Trong thế kỷ thứ 21 toàn cầu hóa, ở châu Âu vẫn còn những hoàng gia trị vì trong nhung lụa ấm êm. Tổng cộng còn hiện hữu 12 triều đình hoàng gia châu Âu.
Có thể kể ra ở đây những hoàng gia đang trị vì như Bỉ, Tây Ban Nha, Luxembourg, Anh và Bắc Ireland, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Liechtenstein và xứ Monaco. Các hoàng gia tại Pháp và Đức tất nhiên là còn nhiều gia đình của nhiều dòng họ khác nhau, nhưng họ đã mất quyền cai trị và đại diện dân tộc trực tiếp. Ngoài ra còn phải kể đến những hoàng gia khác không theo chế độ cha truyền con nối như Vatican và Andorra.
Trong các hoàng gia trị vì, thì hoàng gia Anh với sự giàu có và uy quyền của mình là đáng kể nhất. Ở thế kỷ thứ 21, thể chế đế quyền theo luật thần quyền vẫn còn hiện hữu ở nước Anh. Đế quyền Anh, biểu hiện bởi nữ hoàng Anh Elizabeth II đồng thời cũng là giáo chủ của Cơ Đốc giáo, quốc giáo tại Anh. Đế quyền của nước Pháp cũng như vậy, vua Pháp làm vua “par la grâce de Dieu”, vì ý muốn của Chúa, được sắc phong bởi Chúa.
Nước Anh, lại có thêm một đặc điểm là theo thể chế đế quyền theo nghị viện (quân chủ lập hiến), tức là Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland có Nữ hoàng Elizabeth II, lên ngôi vua ngày 6-2-1952, là nguyên thủ quốc gia và hai nghị viện (hệ thống Westminster): Hạ viện (Thứ dân viện) và thủ tướng do dân bầu; Quý tộc viện được bổ nhiệm (gồm có thành phần quý tộc và 26 vị giám mục của Nhà thờ Anh).
Nữ hoàng Anh cũng là tổng tư lệnh quân đội Anh có khoảng 150.000 quân lính, Bộ Quốc phòng của chính phủ lãnh nhiệm vụ quản lý, gồm có ba nhánh: Hải quân lục chiến Hoàng gia Anh, Lục quân Anh và Không quân Hoàng gia Anh, được xem là một lực lượng hùng mạnh trên thế giới vì có bom nguyên tử, vũ khí hạt nhân.
Mọi thần dân của nước Anh đều phải quỳ gối trước nữ hoàng, kể cả thành viên trong gia đình, kể cả thủ tướng. Bà Magaret Thatcher, cựu thủ tướng Anh, được nữ hoàng Elizabeth II phong chức “Quý tộc trọn đời” vào năm 1992, và trở thành thành viên của Viện Quý tộc với tên gọi “Thatcher of Kesteven in the County of Lincolnshire” (Nam tước Thatcher xứ Kesteven thuộc Hạt Lincolnshire). Các nghi thức ngoại giao của triều đình Anh đã làm cho không ít nhà lãnh đạo các nước vấp váp trong các buổi gặp gỡ chính thức. Carla Bruni, đệ nhất phu nhân nước Pháp thời Nicolas Sarkozy, đã tuân theo nghi thức quỳ một gối trước nữ hoàng Elizabeth II để tỏ lòng kính trọng.
Nữ hoàng Elizabeth II giữ quyền tham vấn, khích lệ và cảnh cáo. Trên nguyên tắc, bà tôn trọng các quyết định của thủ tướng chính phủ. Mỗi tuần, nữ hoàng Elizabeth II nghe báo cáo trực tiếp từ thủ tướng Anh. Trên thực tế, nữ hoàng trị vì nhưng không lãnh đạo quốc gia, quyền lãnh đạo nằm trong tay thủ tướng. Dù vậy, bà và một số người tiêu biểu trong hoàng gia Anh có một ảnh hưởng lớn đến đời sống và suy nghĩ của dân chúng. Hiện nay, hoàng tử William (cùng vợ là công nương Kate và hai con nhỏ là hoàng tử tí hon George, công chúa tí hon Charlotte) và hoàng tử Harry - cả hai là con của công nương quá cố Diana - đang chiếm cảm tình của nhiều người trên thế giới.
