Bất kỳ một người nước ngoài nào muốn vào Việt Nam thì trước hết họ phải tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Trên thực tế rất nhiều người nước ngoài, kể cả những người đến từ Âu - Mỹ, từ những châu lục xa xôi khác xa chúng ta về phong tục tập quán văn hóa đặc biệt thích thú khi được sống chung, hòa vào lối sống của gia đình Việt. Trong lúc đó nhiều người Việt chúng ta lại trở thành nô lệ cho tư tưởng vọng ngoại, sính ngoại. Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam muốn tỏ ra sành điệu, thuộc làu nhiều ca khúc hip hop, rap-rock quốc tế nhưng không biết đến, không thuộc nổi một câu hát dân ca. Họ không biết rằng người ngoài sẽ coi thường, cười nhạo, đánh giá họ là người có “vốn văn hóa lùn” khi tỏ ra rành rẽ văn hóa ngoại nhập nhưng lại lúng túng, ngơ ngác chẳng hiểu gì về cội nguồn văn hóa của dân tộc.
Là người Việt Nam hẳn ai cũng ý thức được một điều rằng: Gia đình luôn là bến đỗ tâm hồn, là chỗ dựa tin cậy vững chắc nhất cho mỗi thành viên trong gia đình, là nơi mà mọi thành viên có thể chia sẻ yêu thương, gánh vác trách nhiệm, nơi để trở về trong vòng tay ấm áp của những người thân yêu nhất sau một ngày lao động nhọc nhằn, sau chuỗi ngày xa nhớ. Thế nhưng, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, do mải miết lao vào công việc để kiếm tiền, nhiều người Việt hiện đại không còn coi trọng gia đình, họ mặc nhiên biến nơi lẽ ra là tổ ấm của mình thành quán trọ ghé chân qua những ngày dài bươn chải. Quan niệm về những mái nhà tam, tứ đại đồng đường không còn trong ký ức của nhiều người. Họ sợ phải liên quan, chia sẻ, gánh vác trách nhiệm. Biết bao người già có nhiều đứa con ăn nên làm ra, thậm chí giàu có thành đạt nhưng vẫn để cho họ - các đấng sinh thành - phải sống trong cô đơn buồn tủi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Trong một lần chúng tôi cho sinh viên thuyết trình theo chủ đề Về một mô hình gia đình lý tưởng thời hiện đại (môn Cơ sở văn hóa Việt Nam), một sinh viên nữ năm thứ ba bày tỏ: “Đã gọi là một gia đình lý tưởng thời hiện đại, trước hết, cơ cấu thành phần của gia đình đó tốt nhất chỉ nên có tối đa là hai thế hệ, gia đình nào nhỡ có ông bà thì cho họ sống dưới quê rồi chu cấp hàng tháng chứ để sống chung thì mệt mỏi, phức tạp lắm, mấy ông bà già hay lắm chuyện”. Tất nhiên ý kiến này ít nhận được sự đồng tình của bạn bè trong lớp nhưng đáng buồn là cũng có không ít sinh viên gật đầu đồng cảm (!) Tôi nhớ rất rõ khuôn mặt đỏ bừng của một sinh viên nam khi giơ tay có ý kiến mà cô giáo chưa kịp mời đã đứng luôn lên phản đối: “Rõ ràng bạn là người ích kỷ, sao bạn không nói nhỡ có ba mẹ thì cho họ ở riêng luôn đi…”. Cuộc tranh luận hôm đó diễn ra rất sôi nổi. May mà phần lớn các bạn trẻ vẫn nghiêng về quan điểm: cần tôn trọng cấu trúc mô hình gia đình truyền thống bất kể gia đình đó có mấy thế hệ. Phải biết sống hòa hợp và có trách nhiệm trước hết với những người thân trong gia đình, đặc biệt là đối với người có công sinh thành, dưỡng dục mình. Đó mới là nếp nghĩ, cách cảm mang bản chất truyền thống của người Việt dù sống ở bất kỳ thời đại nào.
