Ba mươi năm về trước, khi sự cố vỡ đê Nội Doi - thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc xảy ra, với vai trò Chủ tịch tỉnh - Trưởng ban chỉ huy xử lý sự cố đê Nội Doi, ông đã “quần xắn tận bẹn”, dốc sức cùng quân và dân Quế Võ cứu đê. Và đó là sự cố vỡ đê duy nhất ở Việt Nam được cứu.
Năm mươi năm về trước, ông là người đã cùng nhân dân Hưng Hòa - Hà Bắc đưa phù sa về phủ một vùng đất bạc màu của Hưng Hòa - Hà Bắc. Ông đã làm cho “mảnh đất thối”, “đất chết” Hưng Hòa trở thành một vùng nông nghiệp trù phú với công thức 4 L: Lúa - Lang - Lạc - Lợn.
Cũng hơn 35 năm về trước, ông là người đã thẳng thắn, quyết liệt, nói như cách nói của cố nhà báo Hữu Thọ: đó là người dũng cảm, một người dũng cảm đứng về phía nhân dân, lợi ích của nhân dân để ủng hộ cho Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về khoán sản phẩm nông nghiệp.
Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam phát triển như ngày hôm nay, có những đóng góp không nhỏ của ông. Một người đàn ông gầy gò đã từ Hà Nội trở về Đà Nẵng, rồi lặn lội về vùng Quảng Nam hoang sơ để cùng nhân dân thành lập tỉnh mới.
Người đại biểu ấy đã đi xa, đã về với đất mẹ trong nỗi tiếc thương của Đảng và Nhà nước, trong nỗi tiếc thương của gia đình, và chắc chắn trong nỗi tiếc thương của những cử tri, nơi ông đã từng gắn bó, từng cống hiến, từng yêu thương…
Theo quy luật tạo hóa, con người đến tuổi phải trở về hóa vào hư vô ấy chẳng trừ lấy một ai, tất cả đều giống nhau, chỉ có những gì họ đã làm được trên cõi đời khi còn sống là khác nhau, là ở lại, và những gì ở lại sâu nhất, quý giá nhất đối với cống hiến của một đại biểu chính là ở lại trong nỗi nhớ của nhân dân, trong nỗi nhớ của cử tri.
Con đường về Quế Võ - Nội Doi hôm nay đã đổi thay quá nhiều, không còn vũng trâu hố lầy mà muốn đi phải vắt quần lên cổ và vác xe đạp trên vai mới hòng qua được. Ngắm nhìn khung cảnh bình yên hôm nay, ít ai có thể nghĩ rằng 30 năm trước Nội Doi đã từng đứng trước tình thế bị nhấn chìm, bị xóa trắng trong màn nước - ấy là sự cố vỡ đê Nội Doi năm 1986, một sự cố thiên tai in đậm trong ký ức của người dân nơi đây.
“Lúc đó là lúc khoảng độ 4-5 giờ chiều, nó vỡ bên kia chảy xiết mạnh lắm - ông Trịnh Văn Thế, xã Nội Doi, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (cũ) kể lại - cho rào tre rồi đá, các sọt đá, cho xuống đến đâu là chui sang bên kia ngay”.
“Khi mà rung đê là tôi cũng có mặt. Thì lúc đó tôi thấy ông Mai Thúc Lân với ông Quất, quần bẩn thế này chứ không như cán bộ bây giờ đâu… - ông Nguyễn Thiện Tường, nguyên Chủ nhiệm HTX Nội Doi, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (cũ) kể lại - Tôi đứng ở góc đây này, thuyền bên kia rất đông, cứ vẫy vào, không có thì cho sà lan đuổi vào, cuối cùng thì cái sà lan từ góc này đến góc kia, nối đuôi bằng cáp ni lông bằng cổ tay, khi nó đánh vỡ là tất cả về đây. Đánh tuyến đầu, không ăn thua gì, vẫn ụp. Thế thì cho tuyến hai đóng một phát thì tự nhiên nó dừng lại, dân làng bắt đầu thở phào, hôm sau tự nhiên rút nước”.
Đồng chí Mai Thúc Lân từng kể lại: “Nếu như mà nó vỡ thì bộ đội cứu dân… Đồng thời vẫn tiếp tục cho những con rồng đá… Đến lúc anh đại tá Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự của Hà Bắc, cũng xuống để huy động lực lượng, đến sáng hôm sau cả trường sĩ quan chính trị, cả trường sĩ quan thông tin, cả quân đoàn 2 được huy động xuống. Thế nhưng nước vẫn cứ dội vào, cứ dội vào, cứ lở mãi… Mấy anh bộ đội bảo thế này thì khó cứu lắm rồi chú ạ. Tôi bảo là còn nước còn tát”.
