HV120 - Bài 2 - VIỆT NAM CỘNG HÒA: “Ai chi tiền, người ấy chỉ huy”

Mỹ là quốc gia viện trợ cho các nước khác nhiều nhất thế giới.

Với não trạng của nhà kinh doanh, họ không bao giờ cho không, mà luôn kèm theo những điều kiện.

Điều kiện đầu tiên là cho đi luôn kèm với lấy lại (quid pro quo). Điều kiện tiếp theo là “Ai chi tiền, người ấy chỉ huy” (Who pays, commands).

Chẳng hạn, trong những năm 1945-1954, Mỹ viện trợ cho Pháp một cách hào phóng, đổi lại - theo lời tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương - họ “thúc ép người Pháp chiến đấu một mình và hy sinh cả ngàn con em”, “tận dụng tối đa con chốt Pháp trong cuộc chơi chống Cộng của họ”(1). Khi Pháp thấy không thể thắng được quân dân Việt Nam, định thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì Mỹ dọa: “Viện trợ của Mỹ cho Pháp sẽ tự động ngưng”(2).

Tuy phải ngửa tay xin đôla và súng đạn của Mỹ, tướng Navarre đã phê phán Mỹ: “Thông qua tướng O’Daniel [chỉ huy Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự MAAG], người Mỹ quyết định áp đặt quan điểm của họ lên tất cả mọi vấn đề, để đổi lại sự gia tăng viện trợ quân sự mà ta yêu cầu. Nếu không phản ứng, ta sẽ trở thành những kẻ đi đánh thuê cho người Mỹ. Tôi bắt buộc phải báo cho Paris biết: càng lúc, tôi càng có cảm tưởng người chủ thật sự ở Đông Dương là Phái bộ Mỹ”(3).

Trong năm 1954, Mỹ viện trợ cho Pháp 1,115 tỉ đôla(4), trang trải đến 78,25% chiến phí ở Đông Dương(5). Thế nhưng Pháp vẫn thảm bại trước Quân đội Nhân dân Việt Nam: chỉ trong trận đánh ở Điện Biên Phủ, toàn bộ 16.000 lính Liên hiệp Pháp đồn trú tại tập đoàn cứ điểm đã chết, bị thương, mất tích hoặc bị bắt sống.

Trong lúc Pháp đau buồn, thì Mỹ xem đây là cơ hội để loại Pháp khỏi Đông Dương. Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles cho “Điện Biên Phủ là một điều rủi mà lại hóa hay” (a blessing in disguise)(6) và hô hào: “Chúng ta hãy tiến tới và lao vào”(7).

Nhưng đường đến Việt Nam có lắm chông gai.

Hiệp định Genève 1954 dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử ở cả hai miền Nam - Bắc vào tháng 7-1956 để tái lập nền thống nhất của Việt Nam. Ngoại trưởng Dulles nhận định: “Một sự thật không còn nghi ngờ gì nữa: bầu cử cuối cùng có nghĩa là thống nhất Việt Nam dưới quyền Hồ Chí Minh”(8). Tổng thống Eisenhower dự đoán: “Hồ Chí Minh có thể thu được 80% số phiếu”(9). Do đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ quyết định phải “ngăn ngừa Cộng sản giành được thắng lợi thông qua cuộc bầu cử trên toàn Việt Nam”(10), phải duy trì một Miền Nam Việt Nam nằm trong quỹ đạo của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh: cần làm sao “để không tạo ra ấn tượng [Mỹ] ngăn cản cuộc tuyển cử”(11). Mặt khác, muốn loại bỏ ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam, ngay từ tháng 8-1954 Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chủ trương phải “truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp” (Nghị quyết NSC 5429/2)(12).

Để thực hiện các quyết định trên và những chủ trương khác, Mỹ cần đưa “một người được Mỹ chọn” về Sài Gòn nắm chính quyền.

