HV119 - THỰC CHẤT quan trọng hơn TÊN GỌI

LTS: Ngày 18-8-2017 vừa qua, PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nói với các nhà báo: “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam... Việt Nam Cộng hòa là nối tiếp của Quốc gia Việt Nam... Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hòa, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn” (http://tuoitre.vn/tu-bo-cach-goi-nguy-quan-nguy-quyen-sai-gon-1371412.htm).

Câu nói trên gặp những phản ứng trái chiều: có kẻ hoan nghênh, có người phản đối, thậm chí có trang web ở nước ngoài reo lên “Việt Nam Cộng hòa đang trở lại”!

Tạp chí Hồn Việt quan niệm: Điều quan trọng, không phải là tên gọi, mà là thực chất của các chế độ chính trị nói trên. Thay đổi tên gọi không làm thay đổi thực chất của nó.

Trong suy nghĩ đó, Hồn Việt xin giới thiệu hai bài viết sau đây:

1. Quốc gia Việt Nam: 18 lần ban nền “độc lập”

2. Việt Nam Cộng hòa: “Ai chi tiền thì người ấy chỉ huy”

 

Bài 1 - Quốc gia Việt Nam: 18 lần ban nền “độc lập”

Mùa thu năm 1945, khi đem quân sang xâm lược Việt Nam lần nữa, thực dân Pháp rất chủ quan. Tướng Leclerc, Tổng chỉ huy Quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, “nghĩ rằng chiến dịch của ông chỉ là một cuộc hành quân càn quét đơn giản (a simple mopping-up operation) kéo dài không quá 4 tuần lễ”(1). Mùa hè năm sau, khi gặp nhau ở Hội nghị Fontainebleau, Trưởng phái đoàn Pháp Max André lớn tiếng đe dọa Trưởng phái đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng: “Người Việt Nam các anh đừng có quá ảo tưởng. Nếu các anh không biết điều, chúng tôi chỉ cần tiến hành một cuộc hành quân cảnh sát (une simple opération de police). Trong 8 ngày, chúng tôi sẽ trị các anh”(2).

Bế tắc quân sự

Nhưng thực tế không diễn ra như ý muốn của Pháp. Họ vấp phải cuộc kháng chiến ngoan cường của đại đa số nhân dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ nền độc lập mà Cách mạng tháng Tám vừa đem lại. Tình hình đó được nhiều sử gia phương Tây phản ánh, như: “Vì chiến tranh Đông Dương là một cuộc chiến tranh tái chiếm thuộc địa (une guerre de reconquête coloniale) nên người dân bản xứ dành thiện cảm cho những người chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân, chứ không phải cho những kẻ muốn làm sống lại chủ nghĩa đó” (Louis Saurel)(3).

“Đa số dân chúng vẫn ủng hộ Hồ Chí Minh… Phần lớn những người Việt Nam quốc gia không cộng sản vẫn xem Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất của họ trong cuộc chiến đấu chống Pháp” (Ellen J. Hammer)(4).

Ngay cả các chính khách Mỹ, những người ủng hộ và tài trợ cho Pháp chống lại Việt Minh, cũng phải thừa nhận thực tế đó.

Chẳng hạn, nhà ngoại giao kỳ cựu William C. Bullit viết trên tạp chí Life số ra ngày 26-12-1947: “Hiện nay, hàng triệu người Việt Nam đang đi theo Hồ Chí Minh vì ông là biểu tượng của cuộc kháng chiến chống Pháp”(5).

Tuyên bố về chính sách ở Đông Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng viết: “Người cộng sản Hồ Chí Minh là nhân vật mạnh nhất và có lẽ có năng lực nhất ở Đông Dương… đang được đa số đáng kể nhân dân Việt Nam ủng hộ”(6).

Đi Việt Nam về, thượng nghị sĩ Mỹ (sau này là tổng thống) John F. Kennedy tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng Việt Minh là “một kẻ thù có mặt khắp nơi đồng thời chẳng thấy ở đâu hết, [bị Mỹ gọi là] ‘kẻ thù của nhân dân’ nhưng lại được nhân dân có thiện cảm và bí mật ủng hộ”(7).

Tổng thống Dwight D. Eisenhower đồng ý với J.F. Kennedy khi ông viết trong hồi ký: “Kẻ thù được nhiều thiện cảm của nhân dân và nhiều người giúp đỡ họ bằng cách cung cấp chỗ nương náu và thông tin… Nếu bầu cử được tổ chức trong thời chiến đấu, có lẽ 80% dân chúng sẽ bỏ phiếu bầu người cộng sản Hồ Chí Minh làm lãnh tụ của họ…”(8).

