Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa kết thúc sau một tuần làm việc vào ngày 10-10-2017. Hội nghị bàn và quyết định những vấn đề rất quan trọng của đất nước mà báo chí đã loan tin đầy đủ. Trong lời bế mạc Tổng kết hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại và làm sâu sắc thêm những quyết định của hội nghị.
Trong những quyết định đó có vấn đề về tinh gọn bộ máy là việc khó, phức tạp, nhạy cảm. Một con số rất ấn tượng được báo chí nêu lên là mỗi năm tốn khoảng 64.000 tỉ đồng cho các đoàn thể. Còn sự chồng chéo giữa Đảng và Nhà nước thì đã rõ ràng, hầu như Nhà nước có cơ quan gì thì Đảng có cái ấy để “chỉ đạo”. Thiết nghĩ việc sáp nhập nhiều cơ quan là hợp lý, một người kiêm chức vụ Đảng và chức vụ hành chính đoàn thể là hợp lý, một số nơi đã thực hiện và có kết quả tốt. Tuy nhiên, biên chế đã phình ra từ rất lâu đến nay làm giảm đi, ảnh hưởng đến đồng lương “bát cơm manh áo nợ đời” của cán bộ là không dễ, bố trí họ làm gì là việc khó. Cho nên, Tổng bí thư đã nói đây là việc nhạy cảm, không được từ cực nọ sang cực kia. Cùng với đó là việc sắp xếp lại dịch vụ công, cũng là một gánh nặng lớn.
Đến như việc chăm sóc sức khỏe và dân số cũng vậy. Chỉ lấy một dẫn chứng nếu không cân đối được số sinh nam nữ thì rồi sẽ có 4 triệu người Việt Nam không lấy được vợ và phải “nhập khẩu” cô dâu. “Nhập” từ đâu? Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đã nhập khẩu cô dâu từ Việt Nam, vậy Việt Nam nhập từ đâu?
Về công tác tổ chức cán bộ thì có việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Đà Nẵng và việc bầu thêm 2 ủy viên Ban Bí thư. Công tác tổ chức cán bộ là việc cực kỳ quan trọng của tổ chức Đảng. Trăm dâu đổ đầu tằm, trăm việc đổ về con người, sau khi có đường lối quyết sách thì vấn đề còn lại là tổ chức, tổ chức và tổ chức. Chúng ta phải rà soát rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này, từ cả trong quá khứ, từ những khóa Hội nghị Trung ương gần đây. Có nhiều ý kiến, nhiều phát hiện về công tác tổ chức của cán bộ từng trải, lão thành. Đánh giá người là việc khó nhất, thế mà lại còn thêm những tác động tiêu cực như chạy chức, chạy quyền, từ mua bán quyền lực “hối mại quyền thế” ở nhiều cấp, nhiều nơi. Dư luận rất bức xúc với việc này. Xin đề nghị Trung ương có biện pháp làm rõ, ngăn chặn vì nó có nguy cơ làm hỏng toàn bộ công việc. Người xấu đẻ ra việc xấu, đó là kinh nghiệm của cả nhân loại ngàn đời nay. Chuyện ông Nguyễn Xuân Anh không phải là chuyện của cá nhân ông ấy. Một mình ông ấy chắc không chạy nổi vào Trung ương. Vậy thì ai đứng sau tác động, thực hiện… Cũng nên làm rõ và nghiêm trị. Đồng thời nên xem xét cả cái gọi là quy trình, từ quy định “hạt giống đỏ” đến Trung ương dự khuyết… xem có hợp lý chưa. Mặt khác, Đảng phải phục tùng pháp luật, vì thế xử lý Đảng thì phải xử lý cả người thực thi pháp luật, đặc biệt là với những vụ án tham ô, phải thu hồi lại được tiền để bỏ vào ngân quỹ. Tham ô hàng trăm ngàn tỉ mà chỉ bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, mất chức thì e chưa đủ tính răn đe. Về kinh tế - xã hội thì với biết bao cố gắng, quý vừa rồi đạt tăng tưởng 7,46%. Tại cuộc họp báo sáng 29-9, lãnh đạo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, ước tính tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng tăng 6,41% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và quý III là 7,46%. Để đạt mục tiêu tăng GDP 6,7% năm nay, GDP quý IV dự kiến phải tăng 7,31%. Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng quý IV ta có thể tăng 7,5% - 7,7%. Tất cả đều là dự kiến, đều là khả năng. Dầu chúng ta có đạt mức tăng trưởng 6,7% thì những thách thức, những khó khăn trước mắt là không nhỏ và tất cả chúng ta đều biết.
