Văn học Nga thời kỳ hậu Xô viết (từ sau 1991) còn ít được biết tới ở Việt Nam cả ở bình diện lịch sử, lý luận văn học lẫn thực tiễn sáng tác.
Thế kỷ 21 sắp bước sang thập niên thứ ba, đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại và phân tích sự vận động cực kỳ phức tạp của văn học Nga giai đoạn này.
Bức tranh văn học Nga hậu Xô viết
Những thay đổi chính trị bắt đầu những năm 1990 đã phá vỡ cấu trúc đơn nhất của văn học Xô viết thành nhiều mảng, tạo những dòng và những khuynh hướng khác nhau, có nguyên tắc thẩm mỹ, đạo đức, loại bạn đọc riêng của mình. Cộng đồng văn học chung thời Xô viết bị chia rẽ bởi những ranh giới tư tưởng, xã hội và thương mại.
Dưới đây chúng tôi xin kể ra một số mảng văn học “cùng tồn tại” trên văn đàn để thấy được toàn bộ tính đa dạng và phức tạp của văn học Nga từ đầu những năm 1990, cũng như việc đánh giá những thay đổi diễn ra trong giao thời thế kỷ 20-21.
1. Trước hết là mảng Văn học Xô viết, bao gồm văn học Xô viết chính thống và văn học Xô viết “bán chính thống” (một thuật ngữ ước lệ). Dòng văn học đầu liên quan tới nền văn học Xô viết vừa mới rời bỏ sân khấu văn học, dòng thứ hai liên quan tới “văn học nông thôn” và “văn học liberal(1)”.
Văn học nông thôn - một bộ phận quan trọng và có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học Xô viết. Dòng văn học này mô tả hoàn cảnh khủng khiếp của nông thôn Nga do công cuộc tập thể hóa và những bất hạnh của chiến tranh và thời kỳ hậu chiến mang lại. Với những tác phẩm xuất sắc, văn học nông thôn đã tham dự vào sự phát triển quá trình tự ý thức dân tộc. Tới những năm 1970-1980, văn học nông thôn đạt được sự độc lập của mình, thông qua những đại diện xuất sắc như Astafiev, Belov, Suksin và Rasputin, truyền bá tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc. Chính tinh thần yêu nước và sự dũng cảm trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường sống, môi trường văn hóa, tinh thần dân tộc, khiến dòng văn học này chiếm được lòng tin và uy tín trong lòng bạn đọc. Vào thời của mình, sách của các tác giả này rất khó kiếm. Chỉ tới giai đoạn tiền cải tổ, cuối những năm 1980, với sự xuất bản và tái bản ồ ạt, sách văn học nông thôn mới đáp ứng được nhu cầu cao của độc giả.
Thời kỳ hậu Xô viết, văn học nông thôn đánh mất tiếng tăm từng đạt đỉnh điểm vào những năm 1970, bởi các giá trị gia trưởng và dân tộc chủ nghĩa đã bị mất đi cùng thời kỳ này. Tuy nghiêng về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mảng văn học này ít nhiều vẫn giữ được vai trò của mình trong nền văn học Nga đương đại.
Văn học liberal - con đẻ của thời kỳ “tan băng” Khrusov, đã và đang được đánh giá là một khuynh hướng văn học trung thực. Khát vọng của văn học liberal là làm sao nói lên sự thật nhiều nhất. Dòng văn học này tạo dựng nền nếp cho chính phạm trù văn chương và bằng điều đó một thời gian dài đã lôi cuốn được độc giả, lớp độc giả đói nghệ thuật và sự thật. Các nhà văn, nhà thơ như Evtusenko, Voznetnensi… tạo nên cái gọi là “thơ ca quảng trường”, trực tiếp lôi cuốn đại chúng vào phong trào xã hội, kích thích tinh thần phê phán, tìm kiếm con đường cho nước Nga Xô viết đang đi vào ngõ cụt. Văn học liberal toàn tâm toàn ý ủng hộ Cải tổ và ở vào giai đoạn đầu nó đóng vai trò từng khao khát: thẩm phán luận tội xã hội theo luật định đạo đức và lẽ phải. Tới năm 1991, khi dân chủ không còn là thứ quý hiếm, thì dòng văn học liberal dần trở thành lỗi mốt.
Ngày hôm nay nhìn lại, một câu hỏi lớn đặt ra trước giới sáng tác và phê bình: liệu các giá trị Xô viết có bị mất đi trong thời hậu Xô viết? Đã từng dấy lên phong trào hạ thấp toàn bộ nền văn học thời kỳ Xô viết của một số các nhà phê bình cực đoan và các nhà văn trẻ. Họ tuyên bố rằng giới trí thức văn hóa Xô viết đã hoàn toàn đánh mất uy tín. Cuộc tấn công rầm rộ toàn bộ nền văn hóa Xô viết mang tính cực đoan thái quá, không có cơ sở, nên không lôi cuốn được độc giả. Những nhà phê bình kiểu “hắt chậu nước hắt luôn đứa trẻ” làm nhớ lại nhóm vị lai đầu thế kỷ muốn “hắt luôn” cả Puskin lẫn Gogol vì một nền văn học đang còn ở đâu đó!
