Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang khá bất ngờ khi được Phó chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt Ku Su Jeong giới thiệu trân trọng cùng các em sinh viên Hàn Quốc bằng một clip dài 10 phút với toàn bộ sự nghiệp điện ảnh của chị, những thước phim xuất thần của chị trong 2 bộ phim Chị Tư Hậu và Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, và cuối cùng là bức ảnh rọi to cả màn ảnh Trà Giang tặng hoa và nép vào ngực Bác Hồ thân ái như cha con… Đây là tối mà các em sinh viên Hàn Quốc được gặp một nhân chứng sống từ những năm chiến tranh ác liệt mà nhân dân Việt Nam đã trải qua, một nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã đóng phim dưới mưa bom của kẻ thù…
Trước những đôi mắt đầy ngưỡng mộ của những người trẻ tuổi 20 Hàn Quốc, những người chưa bao giờ biết chiến tranh là thế nào, NSND Trà Giang đã kể về cuộc hành trình làm phim dưới đạn bom của những người nghệ sĩ cùng thời với chị. Ngày ấy khi viết kịch bản Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, tác giả kịch bản và đạo diễn đã đạp xe từ Hà Nội đến Vĩnh Linh để thu thập tư liệu và gặp gỡ những con người đã sống và chiến đấu ở đây. Quãng đường dài hơn 300km và đầy bất trắc bởi đạn bom ấy không ngăn được bước chân các anh, bởi khi gặp được cuộc sống thực, con người thực nơi đây, tất cả đều cảm thấy mình quá bé nhỏ trước những tấm gương hy sinh và cuộc chiến đấu quá ác liệt. Anh Hoàng Tích Chỉ và anh Hải Ninh đã phải lặn lội 3 lần mới hoàn thành được kịch bản. Và nhân vật nữ chính - chị Dịu, khi giao cho Trà Giang, chính là o Thảo, người con gái can trường ở bờ Nam. Đoàn làm phim lên đường đến Vĩnh Linh như một cuộc hành quân ra mặt trận, ngày nghỉ, đi suốt 2 đêm mới đến. Đoàn phim phải sống và làm việc dưới địa đạo và người đầu tiên Trà Giang được gặp là o Thảo, bí thư chi bộ bờ Nam, nhân vật mẫu chính của chị Dịu trong phim. Đó là một cô gái rất đẹp, mắt sáng, tóc dài đen mượt, o Thảo kể cho chị nghe nhiều về cuộc chiến đấu ác liệt mà o đã trải qua. Chị không bao giờ quên được câu chuyện o kể về người anh ruột đã bị quân địch tra tấn tới chết trước mắt o vì không chịu chỉ hầm bí mật nuôi giấu chiến sĩ. Chính những câu chuyện kể của o Thảo đã gây trong chị sự xúc động và niềm tin mãnh liệt vào cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc, nên chị không còn biết sợ nữa, dù bom đạn vẫn không ngớt. Và trong không khí lặng thinh đầy xúc cảm ấy, Trà Giang đã không kềm được dòng nước mắt… Chị nói, chị không thể kể hết những gian khổ khi vào vai chị Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, vì thực sự có lúc chị đã tưởng mình không thể vượt qua. Vừa quay phim vừa trốn bom, có khi phải dầm trong nước lạnh suốt đêm, có những cảnh khi diễn là chị đang sốt cao, nhưng vẫn phải cố gắng vì không thể làm chậm tiến độ quay. Nhiều cảnh khi quay xong chị đã ngất đi vì quá sức chịu đựng… Nhưng tất cả đoàn phim không ai bảo ai, đều kiên cường chịu đựng bởi ai cũng cảm thấy mình quá nhỏ nhoi trước sự hy sinh quá lớn của đồng bào mình ở bờ Nam.
Vì thế khi đoàn điện ảnh Việt Nam xuất hiện ở Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1973 và chiếu phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, khán giả Liên Xô đã rất bất ngờ vì không thể ngờ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt như thế, trong mưa bom của kẻ thù mà Việt Nam vẫn làm được phim truyện và quay ngay ở nơi ác liệt nhất. Trong khi Liên Xô vào những năm chống phát xít Đức chỉ có thể tập trung làm phim tài liệu và ngưng sản xuất phim truyện. Thực sự, khi thực hiện bộ phim này là lúc Mỹ đang thực hiện chiến dịch Linebaker II cho ném bom Hà Nội, nên cả Hãng phim truyện Việt Nam phải sơ tán, nhưng đoàn làm phim ở lại, đào hầm ven hồ Tây, khi có báo động thì xuống trú ẩn. Giai đoạn cuối cùng là hòa âm phải thực hiện trên một chiếc ô tô hòa âm ở số 4 Thụy Khuê. Nữ diễn viên Jane Fonda khi xem đoạn chị Dịu đẻ trong tù, đã nói: “Tôi nghĩ các bà mẹ Mỹ cần xem những hình ảnh này…”. Và Trà Giang đã được trao giải nữ diễn viên xuất sắc trong vai chị Dịu ở liên hoan phim này.