“Tất cả các cuộc vỡ đê ở Việt Nam, không có cuộc nào cứu được thành công cả - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trần Nhơn nói. Trước đó là Cống Thôn, Mai Lâm…, chỉ có Nội Doi là cứu thành công. Vô tiền khoáng hậu. Đó là thành công của đoàn kết quân, dân, lãnh đạo từ trên xuống từng người dân”.
Con sông Cầu hôm nay hiền hòa xanh trong, cái màu xanh đậm đà khoáng đạt của lá cây vùng nhiệt đới thừa thãi ánh nắng mặt trời. Con sông ấy hẳn vẫn còn nhớ thời khắc nổi giận năm xưa, cũng như những người dân Nội Doi hôm nay vẫn còn nhớ về vị Chủ tịch năm xưa của mình.
“Chúng tôi vô cùng cảm ơn vị lãnh đạo rất có trách nhiệm lúc bấy giờ mà vì dân quên thân, vì nước quên mình - ông Nguyễn Thiện Tường, nguyên Chủ nhiệm HTX Nội Doi, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (cũ), phát biểu. Những người lãnh đạo đó dân chúng tôi không bao giờ quên được”.
Những người lãnh đạo luôn nghĩ đến dân, luôn đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích của cá nhân thì dân không quên, dù người đó đã về cõi khác. Trong ký ức của bà Dương Thị Khanh, người vợ hiền của cố đại biểu Mai Thúc Lân, vẫn còn đó vẹn nguyên nỗi nhớ thương, niềm kính trọng về chồng mình. “Ấn tượng nhất về ông ấy từ thời trẻ cho đến khi ông ấy qua đời - bà Dương Thị Khanh, vợ nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, nói - cái thứ nhất là thẳng thắn, trung thực, mà đã nói là làm, chứ không có nói buông xuôi”.
Cánh đồng xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang hôm nay trù phú. Năm mươi năm về trước, nơi đây là vùng đất bạc màu, một vùng đất chết, cái đói cái nghèo ôm chặt lấy vùng quê. Thế rồi, vị kỹ sư nông nghiệp xứ Quảng Mai Thúc Lân được Bộ Nông nghiệp điều về nơi đây. Với bàn tay khối óc của ông, với tình yêu và gắn bó của ông, Hiệp Hòa, Hưng Hòa hồi sinh đến kỳ lạ.
… Nhà văn Trần Quyển nói: “Anh Mai Thúc Lân, từ xưa đến giờ vẫn được dân Bắc Giang quý trọng lắm, không những về tài năng, đức độ, mà còn ở góc độ anh Mai Thúc Lân còn là một lãnh đạo lúc nào cũng sáng suốt, có sự đổi mới, khác thường. Cho nên khi có Nghị quyết 100, thì anh ấy là người sốt sắng thực hiện ngay. Nên khi anh Mai Thúc Lân qua đời, thì Hữu Thọ đăng trên báo Nhân dân một bài viết, kết luận rằng: thời bấy giờ, ai mà ủng hộ khoán 10 là một con người rất dũng cảm”.
Cũng chính vì sự dũng cảm, vì sự thanh liêm của mình, mà vợ con, những người thân yêu của đại biểu Mai Thúc Lân từng phải chứng kiến cảnh kẻ xấu ném lựu đạn vào nhà. Bà Dương Thị Khanh kể: “Hôm ấy mà tôi chưa chạy vào thì đạn nó găm đúng giữa người. Tôi cũng biết ngay là chuyện mấy bữa đó anh kỷ luật nhiều cán bộ quá”.
Trong hồi ký Chuyện đời ấm lạnh buồn vui của mình, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân từng kể lại: “Đầu năm 1986, tôi nhận được nhiều đơn thư tố cáo Nguyễn Văn Điểm, là giám đốc công ty ngoại thương của huyện Lạng Giang tham ô, móc ngoặc và có nhiều hành động đồi trụy như cưỡng dâm nhiều nữ nhân viên của công ty. Tôi giao cho thanh tra tỉnh tổ chức đoàn về thanh tra những việc trên để xử lý. Vào hạ tuần tháng 5, tôi chủ trì cuộc họp của Thường trực UBND tỉnh, có mời các ngành nội chính, đại diện UBND huyện Lạng Giang và cho triệu cả Nguyễn Văn Điểm về nghe đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra công ty ngoại thương của huyện Lạng Giang. Điều bất ngờ là báo cáo của đoàn thanh tra tỉnh hầu như nói về thành tích của Điểm thì nhiều, còn các khuyết điểm, vi phạm như trong đơn tố cáo thì coi như không có gì quan trọng. Tôi ngồi nghe, đối chiếu với những đơn thư mà tôi đã đọc, như dư luận Lạng Giang về hành động phi luật pháp, phi đạo đức của Điểm thì thấy bản báo cáo của Điểm không khách quan và tôi có suy nghĩ là đoàn thanh tra đã bị Điểm “mua” rồi. Nhiều anh chị em trong thường trực Ủy ban tỉnh không chấp nhận báo cáo của đoàn thanh tra và quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, có cả công an và mời Viện Kiểm sát tỉnh tham gia. Điểm ngồi nghe và thấy là không che giấu, mua chuộc được nữa, nên đã đến bàn với Nguyễn Văn Gấm là anh trai đang làm trưởng phòng của Ban tổ chức chính quyền tỉnh ném lựu đạn vào nhà tôi”.