Sắp tới sự kiện lớn nhất là APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11, đây là thời cơ lãnh đạo nhiều nước, nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe… đều tụ hội, để bàn về kinh tế. Nhưng kinh tế, chính trị và an ninh liên quan mật thiết. Sự thành công của hội nghị, chúng ta tin chắc như thế, sẽ là một cú hích cho tăng trưởng, cho phát triển của Việt Nam.
Về quốc phòng và an ninh, chúng ta đang tận dụng cơ hội, bày tỏ thiện chí để thực hiện hòa bình ổn định, hợp tác trên tất cả các phương diện ngoài biển, trên bờ. Đã có những dấu hiệu hòa dịu, tuy còn mỏng manh và cũng có cả những dấu hiệu đưa đến căng thẳng.
Tình hình thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, chung quanh Triều Tiên, chung quanh Trung Đông…, chung quanh Nga - Mỹ, thế giới nhiều lúc có vẻ như đang chuyển động hỗn loạn (“chuyển động Brow”) nhưng hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn đang là xu hướng chủ yếu. Sau sự kiện Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, lý tưởng của Cách mạng tháng Mười bị lỡ hẹn. Nhưng thực tiễn của thế giới ngày nay cho thấy bất công vẫn tràn đầy trên mặt đất, khủng bố, hỗn loạn, chiến tranh vẫn đang đe dọa loài người. Có những thống kê cho thấy chỉ 1% số giàu đã nắm số của cải bằng 99% còn lại, ở Brazil 6 nhà giàu nắm giữ số của cải bằng số người còn lại. Ở Việt Nam, ở Trung Quốc, nhất là Trung Quốc như ông chủ thương hiệu Alibaba vào loại tỉ phú lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam, số tỉ phú có độ 2 tỉ đôla cũng đã có nhiều (tuy có khi cũng đang nợ như chúa Chổm). Đi vào thị trường toàn cầu hóa thì cái được và cái mất, thậm chí là cái mất - còn rất dễ xảy ra. Khủng hoảng xã hội, nhất là khủng hoảng tinh thần đạo đức, nếp sống, thẩm mỹ… là chuyện đang xảy ra và càng ngày càng có thể sâu sắc nếu chúng ta không biết cách chăm lo khắc phục, từ trong gia đình, giáo dục, văn hóa, truyền thông, trong sản phẩm văn hóa văn nghệ…
Một câu chuyện đáng chú ý:
Sáng 6-10, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott H. Swift và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius thăm bãi cọc sông Bạch Đằng. Đại sứ nói: “Tại cửa sông Bạch Đằng này, các binh sĩ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của vua Ngô Quyền năm 938, vua Lê Đại Hành năm 981 và Hưng Đạo Đại vương năm 1288 đã đẩy lùi rất nhiều quân xâm lược, minh chứng cho tinh thần ngoan cường của nhân dân Việt Nam. Đô đốc Swift và tôi đến Bạch Đằng để tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam và để tỏ lòng kính trọng đối với những vị vua vĩ đại đại diện cho nhân dân Việt Nam đã vượt qua khó khăn bằng tinh thần kiên cường, quyết tâm và những chiến thuật tài tình để gìn giữ nền độc lập của đất nước. Tinh thần yêu nước và quyết tâm của nhân dân Việt Nam được phản ánh rất rõ qua công trình kỷ niệm lịch sử này. Tinh thần đó khiến tôi nhớ về một bài thơ đã được đọc bắt đầu bằng câu Nam quốc sơn hà…”.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
(Bản dịch ra tiếng Việt của chúng tôi:
Sông núi nước Nam vua Nam ngự,
Sách trời đã phân định rõ rành,
Giặc dữ cớ sao sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tan tành).