“Việt Nam Cộng hòa, vật do Mỹ tạo ra”

Mỹ chọn ông Ngô Đình Diệm, người từng sống lưu vong tại Mỹ từ 1950 với sự ủng hộ của Hồng y Francis Spellman (Tổng tuyên úy của Quân đội Mỹ), tướng tình báo William J. Donovan, các nghị sĩ Mike Mansfield, John F. Kennedy (cả ba ông này đều cùng đạo Công giáo với ông Diệm) cùng một số chính khách khác, trong đó có hai anh em nhà Dulles (Ngoại trưởng John F. Dulles và Giám đốc CIA Allen Dulles). Ngô Đình Diệm được chọn vì có ba tiêu chuẩn: chống Cộng tới cùng, không ưa gì Pháp và rất thân Mỹ. Mỹ xem “ông ta là người - và là người duy nhất - có thể dựng lên một quốc gia mới”(13) ở phía Nam vĩ tuyến 17 mà sau đó mang tên là nước Việt Nam Cộng hòa.

Mỹ gây sức ép để Pháp - Bảo Đại cử Ngô Đình Diệm làm thủ tướng (16-6-1954). Việc này không khó lắm, vì cả Pháp và Bảo Đại đều đang nhận viện trợ của Mỹ.

Mỹ đổ nhiều đôla và công sức để củng cố chính quyền Diệm. Ở Sài Gòn, Mỹ không chỉ có Tòa đại sứ mà còn có nhiều cơ quan khác như Tình báo CIA, Phái bộ quân sự Sài Gòn SMM (thực chất cũng là một tổ chức tình báo khác), Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự MAAG, Phái bộ cố vấn Đại học bang Michigan MSUG…, và trên hết là đại tướng J. Lawton Collins, nguyên Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, đặc sứ của Mỹ, đồng thời là đại diện riêng của Tổng thống Eisenhower bên cạnh Chính phủ Diệm.

Trong hai năm 1955 và 1956, nhiều lần Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố hay gửi công hàm đề nghị chính quyền Ngô Đình Diệm lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, hiệp thương bàn việc tổ chức tổng tuyển cử. Nhưng ông Diệm không trả lời, hoặc bác bỏ đề nghị đó, viện cớ “Chúng ta không ký Hiệp định Genève. Bất cứ phương diện nào, chúng ta cũng không thể bị ràng buộc bởi Hiệp định đó”(14).

Các nhà nghiên cứu cho rằng cái cớ mà ông Diệm đưa ra là sai trái, vì nhiều lẽ. Khi ký Hiệp định Genève 1954, thiếu tướng Delteil “thay mặt tổng tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương”, tức là bao gồm cả Quân đội viễn chinh Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam (lúc đó, Quốc gia Việt Nam còn là một thành viên của Liên hiệp Pháp). Mặt khác, điều 31 của Hiệp định ghi rõ: “Những người ký vào Hiệp định này và những người kế nhiệm sẽ có trách nhiệm lo cho các điều khoản và quy định của Hiệp định đình chỉ chiến sự này được tôn trọng và thi hành”(15). Sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương, Chính phủ Diệm chính là “những người kế nhiệm”. Ông Diệm sẵn sàng vi phạm Hiệp định Genève để làm vừa lòng ông chủ Nhà Trắng.

Cơ hội thống nhất đất nước một cách hòa bình bị phá hoại. Lãnh thổ Việt Nam tiếp tục bị chia cắt trong 21 năm, cho đến ngày 30-4-1975.

Thực hiện Nghị quyết NSC 5429/2 “truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp”, ông Diệm tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 23-10-1955. Tuy Bảo Đại đang ở Pháp (từ ngày 10-4-1954 cho đến cuối đời), nhưng ông Diệm không mấy tự tin, chơi trò gian lận (chẳng hạn, ngay tại đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn, chỉ có 450.000 cử tri, ông ta cho nhét thêm 155.025 lá phiếu khống, tức là hơn 1/3 số phiếu, kết quả có đến 605.025 lá phiếu(16)) để được thắng cử với tỷ lệ 98,2% (Bảo Đại chỉ được 1,1%). Với kết quả đó, Ngô Đình Diệm tự tuyên bố là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa.