Pháp mở hết cuộc hành quân này đến chiến dịch khác, “tiêu hơn một nửa ngân sách quân sự của họ tại Đông Dương, nhưng chiến tranh du kích vẫn tiếp diễn, và vào cuối năm 1949, phần lớn lãnh thổ vẫn nằm trong tay lực lượng Hồ Chí Minh. Tình hình của Pháp ở Đông Dương là nghiêm trọng… Họ rơi vào thế bế tắc về mặt quân sự”(9).

Lá bài Bảo Đại

Không thể giành thắng lợi bằng quân sự, Pháp sử dụng thêm “lá bài Bảo Đại” (la carte Bao Dai) với nhiều dụng ý:

Đối với dư luận Việt Nam, Pháp muốn biến chiến tranh tái chiếm thuộc địa thành một cuộc nội chiến giữa những người Việt Nam yêu nước kháng chiến với những người Việt Nam cộng tác với Pháp (mà họ gọi là “những người quốc gia, chống Cộng”) nhằm thực hiện chủ trương “chia để trị”, “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”. Tướng Valluy, người thay tướng Leclerc từ tháng 7-1946, không giấu diếm ý đồ đó: “Cần gây ra một thứ nội chiến (quelle sorte de guerre civile) giữa những người Việt Nam với nhau”(10).

Trên trường quốc tế, Pháp làm như đang tiến hành một cuộc chiến tranh ý thức hệ, đưa nó vào quỹ đạo của chiến tranh lạnh cho phù hợp với chính sách ngăn chặn cộng sản (the containment policy) của Mỹ. Họ muốn Mỹ công nhận “họ là những người bảo vệ nền văn minh phương Tây ở Viễn Đông và như thế họ có quyền được Mỹ viện trợ không chỉ ở châu Âu [theo Kế hoạch Marshall] mà còn ở Đông Dương nữa”(11).

Pháp chọn Bảo Đại là thủ lĩnh của phe quốc gia, vì ông này - như nhận xét của sử gia Philippe Devillers - “nhu nhược, không có ý chí, mềm mỏng và dễ sai khiến”(12). Là cháu nội của vua Đồng Khánh và là con của vua Khải Định, trong 20 năm (1925-1945) ngồi trên ngai vàng, Bảo Đại cũng là một vua bù nhìn không kém gì cha ông của mình. Cho nên, khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông ta không khỏi lo lắng nghĩ tới số phận bi thảm dành cho các ông vua như Louis XVI hay Nicolas II(13). Nhưng cách mạng Việt Nam có cách cư xử nhân đạo với cựu hoàng, tạo điều kiện cho ông ta đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: ông ta không mất mạng như các đồng cấp của ông ta ở Pháp và Nga, ngược lại, được mời ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một số quan lại cấp cao trong triều đình Bảo Đại như cựu Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, cựu Khâm sai Phan Kế Toại, cựu Tổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe… một lòng một dạ phụng sự dân tộc đến cuối đời. Tuy Bảo Đại long trọng tuyên bố chiều ngày 30-8-1945 trước Ngọ môn (Huế) “từ nay Trẫm lấy làm vui được làm dân một nước độc lập, quyết không để ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay danh nghĩa của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa”(14), nhưng - theo hồi ký của Trần Văn Đôn - “Bảo Đại cố liên lạc với Sainteny, người đại diện của Pháp, vì ông được các phụ tá của ông bí mật báo tin rằng Pháp muốn giúp ông chống lại Hồ Chí Minh”(15). Nhân một chuyến đi công tác ở nước ngoài, ông ta quyết định không quay trở lại Hà Nội. Sử gia Philippe Devillers cho biết: “Từ tháng 4-1946, dưới cái tên Vĩnh Thụy, ông ta sống ở Hồng Kông, bề ngoài tách khỏi mọi chuyện chính trị, chìm đắm trong sinh hoạt ồn ào của thành phố [thuộc địa] nước Anh. Cờ bạc, phụ nữ và thể thao vẫn là những thú giải trí chính của ông ta, mặc dù tài chính của ông ta dường như không mấy sáng sủa”(16). Vì vậy, ông được mọi người biết đến với xú danh “hoàng đế các hộp đêm” - empereur des boîtes de nuit(17), night club emperor(18).

Để chơi “lá bài Bảo Đại”, trong năm 1947, Pháp tiến hành hai hoạt động phối hợp với nhau.

