Những thước phim kháng chiến Nam Bộ và những người trở về từ Liên hoan phim Amiens
Hai mươi năm trước, theo lời mời của Liên hoan phim Amiens thứ 17 - một liên hoan phim tài liệu chống phát xít được tổ chức mỗi năm một lần tại Pháp, đạo diễn Khương Mễ và đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng đã đưa những thước phim đầu tiên của Điện ảnh kháng chiến Nam Bộ đến tham dự. Liên hoan phim được tổ chức từ ngày 7 tới 17-11-1997 với 206 bộ phim và 3.500 đại biểu của hơn trăm nước. Và một người Việt Nam với mái tóc bạc phơ trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống của dân tộc Việt Nam - đạo diễn Khương Mễ - cùng cô nữ diễn viên nổi tiếng Isabelle, hai vị khách danh dự của Liên hoan phim Amiens, được mời lên lễ đài làm lễ khai mạc. Bác Khương Mễ đứng dưới ánh sáng chói lòa trong tiếng vỗ tay vang dậy. Và những thước phim trong kháng chiến bưng biền Nam Bộ được chiếu lên màn ảnh rộng 800m2. Từ những hình ảnh mộc mạc đơn sơ trong từng trận thắng Trận Mộc Hóa, La Ban, Trà Vinh và Hết đời đế quốc, người ta nhìn thấy những thanh niên mình trần, mặc quần đùi đen, đi chân trần mà dũng cảm lao vào trận như những kẻ phi thường. Và cả hình ảnh đồn Pháp bị tiêu diệt, các binh lính, sĩ quan Pháp phải giơ cao tay đầu hàng. Đó là tất cả những điều có thật, như một chứng cớ rõ ràng từ nửa thế kỷ trước. Rồi bất chợt cả hội trường đứng bật dậy vỗ tay nồng nhiệt. Bác Khương Mễ và chị Xuân Phượng đã siết chặt tay nhau. Trái tim người Việt Nam trên đất Pháp như mở òa ra và cứ rưng rưng mãi dòng nước mắt. Người ta đã đồng loạt vỗ tay hoan nghênh đoạn phim ta bỏ tên sĩ quan Pháp vào cái chai, quằn quại trong đó và bị bắn tuốt ra biển Đông - cái đoạn phim mà trước khi đi, bác Khương Mễ và chị Phượng đã phân vân mãi không biết có nên cắt không? Bởi vì không biết tâm lý của người Pháp sau 50 năm có chịu đựng nổi những thước phim quyết liệt như thế này không?! Suy nghĩ đắn đo mãi, cuối cùng rồi để nguyên. Không thể cắt bởi đó chính là tinh thần quyết thắng của một dân tộc bị xâm lược. Ta phải ngẩng cao đầu mà tự hào với ý chí hào hùng của cả dân tộc ta.
Trong khi các nước khác chỉ được chiếu giới thiệu phim mình một buổi thì Việt Nam được ưu tiên chiếu bốn buổi. Đêm bế mạc, theo thông lệ, liên hoan phim sẽ chọn một đất nước để trao huy chương danh dự, năm nay huy chương ấy được trao cho Việt Nam. Hầu hết báo chí ở Paris đều đăng ảnh bác Khương Mễ và tới tấp đến phỏng vấn bác. Một đại úy Pháp đã nói với bác Khương Mễ: “Nếu trước kia quân đội Pháp biết được dân Việt Nam kiên nhẫn sáng tạo và dũng cảm phi thường như thế này thì tôi nghĩ cuộc chiến tranh sẽ không kéo dài như vậy”.
Điện ảnh Cách mạng Việt Nam vẫn chưa “chung một dòng sông”?!
Năm nay, đúng 70 năm nhân dân miền Nam kỷ niệm ngày ra đời của Điện ảnh Cách mạng nơi bưng biền Đồng Tháp Mười (15-10-1947 – 15-10-2017). Và cũng là năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam kỷ niệm 64 năm ra đời tại Đồi cọ -Thái Nguyên. Vì sao miền Nam phải kỷ niệm riêng ngày khai sinh Điện ảnh Cách mạng nơi bưng biền với chiếc xuồng ba lá, với chiếc thùng tráng phim tự chế và những hình ảnh của bộ phim tài liệu đầu tiên Trận Mộc Hóa với dòng chữ in đậm: “70 năm Điện ảnh Cách mạng bưng biền Nam Bộ”? Đã có nhiều câu hỏi từ các bạn trẻ khi tham quan khu triển lãm này: “Vì sao đất nước ta đã thống nhất 42 năm nay mà chúng ta còn phải kỷ niệm hai nền điện ảnh với thời gian khác nhau? Lẽ nào những thước phim tài liệu ở Đồng Tháp Mười không thuộc về Điện ảnh Cách mạng Việt Nam sao?”. Và câu trả lời từ bấy lâu nay vẫn cứ như khuôn, không thay đổi, đó là vì: “Ngày 15-3-1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147/SL quyết định đặt Phòng Điện ảnh - Nhiếp ảnh trong Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành một “Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Từ đó ngày 15-3-1953 được coi là ngày khai sinh của Điện ảnh Việt Nam”.
