Hội đồng châu Quảng Nam (HĐCQN) tại Huế là hội của tất cả những người sinh ra, lớn lên một phần đời tại tỉnh Quảng Nam xưa (gồm Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay), rồi ra Thừa Thiên-Huế làm ăn sinh sống. Hội chính thức được thành lập khi nào và do ai thì người viết chưa biết rõ. Nhưng gần đây có một nhà báo ở Quảng Nam cho biết là vào khoảng năm 1925, 1926 một số trí thức trẻ người Quảng Nam làm việc tại Huế trong đó có các ông Lương Trọng Hối, Đỗ Quỳ, Lê Quang Sung đã lập ra Nhà Hội Quảng Nam. Phải chăng đây là tiền thân của HĐCQN? Vào các thập niên 1950, 1960 và nửa đầu thập niên 1970 thì các ông như Tống Quyền (Hội trưởng), Nam Thiên (chủ nhà buôn ở đường Trần Hưng Đạo, Huế) và ông Quảng Phong (chủ nhà buôn thuốc Cẩm Lệ, trước cửa Thượng Tứ, Huế) làm Hội phó… có lẽ biết rõ, nhưng nay các vị đã quy tiên hết, con cháu tứ tán, có lẽ không mấy ai còn tài liệu gì. Tôi lấy làm tiếc là vào năm 1970 tôi đã từng là Hội phó mà chưa kịp hỏi các vị cao niên này.
Cơ sở cũ của báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng (địa chỉ hiện tại ở số 93 đường Huỳnh Thúc Kháng, Huế) đã được HĐCQN dùng làm cư xá Huỳnh Thúc Kháng cho sinh viên Quảng Nam ra Huế trọ học từ năm 1964 tới tháng 3-1975.
Báo Tiếng dân do tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút xuất bản hai lần mỗi tuần tại Huế suốt gần 16 năm, từ năm 1927 tới 1943. Đã có rất nhiều bài nghiên cứu về báo Tiếng dân được công bố, cho nên ở đây tôi không bàn gì thêm. Những ai quan tâm về nguồn gốc, cũng như chủ trương của tờ báo, thì theo tôi, hai tư liệu đáng tin cậy nên tìm đọc là: 1) http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c265/So-Dac-Biet-T-6-2.html&page_no=2; và 2) http://hopluu.net/a2214/bao-tieng-dan-1927-1943-vai-tu-lieu-moi.
Người duy nhất từng làm cho báo Tiếng dân mà hiện còn sống tại Huế là cụ Võ Viết Đức. Cụ sinh năm Canh Thân 1920, nay đã 97 tuổi. Nhà cụ hiện ở số 41 đường Xuân 68, thành phố Huế
Ông nội cụ Đức người Quảng Nam ra làm việc ở Bộ Hình tại Huế, sau ông thân sinh cụ cũng làm việc tại đó. Thời còn trẻ cụ Đức đã vào làm việc cho báo Tiếng dân. Những thông tin sau đây do cụ cho biết: Báo in thủ công, dùng bàn đạp bằng chân để in báo. Nhà in có chừng 20 nhân công, ngoài in báo còn đóng sách. Báo Tiếng dân in khổ 40x50cm, chỉ 1 tờ giấy. Nội dung tờ báo chỉ có một bài xã luận của cụ Huỳnh là quan trọng, còn không có thông tin gì nhiều mà chủ yếu là quảng cáo (trà Song Hỷ, đèn cầy…). Ông Ngô Thành Nhân, người cùng quê với cụ Huỳnh, là đệ tử thân tín của cụ. Ông đã giúp cụ Huỳnh một cách đắc lực trong nhà in báo Tiếng dân. Nhà ông ở đường Phan Bội Châu (hay còn gọi là Ngã Giữa, nay là đường Phan Đăng Lưu), tại đây có mở tiệm sách Anh Minh, cũng là nơi phát hành báo Tiếng dân. Thời bấy giờ cụ Huỳnh Thúc Kháng, trong giờ làm việc hay lúc đi ra ngoài, luôn mặc quốc phục với áo dài đen, quần vải quyến trắng. Cụ Huỳnh sống tại tòa báo, vợ con cụ ở Quảng Nam, không ra Huế sống với cụ. Cụ ít đi ra ngoài, thỉnh thoảng cụ gọi xe kéo đưa đi thăm cụ Phan Bội Châu hay đi họp Hội đồng. Ông Võ Bã Hạp làm Đông y là người thường chăm sóc sức khỏe cho cụ Huỳnh.
Năm 1943, báo Tiếng dân bị thực dân Pháp đóng cửa. Năm 1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Cụ Hồ. Người viết chưa biết rõ ai quản lý cơ sở cũ của báo Tiếng dân từ 1943 tới 1955, 1956. Nhưng từ năm 1956, 1957 cho tới ngày 1-11-1963 thì nơi đây là kho chứa gạo mà người ta tin là của bộ phận kinh tài cho ông Ngô Đình Cẩn. Sau cuộc lật đổ chính quyền Tổng thống Ngô Đình Điệm ngày 1-11-1963, chính quyền mới tịch thu lại cơ sở này và giao cho HĐCQN quản lý, và HĐCQN đã biến nó thành cư xá Huỳnh Thúc Kháng cho sinh viên Quảng Nam ở khi theo học Đại học Huế. Cư xá này chứa được khoảng trên dưới 30 sinh viên. Hoạt động nổi bật của sinh viên nơi đây là tổ chức Lễ tưởng niệm cụ Huỳnh vào ngày 21-4 hằng năm.