Trên thực tế, trong suốt những năm 1990, ảnh hưởng Xô viết vẫn nhận thấy rõ trong văn học. Cái tâm thức Xô viết được xây dựng bằng những hình tượng nghệ thuật thành công trong sáng tác của các nhà văn lớn đã tạo cơ sở cho quá trình tự ý thức Nga - một đề tài thắng thế trong những năm 1990 ở các dạng khác nhau trong sáng tác của các nhà văn nổi tiếng như Makanin, Piesuk, Sorokin và Pelevin, và có thể sẽ là một trong những đề tài trọng tâm của văn học Nga trong tương lai gần.
Hơn thế, mặc dù nhiều tác giả hiện đại chối bỏ đạo đức Xô viết và trải nghiệm một tiến trình tự ý thức đau đớn, cũng như việc đánh giá lại vị trí trong xã hội, phần lớn họ vẫn không tìm được điều gì đó khả dĩ có thể thay thế nó. Thay thế và vượt lên các hình tượng văn học đã trở thành kinh điển mang phẩm giá và đạo đức nhân dân như người lính Andrei Sokolov (Số phận con người), người tù “đằng mình” Ivan Denisovich (Một ngày của Ivan Denisovich), thím Matryona (Sân nhà Matryona)… là một thách thức không dễ vượt qua đối với nền văn học Nga mới này. Những hình tượng tôn giáo trong tác phẩm của một số nhà văn chủ yếu vẫn chỉ là dấu hiệu hy vọng, chứ không phải là sự phản ánh cuộc tìm kiếm tinh thần sâu sắc hay sự khẳng định đức tin. Như vậy, ngày hôm nay việc khẳng định văn học Nga đã hoàn toàn thoát khỏi quá khứ Xô viết hay chưa còn là vấn đề bàn cãi.
2. Văn học được phục hồi
Đây là mảng văn học lớn bao gồm toàn bộ những tác gia và tác phẩm bị cấm in trong thời kỳ Xô viết, khởi từ sáng tác của Zamiatin những năm 1920, qua sáng tác của B. Pasternak (những năm 1950) tới sáng tác của Solzenitsin (những năm 1960-1970). Bên cạnh dòng văn học viết về hệ thống nhà tù Xô viết (điển hình trong sáng tác của Solzenitsin) là những bức tranh hiện thực nghiệt ngã về chiến tranh, thế sự trong sáng tác của các nhà văn xuất sắc V. Grossman, IU Dombrovski. Sáng tác của họ vẫn được đón nhận nơi độc giả mọi thời vì nó là sự kết hợp sinh động của cái ngày hôm nay với các giá trị phổ quát của nhân loại muôn thủa. Tiếp tục sự nghiệp của họ là thế hệ các nhà văn trẻ tuổi, như G. Vladimov và A. Bitov. Đây là các nhà văn có tác phẩm in ở phương Tây vào những năm 1970, lần đầu xuất hiện ở Nga vào thời kỳ Cải tổ. Nhiều người trong số đó nhận được những giải thưởng văn chương khác nhau (Bulat Okudzava nhận giải Buker năm 1994 cho những hồi ký của mình; Vladimov nhận được giải này vào năm 1995 cho cuốn tiểu thuyết hiện thực nổi tiếng khi đó: Vị tướng và quân đội của ông…).
3. Văn học Nga hải ngoại
Cảm giác hỗn độn gia tăng trong văn học thời kỳ Cải tổ khi văn học Nga hải ngoại đổ về chính quốc như thác lũ. Đội ngũ các nhà văn Nga hải ngoại đã tạo nên một mảng văn học Nga ở nước ngoài và có những đóng góp cho nền văn hóa, văn học Nga thế kỷ 20 (trong đó có tới tới 3 nhà văn giải Nobel: Bunin, Solzenitsin, Brodski).
Tuy nhiên, cụm từ “văn học hải ngoại” vào những năm 1990 cũng chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì sự khác biệt giữa các tác phẩm được viết ở trong và ngoài nước Nga từ thời kỳ này trở đi là khó nhận biết. Nhiều nhà văn quay trở về nước Nga, lại có những người sống ở cả hai nơi (Bitov và Voinovich). Mặc dù nhiều nhà phê bình cho rằng văn học Nga đã thống nhất, nhưng lại bắt đầu xuất hiện dấu vết của sự phân cách giữa văn học Nga và văn học hải ngoại. Một số nhà văn cảm thấy mình bị bạn đọc của nước Nga mới từ chối, giống như thời kỳ Xô viết.
