CẨM THƠ (Paris - Pháp):
Cách đây vài tuần, khi ARTE, một kênh vô tuyến truyền hình song ngữ Pháp - Đức, phát trong ba tối liền bộ phim tài liệu nhiều tập Cuộc chiến tranh Việt Nam (Vietnam War), tôi đã nhận được nhiều tin nhắn và e-mail của bạn bè, trong đó có vợ chồng ông đại sứ Pháp Le Lidec, nội du
“Chère Cam Tho. Tu dois regarder l’émission extraordinaire sur le Vietnam. Nous ne pouvons qu’être émus et renforcer notre admiration et notre affection pour le peuple vietnamien. Nous t’embrassons” (Cẩm Thơ thân mến. Chắc chắn là em có theo dõi chương trình vô tuyến vô cùng tuyệt vời về Việt Nam. Chúng tôi không thể nào lại không xúc động, lòng ngưỡng mộ và tình cảm mà chúng tôi dành cho dân tộc Việt Nam lại càng thêm mạnh mẽ!...).
Và một người bạn nhà báo Pháp, bố đỡ đầu của con gái tôi, đã từng cùng chồng tôi, bố mẹ chồng tôi và biết bao người dân Pháp khác xuống đường đòi Mỹ trả lại hòa bình cho Việt Nam, đã viết cho tôi một câu ngắn gọn: “Quel peuple!” (Ôi một dân tộc!).
Chưa ai quên được Việt Nam. Không ai và không bao giờ lịch sử có thể quên được dân tộc Việt Nam đã kiên cường như thế nào!

Nhà thơ Cẩm Thơ trong một lần đến thăm làng gốm Bát Tràng (Hà Nội)
Riêng tôi, sau khi xem bộ phim ấy, cứ ước ao sẽ sáng tác được những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử như vậy, những tác phẩm nói về quá khứ của dân tộc, về sự hy sinh lớn lao của những người đã đặt lợi ích của dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân, lên trên quan điểm chính trị, xã hội, tôn giáo, nghệ thuật của chính mình. Đó là những người yêu dân tộc, yêu đất nước một cách thực sự.
Tôi cũng mong muốn viết về cả những bi kịch, những điều thảm khốc, những sự mất mát, những sai lầm trong chiến tranh để người đời sau đánh giá đúng, nhìn nhận đúng thời kỳ lịch sử ấy.
Muốn đi tới mục đích đề ra của cuộc gặp gỡ ngày hôm nay “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” ta không thể không nhắc tới hai cuộc chiến tranh vĩ đại để giành độc lập dân tộc đã diễn ra trong thế kỷ 20 của nhân dân ta. Không thể không nhắc đến cái hào hùng, oanh liệt của hai cuộc chiến tranh ấy nhưng cũng không thể không nhắc đến những khổ đau, đổ vỡ... vì có anh dũng bao nhiêu, có vĩ đại bao nhiêu, thì chiến tranh vẫn là chiến tranh... Vẫn là xương, là máu của con người... Vẫn là chia ly, vẫn là giằng xé, là đau khổ.
Tôi tin rằng mong mỏi đó sẽ được thực hiện, vì chúng ta đã có một yếu tố bản lề: đó là lòng tự hào dân tộc và nguyện vọng xây dựng non sông thái bình của TẤT CẢ những người Việt Nam yêu nước. Khi đã có CHUNG một nguyện vọng đẹp đẽ, thì mối đoàn kết sẽ rất gần.
Cái CHUNG đó đã tập hợp được dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Không kể tuổi tác, không kể nam nữ, tôn giáo, chính kiến chính trị... họ đã đặt quyền lợi của dân tộc, quyền lợi CHUNG, quyền lợi của TẤT CẢ lên trên quyền lợi của riêng mình để chống giặc ngoại xâm.
Vào thời điểm đó, ý nghĩa của từ CHUNG và từ TẤT CẢ rất gần với nhau.
Nhưng trên thực tế, nhìn sâu hơn một chút, thì hai từ đó không giống nhau đến như vậy:
Thường là khi đề cập đến cái CHUNG, tôi nghĩ đến một tổng thể, một khối... Tức là cái RIÊNG ở đây hoàn toàn bị loại trừ. Trong những tình huống cụ thể, giai đoạn cụ thể, yêu cầu cụ thể, thiếu cái CHUNG ấy, ta không thể đạt được thắng lợi, không thể đi đến thành công. Nên cái RIÊNG bị quên đi, được quên đi.