Ở một số hoàng gia châu Âu, người ta thấy có một sự thay đổi thế hệ đã diễn ra, vua chúa cáo chung để nhường lại ngai vàng cho con cái, như ở các triều đình nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ. Riêng ở Monaco thì dù trẻ trung với hoàng tử Albert II đứng đầu, nhưng đó lại là thứ triều đình tập trung mọi quyền lực hiến pháp, lập pháp và hành pháp về tay một người là vua như ở Bỉ, Tây Ban Nha và Anh.
Ngày nay, những biểu hiện về quyền lực của vua hay nữ hoàng như uy quyền tuyệt đối (monarchie absolue), uy quyền được phân định bởi hiến pháp (monarchie constitutionnelle), uy quyền được phân định bởi quốc hội (monarchie parlementaire) được giảm thiểu lại theo định nghĩa của Adolphe Thiers về “vương quyền”: “Vua, không quản lý, không cai trị, chỉ trị vì” (Le roi n’administre pas, ne gouverne pas, il règne). Do đó, các “vương quyền” ở châu Âu không tham gia trực tiếp vào quản lý chính trị và hành chánh, xã hội của các chính phủ.
Chỉ riêng Vatican giữ địa vị một vương quyền có ba đặc điểm, có uy quyền tuyệt đối, thần quyền và được bầu ra, mà người đứng đầu không ai khác hơn là Đức Giáo hoàng.
Những người kế thừa tước vị vua, chúa, ngoài một số ngoại lệ là được bầu lên bởi một hội đồng nhất định, thường là cha truyền con nối, kế thừa theo huyết thống.
Ngai vàng mỗi nước giàu có như thế nào là một điều bí mật. Các báo chí châu Âu chỉ phỏng đoán được rằng giàu nhất là hoàng gia Anh, thứ nhì là hoàng gia Liechtenstein, Luxembourg, thứ ba là hoàng gia Monaco, thứ tư là hoàng gia Hà Lan có khoảng 113 triệu euro, hoàng gia Thụy Điển xếp vào hạng “ít tiền” với 24 triệu euro và “nghèo” nhất là hoàng gia Na Uy.
Tại sao người dân châu Âu lại hoài cổ? Một câu hỏi có nhiều câu trả lời của những người bảo hoàng. Theo họ, với tình trạng dân chủ hiện đại, quốc gia được dẫn dắt bởi những người có khuynh hướng kỹ thuật, thay đổi luôn luôn, “thiếu đi mặt nhân bản và những tính chất lâu dài, truyền thống, đảm bảo mọi quyền lợi và tự do, phân giải của một triều vua hiện đại”. Các vương triều tại vị đều có cố gắng đưa ra một mẫu mực với hình ảnh gần dân, vì dân và giá trị đạo đức của một gia đình hoàng gia gương mẫu.
Trên thực tế, những hoàng tử, công chúa hiện đại đã bị làm giảm giá trị, khi họ và một vài những công việc họ thực hiện chỉ xuất hiện trên những tờ báo “lá cải”, báo “cầu vồng”, những trang mạng tư nhân, cá nhân và không thoát ra khỏi những cách trình bày về ngày sinh tháng đẻ, những vụ nghỉ hè, những lễ lộc vui chơi, những lâu đài, những trang sức hoàng gia, những y phục lụa là lộng lẫy, nói tóm lại là những gì hào nhoáng nhất, hoành tráng nhất, sang trọng nhất, giàu có nhất. Điều này cho thấy trước hết là sự xa cách và trái ngược với thực tế đời sống hiện tại của đa số dân chúng luẩn quẩn trong vòng đi làm, gia đình và cuộc sống eo hẹp.
Những vụ xì căng đan và tham nhũng của các gia đình hoàng tộc, chẳng khác gì như gia đình thường dân, gói ghém trong hai chữ “tình” và “tiền” thường gây xôn xao, sôi nổi trong dư luận, thí dụ như vụ công nương Diana, vụ vua Thụy Điển, vụ công chúa Tây Ban Nha, vụ vua Hà Lan…, càng làm cho làng báo được dịp kiếm tiền.
