Có bao nhiêu đánh bấy nhiêu
Ít người biết rằng, kế hoạch về cuộc tiến công chiến lược 1968 đã được soạn thảo từ năm 1965 trong giai đoạn chiến tranh đặc biệt mang tên Kế hoạch X. Để chuẩn bị cho kế hoạch, lực lượng Biệt động F100 của Quân khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập.
Theo kế hoạch, sau khi Biệt động đánh vào các mục tiêu sẽ được quân chủ lực tiếp ứng và phong trào nổi dậy của quần chúng hỗ trợ nhằm đánh sập các đầu não chỉ huy chiến tranh của Việt Nam Cộng hòa. Song, kế hoạch X tạm dừng lại, đợi đến năm 1968 mới thực hiện.
Tuy nhiên, đến ngày cuối, một số mục tiêu do nhiều lý do buộc phải hủy kế hoạch. Các mũi tiến công theo đúng kế hoạch áp sát mục tiêu chờ lệnh. Đáng tiếc là, gần đến giờ G, Biệt động mất liên lạc với các đơn vị bộ đội hiệp đồng. Dù vậy, họ vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch trong sự tương quan lực lượng quá chênh lệch. Mỗi mục tiêu chỉ có nhiều lắm là 20 người với trang bị vũ khí cá nhân hạng nhẹ và thuốc nổ. Trong khi đó, lực lượng đối phương là hàng tiểu đoàn, lữ đoàn trang bị đến cả xe tăng, trực thăng vũ trang… Trong tình hình đó, ai cũng nhớ Tư lệnh Biệt động Tư Chu (Nguyễn Đức Hùng) từng nói một câu nổi tiếng, tiêu biểu cho khí phách và tinh thần chiến đấu kiên cường của những chiến sĩ Biệt động: “Biệt động có bao nhiêu đánh bấy nhiêu”.
Tòa đại sứ Mỹ là một trong những mục tiêu tấn công. Tòa nhà này trước nằm trên đường Hàm Nghi, vào năm 1965 đã bị Biệt động Giải phóng phá sập nên phải chuyển về đường Thống Nhất (nay là Lê Duẩn).
Công trình mới là một tòa nhà hiện đại và quy mô vào bậc nhất thời bấy giờ, phải đến năm 1967 mới xây xong. Lo sợ lại bị tấn công, tòa đại sứ mới được xây dựng theo công nghệ cao (high-tech) với cấu trúc vững chắc và tường chống đạn rốc két bao quanh, nhất là được bảo vệ rất cẩn mật.
Với mục tiêu như thế, chỉ có một tuần chuẩn bị là quá ít, song các chiến sĩ đã quyết tâm rất cao để thực hiện mệnh lệnh cấp trên. Trong khi lực lượng và vũ khí ém sẵn đã phân phối hết, Bộ tư lệnh Biệt động phải gom tất cả số cán bộ, chiến sĩ giao liên, phục vụ của đơn vị bảo đảm thành lập đội Biệt động số 11 để đánh tòa đại sứ, do đồng chí Ba Đen (tức Ngô Thành Vân) nguyên là chỉ huy đội Biệt động 159, sau là chỉ huy đơn vị A30 bảo đảm đứng ra lo liệu. Mặc dù chuẩn bị gấp rút nhưng các chiến sĩ đội Biệt động số 11 đã chiến đấu với tinh thần quyết tử khiến kẻ thù phải khiếp sợ.
Diễn tiến trận đánh
Ở Đại sứ quán Mỹ, lúc 1 giờ 55 phút ngày 31-1-1968, 17 chiến sĩ đội Biệt động số 11 do Ngô Thành Vân (Ba Đen) chỉ huy dùng xe du lịch có hỏa lực B40 và 100kg thuốc nổ yểm trợ đột nhập thẳng cổng tòa đại sứ. Sau khi diệt 4 quân cảnh Mỹ gác ở cổng, Biệt động dùng thuốc nổ phá thủng tường bên hông đường Mạc Đĩnh Chi, tiến đánh vào bên trong, chiếm gần hết tầng 1 rồi tiến lên tầng 2 và 3 tòa đại sứ. Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải bắt sống Đại sứ Bunker, nhưng các nhân viên an ninh sứ quán Mỹ đã lén đưa được Bunker rời khỏi biệt thự bằng một chiếc xe bọc thép sang ẩn nấp trong một hầm bí mật ở một địa điểm khác.