Về mặt chính trị, tháng 6-1947, Cao ủy Pháp Bollaert đích thân sang Hồng Kông để lôi kéo Bảo Đại. Ông này chấp nhận về nước. Ngày 6-12, hai “B” - Bollaert và Bảo Đại - ký tuyên bố chung và nghị định thư đặt cơ sở cho những cuộc thảo luận tiếp theo.

Về mặt quân sự, từ ngày 7-10-1947, trung tướng Raoul Salan chỉ huy một cuộc tấn công lớn (mang mật danh “Chiến dịch Léa”) với khoảng 15.000 quân, lên chiến khu Việt Bắc. “Kết quả của chiến dịch quy mô này là Pháp đã đánh vào chỗ không người”(19). Cả hai tham vọng của Pháp - bắt gọn ban lãnh đạo cuộc kháng chiến và tiêu diệt quân chủ lực Việt Minh - đều thất bại.

“Lá bài Bảo Đại” bị chống đối từ nhiều phái, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Pháp, không chỉ bởi phía cách mạng mà cả bởi phe thực dân. Nhân sĩ trí thức yêu nước ở Sài Gòn, Đảng Cộng sản Pháp, cánh tả của Đảng Xã hội Pháp… đòi Chính phủ Paris phải thương thuyết ngay với Chính phủ Hồ Chí Minh để chấm dứt “cuộc chiến tranh dơ bẩn” (la sale guerre), trong lúc những người Pháp chủ đồn điền, xí nghiệp, công chức cao cấp ở Việt Nam lại sợ “lá bài Bảo Đại” làm mất đi những đặc quyền đặc lợi của họ, đòi tiếp tục chiến tranh…

Do đó, mãi đến ngày 8-3-1949, Pháp và Bảo Đại mới đạt được Hiệp định Élysée, theo đó, Pháp ban nền “độc lập” cho Quốc gia Việt Nam. Sau đó, Bảo Đại về nước, lập chính phủ do ông ta làm quốc trưởng kiêm thủ tướng.

Trong 6 năm 3 tháng tồn tại (từ ngày 1-7- 1949 đến 26-10-1955), Quốc gia Việt Nam có đến 11 chính phủ thay nhau dựng lên sụp xuống, trung bình mỗi chính phủ chỉ sống không tới 7 tháng(20).

“Nền độc lập của một nước chư hầu”

Các sử gia phương Tây đã nhận định như thế nào về Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại?

“Quốc gia Việt Nam này không phải là một nước quân chủ, cũng chẳng phải là một nước cộng hòa. Nó không có cơ sở nhân dân, không có Quốc hội - ngay cả một Quốc hội mang tính tư vấn cũng không có -, không có Hiến pháp và, trong nhiều năm, không có ngân sách… Nó phụ thuộc hoàn toàn vào quân đội, cảnh sát và kho bạc của Pháp” (Philippe Devillers)(21).

“Cái giả vờ là nền độc lập… dần dần biến thành một xứ bảo hộ kiểu mới (néo-protectorat)… Nền độc lập ấy chỉ là vỏ ngoài: đó là nền độc lập của một “nước chư hầu” (satellite). Có hết mọi chức vị, mọi cơ quan, nhưng tất cả nằm trong tay những kẻ bù nhìn hay những nhân vật nhu nhược, mềm mỏng hay không có ý tưởng, thiếu sáng kiến và không được lòng dân” (Philippe Devillers)(22).

“Pháp chịu nhường một vài vị trí hành chính, nhưng vẫn giữ các vị trí đó dưới sự kiểm soát của họ. [Quốc gia] Việt Nam được cho chức vụ nhưng không có uy quyền, được cho danh nghĩa nhưng không có thế lực. Chính phủ chỉ được phép cai quản trong những phạm vi chật hẹp, ở những nơi mà quyền lợi của nó không va chạm với những quyền lợi đã được thiết lập của thực dân và không mâu thuẫn với việc Pháp tiếp tục thi hành sự thống trị của họ” (Joseph Buttinger)(23).

“Hiệp định Élysée nếu được thực thi thì cũng chỉ ban cho một sự tự trị có giới hạn, chứ không phải một nền độc lập thực sự” vì Chính phủ Quốc gia Việt Nam “không có quyền điều khiển ngân quỹ, kế hoạch kinh tế, ngoại thương, thuế quan và giao thông của chính họ” (George McT. Kahin và John W. Lewis)(24).