Ra đời trong hoàn cảnh như vậy, Việt Nam Cộng hòa được Tài liệu Lầu Năm Góc xem “chủ yếu là vật do Mỹ tạo ra”(17). John F. Kennedy (lúc đó còn là thượng nghị sĩ, mới 39 tuổi) tuyên bố với giọng trịch thượng: “Nếu chúng ta không phải là bố mẹ đẻ của nước Việt Nam [Cộng hòa] nhỏ bé thì chắc chắn chúng ta là bố mẹ đỡ đầu (godparents) của nó. Chúng ta chủ trì khi nó ra đời, chúng ta viện trợ cho nó sống, chúng ta giúp đỡ để định hướng tương lai của nó… Đó là con cháu (offspring) của chúng ta”(18). Tướng Paul Harkins, chỉ huy đầu tiên của Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam MACV, thì dùng những từ Công giáo cho phù hợp với tôn giáo của hai tổng thống Việt và Mỹ lúc đó: “Mỹ là mẹ bề trên (mother superior) và là cha nghe xưng tội (father confessor) của Diệm từ khi ông này cầm quyền và nương tựa mạnh vào chúng ta”(19).

Tháng 5-1957, ông Diệm trở lại thăm nước Mỹ trong hai tuần lễ. Trong dịp này, ông ta tuyên bố một câu gây nhiều tranh cãi: “Biên giới nước Mỹ kéo dài tới vĩ tuyến 17o”(20).

Trước đó, từ mùa hè 1955, ông Diệm phát động “chiến dịch tố Cộng”. Phó tổng thống Nixon viết trong hồi ký: “Diệm đã chỉ đạo trong cả nước một cuộc thanh lọc tàn nhẫn (ruthless) những người Cộng sản và những người có thiện cảm với họ, tống hàng vạn người dân Nam Việt Nam vào các trại cải tạo tư tưởng ác nghiệt (harsh)” mà ông Diệm gọi là cải hối thất. Tuy rất thích ông Diệm, nhưng Nixon cũng phải thừa nhận: “Một tỷ lệ lớn [những người bị bắt giam] là vô tội”(21), vì đó chỉ là những người yêu nước từng tham gia kháng chiến chống Pháp. Cơ quan tình báo Mỹ nhận định: “Chiến tranh bắt đầu chủ yếu là một cuộc nổi dậy ở miền Nam chống lại chế độ Ngô Đình Diệm ngày càng áp bức và tham nhũng. Phần lớn những người cầm súng là dân miền Nam, những mục tiêu chiến đấu của họ hoàn toàn không phải được thiết kế ở miền Bắc”(22).

Cuộc nổi dậy ngày càng phát triển. Trong bức điện ngày 16-9-1960 gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ Elbridge Durbrow viết: “Việt Cộng dần dần mở rộng việc kiểm soát nông thôn. Nếu tiến bộ hiện nay của Cộng sản tiếp diễn, điều đó có nghĩa là Việt Nam tự do [tức Nam Việt Nam] sẽ mất vào tay Cộng sản”, rồi đề nghị: “Có lẽ Chính phủ Mỹ cần bắt đầu xem xét thay đổi tiến trình hành động và [thay đổi] lãnh tụ để hoàn thành mục tiêu của chúng ta”(23).

Đây không phải là lần đầu tiên, cũng không phải lần cuối cùng, các viên chức Mỹ đề nghị phế bỏ Diệm. Trước và sau Durbrow đã có J. Lawton Collins, Joseph A. Mendenhall, Mike Mansfield… Vì nhiều lý do - cả về chính trị lẫn về quân sự - Chính phủ Mỹ chưa thể quyết định dứt khoát. Nhà báo Homer Bigart gọi thái độ lưỡng lự đó là “chìm hay bơi cùng với Ngô Đình Diệm” (sink or swim with Ngo Dinh Diem)(24).

Đầu năm 1963, Quân đội Việt Nam Cộng hòa - có cố vấn Mỹ đi kèm - thảm bại tại Ấp Bắc (Cai Lậy, Mỹ Tho). Tổng thống Kennedy phải cử một phái đoàn quân sự cấp cao (gồm 6 tướng, 1 đô đốc, nhiều đại tá và trung tá) do viên Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ sang điều tra. Đến tháng 5 lại nổ ra cuộc đấu tranh kéo dài của Phật tử và đồng bào các đô thị miền Nam.