Chỉ 20 phút sau khi tòa đại sứ bị đánh, một toán quân cảnh Mỹ đến cứu viện, nhưng bị Biệt động bắn chặn nên không vào được cổng chính. 7 giờ sáng ngày 31-1-1968, một trung đội quân cảnh Mỹ lọt được vào cổng chính. Chúng còn dùng hơi cay và hơi ngạt bắn vào tòa nhà, làm chiến sĩ ta mất sức chiến đấu. Cuộc chiến đấu trong sứ quán vẫn diễn ra quyết liệt.
Nhiều phóng viên Mỹ và nước ngoài có mặt tại chỗ quay phim phóng sự, truyền hình trực tiếp về Mỹ, làm cho dân chúng bàng hoàng.
7 giờ 20 phút, hãng tin Mỹ AP đưa tin nhanh do ký giả Peter Arnett từ Sài Gòn điện về New York: “Việt Cộng đã chiếm lĩnh bên trong tòa đại sứ”, gây choáng váng cho Lầu Năm Góc và dư luận Mỹ. Sau đó, tờ Tin hàng ngày Washington loan báo: “Cảnh sát quân sự Mỹ đã phải đổ bộ bằng máy bay lên thẳng xuống nóc nhà sứ quán ở Sàỉ Gòn trong khói đạn để giành lại ngôi nhà được coi là ‘chống du kích’ nhưng lại bị Cộng sản chiếm trong hơn 6 giờ liền. Chỉ riêng cảnh tượng đó cũng đủ để buộc chính phủ Johnson dẹp bỏ những nhận định lạc quan của mình...”.
9 giờ sáng ngày 31-1-1968, quân Mỹ đổ được một bộ phận lực lượng Sư đoàn dù 101 xuống sân thượng tòa đại sứ. Lực lượng tăng viện của quân Giải phóng không đến được như kế hoạch hiệp đồng. Các biệt động quân Đội 11 dũng cảm chiến đấu đến người cuối cùng. Trận đánh Đại sứ quán Mỹ kết thúc, trong 17 người của đội Biệt động có 16 người tử trận, chỉ còn đội trưởng Ngô Thành Vân bị thương ngất đi và bị bắt. Quân Mỹ cũng thiệt hại nặng: 5 lính chết tại chỗ, 17 chết tại quân y viện và 124 bị thương.
Việc quân Giải phóng đánh chiếm và trụ lại trong tòa đại sứ Mỹ tới hơn sáu giờ đồng hồ đã gây một tiếng vang lớn, làm chấn động nước Mỹ. Tất cả các cấp chỉ huy quân sự, ngoại giao ở Sài Gòn và cả nước Mỹ bàng hoàng, sửng sốt. 9 giờ 30 phút sáng ngày 31-1-1968, Tư lệnh lực lượng Mỹ - tướng Westmoreland có mặt ở sứ quán chứng kiến “khu sứ quán thật là hỗn độn, xác người Mỹ và người Việt Nam vẫn nằm ngổn ngang. Nhưng không giống như hầu hết các chiến trường, các nhà báo, các nhà quay phim vô tuyến truyền hình Mỹ hình như có mặt khắp mọi nơi. Nét mặt họ ánh lên nỗi buồn bực và tâm trạng không tin tưởng như thể sự tận cùng của thế giới đã đến nơi rồi”. Nhà báo Dave Richard Palmer nhận xét: “Nhiệm vụ của họ [Biệt động Giải phóng] là xông vào sứ quán Mỹ. Làm được gì ở bên trong sứ quán không quan trọng, mà mục đích là phải xông vào được nơi đó đánh một đòn tượng trưng cho toàn bộ cuộc tiến công… Họ đã thành công hết sức to lớn”.
Vào thời điểm đó, tướng Westmoreland muốn che giấu tâm trạng bối rối đã tuyên bố “không một Việt Cộng nào vào được trong sứ quán. Sứ quán chỉ hư hại nhẹ”. Những lời dối gạt đó thật vô ích, bị dư luận công kích, như Don Oberdorfer viết trên báo Washington Post: “Cuộc tấn công vào sứ quán hình như đã bác bỏ những lời dự đoán có tính chất tô hồng và những lời khoe khoang thắng lợi mà Westmoreland và những người khác đã tung ra”. Tướng Westmoreland báo cáo với Tổng thống Johnson rằng, Mỹ đã làm chủ tình hình, nhưng Johnson đã nói chua chát: “Việt Cộng đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi!”.
30 năm sau Tết Mậu Thân, vào năm 1998 người Mỹ đã chủ động xin phá bỏ tòa nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn cũ. Phải chăng họ mong muốn xóa đi một hình ảnh không đẹp lẫn đau buồn của một cuộc chiến không có hào quang và một nỗi đau dai dẳng trong lòng một Hoa Kỳ từng bách chiến bách thắng! Nay trên vị trí này là trụ sở Lãnh sự quán Mỹ ở TP.Hồ Chí Minh.