4. Văn học đại chúng bao gồm các thể loại trinh thám, kinh dị và ngôn tình. Đây là mảng văn học ăn khách nhất thời hậu Xô viết. Ngoài một số nhà văn viết truyện hình sự, chống gián điệp thời Xô viết, những thể loại nêu trên của văn học đại chúng hầu như không tồn tại trong văn học Xô viết chính thống. Chính vì vậy vào đầu thời kỳ Công khai và Cải tổ (cuối những năm 1980, đầu 1990) khi thị trường sách báo bung ra, sách dịch văn học phương Tây được dịch ồ ạt đáp ứng thị hiếu của bạn đọc. Tuy nhiên, năm 1994 bắt đầu có sự chuyển hướng về văn xuôi nội địa. Sự chuyển hướng này, một phần do vấn đề tài chính. Vì buộc phải mua bản quyền in sách của phương Tây, các nhà xuất bản tìm cách đặt hàng các nhà văn “nội địa”. Rất nhanh chóng, trong những năm 1990 các nhà văn đã chiếm lĩnh được những thể loại văn học đại chúng này. Tới cuối thế kỷ, một trong những nhà văn nổi tiếng nhất nước Nga là Aleksandra Marinina (từng là đại tá công an), người từ năm 1991 đến năm 2000 đã viết được 22 truyện trinh thám có số phát hành trên 23 triệu bản!
5. Văn học hậu hiện đại
Như đã nói ở trên, văn học hậu hiện đại đã xuất hiện ngay trong lòng văn hóa Xô viết với những sáng tác của các nhà văn “dưới hầm” những năm 1970, bắt đầu từ tác phẩm Moskva - Petuski (1969-1970) của V. Erofiev tới Trường học của lũ ngốc (1976) của Sasa Sokolov và Nhà Puskin (1978) của Bitov. Đây được coi là những tác gia kinh điển của mảng văn học này. Sáng tác của họ đã ảnh hưởng sâu sắc tới các nhà văn theo khuynh hướng hậu hiện đại bùng phát ở giai đoạn hậu Xô viết với những đại diện như E. Popov, V. Sorokin và V. Nabrikov.
Tuy nhiên, một số tác phẩm hậu hiện đại, đặc biệt là “văn xuôi phi đạo đức” của Sorokin, thứ văn xuôi khiêu khích những húy kỵ về đạo đức cũng như văn chương, khước từ những giá trị của văn hóa Xô viết, phản ánh sự suy sụp nặng nề về đạo đức và tinh thần của xã hội Nga hậu Xô viết, đã gây ra những tranh cãi gay gắt trong giới bạn đọc và sự phủ nhận kịch liệt trong giới nhà văn.
6. Văn học non-fiction(2)
Giữa những năm 1990, một hiện tượng rất dễ nhận thấy trong đời sống văn học Nga, đó là sự lên ngôi của các thể loại văn xuôi “non-fiction”: tiểu thuyết triết luận, tiểu thuyết tự thuật, hồi ký, nhật ký, gia phả dòng họ… Tới năm 1998 những thể loại này phổ biến tới mức nhà phê bình Nikolai Aleksandrov đã nói tới “hội chứng hồi ký” và “đại thắng của văn xuôi phi nghệ thuật”. Hiện tượng này không chỉ xảy ra trong văn xuôi Nga mà có thể thấy ở nhiều nền văn xuôi của các nước khác trong giai đoạn giao thời chuyển đổi các hệ hình sáng tác, khi những khuynh hướng văn xuôi nghệ thuật mới chưa ổn định không đáp ứng được thị hiếu người đọc. Bài học của văn học hậu hiện đại Nga là một ví dụ. Với những thể nghiệm nghệ thuật cực đoan cùng với “trò chơi ngôn ngữ” và khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa “phi đạo đức” thái quá của một số tác giả đã khiến người đọc thất vọng quay lưng. Họ quay lại với dòng tiểu thuyết hiện thực, như tiểu thuyết của Vladimov - Viên tướng và quân đội của ông và dòng văn xuôi non-fiction.
Ù
Dung hợp giữa tính liên tục và sự thay đổi, đó là đặc điểm nổi trội của văn học Nga trong suốt gần ba thập niên vừa qua. Kết hợp những thành tựu của văn học quá khứ, những cái hay, cái đẹp của các trào lưu trường phải nghệ thuật khác nhau cùng tồn tại trong một thực thể văn học và luôn tự làm mới mình, đó là con đường duy nhất cho sự phát triển của văn học Nga. Mặc dù chất lượng của nó cho đến giờ vẫn rất không đồng nhất và hiện vẫn chưa thật sự xuất hiện “một nền tiểu thuyết vĩ đại hậu Xô viết”, mặc dù có những ý kiến nhận xét cực đoan khác nhau từ phía các nhà phê bình, vẫn có cơ sở để nhận định rằng vô số những tư tưởng, thể loại và phong cách khác nhau cùng tồn tại trong một nền văn học và không gây nên “cái chết” cho nhau, đó là một hiện tượng đầy khả quan.
______
(1) Liberal: tự do, không hẹp hòi, không thành kiến. (HV)
(2) Non-fiction: phi hư cấu, viết về người thật việc thật. (HV)