Số phận của Ngô Đình Diệm trở thành đề tài của các cuộc tranh luận sôi nổi ở Nhà Trắng. Chính sách độc tài và đàn áp của Ngô Đình Diệm khiến “ngày càng có nhiều sinh viên đi theo Việt Cộng… họ có nhiều quần chúng đứng về phía họ hơn là Chính phủ Việt Nam [Cộng hòa]”. Về mặt quân sự, “Việt Cộng đang gia tăng sức mạnh một cách vững chắc”. Từ đó, nhiều người kết luận: “Chúng ta đang thua”, “chúng ta không thể thắng cuộc chiến này với Diệm”(25). Phó tổng thống Johnson cũng như giới quân sự và tình báo không bác bỏ với nhận định tình hình trên, nhưng phản đối đảo chính vì sợ việc “thay ngựa giữa dòng” ảnh hưởng không tốt tới tinh thần quân đội và diễn tiến của cuộc chiến.

Tổng thống Kennedy là người quyết định cuối cùng. Là một trong những người tích cực ủng hộ Ngô Đình Diệm 9 năm về trước, góp phần đưa ông Diệm lên cầm quyền ở miền Nam, Kennedy không thể không đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết: phải chiến thắng Việt Cộng. Ngày 2-9-1963, trên Đài truyền hình CBS, Kennedy công khai phê phán chính phủ Diệm “không còn liên lạc với dân chúng” miền Nam. Ông “không nghĩ rằng có thể thắng được cuộc chiến tranh này trừ phi dân chúng ủng hộ nỗ lực” của chính phủ. Do đó, sẽ “có nhiều cơ may chiến thắng… với sự thay đổi chính sách và có lẽ [thay đổi] cả nhân sự nữa”(26). Henry Cabot Lodge được cử sang Sài Gòn làm đại sứ để thi hành “bản án 4 chữ”: thay đổi nhân sự (a change of personnel) của ông chủ Nhà Trắng.

Kennedy bắt đầu ra tay bằng đòn bẫy viện trợ. Trước hết, ông cho ngưng khoản viện trợ 12 triệu đôla mỗi tháng dưới hình thức nhập khẩu thực phẩm và hàng công nghệ vào miền Nam để Diệm bán đi, lấy tiền đó trả lương cho công chức và binh sĩ cũng như cân bằng ngân sách của chính phủ. Tiếp theo, Kennedy cho cắt 250.000 đôla viện trợ mỗi tháng cho Lực lượng đặc biệt nếu Diệm không trả lực lượng này về Bộ tổng tham mưu để sử dụng trong cuộc chiến chống Việt Cộng (thay vì đặt dưới sự chỉ đạo của Ngô Đình Nhu để đàn áp những người dân tranh đấu)(27).

Thấy nguy, linh mục Cao Văn Luận, một người thân tín của ông Diệm, khuyên ông ta: “Chúng ta cần người Mỹ, lệ thuộc nhiều vào người Mỹ, chịu ảnh hưởng nặng nề vì sự thương hay ghét của họ… Cụ cũng đã hiểu câu châm ngôn Ai chi tiền thì kẻ đó cai trị. Hiện nay, người Mỹ đang chi tiền… Nếu cụ cứng rắn quá, sẽ bị bẻ gãy”(28).

Bản thân ông Diệm cũng thừa nhận “Chính phủ miền Nam Việt Nam không thể tiếp tục [hoạt động] nếu không có viện trợ Mỹ”(29).