Còn trong TẤT CẢ thì lại có cái RIÊNG trong đó: vì để đi đến tổng số TẤT CẢ, ta phải bắt đầu từ một thành phần, mỗi thành phần, ta phải tính đến từng người, mỗi người... Không được quên một ai, không được bỏ qua một ai. Trong đó có anh, có tôi, có người nọ, người kia... Người nào cũng có cái riêng của người ấy: chính kiến riêng về tôn giáo, tín ngưỡng, quan điểm riêng về chính trị, xã hội và nghệ thuật...
Tôi nghĩ, mỗi người Việt Nam khi đã có một cái CHUNG rất lớn lao là tình yêu nước, yêu dân tộc, nếu được sống với những nét riêng trên của mình, người nọ VỚI người kia, người kia VÀ người nọ... thì cộng đồng người Việt của chúng ta, trong nước cũng như ngoài nước sẽ đạt tới một sự đoàn kết rất hài hòa, bền vững. Vì cảm thấy mình được tồn tại, được trân trọng.
Để góp phần vào xây dựng mối đoàn kết dân tộc ấy, tôi rất mong muốn rằng văn hóa nghệ thuật sẽ là tiếng nói của tất cả mọi người, của mỗi người, không kể người đó là ai, theo chính kiến gì, tôn giáo nào, quan điểm về văn học nghệ thuật ra sao... dám thể nghiệm, dám vấp ngã, dám sáng tạo và trân trọng sự sáng tạo... Tôi tin vào cuộc sống, tin vào nhân loại, và tin vào lịch sử. Vì những gì có giá trị cho con người sẽ tồn tại mãi mãi, nếu được tất cả chúng ta đồng lòng bảo vệ và nâng niu, giữ gìn.
Paris - Hà Nội, 20-10-2017
Một số các nhà văn Mỹ gốc Việt dường như đang tích cực Việt Nam hóa ngôn ngữ tiếng Anh qua các tác phẩm của mình. Một trong những nhà văn đó chính là Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt).
.jpg)
Nguyễn Thanh Việt
Sinh ở Buôn Ma Thuột vào năm 1972, sang Mỹ năm 4 tuổi, Nguyễn Thanh Việt từng bị bạn bè trong lớp chê cười vì không biết nói tiếng Anh. Bốn mươi năm sau, đứa bé Việt Nam ngày xưa đã trở thành một giáo sư, nhà phê bình văn học, và là một trong những nhà văn có sách bán chạy nhất trên văn đàn thế giới hiện nay. Tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên) của anh đã đánh bại hàng loạt các tác phẩm của các nhà văn lừng danh khác để giành được giải thưởng Pulitzer dành cho văn học của năm 2016, giải thưởng hòa bình Dayton Literary, giải thưởng Edgar dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất, và nhiều giải thưởng danh giá khác. Bản quyền xuất bản của Cảm tình viên đã được bán cho 23 quốc gia trên thế giới.
Tác giả Philip Caputo trên báo New York Times ngày 2-4-2015 đã giới thiệu Cảm tình viên và tác giả của nó như sau: “Nguyễn, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ, đem đến cho chúng ta một cái nhìn khác biệt về chiến tranh và hậu quả của nó. Quyển sách của anh lấp đầy chỗ trống trong văn học, cất lên tiếng nói của những người chưa từng được lên tiếng đồng thời buộc chúng ta phải nhìn lại những sự kiện của bốn mươi năm qua trong ánh sáng mới”.
Có lẽ Nguyễn Thanh Việt là một trong những nhà văn tiên phong trong việc kết hợp kỹ năng viết tiểu thuyết với kỹ năng viết phê bình của mình. Là cây bút phê bình cho tờ báo Los Angeles Times, anh không ngần ngại phê phán cách người Mỹ nhìn người châu Á, đặc biệt là qua phim ảnh. Trong Cảm tình viên, Nguyễn Thanh Việt khiến ta bật cười cay đắng vì một vị đạo diễn Hollywood nổi tiếng đã đầu tư số tiền khổng lồ để dựng bộ phim “bom tấn” về Việt Nam, nhưng những nhân vật người Việt trong phim đều do những diễn viên châu Á khác thủ vai vì lý do “không có diễn viên người Việt nào đủ khả năng”.
