HV119 - Thời sự & Suy ngẫm

Chắc chắn vấn đề hạt nhân Triều Tiên là vấn đề được cả thế giới quan tâm nhất lúc này.

Tình trạng dễ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, một thảm họa không những cho cả bán đảo Triều Tiên mà cho nhiều nước khác, làm cho vấn đề trở nên nhiều kịch tính. D. Trump mượn ý Kinh Thánh thề “trút lửa và giận dữ” chưa từng có lên Triều Tiên, còn Triều Tiên mới đây, tuyên bố sẽ biến Mỹ thành “tro tàn và bóng tối”, và dìm Nhật xuống biển. Triều Tiên liên tục thử vũ khí hạt nhân, từ bom A đến bom H, đe dọa tấn công Mỹ, thách thức Mỹ, không thi hành lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, phớt lờ sự “can ngăn”, “kiềm chế”, “răn đe” của Trung Quốc… Trung Quốc và Nga đứng về một phe. Trung Quốc xưa nay là “đồng minh”, là “chỗ dựa” đáng tin cậy của Triều Tiên, 80% kim ngạch buôn bán của Triều Tiên là từ Trung Quốc. Nhưng nay thì Kim Jong Un bướng bỉnh không nghe lời Trung Quốc, khi Trung Quốc vì quyền lợi của mình, phải tham gia trừng phạt Triều Tiên, rời bỏ vị trí “tọa sơn quan hổ đấu”. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là nước đứng giữa, nói như Ngoại trưởng Vương Nghị, “Mỹ và Triều Tiên như hai con tàu lao vào nhau thì Trung Quốc là người bẻ ghi”.

Tình hình rồi sẽ đi đến đâu? Trên cơ bản, mọi đoán định là dầu căng thẳng tới đâu, chiến tranh sẽ không xảy ra. Vì nếu xảy ra, cả bán đảo Triều Tiên, từ Bắc chí Nam sẽ thành bình địa. Nhật Bản chắc chắn sẽ chịu vạ lây. Trung Quốc mất khu đệm, miền Đông Bắc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhưng Mỹ, đối thủ của Triều Tiên, cũng sẽ hứng chịu hậu quả chiến tranh, có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.

Hiện giờ, các siêu cường quốc đang cố ép, cố kéo Triều Tiên đến bàn hội nghị để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sức ép là rất lớn sau lệnh trừng phạt mới nhất được cả 15 nước trong Hội đồng Bảo an nhất trí. Nhưng Triều Tiên vẫn không lay chuyển, vẫn đe dọa tăng cường hạt nhân. Kim Jong Un biết rằng Mỹ tuy là siêu cường số 1 thế giới, sẽ không dám ra tay vì biết cái giá phải trả. Cho nên, cuối cùng dọa mãi không được, Mỹ phải nghe Trung Quốc, Nga - những nước đều xem người láng giềng Triều Tiên là khu đệm có lợi cho mình trong tranh chấp thế lực, an ninh… với Mỹ, để đi vào đàm phán. Nhưng đàm phán với Triều Tiên với 6 nước lớn trước đây đã diễn ra, kéo dài…, cuối cùng Bắc Triều Tiên lại tiếp tục thử hạt nhân.

Vậy là sao? Kim Jong Un biết rõ vũ khí hạt nhân là phương thức tồn tại duy nhất của mình. Rời nó ra, hủy nó đi, là chết. Cho nên Putin có nhận xét xác đáng là Triều Tiên “thà ăn cỏ còn hơn từ bỏ vũ khí hạt nhân”, tuy nói thế, Putin vẫn chủ trương phải đàm phán.

Một đạo diễn phim người Nga từng làm phim truyện ở Triều Tiên, có trải nghiệm về Triều Tiên, có nhận xét là con người Triều Tiên không bao giờ có thể bị thuyết phục, không bao giờ đổi ý, không bao giờ có thể đi vào hòa nhập với cái chung nhân loại… Họ là họ, duy nhất, không nghe, không thể lay chuyển. Đã thế thì đàm phán vô ích. Cứ để họ đấy, chờ họ tự chuyển biến. Nghe ra cũng có phần có lý.