Ngày 27-10, Ngô Đình Diệm mời đại sứ Lodge, người mà Diệm ghét cay ghét đắng, lên Đà Lạt dự lễ khánh thành nhà máy điện nguyên tử. Diệm nói với Lodge: “Nếu Mỹ muốn có một sự thỏa thuận trọn gói thì tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở trong tư thế làm được chuyện ấy… Các ông cứ nói cho chúng tôi biết các ông muốn gì, chúng tôi sẽ làm điều đó”. Ngày 1-11, gặp lại Lodge ở Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh), Diệm xuống nước hơn nữa: “Ông làm ơn nói với Tổng thống Kennedy rằng tôi là một đồng minh tốt và ngay thật… Tôi tiếp nhận một cách nghiêm chỉnh tất cả những gợi ý của Tổng thống và tôi mong thực hiện chúng, chỉ còn vấn đề thời gian”(30).

Sự nhượng bộ muộn màng của ông Diệm không làm thay đổi “bản án 4 chữ”. Chỉ vài giờ sau, cuộc đảo chính nổ ra, lật nhào người mà mới 3 năm trước Johnson (lúc đó là Phó tổng thống Mỹ) còn xem là “chàng trai duy nhất mà chúng ta [Mỹ] có ở đó [Nam Việt Nam]”(31). Không chỉ mình Ngô Đình Diệm, mà cả hai người em ruột của ông ta - Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn - đều bị sát hại.

(Còn tiếp kỳ sau)

 

_____

(1), (3) Henri Navarre, Đông Dương hấp hối, bản dịch Phan Thanh Toàn, NXB Công an Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.139, 137 và 197.

(2) The Pentagon Papers as published by The New York Times, NXB Bantam Books, New York, 1971, tr.11.

(4) The Pentagon Papers (the Senator Gravel Edition), NXB Bacon Press, Boston, 1971, tập I, tr.91.

(5) Alain Ruscio, Les Communistes français et la guerre d’Indochine 1944-1954, NXB L’Harmattan, Paris, 1985, tr.210.

(6) Ted Morgan, Valley of Death, NXB Random House, New York, 2010, tr.631.

(7) Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, United States - Vietnam Relations 1945-1967, U.S. Government Printing Office, Washington D.C., 1967, tập X, tr.703.

(8) Như chú thích số (2), sđd, tr.46.

(9) Dwight D. Eisenhower, Mandate for change, NXB The New American Library, New York, 1965, tr.449.

(10), (12) Như chú thích số (4), sđd, tập I, tr.177 và 204.

(11) Như chú thích số (2), sđd, tr.22.

(13) George McTurnan Kahin và John W. Lewis, The United States in Vietnam, NXB The Dial Press, New York, 1967, tr.71.

(14) Phát biểu trên Đài phát thanh Sài Gòn lúc 6 giờ chiều ngày 16-7-1955.

(15) Bộ Ngoại giao, Hiệp định Giơnevơ - 50 năm nhìn lại, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.337.

(16) Bernard B. Fall, The Two Viet-Nams, NXB Praeger, New York, 1966, tr.257.

(17), (19) Như chú thích số (2), sđd, tr.25 và 221.

(18) jfklibrary.org.

(20) Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, NXB Praeger, New York, 1967, tập II, tr. 1010.

(21) Richard Nixon, No More Vietnams, NXB Avon, New York, 1986, tr.39.

(22), (23) Như chú thích số (2), sđd, tr.67, 115 và 118.

(24) Arthur M. Schlesinger, A Thousand Days, NXB Fawcett, New York, 1967, tr.507.

(25) Như chú thích số (2), sđd, tr.209 và 205.

(26) Michael Maclear, Vietnam - The Ten Thousand Day War, NXB Thames/Methuen, London, 1981, tr.96 và 97.

(27) Robert Shaplen, The Lost Revolution, NXB Harper & Row, New York, 1996, tr.196; David Kaiser, American Tragedy, The Belknap Press of Harvard University Press, Massachusetts, 2000, tr.250.

(28) Cao Văn Luận, Bên giòng lịch sử, NXB Trí Dũng, Sài Gòn, 1972, tr.339.

(29) David Kaiser, sđd, tr.270.

(30) Robert McNamara, In Retrospect - The Tragedy and Lessons of Vietnam, NXB Times Books, New York, 1995, tr.83.

(31) David Hallberstam, The Best and the Brightest, NXB Random House, New York, 1972, tr.135.

Tiến sĩ sử học PHAN VĂN HOÀNG