“Pháp vẫn giữ quyền kiểm soát lực lượng vũ trang và quan hệ đối ngoại của [Quốc gia] Việt Nam. Còn ưu thế kinh tế và quân sự của Pháp chẳng có gì thay đổi, ngay cả về nguyên tắc… [Pháp] không trao cho [Quốc gia] Việt Nam quyền hạn và thế lực thực sự, Quốc gia Việt Nam trở thành một vật để ngụy trang việc Pháp tiếp tục cai trị ở Đông Dương” (The Pentagon Papers)(25).

Hiệp định Élysée không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là lần cuối cùng Pháp ban “độc lập” cho Bảo Đại. Thượng nghị sĩ (sau này là tổng thống) François Mitterrand chịu khó đếm “từ năm 1949, chúng ta [Pháp] đã 18 lần ban nền độc lập hoàn toàn cho [Quốc gia] Việt Nam”(26) nhưng rốt cuộc, như nhận định của sử gia Mỹ Joseph Buttinger, Quốc gia Việt Nam vẫn “không có độc lập thực sự”(27). Trả lời phỏng vấn của Dân quốc Nhật báo về Hiệp định Élysée, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đối với dân Việt Nam, đó chỉ là một tờ giấy lộn. Thứ thống nhất và độc lập giả hiệu ấy chẳng lừa bịp được ai… Lúc nào quân đội thực dân Pháp hoàn toàn rút khỏi đất nước Việt Nam thì mới có thống nhất và độc lập”(28).

Song song với việc thành lập Chính phủ Quốc gia Việt Nam, Pháp cho thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam. Quân sử (do Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa biên soạn) viết: “Ngày 11-5-1950, Quốc hội Pháp mới chấp thuận cho [Quốc gia] Việt Nam được thành lập quân đội theo lời đề nghị của thủ tướng Pháp… Kể từ ngày thành lập này đến Hiệp định Genève, Quân đội [Quốc gia] Việt Nam vẫn lệ thuộc quân đội Pháp”(29). Không lệ thuộc sao được, khi Quân đội của Bảo Đại do một người Pháp gốc Việt, làm tướng trong Quân đội Pháp, chỉ huy với tư cách Tổng tham mưu trưởng.

Nhà nghiên cứu người Pháp Robert Guillain nhận định: “Với một chế độ thối nát thì không có quân đội có giá trị” (Avec un régime pourri, pas d’armée valable)(30).

Câu hỏi 47 năm trước

Năm 1970, ông Nguyễn Thế Anh, Trưởng ban Sử học của Trường đại học Văn khoa Sài Gòn, cho xuất bản cuốn Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ. Cuốn sách dày ngót 400 trang kết thúc như sau:

“Ngày 5-6-1948, một thỏa hiệp được ký kết trong vịnh Hạ Long: theo thỏa hiệp này, nước Việt Nam gia nhập Liên hiệp Pháp với tư cách một quốc gia liên kết mà nền độc lập chỉ bị giới hạn bởi sự phụ thuộc với Liên hiệp Pháp mà thôi.

Song phải đợi đến ngày 8-3-1949, một thỏa hiệp được ký giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Bảo Đại mới xác định thỏa hiệp ngày 5-6-1948. Ngày 21-4-1949, Bảo Đại về nước và ngày 30-12-1949 nước Pháp bàn giao quyền hành cho nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp”(31).

Trên tờ nội san in rônêô, một sinh viên Sài Gòn lúc đó nêu ra 3 câu hỏi:

1. Trong đoạn cuối của cuốn sách, tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ “độc lập” mà không đưa ra nhận xét về thực chất của từ đó. Phải chăng tác giả thừa nhận đó là “độc lập” thực sự?

2. Tác giả kết thúc cuốn sách ở sự kiện ngày 30-12-1949. Phải chăng tác giả cho rằng thời Pháp đô hộ Việt Nam chấm dứt ở thời điểm đó?

3. Nếu Việt Nam đã “độc lập” từ 1949 rồi, thì phải chăng cuộc kháng chiến tiếp tục từ 1949 đến 1954 là vô ích, chiến thắng Điện Biên Phủ không có ý nghĩa gì trong lịch sử Việt Nam?

Các thắc mắc nói trên không được giải đáp, tưởng như chìm trong quên lãng, bỗng sống trở lại khi các nhà xuất bản - ở thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh - tái bản cuốn sách nói trên. Ai sẽ có trách nhiệm trả lời các câu hỏi nói trên của sinh viên 47 năm về trước?

KỲ SAU: Bài 2: Việt Nam Cộng hòa: “Ai chi tiền thì người ấy chỉ huy”.  

 

_____

(1) Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, NXB Praeger, New York, 1967, tập I, tr.336.