Ù
Tôi có hai kỷ niệm không bao giờ quên với cư xá Huỳnh Thúc Kháng dù chưa từng ở đó. Chuyện thứ nhất là vào năm 1971, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra ứng cử tổng thống cho nhiệm kỳ sắp đến. Do đấu đá và chèn ép mà cuối cùng các liên danh khác phải rút lui, chỉ còn một mình liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương tranh cử! Bấy giờ có nhiều cuộc biểu tình chống “độc diễn”. Ngày 28-9-1971, trước bầu cử “độc diễn” 6 ngày, cảnh sát bố ráp cư xá Huỳnh Thúc Kháng, đàn áp những sinh viên tham gia đấu tranh chống bầu cử độc diễn. Trong vụ này có mấy sinh viên bị đánh bị thương phải đưa vào bệnh viện, trong đó có anh N.M.Q., sinh viên năm thứ ba, ban Lý Hóa, Đại học Sư phạm, bị đánh té xuống lầu, gãy tay. Bấy giờ người viết đang là giảng viên tại Đại học Khoa học Huế và là Hội phó HĐCQN, nên sinh viên Quảng Nam tới báo tin và nhờ giúp đỡ anh Q. Tôi đã liên lạc với Tòa viện trưởng, các Trưởng khoa Lý Hóa tại hai trường đại học Sư phạm và Khoa học, và một số thầy dạy anh Q., đặc biệt GS N.M.H. là người dạy Hóa hữu cơ rất nghiêm khắc, để xin cho anh Q. tạm hoãn kỳ thi sắp tới, chờ khi nào khỏe, xin thi sau. Sau vài tháng anh Q. hồi phục và về sau thi tốt nghiệp ra đi dạy.
Chuyện thứ hai. Vào khoảng gần cuối năm 1974, HĐCQN nhận được “trát đòi” của Tòa hành chánh tỉnh Thừa Thiên-Huế, phải lên “hầu tòa” xử vụ ông V.N.N. đứng ra kiện đòi lấy cư xá Huỳnh Thúc Kháng với lý do cha ông là cụ Võ Bã Hạp đã mua lại từ cụ Huỳnh và công ty Huỳnh Thúc Kháng. Mấy cụ cao niên trong HĐCQN như ông Tống Quyền (Hội trưởng), và các ông Hội phó Nam Thiên, Quảng Phong v.v… có lẽ ngại sao đó, nên giao cho tôi đại diện lên “hầu tòa”. Với tuổi đời còn tương đối trẻ, nên hăng và với tính “hay cãi” của dân Quảng Nam, tôi cãi gắt: Ông N. không có giấy chứng nhận chủ quyền có chữ ký hợp pháp của chính quyền thời cụ Huỳnh còn tại thế. Hơn nữa, tôi hùng biện rằng chúng tôi quản lý cư xá không phải để kiếm lợi lộc gì cho HĐCQN, mà để làm chỗ ở cho các sinh viên nghèo, và không ai xứng đáng được ở đó hơn những sinh viên nghèo; nếu cụ Huỳnh và cụ Võ Bã Hạp mà còn sống thì các cụ cũng sẽ để cho sinh viên nghèo Quảng Nam ở mà thôi! Cuối buổi xử, Tòa hành chánh tỉnh không thể có lý do để ký giấy giao cư xá cho ông N. Nhưng ở đời cái “trò mèo” của những người cậy quyền thế hay cấu kết với nhau để chèn ép người lương thiện là: Trước khi ông đại tá Tỉnh trưởng thăng chức lên chuẩn tướng đổi đi nơi khác thì ông ra lệnh ký giao trả cư xá cho ông N. mà không qua tòa xét xử. Như vậy, gần cuối năm 1974, ông N. có được cái giấy do Tòa hành chánh tỉnh Thừa Thiên-Huế ký giao cho ông cư xá Huỳnh Thúc Kháng. Nhưng qua đầu năm 1975, ông N. chưa kịp dùng cái giấy đó để lấy cư xá thì tháng 2-1975, do tình hình chiến sự, gia đình ông đã ra đi khỏi Huế.
Sau tháng 3-1975, cư xá Huỳnh Thúc Kháng được chính quyền Cách mạng giao cho Đại học Y khoa Huế quản lý, và nơi đây đã trở thành nhà ở của 6 gia đình cán bộ của Trường Y. Năm 1990, ông V.N.N. từ nước ngoài gởi thư về cho ông Huỳnh Toản, con nuôi cụ Huỳnh, người trông coi nhà thờ cụ Huỳnh tại Tiên Phước và xúi ông Toản đi đòi lại cơ sở cũ của báo Tiếng dân. Nghe lời ông N., ông Toản từng ra Huế, ra Hà Nội đòi lại cư xá, nhưng không có kết quả. Nay ông Toản đã mất, người con trai ông tiếp tục thay ông chăm lo nhà thờ cụ Huỳnh.
Tình trạng của cư xá cho tới nay thì mọi người đã biết: Sau mấy chục năm, 6 gia đình thuộc Trường đại học Y khoa Huế ở đó, không ai có sổ đỏ để có quyền sửa chữa hay bán, cơ sở xuống cấp trầm trọng. Năm 2017, sau nhiều lần thảo luận, “hiệp thương” giữa chính quyền tỉnh Quảng Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, cư xá Huỳnh Thúc Kháng được hai tỉnh đồng thuận sửa chữa để trở thành Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng. Tháng 5-2017, người viết đến thăm, thấy cơ ngơi đã quét lại nước vôi, nhưng đang thời gian tu sửa, cửa đóng im lìm.
Ngày 2-9-2017