Sau vụ án, nhiều người nghĩ vị Chủ tịch Mai Thúc Lân sẽ phải sống khác đi, nhưng, không, ông vẫn tiếp tục cương quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, giữ một lối sống cương trực, trong sáng. Ông Vũ Tiến Đạt, hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành - Văn phòng Chính phủ, kể: “Trong lần công tác tại Bắc Ninh, lãnh đạo xã có trao tặng đồng chí Mai Thúc Lân 2 bức tranh bằng gỗ rất quý, rất đẹp. Đồng chí nhận và trao lại cho xã. Về, tôi có nói với anh Mai Thúc Lân là hôm nay sau Tết mà anh làm vậy thì xã họ sái sẩm quá. Anh Lân nói với tôi rằng, mình đi làm việc, chẳng nhẽ đi đến lại nhận quà à?”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Đấy là một con người, trong đời thường thì rất mộc mạc, chân thành, tình cảm, nhưng đối với công việc thì đồng chí Mai Thúc Lân là người có trách nhiệm rất cao, rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, và đặc biệt một đức tính rất đáng học tập là liêm khiết, chí công, vô tư”.
Đà Nẵng, đặc biệt là Quảng Nam có được sự phát triển như ngày hôm nay, ít nhiều có đóng góp của đại biểu Mai Thúc Lân. Câu chuyện tách tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam năm xưa vẫn còn để lại trong tâm trí những người Quảng Nam về hình ảnh vị Bí thư Tỉnh ủy chỉ nặng 42kg nhưng bước chân ông có ở khắp những vùng khó khăn nhất của tỉnh mới Quảng Nam để tìm hiểu, chia sẻ đời sống bà con.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Lúc mà tách tỉnh Quảng Nam ra thì khó khăn, gian khổ, thiên tai, lũ lụt thường xuyên. Nhưng từ cái gian khổ đó, với sự lãnh đạo của đồng chí Mai Thúc Lân, tình cảm anh em đồng chí đoàn kết nhất trí trong Đảng đến chính quyền trong hệ thống chính trị rất là tốt, cho nên khắc phục những bất cập của một tỉnh mới chia tách, kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định và làm tiền đề cho sự phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và đặc biệt là tỉnh Quảng Nam”.
Tạm biệt Quảng Nam, đại biểu Mai Thúc Lân trở về Hà Nội với vai trò là Phó chủ tịch Quốc hội, đây cũng là thời gian quan trọng ông gắn bó với thị trường, gắn bó với những buổi chất vấn, và trả lời chất vấn thẳng thắn mà cử tri mong đợi. Những người gần gũi ông luôn hiểu một quy tắc sống và làm việc của Mai Thúc Lân, ấy là ông luôn đứng về phía nhân dân.
Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân từng phát biểu trong một phỏng vấn truyền hình: “Các thành viên của Chính phủ, cũng như là Chính phủ hay là cả đồng chí Thủ tướng cũng đều có ý thức đối với việc giải quyết những kiến nghị hay những câu hỏi của đại biểu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, để nói là đạt yêu cầu chưa thì có thể nói là chưa đạt yêu cầu mong muốn của cử tri cũng như của đại biểu Quốc hội”.
… Đi hết một đời người, rồi ai cũng trở về với cát bụi, với vuông cỏ biếc, chỉ có những gì ta để lại là mãi khác biệt, là hơi ấm trong dân gian, là hạt mầm nơi tâm hồn những người yêu thương.
Chị Mai Thủy, con gái nguyên Phó chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân, nói: “Bố mẹ tôi sinh ra bốn anh em. Cuộc sống của bố trong sáng như thế, đâm ra bốn anh em cảm thấy là mình không thể sống không tốt được!”.
Phải sống là một người tốt - cái hạt mầm quý giá trong trái tim đại biểu Mai Thúc Lân đã nảy nở trong tâm hồn những người con của ông.