Chị nói trong dòng nước mắt: “Chúng tôi đã trải qua thời gian gian khổ của cuộc chiến tranh tàn khốc trên đất nước tôi, nên hơn ai hết hòa bình là ước vọng lớn nhất của người Việt Nam. Di chứng chiến tranh vẫn còn và sẽ còn lâu nữa trên đất nước chúng tôi bởi chất độc da cam… Mãi đến gần 1 thế kỷ rồi mà đất nước tôi, rất nhiều người mẹ mất con vẫn chưa tìm được hài cốt con mình, và còn hàng vạn ngôi mộ còn chưa có tên tuổi… Thế giới vẫn không ngớt chiến tranh và ngòi nổ chiến tranh vẫn còn đó đe dọa loài người”.
Khi mọi người muốn chị kể về bức ảnh chị chụp với Bác Hồ, Trà Giang đã nói trong nước mắt, với chị và nhân dân Việt Nam, Bác Hồ vừa là lãnh tụ, vừa thân thiết như một người cha, nên khi được cử là đại biểu trẻ tặng hoa cho Bác Hồ ở Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần III, chị đã tặng hoa cho Bác và ôm hôn Bác như một phản xạ của người con khi gặp người cha mà mình vô vàn kính yêu. Không ngờ hành động ấy của chị được cả hội trường tán thưởng và vỗ tay nhiệt liệt. Chị vô cùng hạnh phúc vì được lưu giữ một bức ảnh rất tình cảm và rất đẹp với Bác Hồ. Năm ấy chị vừa tròn 20 tuổi sau thành công của phim Chị Tư Hậu… Cũng tại đây, Bác đã dặn dò về trách nhiệm của văn nghệ sĩ, câu nói mà đã qua 60 năm chị vẫn nhớ như in “Ngày xưa, khi đất nước còn nô lệ, thì văn nghệ sĩ cũng là nô lệ, bị coi là ‘xướng ca vô loài’. Còn bây giờ, đất nước thuộc về ta nên văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Và chị tự hào là mình đã vâng theo lời dạy của Bác Hồ trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của chị…
Trưởng đoàn Quỹ hòa bình Hàn - Việt, ông Hong Seong Duk, đã rất xúc động trước những câu chuyện kể của NSND Trà Giang. Ông nói ông ước chi Hàn Quốc có một lãnh tụ như Hồ Chí Minh: “Trong chuyến đi cùng với các bạn trẻ sinh viên Hàn Quốc, chúng tôi muốn được đối diện với quá khứ một cách đúng đắn và khách quan để hướng đến tương lai. Chúng tôi là thế hệ sau chiến tranh, cha anh tôi đã gây đau thương, đã gây tội ác với nhân dân Việt Nam, nên nhân dịp này chúng tôi xin thay mặt cho nhân dân Hàn Quốc nói lời xin lỗi với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng tôi có thể viết lại tương lai tốt đẹp hơn giữa hai nước Hàn Quốc và Việt Nam. Và tôi cho đó là trách nhiệm của chúng tôi, của các bạn trẻ sau chiến tranh. Và chúng ta hãy hợp sức nhau để làm điều đó”.
Chị Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đã xúc động giới thiệu 12 em là nạn nhân chất độc da cam ở cơ sở An Phúc, đó là những nhân chứng sống của cuộc chiến tranh khốc liệt mà dân tộc Việt Nam phải hứng chịu dù đã qua hơn 40 năm. Nhưng dù tật nguyền, các em vẫn sống kiên cường, vẫn vui tươi đàn hát, vẫn chứng tỏ sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Các em đã cất cao bài hát ca ngợi hòa bình và tất cả đã cùng nắm tay nhau thành một vòng tròn hát Nối vòng tay lớn. Và cuối cùng bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng ngân vang trong từng người trẻ Hàn Quốc, những sinh viên đã tự bỏ tiền túi sang Việt Nam để đối diện với quá khứ lầm lỗi của cha anh mình và đã nối vòng tay lớn hướng tới tương lai cùng nhân dân Việt Nam…
Đoàn sinh viên Hàn Quốc đã đến viếng thăm xã Bình Hòa, Quảng Ngãi, nơi lính Đại Hàn đã giết 430 thường dân Việt Nam và viếng thăm xã Phong Nhất, Phong Nhì, Điện Bàn, Quảng Nam, nơi quân đội Đại Hàn đã giết 74 thường dân Việt Nam. Đoàn đã đốt nhang tạ lỗi trước bia căm thù của 2 xã. Lần này Quỹ hòa bình đã trao học bổng cho 40 em học sinh Trường tiểu học Bình Hòa, tổng giá trị 28.000.000 đồng, mỗi suất 700.000 đồng. Và trao học bổng cho 6 sinh viên xuất thân ở xã Bình Hòa, mỗi em 7.000.000 đồng (2 sinh viên xuất sắc, 2 sinh viên nghèo, 2 sinh viên có thân nhân là nạn nhân trong vụ thảm sát Bình Hòa).