Chưa bao giờ nước ta đón những sự kiện dồn dập như thế. Những tín hiệu vui. Những báo hiệu rạng sáng hơn cho tương lai đất nước, tương lai hòa bình và làm ăn thịnh vượng.
APEC Đà Nẵng, ASEAN Manila… Và nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa đến những tin lành, những hứa hẹn. Về kinh tế - thương mại thì đã rõ rồi, nhưng cái quan trọng là an ninh, là biển Đông. Những lời lẽ có vẻ lặp lại, nhưng có ý nghĩa mới trong một tình hình đang phức tạp. Có vẻ như sau Đại hội 19 vừa kết thúc, Tổng bí thư Tập Cận Bình xác lập được địa vị một Mao Trạch Đông mới của mình, đưa tư tưởng, chứ không chỉ lý luận hay quan điểm của mình về một Trung Hoa vươn lên thành siêu cường số 1. Thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”, vào năm 2035 sẽ hoàn thành công nghiệp hiện đại hóa, năm 2050, tức là vào dịp 100 năm nước CHND Trung Hoa (1949-2049), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ…, thì Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu chiến lược đó và nới lỏng hơn những tham vọng về biển Đông. Không ai dám chắc. Tất cả còn là ẩn số. (Và cũng có ý kiến cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tụt lùi, đang tụt lùi, tăng trưởng thực chỉ là 2%-3%). Nhưng qua thái độ và ngôn từ, “coi trọng cao độ” mối quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc vừa một mặt muốn kéo gần Việt Nam vào, vừa đẩy xa Hoa Kỳ ra. Vì trong vấn đề biển Đông, vai trò của Hoa Kỳ, của Nhật Bản, của Ấn Độ, của Úc, của EU (kể cả Anh)…, nói chung là của toàn thế giới… là không thể coi thường, không thể tùy tiện thách thức. Mặt khác, quả thực là Việt Nam, vào thời điểm hiện tại, chân thành mong muốn một quan hệ hữu nghị láng giềng - truyền thống…, một quan hệ công bằng, theo các trình tự ngoại giao và pháp lý… với Trung Quốc. Xử lý quan hệ trên đại cục, trên tầm nhìn từ đỉnh cao núi Thái Sơn như lãnh đạo Trung Quốc hay nói, vừa có lợi cho cả hai, vừa làm tăng uy tín, uy phong… của nước lớn Trung Hoa. Việt Nam chắc sẽ hết sức kiên nhẫn trong quan hệ đối ngoại, với Trung Quốc và với tất cả các nước.
Với Mỹ, việc Tổng thống Mỹ D. Trump tham dự APEC và nói những lời tốt đẹp, đáng ghi nhớ về Việt Nam, làm rõ lập trường bảo vệ lợi ích thương mại của mình, phát đi tín hiệu về mức độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ, khẳng định lại lập trường về tự do thông thương, hàng hải hàng không trên biển Đông… là một dấu ấn lớn và mạnh mẽ.
Nghe nói, Tổng thống D. Trump có mời chào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thứ tên lửa tốt nhất của Mỹ. Ông Trump xuất thân là một doanh nhân, nên tính toán cái gì cũng sát sườn, thực tế. Nhưng Việt Nam có lẽ theo truyền thống vẫn dùng vũ khí Nga, vừa rẻ vừa quen. Còn hợp tác quốc phòng, trong đó có vụ mua bán vũ khí giữa hai nước, trước mắt sẽ có cuộc viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ cỡ 32 tỉ USD/năm, nên nếu có tiền, mua vũ khí của Mỹ để phòng vệ cũng là hay. Hiềm vì tiền ít, quan hệ với nhiều nước nữa, cũng phức tạp. Nên Thủ tướng ta chỉ đề nghị ông Trump tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất quả vú sữa sang Mỹ. Người Mỹ, trong đó có người Việt ở Mỹ, ăn cá tra, xoài, vú sữa… của Việt Nam, và bán cho Việt Nam phụ tùng máy bay Boeing…, đó là những thông điệp hòa bình cho cả khu vực và thế giới.
Thắng lợi ngoại giao làm vững thế nước, tăng thế nước, và như thông lệ, sau mỗi kỳ APEC, giao thương đầu tư sẽ tăng lên, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng. Năm nay, Việt Nam sẽ đạt 6,7% tăng trưởng GDP là cái chắc. Được thế là nhờ sự nỗ lực của toàn dân, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ tận tụy, hết mình, sự chuyển động của cả hệ thống chính trị, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vừa rồi, những cuộc thảo luận và chất vấn Chính phủ của Quốc hội đã diễn ra sôi động chưa từng thấy. Một không khí dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, đoàn kết… lan tràn từ hội trường Diên Hồng của Quốc hội ra toàn xã hội. Đó cũng là dấu hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, theo nhận xét của chúng tôi, trong những thảo luận và chất vấn đó ở Quốc hội, bên cạnh những vấn đề nóng của kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội còn thiếu quan tâm, còn bỏ qua một vấn đề cực kỳ quan trọng của tình hình đất nước, là văn hóa - giáo dục.
Văn hóa - giáo dục ở đây được hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này, chứ không phải chỉ là sự quản lý văn hóa rất hẹp của Bộ Văn hóa, sự đầu tư của Nhà nước cho sự quản lý ấy.