Trong suốt 64 năm nay, ngành điện ảnh coi đó là chuyện đương nhiên, không bàn cãi, dù ai cũng biết Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã ra đời tại bưng biền Đồng Tháp Mười từ năm 1947, và những thước phim cách mạng đầu tiên đã chiếu cho nhân dân xem từ năm 1948 tại Khu 8 với bộ phim Trận Mộc Hóa ghi lại chiến thắng oanh liệt của tiểu đoàn 307. Rồi lần lượt vài năm sau, Điện ảnh Khu 7, Khu 9 đã ra đời ở Nam Bộ… với nhiều bộ phim tài liệu chiến trường nổi tiếng như Chiến dịch La Ban - Cầu Kè, Chiến dịch Sóc Trăng, Trận Trảng Bàng… Năm 1951, các nhà điện ảnh Nam Bộ như Mai Lộc, Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền đã lội bộ từ Đồng Tháp Mười ra Việt Bắc để quay những thước phim vô giá về Đại hội Đảng lần II và những thước phim đầu tiên về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Vậy mà cuốn Lịch sử Điện ảnh Việt Nam do Cục Điện ảnh Việt Nam thực hiện năm 1983 vẫn gọi đó là “Những hoạt động điện ảnh lẻ tẻ mang tính tự phát, địa phương, nghiệp dư…”. Nghiệp dư mà tại Liên hoan phim Việt Nam 1973, bộ phim Chiến dịch La Ban - Cầu Kè (1950) của Điện ảnh Khu 8 đã được tặng giải Bông sen Bạc với lời biểu dương:
Chúng ta đều biết ngày 28-12-1895, anh em nhà Lumière (Pháp) đã phát minh ra điện ảnh với những thước phim cực kỳ thô sơ. Chỉ 18 tháng sau, một số nước Âu - Mỹ đã xuất hiện những chiếc máy chiếu phim hoàn hảo hơn về kỹ thuật, nhưng khi nói về ông tổ ngành điện ảnh thì toàn thế giới đều ghi nhận đó là Lumière và chọn ngày 28-12-1895 là ngày khai sinh ra điện ảnh thế giới. Sự thật khách quan ấy không ai có thể chối bỏ được, cũng như nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam không thể nào chối bỏ được bộ phim tài liệu đầu tiên là Trận Mộc Hóa của Điện ảnh Khu 8. Vậy thì làm sao chúng ta có thể giải thích cho giới trẻ Việt Nam hiểu vì sao một nước Việt Nam thống nhất đã 42 năm lại kỷ niệm hai nền điện ảnh với thời gian khác nhau. Ngày 15-10 miền Nam vẫn kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam từ bưng biền Đồng Tháp, còn ngày 17-3 miền Bắc lại kỷ niệm 64 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam từ Đồi cọ tỉnh Thái Nguyên? Vì sao Điện ảnh Cách mạng Việt Nam lại không thể “chung một dòng sông” để công nhận một sự thật khách quan của lịch sử điện ảnh? Đó chính là nỗi đau trĩu nặng của đạo diễn Khương Mễ lúc sinh thời: “Trận Mộc Hóa đã được công nhận là cuốn phim tài liệu đầu tiên. Nhưng có điều đáng buồn là trong tư liệu ghi chép chính thức về lịch sử Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, sự kiện quan trọng này vẫn chưa được đặt đúng vị trí. Thành quả đó dẫu đã được chứng minh và đã được công nhận từ nhiều năm nay trong nhiều cuộc hội nghị, hội thảo chuyên ngành điện ảnh, và cả ở Liên hoan phim quốc tế Amiens, nhưng Nhà nước đến nay vẫn chưa chính thức công nhận bằng văn bản. Đó là điều tôi vẫn nặng lòng. Mong sao trong một tương lai gần, sự thật lịch sử này sẽ được xác nhận…”.
Mong sao!!