Những cuộc hôn nhân có đẳng cấp của các gia đình hoàng gia lại làm cho dân càng thấy rõ biên giới khó lọt vào gia đình hoàng gia, “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Họ cũng thường lấy những người có quan hệ gia đình. Các hoàng gia vì thế có quan hệ gia đình chằng chịt với nhau, gốc Đức, Áo, Pháp, Ý là mạnh nhất. Ngôn ngữ của họ là tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh là chính.
Dù vậy, trong cuộc canh tân, một số gia đình hoàng tộc châu Âu đã cởi mở hơn trước, thí dụ như các cuộc hôn nhân giữa vua Tây Ban Nha Felipe VI và bà Letizia, vua Hà Lan Willem-Alexander với bà Maxima, thái tử thừa kế Na Uy Haakon với bà Mette-Marit, công chúa thừa kế nước Thụy Điển Victoria với ông Daniel, thái tử thừa kế Đan Mạch Frederik với bà Mary, hoàng tử Monaco Albert II với bà Charlene, quận công Luxembourg Henry với bà Maria Teresa, vua Na Uy Harald V với bà Sonja, vua Thụy Điển Charles XVI Gustave với bà Silvia… là những người “dân thường” được phong vương tước sau khi cưới, mang tước vị hoàng hậu hay công chúa, hoàng tử. Những mỹ nhân hoàng gia này đem lại ít nhiều nét mới lạ cho các vương triều, và có vẻ như rút ngắn lại khoảng xa cách với thường dân, mà trong ngôn ngữ của Pháp chẳng hạn thì là “sujet” (thần dân) khác với danh xưng của nền cộng hòa “citoyen” (công dân).
Một trong những lập luận của những người bảo hoàng cho rằng, những vị tổng thống Pháp, tại chức hay về hưu, tốn kém cho dân, cho ngân sách quốc gia còn hơn là vua chúa.
Các cựu tổng thống Pháp còn sống, Valéry Giscard d’Estaing tốn kém 2,5 triệu euro, Nicolas Sarkozy 2,2 triệu euro, Jacques Chirac 1,5 triệu euro mỗi năm trong tiền thuế của dân. Các cựu thủ tướng Pháp cũng hưởng nhiều quyền lợi chi trả bởi tiền đóng thuế của dân, nào là xe hơi có tài xế, tiền di chuyển, tiền văn phòng có nhân viên…
Trong khi đó, hành chính Pháp lại đè nén dân chúng. Chính sách thuế vụ khác nhau vì nhiều loại thu thuế khác nhau cho nên khó so sánh, nhưng một thống kê của OCDE (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) năm 2016 cho biết mức thu thuế trung bình tại Pháp cao nhất châu Âu là 40% cho một gia đình có hai con, trong khi đó mức thu thuế trung bình tại châu Âu là 26,6%! Nước Pháp dẫn đầu về thuế vụ với 40%, kế tiếp là Na Uy 39,2%, Bỉ và Ý 38,6% (Capital, 11-4-2017).
Tháng 7 năm 2017, viện Molinari công bố một bảng tính thuế vụ đặc biệt, qua đó họ tính là trong một năm người dân mất mấy tháng để đóng đủ mọi loại thuế cho chính phủ và còn lại mấy tháng để sinh sống cho chính mình. Theo bảng “giải phóng thuế vụ” này của viện Molinari thì người dân Pháp phải làm việc tới ngày 29-7 thì họ mới được giải phóng bởi mức thu thuế của chính phủ (Le Figaro, 25-7-2016)! Bảy tháng trời làm việc không công cho bổn phận đối với ngân sách quốc gia. Một bảng tính thuế khác cho biết trong khoảng từ 2011 đến 2016, dân chúng Pháp đã đóng tăng vượt mức đến 58 tỉ euro (Le Figaro, 25-7-2016). Sưu cao thuế nặng luôn làm cho dân chúng bất mãn.