Văn hóa là sức mạnh tinh thần, là văn minh tinh thần, là động lực sáng tạo và điểm đến của một dân tộc, và với ta, một nước xã hội chủ nghĩa, thì nó còn là truyền thống cách mạng - kháng chiến, truyền thống nghìn năm của tổ tiên, là nền văn học - nghệ thuật… thể hiện tâm hồn, phẩm giá dân tộc, đồng thời là cái phong vũ biểu đo được trạng thái tinh thần đất nước.
Nền văn hóa dân tộc ấy, mà giáo dục luôn là hạt nhân, là chủ thể, đã có và đang có những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, đáng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội… quan tâm và có hành động, có định hướng, có kế hoạch hành động tương xứng với những thách thức và nguy cơ về con người, về tư tưởng chủ đạo theo cương lĩnh, mục tiêu của Đảng… Cả chất lượng, số lượng, cả tổ chức nhân sự, cả sự vận hành của bộ máy để làm lĩnh vực này đều yếu, và nhiều tiếng nói khẩn thiết đã được cất lên trên báo chí, trong dư luận…, nhưng dường như bận quan tâm các mặt cấp thiết khác, người ta bỏ quên, bỏ qua văn hóa mà trọng tâm của nó là con người. Đặc biệt là ở giới trẻ, không ít học sinh, sinh viên đang thờ ơ với vận nước, và hoạt động giáo dục tư tưởng qua Sử, qua Văn trong nhà trường, kể cả nhà trường đại học đang có vấn đề. Nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu giáo dục, làm sách giáo khoa cũng đang có vấn đề. Tức là, không phải hiện tượng lẻ tẻ, mà là có yếu kém trong toàn hệ thống. Trong khi đó, văn học nghệ thuật tỏ ra suy thoái từ cảm hứng chủ đạo đến sáng tác và biểu diễn… Vào một dịp khác, trong một bài khác, chuyên biệt, chúng tôi sẽ tường trình kỹ hơn về vấn đề này. Kinh tế là cực kỳ quan trọng, là cái cốt lõi, nhưng không coi trọng tư tưởng - văn hóa, thì nói như Lênin: “đứng ngoài văn hóa tức là đứng ngoài chính trị”. Ta có Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh chính trị, bằng các Nghị quyết, nhưng dường như còn thiếu hiệu lực, bởi vì tình hình phức tạp quá, khó quá, vượt khỏi tầm và sức của ta?
Hãy cứu lấy văn hóa, giáo dục (và giáo dục là văn hóa), cứu lấy con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, đó là suy nghĩ và đề nghị khẩn thiết của chúng tôi.
“…Đối với Mỹ, cũng như các quốc gia đã chiến thắng và bảo vệ được nền chủ quyền của mình, Mỹ hiểu rằng không có gì quý hơn độc lập tự do. Tư tưởng này đã soi đường chỉ lối chúng tôi xuyên suốt các thời kỳ lịch sử của Mỹ.
Nó đã khuyến khích chúng tôi hy sinh và sáng tạo không ngừng. Và đó là lý do vì sao hôm nay, hàng trăm năm sau chiến thắng cuộc Cách mạng Mỹ, chúng tôi vẫn ghi nhớ những lời căn dặn của một người sáng lập nước Mỹ và vị Tổng thống thứ hai của Mỹ, John Adams.
Trước khi qua đời, người con yêu nước của Mỹ này được yêu cầu nói ra suy nghĩ của mình đối với dịp kỷ niệm 50 năm Mỹ giành độc lập huy hoàng, ông đáp lại: Độc lập mãi mãi.
Có một thứ tình cảm bừng cháy trong tâm trí của tất cả những người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam ở đây đã biết đến thứ tình cảm này không chỉ trong vòng 200 năm mà gần 2.000 năm.
Đó là vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là những vị anh hùng đầu tiên đánh thức tinh thần yêu nước trong lòng người dân Việt. Chính nhờ chiến công này mà sau đó, lần đầu tiên, người dân Việt Nam đã đứng lên để giành lại độc lập của mình với niềm tự hào dân tộc.
Ngày nay, những người con yêu nước và những anh hùng lịch sử đã cầm chắc trong tay câu trả lời cho những câu hỏi lớn về tương lai và thời đại của chúng ta.
Họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai và chúng ta được đất nước hiệu triệu để làm gì.
Chúng ta ghi tạc lời nhắc nhở này trong sức mạnh của chúng ta để đưa người dân và thế giới của chúng ta lên một tầm cao mới - một tầm cao mà chưa từng được với tới.
Vì vậy, hãy để chúng ta lựa chọn tương lai của chủ nghĩa yêu nước, thịnh vượng và tự hào. Hãy để chúng ta lựa chọn sự giàu có và tự do chứ không phải đói nghèo và nô lệ. Hãy để chúng ta lựa chọn một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Cuối cùng, hãy để chúng ta không bao giờ được quên rằng dù thế giới có nhiều nơi chốn, nhiều giấc mơ và nhiều con đường nhưng không đâu bằng nhà.
Vì gia đình, vì đất nước, vì tự do và vì lịch sử, hãy bảo vệ mái nhà bạn, và yêu quý mái nhà của mình ngày hôm nay và mãi mãi sau này”.
(Trích diễn văn của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại APEC 2017)