Như vậy, tình hình có thể còn kéo dài, lên lên xuống xuống, phức tạp, lôi cuốn sự chú ý, lo lắng của toàn thế giới. Còn nếu chẳng may - như bất cứ một chẳng may nào trong lịch sử, “vai trò của cái ngẫu nhiên trong lịch sử”… - thì… thì…, khi nó xảy ra rồi mới biết nó tàn khốc đến đâu. Nhân loại bây giờ, tuy ở vào thời đại gọi là văn minh, hiện đại, điện toán, nó vẫn tồn tại chất dã man còn hơn tiền sử. Nó sản xuất vũ khí giết người hàng loạt để đe dọa nhau, tranh đoạt nhau. Nguy cơ cho con người lớn hơn trong tất cả các thời đại.

Trung Quốc đang tiến tới Đại hội Đảng vào cuối tháng 10 (18-10-2017). Mọi việc đã được chuẩn bị xong, dàn nhân sự cho khóa tới cũng được nhất trí thông qua. Cái cơ bản của dàn nhân sự này là Tập Cận Bình bố trí nhân sự theo ý mình, tập trung người thân tín chung quanh “hạt nhân” là mình. Gồm người Chiết Giang, Phúc Kiến cùng cộng tác, người Đại học Thanh Hoa từng cùng học. Có những cái đột biến: trong 35 Ủy viên Bộ Chính trị bước đầu được thông qua, có những người mới toanh, được thăng một lúc 2 - 3 chức để vào Bộ Chính trị. Như Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, trước đây chưa vào Trung ương, chỉ giữ chức Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Ủy ban An ninh quốc gia, được nâng lên làm Thị trưởng (20-1-2017), rồi Bí thư (vào cuối tháng 5-2017) để đặt một chân vào Bộ Chính trị. Trong 3 năm 6 tháng, lần lượt giữ 5 chức vụ mới.

Ứng Dũng, tân Thị trưởng Thượng Hải cũng lên nhanh tương tự. Cả hai người đều là tâm phúc của Tập Cận Bình. Hai người từng làm việc dưới quyền Tập Cận Bình ở Phúc Kiến - Chiết Giang. Các thị trưởng mới ở Trùng Khánh, Quảng Đông, Thiên Tân…, những ứng viên vào Bộ Chính trị, cũng đều là người “quân nhà Tập”. Nói như thế, không có nghĩa là những người này không có tài. Ngược lại, họ có tài, quyết đoán, dám làm, “mỗi bước đi đều để lại ấn tượng”. Nhưng chú trọng nhất vẫn là sự “trung thành chính trị”, chuyên môn sâu là thứ yếu.

Như vậy, Tập Cận Bình đã nắm chắc, đã củng cố vị thế của mình. Đó là vị thế “hạt nhân”, vị thế nhà tư tưởng của Trung Quốc sau Mao, Đặng…, vị thế “Chủ tịch Đảng” (có thể không còn gọi là Tổng bí thư), vị thế sẽ chỉ định người kế nghiệp lúc cần thiết (giờ thì chưa, giờ thì người ta còn chưa biết đó là ai, Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền sau khóa tới không?).