Và để chống lại việc người Mỹ nhìn người châu Á bằng con mắt khái quát và đầy sai lệch, Nguyễn Thanh Việt đã chọn cách buộc họ phải tìm hiểu về văn hóa Việt Nam qua Cảm tình viên. Trong toàn bộ quyển sách nguyên gốc bằng tiếng Anh, những từ tiếng Việt như phở, Tết... được viết nguyên văn (chỉ bỏ dấu) mà không hề có một sự giải thích hoặc chú thích về ý nghĩa của những từ này.
Nguyễn Thanh Việt đã trao gửi vào từng trang sách của mình một tình yêu khắc khoải dành cho đất nước Việt Nam. Những đoạn văn miêu tả về làng quê Việt của anh sống động đến nỗi người đọc có thể cảm thấy hương vị cà phê sữa đá trên môi, nghe tiếng “anh ơi” thổn thức trong lồng ngực, nghe lúa vừa được gặt phả hương thơm vào da thịt, và cảm nhận được vị ngọt ngào của quả xoài chín vừa rơi xuống lòng bàn tay.
Là một nhà văn tài năng có khả năng dẫn dắt người đọc vào những thế giới khác nhau của sự tưởng tượng, Nguyễn Thanh Việt hoàn toàn có thể viết về các chủ đề khác. Nhưng không. Trong ba quyển sách mà anh đã liên tục xuất bản trong thời gian gần đây, tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên), tập truyện ngắn The Refugees (Những người tị nạn), và quyển sách phê bình Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memories of War (Không có gì chết đi: Việt Nam và những ký ức chiến tranh), anh đã tạo dựng nên những thế giới đa chiều xoay quanh một trục chính: chiến tranh Việt Nam và những câu chuyện về người Việt, dù họ ở trong nước hay ở nước ngoài.
Dẫu mang quốc tịch Mỹ, Nguyễn Thanh Việt đã luôn gắn bó với Việt Nam bằng sự trở về. Anh đã trở về bằng các chuyến đi, bằng ngòi bút, và bằng cả việc luôn tìm đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam trong nước. Anh đã trải lòng: “Tôi cố gắng đọc được càng nhiều sách càng tốt, qua các bản dịch. Dĩ nhiên những tác phẩm mà tôi được đọc giúp tôi cảm nhận thế nào là người Việt Nam - với tất cả sự đa dạng và những mâu thuẫn trong đó. Tôi cũng coi các tác phẩm của người Mỹ gốc Việt là một phần của nền văn chương và học thuật Mỹ và Việt Nam, và tôi hy vọng độc giả Việt Nam cũng nhìn nhận như thế. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại là một phần của cộng đồng người Việt - ta không thể đơn giản hóa cộng đồng này chỉ bằng một định nghĩa duy nhất thế nào là người Việt Nam được. Đó chính là lý do chúng ta nên hướng tới sự đa dạng của các tác phẩm, để tránh rơi vào cách nhìn nhận sơ sài về bản sắc, dân tộc, và văn hóa”.
* * *
Lời nói thêm
Nhà văn Nguyễn Thanh Việt cũng từng lên án mạnh mẽ việc Bob Kerrey được cử làm chủ tịch Trường đại học Fulbright tại Việt Nam trong bài viết Bob Kerrey và “Thảm kịch Mỹ” của Việt Nam đăng trên mục Opinions của báo The New York Times (Mỹ) số ra ngày 20-6-2015. Trong đó anh đề nghị:
* Đầu tiên, ông Bob Kerrey nên đến làng Thạnh Phong và xin lỗi những người sống sót và gia đình của người chết.
* Thứ hai, trong khuôn viên Trường đại học Fulbright tại TP.Hồ Chí Minh nên xây nổi bật một đài tưởng niệm những người chết ở làng Thạnh Phong. “Nghĩa trang Liệt sĩ” đã xuất hiện trên khắp Việt Nam để kỷ niệm hơn một triệu người lính đã chết cho cuộc cách mạng…
* Thứ ba, Trường đại học Fulbright nên tạo ra các chương trình giáo dục có lợi cho trẻ em làng Thạnh Phong và chuẩn bị cho chúng một lộ trình dẫn đến học bổng toàn phần tại trường đại học này. Những người dân của làng Thạnh Phong, và rất nhiều người như họ trên khắp đất nước Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ các trường đại học cũng nhiều như ông Kerrey được, từ uy tín chủ tịch của ông.
* Thứ tư, hội đồng quản trị của trường nên bao gồm các nhà lãnh đạo tinh thần, các nhà hoạt động cho hòa bình và những nhà giáo đã hỗ trợ cho tầm nhìn nhân văn của giáo dục, chứ không chỉ cho tầm nhìn của một công ty.
HỒN VIỆT