Nắng nhàn nhạt, gió chướng se lạnh, tiếng chim ríu rít trên cành, những ngôi nhà mái ngói ẩn hiện trong các vòm cây. Trên mặt nước ao, hồ lung linh in bóng những áng mây trời. Đây đó quanh co những hàng tre, khóm trúc, hàng cau, cây rơm… Tất cả như một làng quê Nam Bộ thu nhỏ trong khuôn viên trên 20ha.
Tiếng cười, nói của nam nữ sinh viên và cô giáo người Nhật Michiko Yoshii là giảng viên của Trường đại học Okinawa cùng với sinh viên Trường đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh khiến không gian trầm lắng tĩnh mịch của khu du lịch sinh thái Bảo tàng Áo dài (đường Long Thuận, phường Long Phước, quận 9, TP.HCM) rộn rã hẳn lên. Cô hướng dẫn viên Thanh Vân trẻ trung, xinh xắn trong chiếc áo dài thướt tha dẫn đoàn đi tham quan vòng quanh khu bảo tàng.
Đội ngũ lãnh đạo và nhân viên của Bảo tàng giao tiếp với khách nước ngoài hầu hết bằng tiếng Anh, nhưng cô giáo Michiko lấy chồng là người Việt Nam nên cô nói sõi tiếng Việt và hát nhạc Trịnh Công Sơn rất hay. Bước vào khu nhà dài, nơi triển lãm hàng trăm chiếc áo dài tự cổ chí kim, cô Michiko và sinh viên ngắm nghía trầm trồ những chiếc áo dài. Áo dài tứ thân từ đầu thế kỷ 17 (1645), áo dài và chân dung của Hoàng hậu Nam Phương (triều Nguyễn), chiếc áo cưới mặc qua ba đời của bà Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam Tôn Nữ Thị Ninh (1938), áo của bà nữ tướng Nguyễn Thị Định, áo của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, áo của các nghệ sĩ, ca sĩ tài danh, của các nhà văn, nhà thơ tài hoa, những doanh nghiệp, những nhà chính trị... có đóng góp nhiều tài năng xuất sắc cho đất nước. Mỗi chiếc áo có cách thiết kế khác nhau và như mang hơi hướm, hồn vía những bậc tài danh của các thế hệ nối tiếp nhau. Đây là chiếc áo tứ thân có 4 tà khiến người xem nhớ tới những người mẹ, người chị, người em gái miền Bắc ngày xưa, mặn mà duyên dáng, rất ý nhị kín đáo khi bên trong chiếc tứ thân còn có chiếc yếm bó sát tấm thân yêu kiều. Kia là chiếc áo cổ cao của bà Nguyễn Thị Bình trong vai trò là một nhà ngoại giao xinh đẹp tài ba khi ngồi đàm phán ở Hội nghị Paris. Nọ là chiếc áo lụa của bà Nguyễn Thị Định, người con của xứ dừa Bến Tre, với chân dung rạng rỡ của một nữ tướng tài đức. Chiếc áo cưới của bà Tôn Nữ Thị Ninh, nhà ngoại giao xuất sắc, đã truyền từ bà mẹ đến bà Tôn Nữ và qua con dâu của bà mặc trong ngày cưới. Chiếc áo mang nhiều ý nghĩa về mối liên hệ mật thiết về tình gia đình giữa các thế hệ của người Việt. Chân dung bà Hoàng hậu Nam Phương trong chiếc áo dài đầy kiêu sa, đài các. Sắc đẹp của bà đã được tôn vinh qua chiếc áo dài ôm sát thân hình mảnh mai, thon thả. Nhìn chiếc áo dài lấp lánh dây kim tuyến của nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết khiến ta nhớ giọng hát ngọt ngào, mùi mẫn của danh ca được mệnh danh là “Cải lương chi bảo”... Còn nhiều kiểu áo dài được thiết kế khác nhau qua nhiều thời kỳ như: áo dài cổ thuyền, áo dài tay raglant, áo dài thắt eo tà rộng, áo dài bộ complet, áo ba tà... Càng ngắm, ta như choáng ngợp giữa rừng… áo dài.