Hệ quả của việc này là thế nào? Ông Tập nuôi một giấc mơ lớn, một giấc cho Trung Hoa, “giấc mơ Trung Hoa” đứng đầu thế giới thay Mỹ và một giấc mơ cho riêng mình, trở thành một Mao Trạch Đông của thế kỷ 21; để cho tư tưởng Tập Cận Bình được ghi vào Điều lệ, vào Hiến pháp, được toàn Đảng toàn dân tung hô, muôn đời lưu danh. Hiện nay, ở Trung Quốc, người ta đã bắt đầu học tập, biểu dương, xác lập… tư tưởng Tập Cận Bình như là một “bước nhảy vọt mang tính lịch sử”: “Trung Quốc có thể thoát khỏi đau khổ là bởi có những tư tưởng lớn, những tư tưởng mới xuất hiện. Tư tưởng lớn tức là tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng chiến lược phục hưng dân tộc của Tập Cận Bình”. Đó là nhận xét của GS Lưu Minh Phúc, Đại học Quốc phòng Trung Quốc, người viết cuốn sách về tư tưởng Tập Cận Bình được phát hành hồi tháng 3 năm nay ở Luân Đôn.

Thực ra, ta biết rằng, xác lập tư tưởng Tập Cận Bình, đề cao Tập Cận Bình - là biện pháp cần thiết để củng cố Đảng Cộng sản Trung Quốc trước bao thách thức lớn của lịch sử, trong đó có sự thách thức từ chính hệ thống cầm quyền. Nhưng liệu điều đó có đem lại kết quả như mong muốn? Từ giấc mơ đến hiện thực đường xa lắm. Năm 1945, khi tư tưởng Mao Trạch Đông được xác lập tại Đại hội VII, Mao Trạch Đông nói đầy chất “mácxít” rằng: “Chủ thể hoạt động lịch sử của Đảng không phải là một cá nhân, tôi chỉ có thể đại diện cho sự lãnh đạo của Đảng, xuất phát từ lợi ích của Đảng, tôi không phản đối “tư tưởng Mao Trạch Đông” được viết vào nghị quyết của Trung ương Đảng”. Nói thì hay thế, nhưng sau này, Mao Trạch Đông làm đại nhảy vọt, làm cách mạng văn hóa “thiên thu công tội” và Mao rồi cũng như những hoàng đế Trung Hoa: Đường Tông, Tống tổ, Thành Cát Tư Hãn, những người Mao chê là “thiếu phong tao”!

Còn ở trong nước, ta biết rõ tình hình chuyển động phức tạp, từ việc tham nhũng của một số ngân hàng, công ty dầu mỏ đang bị ra tòa, từ việc phá rừng, từ việc giáo dục, văn hóa, xã hội… đang tiến triển còn chậm so với yêu cầu đất nước… Một số vấn đề tư tưởng chính trị còn chưa được chú ý đúng vị trí của nó, dễ làm rối loạn lòng tin… Việc xử lý kỷ luật một số cán bộ cấp cao như Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh… là một tín hiệu đáng mừng; đồng thời nó cũng nói lên công tác tổ chức cán bộ của Đảng lâu nay còn nhiều kẽ hở lớn, trong một tình hình nào đó có thể uy hiếp sinh mệnh của Đảng…

Nhưng, nhìn trên đại thể tình hình đang tiến lên, nhiều triển vọng sáng sủa. Trung ương sắp bước vào Hội nghị Trung ương 6, một hội nghị chắc chắn sẽ có bước tiến trong việc củng cố tổ chức - nhân sự, bộ máy… Tất cả đều do con người. Mà dường như con người của ta, nhân tài của ta đang thiếu, yếu. Đó là nguy cơ của mọi nguy cơ. Tại sao lại thế, là một câu hỏi lớn. Kinh tế đang hết sức cố gắng, nhất là xuất khẩu đang tăng lên, có ngành như thủy sản tăng gần 1/3, du lịch tăng 1/3; thu ngân sách đang hết sức cố gắng, tích cực, vượt chỉ tiêu… Trước mắt là APEC, một hội nghị quốc tế tầm cỡ mà ta là chủ, đang hứa hẹn nhiều điều. Dịp đó, ta đón nhiều nguyên thủ, trong đó có thể có Tổng thống Mỹ, có Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga… GDP cũng tăng đều, có nhiều triển vọng đạt 6,7% như mong muốn, mặc dù bão lớn tàn phá một số tỉnh miền Trung…

20-9-2017

HỒN VIỆT