Một trong những nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam là thói quen trong ứng xử giao tiếp. Lối nói tế nhị ý tứ của người Việt bắt nguồn từ tính tôn ti và lối ứng xử trọng danh dự mà cha ông tự ngàn xưa để lại. Thế nhưng cuộc sống gấp gáp, sự chạy đua với thời gian dường như đã và đang làm mất đi vẻ đẹp hài hòa dung dị ấy. Trong gia đình, dù biết chắc là ông bà thậm chí cả bố mẹ không quen lối ứng xử giật cục, cụt ngủn nhưng con cháu cứ hồn nhiên ăn nói chỏng lỏn. Đã không ít lần người viết bài này chứng kiến cảnh một vị đại tá về hưu ngán ngẩm thở dài khi nghe chính đưa cháu mà mình rất mực yêu chiều đáp trả bằng những lời cộc cằn thô lỗ: “Mệt quá. Hỏi nhiều thế ông nội già” (!)… Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hổ lốn trong cư xử giữa các thế hệ trong gia đình? Tất nhiên trước hết, một mặt là do quá trình giáo dục không đến nơi đến chốn của mỗi gia đình. Mặt khác là sự ảnh hưởng, tác động từ phía xã hội. Khi chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt nhưng phần lớn người ta thờ ơ bỏ qua, lâu dần thành quen.
Chất lượng của cuộc sống xã hội hiện đại luôn được cải thiện là điều không thể phủ nhận nhưng có gì đó mâu thuẫn, có một tỉ lệ nghịch nào đó đối với các giá trị truyền thống đang bị lung lay và dần dần mai một. Sự tác động từ nhiều chiều kích khác nhau của cơ chế hội nhập đã tạo cho các thế hệ hiện nay có lối sống phổ biến thiên về cá nhân. Trong gia đình, sự hòa thuận yêu thương nhường chỗ cho không khí tẻ nhạt. Mỗi người đều thích “cố thủ” trong khoảng không gian riêng. Tự do cá nhân được đẩy lên đến mức tuyệt đối. Người lớn ngày càng bận rộn hơn. Trẻ em ngày càng đắm chìm trong những thời gian biểu học tập dày đặc mà không có kẽ hở cho vui chơi nô đùa như lẽ ra ở lứa tuổi chúng cần phải có. Đặc biệt ở các đô thị, khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình bên nhau kể chuyện công việc học hành, chia sớt buồn vui trở nên hiếm hoi. Bếp gia đình lắm khi chẳng đỏ lửa. Cảnh các thành viên trong gia đình bên nhau xuýt xoa hào hứng thưởng thức những món ngon đậm đà hương vị dân tộc đã trở thành niềm mơ ước xa xỉ của nhiều gia đình. Thay vào đó là thức ăn nhanh, những món ăn đã được chế biến sẵn trong các nhà hàng, siêu thị. Nhiều bố mẹ thảy hết việc nuôi dạy chăm sóc con cái cho người giúp việc, tối ngày lao vào kiếm tiền mà không biết con họ quá thiếu thốn, khao khát sự âu yếm thương yêu dù thừa mứa về vật chất tiền bạc.
Người lớn, nhất là những người biết nâng niu quý trọng giá trị văn hóa gia đình đều nặng lòng trăn trở vì sự mất dần, trôi dần vào quên lãng lối sống mộc mạc chân tình, gắn bó hòa quyện mà từ ngàn đời nay cha ông thường có với nhau. Mối quan hệ, sự ràng buộc giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, rạn nứt nếu như không nói là bị phá vỡ. Nhiều người già rơi vào hội chứng trầm uất chỉ vì không được gặp gỡ chuyện trò hằng ngày với con cháu, cuối cùng đành phải vào sống tại các trung tâm dưỡng lão để mong có người trò chuyện, cảm thông.
Trẻ con là nguồn vui, niềm tự hào của người lớn. Ngược lại người lớn, bằng tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc là điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển nhân cách. Gia đình là cái nôi tốt nhất để trẻ bồi đắp tâm hồn, phát huy trí tuệ. Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ lớn lên trong các trại mồ côi thường có nhiều vấn đề về nhân cách hơn trẻ được sống trong gia đình êm ấm. Cố thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Thị Oanh đã nói rất đúng rằng: Gia đình là pháo đài vững chắc bảo vệ cho trẻ miễn nhiễm trước những tệ nạn xã hội. Vì thế gia đình cũng có chức năng cung cấp những công dân tốt cho xã hội.