HV122 - Hoa tết của các nhà tình báo

Có lần vợ chồng tôi đến thăm nhà tình báo - ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ ở nhà ông tại con phố nhỏ Nguyễn Văn Mai, Sài Gòn. Lúc này ông đã bắt đầu đau yếu, chúng tôi đến thăm vì lòng yêu kính chứ không xin viết lách gì. Sách về ông đã ra, và bộ phim Ông cố vấn nhiều tập cũng đã chiếu.

Ông vui lắm, kể thêm nhiều tình tiết mà sách báo cũng chưa nói hết. Đặc biệt ông cho xem nhiều tấm hình quý chưa in ở đâu: Cảnh ông tay xách va li bước xuống khỏi con tàu há mồm bên bến sông. Đó là lúc ông vào Nam theo dòng người di cư, cùng bà con Công giáo xuống chuyến tàu đầu năm 1955. Ông được chính người chỉ huy Trần Quốc Hương đi “tuyển nhân sự” và sau đó được cấy vào Nam chiến đấu dưới nhiệm vụ tình báo.

Ông cho xem cả bức hình đang đứng trên boong tàu lộng gió, nhìn trời mây mông mênh. Và dành nhiều thời gian kể về tấm hình do chính tay Cụ Hồ chụp cho ông trước khi đi Nam. Cụ Hồ không cho ông đứng dựa vào cây cột, và ngắm rất lâu mới bấm máy khiến ông ngạc nhiên. Hóa ra, vì Cụ để chờ một đám mây như rồng cuốn đang trôi tới trên đầu người chiến sĩ tình báo. Cụ Hồ bảo, đời người chiến sĩ sẽ như rồng bay gió cuốn.

Nhưng lạ nhất là ở phòng khách nhà ông, trần nhà như thấp bé hẳn xuống vì một cây đào cỡ lớn, đã khô, cành xum xuê đen bóng vươn dáng rất đẹp lên sát trần nhà. Thấy chúng tôi nhìn, lạ lùng sao ông chơi cây đào cành khô to quá cỡ, ông bảo: “Đây là cành đào do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tặng tôi nhân một dịp tết đến. Nó to quá mà nhà nhỏ, phải đem gửi nhờ nhà người khác, mãi gần đây mới lấy về”.

Giờ nghĩ lại sao chúng tôi “ngu” quá không nghĩ ra chụp tấm hình với “cành đào lịch sử” đó.

Ngày ấy còn chưa có smartphone phổ biến như bây giờ. Nhưng tin rằng các con ông còn giữ chứ không để mất. Chỉ không biết rằng còn ở phố Nguyễn Văn Mai đó nữa hay không.

Liên quan chuyện hoa tết, tôi còn được biết một chi tiết hay của vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Chúng ta biết vị tướng vừa là nhà tình báo anh hùng, vừa là một nhà báo tài năng hàng đầu của báo Time và nhiều hãng tin phương Tây ở Sài Gòn trước 1975.

Đây là tầm cỡ của ông qua lời bình của các tác giả phương Tây: “Ông vừa là một điệp viên vừa là nhà chiến lược. Ông có mạng lưới liên lạc sâu sát với người Mỹ và có khả năng phân tích tình huống xuất sắc. Họ chưa bao giờ bắt được ông. Ông là điệp viên hoàn hảo” (Jean-Claude Pomonti).

“Chiến tranh Việt Nam sản sinh ra những câu chuyện, những nhân cách lạ kỳ. Nhưng không có gì giống với phóng viên tờ Time Phạm Xuân Ẩn. Ông có một cuộc đời mà trong chúng ta không ai biết rõ. Nhưng bất kể ai trong số chúng ta từng làm việc với ông đều hiểu Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hạng nhất. Là người nắm bắt sâu sắc nhất những thông tin, những hiểu biết về chính trị, lịch sử chiến tranh Việt Nam” (Stanley Cloud - Time).

Tôi có vinh dự được “làm việc” với Phạm Xuân Ẩn khi viết tác phẩm đầu tiên đưa được ông ra với ánh sáng công luận, viết về cuộc đời và tính cách ông qua cuốn Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời. Những ai thích nghe chuyện đời sống, con người của ông thì mới thích cuốn đó. Nó không chứa tư liệu đồ sộ chiến tranh như của tác giả nước ngoài sau đó tìm đến viết về ông. Vì vậy, giáo sư Larry Berman - tác giả cuốn Điệp viên hoàn hảo - đã viết lời đề tặng tôi thế này: “Trong số những người viết lại câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ tính nhân bản của ông ấy hơn ai hết”.

Một chi tiết liên quan đến hoa tết tôi muốn kể lại nhân dịp xuân về:

Phạm Xuân Ẩn đặc biệt yêu chim, cá cảnh, nuôi chó, và yêu cây cối. Hoạt động trong vỏ bọc là một nhà báo, ông quen biết rất rộng. Tết đến, đám bạn bè và quan chức Sài Gòn trước 1975 thường mừng rỡ nếu thấy chàng ký giả “rất Mỹ” này khăn đóng áo dài dẫn Bẹc-giê đến chúc tết. “Ông nội này láo” - có người trêu. Nhưng Ẩn bảo: “Không đi với vợ mà dắt theo chó Bẹc-giê là hên”.

Một Tết nọ, bà liên lạc và các đồng chí ở chiến khu biết ông Ẩn mê cây mê hoa nên đã đem biếu một cành mai rừng rất đẹp. Ông Ẩn cảnh giác: “Mai gì?” - “Trắng, chưa nở, đẹp tuyệt tươi nguyên” - “Thôi chết rồi, loại mai rừng này ở Sài Gòn làm gì có, đích thị trong rừng chiến khu. Bằng lạy ông tôi ở bụi này…”.

Chiến tranh qua đã lâu. Những vị tình báo anh hùng tôi kể đây, đều đã mất. Bây giờ hoa tết nở rực các bến nước, từ miền Tây thuyền về đậu bến Sài Gòn. Tết đến người ta khăn gói mang đồ nghề vào tận rừng sâu để “săn” mai rừng đến nỗi phải can ngăn bảo vệ rừng. Những gốc mai rừng tuyệt đẹp khoe sắc xuân trên phố chợ hoa giáp Tết. Tôi lại âm thầm nhớ người xưa…

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI