồi trong các Hội đồng đó, trình độ ra sao, cách làm việc ra sao là một vấn đề lớn. Ngay ở cơ sở, là cấp đầu tiên quyết định, thì việc quyết định các thành viên Hội đồng cũng không dễ. Bỏ phiếu chẳng qua là do việc theo dõi từ lâu, tự mình đánh giá (cũng có nghĩ về dư luận hội viên phần nào). Nhưng đọc làm sao hết. Mà đánh giá tác phẩm văn nghệ là việc vô cùng khó, là việc của các chuyên gia, các bậc thầy văn hóa. Lẽ ra, nếu có thời gian, phải đọc lại, thẩm lại, vì mỗi lần đọc có thể cho một kết quả khác. Cũng cần phân biệt, đây là tặng giải cho tác phẩm, không phải cho người, nhưng làm sao chia tách người với tác phẩm, việc làm chắc chắn là chưa thật kỹ, nghiêm. Lẽ ra phải có thảo luận nhiều nữa, cân nhắc kỹ nữa.
Đến khi lên Hội đồng Bộ, Hội đồng có thể bác các kết quả ở dưới. Có cái bác đúng, có cái bác sai (giá không bác thì cũng loạn giải, nhưng có cái bác sai, thế là thành vấn đề). Mà đến Hội đồng Bộ, thành phần phức tạp: nhiều “quan chức”, vụ trưởng, thứ trưởng… Các vị là quan chức quản lý hành chính, không cần các vị giỏi thẩm định tác phẩm văn học - nghệ thuật (mà chắc cũng ít có vị “toàn năng” như vậy!). Thế mà các vị có quyền xét giải cho rất nhiều bộ môn, mà mỗi bộ môn đến các chuyên gia lỗi lạc còn có thể thẩm định khác nhau. Việc này rõ ràng là không thể chấp nhận. Và không có nước nào trên thế giới làm vậy. Vì ở ta, khi đã là Giải của Nhà nước thì Nhà nước nắm, mà Nhà nước là ai - là Bộ, là Chính phủ. Tôi có quyền, được giao quyền, các anh chuyên môn chỉ là được tham gia. Lẽ ra Bộ chỉ nên “kiến tạo”, đứng ngoài lập, xét duyệt các Hội đồng, “chỉ đạo” “theo dõi” nhưng không trực tiếp làm. Có thể chỉ lập ra một Hội đồng thay cho cả 3 Hội đồng, mà Hội đồng đó gồm những vị uy tín lớn, công khai danh tính, công khai phiếu, rồi Nhà nước duyệt, ra quyết định.
Ở Hội đồng cuối cùng, nghe nói có tới 28 người, cũng vậy. Ở đây có người đánh giá về tư tưởng chính trị là rất cần. Nhưng cũng có thể có cách làm khác: đưa tư liệu qua Hội đồng. Ta cũng phải tham khảo các nước làm Giải ra sao, học tập những cái phải, cái tốt của họ.
3. Số phiếu bầu thì tùy, nếu vẫn giữ Hội đồng như cũ, thì 9/10 là cao, có thể 75% hoặc 80%. Bầu vào Trung ương còn lấy quá bán, giải này làm sao quan trọng bằng vào Trung ương? Còn như chỉ lập 1 Hội đồng, có khi phải 10/10. Cũng có thể cần cho điểm. Giải lấy quá đông, mà tiền thưởng ít, cũng ít nhiều ảnh hưởng đến giải.
4. So với lần giải đầu tiên, toàn là các vị “Quốc tế đại sư” như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Văn Cao…, càng về sau càng kém dần. Đến nay, hầu như tác phẩm, tác giả kiệt tác để nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đã hết (trừ một số vị bị “oan sai”. Vậy có nên lập ra giải mới, thích hợp với tình hình mới, kết thúc thắng lợi giải cũ? Duy trì quá lâu, nhiều cái phức tạp, dư luận ì xèo, gia đình khiếu kiện…, có nên không?
5. Nên nói một vấn đề cuối cùng. Phải: xét công bằng các tác phẩm, các văn nghệ sĩ miền Nam. Họ đã cống hiến tâm huyết, xương máu, tù ngục, chiến trường. Nhưng Hội đồng phần lớn là người Hà Nội, người miền Bắc, có thể ít hiểu biết, ít quan tâm, ít đọc… nên khi bỏ phiếu, nhiều nhân vật miền Nam chịu thiệt thòi, như Trần Bạch Đằng, Viễn Phương, Vũ Hạnh... Trần Bạch Đằng từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn, một người có tầm cỡ về văn hóa, có tác phẩm như Ván bài lật ngửa là một tác phẩm độc nhất vô nhị, sao chỉ được giải thưởng Nhà nước? Viễn Phương chiến đấu 40 năm không nghỉ ở chiến trường, tù ngục, Củ Chi, thơ hay, truyện ngắn càng hay, sao chỉ giải thưởng Nhà nước? Vũ Hạnh với Bút máu, Đọc lại Truyện Kiều… thật ít ai bằng. Còn Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Nguyễn Văn Xuân, Võ Hồng… mỗi người một cống hiến trong vòng kiềm tỏa của địch, mà sao không tăm tích? Đó quả là một sự bất công, mà sự bất công này xuất phát từ sự không đọc, không hiểu biết, đang tay gạch bỏ một cách quá đơn giản. Trong khi ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều vị được tôn vinh qua những hội thảo lớn do Thành ủy tổ chức với hàng trăm tham luận của những người có uy tín lớn về chính trị, văn hóa…, được đặt tên đường…