Cô Michiko và sinh viên hỏi về lai lịch những chiếc áo dài và ai là người kiến tạo ra khu bảo tàng này. Thanh Vân nói tổng quát về sự ra đời của chiếc áo dài và kể câu chuyện họa sĩ Sĩ Hoàng ngày xưa, trong một dịp tình cờ anh vẽ hoa trên áo dài giùm người bạn gái để đi dự đám cưới, chiếc áo đã được mọi người khen ngợi. Từ đó anh theo đuổi và thực hiện ước mơ có một nơi để trưng bày, tôn vinh và phát triển di vật của ông bà để lại, một kiểu y phục đã trở thành quốc phục, bộ y phục mà khi người phụ nữ mặc vào tôn vinh nét đẹp cơ thể, độc đáo ở chỗ kín mà hở, hở mà kín. Tà áo dài mà từ xa xưa đã có biết bao câu thơ, lời văn, câu hát ca ngợi với biết bao mỹ từ, là một trong những bộ quốc phục được thế giới ngưỡng mộ.
Mười mấy năm chắt chiu tiền bạc và công sức, họa sĩ Sĩ Hoàng đã làm nên khu Bảo tàng Áo dài nhằm lưu giữ, tôn vinh và giới thiệu với khách tham quan trong và ngoài nước về chiếc áo của người phụ nữ Việt Nam qua bao thời kỳ thăng trầm của đất nước. Qua đó nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng muốn tạo ra không gian đối thoại văn hóa - giáo dục giữa các thế hệ Việt Nam, góp phần định hướng cho thế hệ trẻ một nền tảng đạo đức, một thẩm mỹ cội nguồn. Bảo tàng Áo dài kỳ vọng ở thế hệ trẻ khi tiếp cận nền văn hóa thế giới, nền văn minh công nghệ hiện đại vẫn có niềm tin vào tài sản văn hóa dân tộc mà nhớ về cội nguồn văn hóa Việt Nam.
Buổi trưa, trong căn nhà thủy tạ, mọi người ngồi quanh những dĩa trái cây của miền nhiệt đới, vừa ăn vừa ca hát. Cô Michiko hát bài Một cõi đi về với tiếng đàn guitar bập bùng đệm theo. Nắng hiu hiu, gió mát lành, tiếng ca trầm ấm, ngọt ngào, buồn man mác vang trên mặt nước lững lờ khiến mọi người như trôi vào cõi nào thật xa xăm, thật thanh tịnh. Các em sinh viên Nhật hồn nhiên múa hát dưới bóng cây mấy bài dân ca Nhật kèm tiếng kèn armonica do một em nam thổi. Tiếng cười nói lại vang lên khiến cho buổi giao lưu thêm thân thiết, gần gũi hơn.
Chia tay trong lưu luyến, cô Michiko hát bài Việt Nam quê hương tôi và mọi người “hát bè” theo, mỗi người mỗi giọng theo cảm xúc riêng. Mọi người chụp chung tấm hình kỷ niệm, chỉ 10 phút sau khi ra về, ai nấy trong tay đã có tấm hình lộng trong chiếc khuôn bằng gỗ nhỏ nhắn, xinh xinh. Cô Michiko nói năm nào vợ chồng cô cũng về Việt Nam thăm quê. Cô muốn đặt may áo dài ở Bảo tàng để kỷ niệm những chuyến về Việt Nam đầy thú vị và thân thương.
Một ngày vui đùa bên bạn, ung dung trong không khí yên lành của vườn cây mát rười rượi, ngắm từng di vật áo dài mà nhớ những đoạn đời đã qua, lòng ta lâng lâng một cảm giác khó quên.
20-10-2017