HV119 - Nhà thơ thiên tài suốt đời đổi mới thơ*

Nhà thơ thiên tài Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920 tại Diễn Châu, Nghệ An. Là người gốc Kinh hẳn hoi nhưng khi làm thơ, ông lại lấy tên người dân Chăm mất nước. Chế Lan Viên làm thơ từ rất nhỏ, năm 12-13 tuổi. 17 tuổi xuất bản tập thơ Điêu tàn làm kinh ngạc bạn đọc cả nước, “Từ trời xanh rơi vài giọt Tháp Chàm” (Văn Cao). Cùng xuất hiện trong phong trào Thơ mới nhưng Chế Lan Viên không giống với bất cứ nhà thơ đương thời nào khác, càng không giống với nhóm thơ “Xuân Thu nhã tập”, rơi vào cầu kỳ bế tắc. Thơ Chế Lan Viên nhiều mới lạ về đề tài, nội dung, cấu trúc ngôn từ… luôn dồi dào cảm xúc thi nhân. “Đọc tập Điêu tàn này xong (...) mà cái Buồn, cái Chán, cái Hãi hùng cùng ùa nhau đến bọc lấy hồn anh làm cho anh phải cười, phải gào, phải khóc, thì xin anh chớ hẹp hòi gì mà cười cho mênh mang, gào cho vỡ cổ, khóc cho hả hê rồi gửi cái cười, cái gào, cái khóc ấy cho không trung”.

Quả thật, ngay từ khi mới xuất hiện, thơ Chế Lan Viên đã ghi được dấu ấn khó quên trong lòng người đọc.

Cách mạng tháng Tám 1945 rồi kháng chiến chống Pháp, với tư cách người trong cuộc, thơ Chế Lan Viên đã có sự chuyển biến lớn. Đề tài về những người mẹ, về anh bộ đội Cụ Hồ, về những chiến công và những người đất anh hùng đã truyền cảm xúc cho thơ Chế Lan Viên. “Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa/ Nghìn năm sau, còn đủ sức soi đường”. Đất nước hiện lên trong thơ Chế Lan Viên thật đẹp và hùng vĩ như chưa từng có bao giờ: “Xanh biếc màu xanh, bể như hàng nghìn mùa thu qua còn để tâm hồn nằm đọng lại/ Sóng như hàng nghìn trưa xanh, trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời”. Đặc biệt hình ảnh Bác Hồ trong thơ Chế Lan Viên dường như luôn dạt dào cảm xúc với những rung động thật chân thành: “Tôi đến Nha Trang ngắm trời bể đẹp/ Có hay đâu hang Pắc Bó gió lùa/ Giường lãnh tụ là hai hàng đá ghép/ Mảnh áo chàm Bác mặc quá đơn sơ”.

Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đương đầu với một siêu cường bậc nhất thế giới khiến nhiều bạn bè lo ngại cho chúng ta, nhưng hào khí dân tộc lại được dâng cao hơn bao giờ hết. Hòa cùng khí thế của dân tộc, thơ Chế Lan Viên như những khúc tráng ca cất cánh bay cao: “Thuyền ta đi như thi sĩ, như anh hùng/ Đi chiến đấu và ngợi ca Tổ quốc”, “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”… Bài thơ Thời sự hè 72, bình luận đăng kín cả trang báo Nhân dân như một bài Hịch non sông, thôi thúc mọi người xung trận. Không chỉ với những đề tài mang tính vĩ mô mà cả những đề tài cụ thể, tinh tế như Tình ca ban mai, Tiếng chim vít vịt, Bữa cơm thường trong bản nhỏ, thơ Chế Lan Viên vẫn có những tìm tòi mới mẻ, cảm xúc dào dạt mà không phải nhà thơ nào cũng dễ dàng có được. Thơ Chế Lan Viên luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống của đất nước, của nhân dân, mà cuộc sống thì không ngừng thay đổi nên thơ cũng không ngừng đổi mới là lẽ đương nhiên. Sau ngày đất nước thống nhất, Chế Lan Viên vào sống ở miền Nam, chọn một nơi thật yên tĩnh, thanh bình ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh với hy vọng được sống những năm tháng cuối đời yên ổn nhất ở Viên Tĩnh Viên, nhưng những khó khăn vất vả thời hậu chiến rồi căn bệnh hiểm nghèo đã không ngừng hành hạ nhà thơ. Mặc dù vậy, Chế Lan Viên vẫn kiên trì với lý tưởng để sống và viết không nghỉ, không ngừng. Hàng nghìn bài thơ Di cảo viết những năm cuối đời khiến ta ngạc nhiên, khâm phục. Rất nhiều nội dung, đề tài lớn nhỏ được nhà thơ đặt lại trên bàn, cân nhắc lại giá trị thực giả trong đời, thậm chí nhà thơ còn “trừ đi” những gì đã có nhưng thật ra phải “cộng lại” mới có thể thấu hiển Chế Lan Viên. Sức viết, sáng tạo của Chế Lan Viên thật đáng kính nể. Gần 60 tuổi đời, gần nửa thế kỷ cầm bút, Chế Lan Viên đã để lại một khối lượng tác phẩm thật đồ sộ qua nhiều bước thăng trầm của đất nước mà ở thời điểm nào thơ Chế Lan Viên cũng đi đầu trong đổi mới và chưa bao giờ thỏa mãn với chính mình. Chỉ một câu chữ chưa bằng lòng nhiều khi đã khiến anh khổ sở, dằn vặt đến ăn không ngon, ngủ không yên. “Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi”, “Máu thấm vào lòng đất đã sâu/ Sao trang giấy lòng anh vẫn cạn”, “Đừng đuổi thơ tôi, vì một chút chiều tà nào ngả bóng/ Hãy kiên lòng, sẽ thấy nắng mai lên”. Điều anh quan tâm đầu tiên và cuối cùng chính là ở đó. Thơ cần có ích, giấy cần có ích cho đời, dù thời gian còn lại chỉ có tính từng ngày. Càng ở những ngày tháng cuối cùng, biết mình sắp phải ra đi, anh càng bồn chồn, nóng ruột. “Số ngày còn lại cho anh trên Trái Đất đến rồi”, “Như thóc giống đếm từng hạt một/ Chỉ còn chừng ấy hạt thôi, anh phải tạo ra mùa”. Ngay cả ở một số sáng tác văn xuôi của anh, từ trên ghế nhà trường, chúng tôi đã thi nhau đọc thuộc lòng từng đoạn thơ văn của anh, coi như những trang tuyệt bút mới rất hiếm hoi của văn chương thời đại, nhưng khi nhắc đến, anh chỉ cười, tự giễu mình “Tấm lòng văn xuổi từ nay xin chừa”. Anh còn để lại một khối lượng đồ sộ hàng nghìn bài phác thảo thơ, những ghi chép sổ tay, những mảnh giấy rời, những câu thơ, những đoạn thơ như còn dang dở nay ta gọi là thơ di cảo, theo tôi, một trong những lý do chính cũng là từ chỗ này, ở chỗ anh chưa bằng lòng, chưa yên lòng với chúng. Như vậy, chúng cũng chính là anh, là những điều anh chưa kịp nói, chưa thể nói hay chưa muốn nói, chưa yên tâm nói ra những điều như thế, chứ đâu phải là một Chế Lan Viên “bí mật” ẩn mình, khác lạ hay đối lập với một Chế Lan Viên như ta đã biết.

Có lần, nói chuyện với những người viết trẻ, anh nói: thơ như chiếc xe con, sang trọng nhưng chở được rất ít, phải là xe tải, xe khách, tàu hỏa mới có thể chở cả những cái xô bồ của cuộc sống. Anh trăn trở “Dù thơ phú hàng hàng châu ngọc/ Nhưng “ngọc” thì nói sao được sắt thép, máu xương, bùn đất đẻ ra đời?”. Nhưng thật ra trong thơ anh đã chuyển tải được bao nhiêu cái lớn lao, xô bồ của cuộc sống. Khối lượng tác phẩm cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình anh để lại cho đời thật đa dạng, đồ sộ. Vậy mà suốt đời anh vẫn luôn tự hối thúc mình gấp gáp đến khắc nghiệt: “Gió thổi mây bay bất trắc (…) Phải tranh thủ làm thơ giữa hai chớp mắt (…) Viết đi! Viết đi! Viết! Viết!/ Thời gian nước xiết”. Viết cả trong cơn đau trên giường bệnh: “Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ/ Nếu dưới vực sâu còn dũng khí/ Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể/ Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư”...

Chế Lan Viên, với ngòi bút của trí tuệ suy tưởng và ngôn ngữ tân kỳ, xứng đáng được tôn vinh là thi sĩ tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ 20, là người suốt đời đổi mới thơ.

 

_____

* Cảm nhận Tuyển tập Thơ Chế Lan Viên, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017.

NGUYỄN GIA NÙNG