(2) Alain Ruscio, Les communistes français et la guerre d’Indochine 1944-1954, NXB L’Harmattan, Paris, 1985, tr.189.

(3) Louis Saurel, La guerre d’Indochine, NXB Rouff, Paris, 1966, tr.74.

(4) Ellen J. Hammer, “Indochina” trong The State of Asia: A Contemporary Survey, Nhiều tác giả, NXB Alfred A. Knopf, New York, 1951, tr.240-267.

(5) William C. Bullitt, “The Saddest War”, tạp chí Life, 26-12-1947, tr.65-69.

(6) Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, United States - Vietnam Relations 1945-1967, Government Printing Office ấn hành, Washington D.C, 1971, tập VIII, tr.144-148.

(7) jfklibrary.org.

(8) Dwight D. Eisenhower, Mandate for Change, NXB The New American Library, New York, 1965, tr.433 và 449.

(9) Ellen J. Hammer, sđd.

(10) Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi, NXB Gallimard/Julliard, Paris, 1988, tr.355.

(11) Ellen J. Hammer, sđd.

(12) Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, NXB Seuil, Paris, 1952, tr.397.

(13) Louis XVI bị chém đầu ngày 21-1-1793, Nicolas II bị giết ngày 17-7-1918.

(14) Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, NXB Mai Lĩnh, Sài Gòn, 1954, tr.40.

(15) Trần Văn Đôn, Our Endless War - Inside Vietnam, NXB Presidio Press, California, 1978, tr.41.

(16) Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, sđd, tr.396.

(17) Bernard Fall, Les deux Vietnam, NXB Payot, Paris, 1967, tr.240.

(18) Joseph Buttinger, sđd, tập II, tr. 11.

(19) Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Quân sử tập IV (1946-1955), Sài Gòn, 1972, tr.31.

(20) 11 chính phủ, gồm: Bảo Đại, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu (3 chính phủ), Nguyễn Văn Tâm (2 chính phủ), Bửu Lộc, Ngô Đình Diệm (3 chính phủ).

(21) Philippe Devillers, Paris - Saigon - Hanoi, sđd, tr.359-360.

(22) Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, sđd, tr.446 và 447.

(23) Joseph Buttinger, sđd, tập II, tr.725-726.

(24) George McT. Kahin và John W. Lewis, The United States in Vietnam, NXB The Dial Press, New York, 1967, tr.28 và 29.

(25) The Pentagon Papers (ấn bản của thượng nghị sĩ Gravel), NXB Beacon Press, Boston, 1971, tập I, tr.27 và 59.

(26) Bernard Fall, sđd, tr.255.

(27) Joseph Buttinger, sđd, tập II, tr.725.

(28) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập V, tr.581.

(29) Quân sử, sđd, tập IV, tr.191 và 192.

(30) Louis Saurel, sđd, tr.181.

(31) Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn, 1970, tr.369.

 

Đầu năm 1969, dưới sức ép của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa (lúc đó là Thiệu - Kỳ) phải tham dự Hội nghị Paris với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Lúc đó, nhiều người ở miền Nam mừng, vì nghĩ rằng có thương thuyết thì mới chấm dứt được chiến tranh, nhưng một số phản động không đồng tình vì không muốn chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng có vai trò ngang hàng với Chính phủ Sài Gòn.

Không biết ai mớm cho mà Thiệu - Kỳ giải thích như thế này: Việt Nam Cộng hòa chấp nhận ngồi chung bàn hội nghị với Việt Cộng vì Việt Cộng là một thực tế (une réalité) vì Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình là những con người bằng xương bằng tht, không phải những bóng ma. Ta đang đánh nhau với họ, nên ta phải nói chuyện, tranh luận với họ. Thế thôi, chứ ta không bao giờ công nhận Việt Cộng là một thực thể chính trị (une entité politique), vì họ không phải là một tổ chức hợp pháp hợp hiến có vị trí ngang hàng với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Ngày nay, có người xem Việt Nam Cộng hòa như một thực thể chính trị (une entité politique). Hơn thế nữa, TS Trần Công Trục trong một bài viết mới đây dẫn lời một nhà nghiên cứu nước ngoài cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hòa là hai quốc gia riêng biệt. Thật nguy hiểm. Nếu quan niệm như thế thì việc Quân đội nhân dân Việt Nam vo Nam chi viện có bị giải thích là “miền Bắc xâm lược miền Nam” như Mỹ - ngụy trước đây rêu rao không?

Trung ương ta có thấy tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này không?

 

 

Tiến sĩ sử học PHAN VĂN HOÀNG