Đã vậy, đầu mùa hè 2017, muốn giữ lời hứa với vợ trước khi đắc cử tổng thống Pháp, ông Macron có ý định chính thức lập ngôi vị “Đệ nhất phu nhân nước Pháp” cho bà Brigitte Macron. Ngôi vị này chưa hề có trong lịch sử nước Pháp kể từ khi bà hoàng hậu Marie-Antoinette và vua Louis XVI bị Cách mạng dân chủ Pháp 1789 chém đầu. Có một kiến nghị của một công dân được đưa lên mạng Internet chống đối lại việc này, với lý do chính yếu nhất là dân chỉ bầu một người làm tổng thống, dân không bầu một cặp vợ chồng lên cai trị. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua lại xảy ra sự kiện nóng bỏng Fillon-Penelope, ông Fillion bị tố cáo thu nhận (ảo) vợ làm nhân viên ăn lương cho mình. Kết quả là trong một thời gian ngắn có hơn 300.000 chữ ký cùng phản đối. Điện Élysée ngày 21-8-2017 phải ra một quyết định lập lờ nửa chừng dưới chiêu bài là “tất cả phải được sáng sủa”: không sửa đổi Hiến pháp 1958, không có lương bổng, không có ngân sách cho bà Brigitte Macron, ngược lại bà có một văn phòng, thư ký riêng và cố vấn, cận vệ, với lý do mỗi tuần bà nhận được khoảng 150 cái thư, phải trả lời, và có một “vai trò công cộng” là đại diện nước Pháp qua vị trí “Đệ nhất phu nhân”… Trên thực tế, qua báo chí Pháp, thần dân được biết rằng vợ chồng tổng thống Macron có ý muốn duy trì tình trạng “ta với mình tuy hai mà một” nên muốn hợp thức hóa cương vị đệ nhất phu nhân với cương vị tổng thống. Bà là cố vấn “thẳng thắn” duy nhất, người giữ các buổi hẹn riêng, biên tập các bài diễn văn, xuất hiện cùng lúc ở mọi nơi với chồng. Trong thời kỳ ông Macron còn làm bộ trưởng, bà Macron tham gia cả những buổi họp bộ trưởng. Tóm lại, bà có một ảnh hưởng không nhỏ lên ông Macron, kém bà 24 tuổi (đến năm 2022, cuối nhiệm kỳ tổng thống Macron thì bà Macron được 69 tuổi).
Cuộc Cách mạng dân chủ 1789 đã thiết lập một chính thể mới cho nước Pháp, chính thể cộng hòa Pháp với ba giá trị đặc trưng: Liberté - Égalité - Fraternité (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Trong thời hiện tại, hầu như các giá trị này đã mất đi phần nào sắc màu nguyên thủy của nó, được “giải thích” lại theo mức độ, màu sắc chính trị. Từ đó đến thời hiện đại toàn cầu hóa, người dân ngày càng bị “theo dõi” một cách vô hình với những hệ thống vi tính tinh vi qua thân thế, sức khỏe, ngân hàng, thuế vụ, nhà cửa, xe cộ, và qua cả phiếu trả tiền điện, trả tiền nước..., có thể nói, một con kiến cũng không lọt. Kiểm soát mọi hành vi là một cách để tự bảo vệ, nhưng kiểm soát quá đáng và không đúng đối tượng, vô lý thì sự kiểm soát này mang một tính chất đe dọa lên dân chúng. Hơn thế nữa, dưới ảnh hưởng của các cuộc khủng bố, nhất là đối với người nhập cư ở châu Âu dù đã có quốc tịch của một nước châu Âu, thì ngày càng bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Thử đặt câu hỏi “Liberté - Égalité - Fraternité” chỉ có cho những người Pháp gốc… Pháp hay có cả cho những người Pháp gốc… nước ngoài? Những người có tinh thần kỳ thị, chống nhập cư, chống “ăn bám” xã hội, hay theo các đảng cực hữu đang làm việc trong những cơ quan hành chánh nhặt nhạnh những người có gốc nước ngoài nhưng đã có quốc tịch nước sở tại để “trấn áp” bằng những “biện pháp” hành chánh. Một hành động đáng lẽ không thể xảy ra, vì một khi đã trở thành công dân của nước sở tại thì người ấy có đầy đủ bổn phận và quyền lợi như mọi người khác và chấp nhận hiến pháp, chấp nhận tuân theo luật lệ, chấp nhận văn hóa với mọi giá trị của nó. Nhưng những người có chút quyền trong phạm vi hành chính vẫn tiếp tục dùng nhiều hình thức “trấn áp tinh thần” để lung lạc, để gây sợ hãi, để xem áp lực của họ đạt được đến mức nào thì bị phản ứng lại, chặn lại. Còn phải kể ra những bất công trong các xã hội châu Âu mà du khách không trông thấy…