HV122 - Tâm tư người hải ngoại - Ngày xuân: tìm về hồn Việt, tìm hiểu bản Việt

Dân tộc nào cũng tổ chức lễ hội đón xuân. Nhưng có lẽ không ở nơi nào lễ hội xuân lại mang lại một sự đồng cảm sâu sắc, huyền bí cho cả một dân tộc như Tết của người Việt: đồng cảm giữa con người và trời đất, giữa người sống và người chết, giữa hiện tại và dĩ vãng lịch sử, giữa gia tộc - xóm làng - đất nước, giữa người đi xa và người ở nhà. Có thể nói: hồn Tết là hồn Việt.

Tìm về hồn Việt

Hằng năm, mỗi độ xuân về, hàng vạn Việt kiều nô nức rủ nhau về tìm lại hồn Việt trong Tết ở quê hương. Tôi chỉ xin đưa ra một ví dụ nhỏ điển hình cho tâm lý cộng đồng ấy.

Cuộc chiến kéo dài 30 năm ở Việt Nam đã chấm dứt năm 1975. Từ sau đó, một số học sinh cũ của tôi ở các trường trung học Nam Định và Yên Mô (Ninh Bình) hoạt động trong chính thể miền Nam đã định cư ở Mỹ. Đến nay, anh chị em tuổi đã trên dưới “thất thập cổ lai hi”. Vượt qua hàng rào ý thức hệ, họ đã nối lại với thầy cũ, bạn xưa ở miền Bắc mối quan hệ thân thương truyền thống. Mỗi lần Tết đến, họ lại hội họp để vui chung và thường ra một tập kỷ yếu gồm các bài kể lại các kỷ niệm quê nhà, đặc biệt, nhắc lại thời học sinh trong trắng. Đáng chú ý là có rất nhiều thơ, những mảnh hồn Việt của người tha hương:

Độc tại dị hương vi lữ khách,

Nghe “mưa xuân giỏ giọt đầu cành” mà nhớ:

Quê hương cách nửa địa cầu,

Tâm tư trĩu nặng mối sầu mang mang

(Đặng Thị Xuân Mai)

Ta nhớ từng miếng nắng,

Ta nhớ từng hàng cây,

Ta nhớ từng viên gạch,

Ta nhớ từng dấu giầy.

Thôn nào lữ thứ đêm nay

Hồn quê nửa giấc đã dài xót thương

(Vũ Linh)

Nhớ xưa về chốn cũ

Nào biết mấy trùng dương

Mẹ đăm đăm ngoài ngõ

Bao giờ về, con thương?

Mồ cha giỗ quê nội

Phơi phới cúc khoe vàng

Thanh minh nào con được

Quỳ dâng ba nén hương!

(Đặng Thị Uyên)

Nhớ lại mối tình xưa nửa thế kỷ trước:

Ánh dương lướt nhẹ hàng cây

Đường xưa anh bước, lối này em đi

Vấn vương trong buổi đợi chờ

Trùng dương sóng động về hồn thiên thu

(Phạm Mạnh Ái)

Tìm hiểu bản sắc Việt

Những lời thơ lãng mạn và chân tình kể trên thể hiện nỗi đau của hai thế hệ đầu di cư sau hàng chục năm gắn bó xương thịt với đất nước. Họ bâng khuâng duyên mới (với quốc gia mới) - ngậm ngùi tình xưa (gốc Việt). Những thế hệ kế tiếp “tìm về hồn Việt” trên “gam” tình cảm khác. Nhưng tất cả các thế hệ đều có một mối quan tâm chung: tìm hiểu mình, hồn Việt tức là bản sắc Việt, để thích nghi với môi trường xã hội đa dân tộc mới.

Bác sĩ Nguyễn Lê Hiếu (định cư ở bang Oklahoma, Mỹ) đã trên ba chục năm, đã có nhã ý gửi tặng tôi những bài phát biểu trong cuộc hội thảo về văn hóa Việt Nam cuối năm 2013 ở Seatle (Mỹ), do Hội các bác sĩ, nha sĩ và dược sĩ Việt Nam ở bang Washington chủ trì. Dưới hình thức Chuyện kể cùng nhau nghe, các vị ấy trao đổi chủ yếu về bản sắc dân tộc.

Những câu hỏi đặt ra là: Thế nào là người Việt Nam? Thế nào là bản sắc Việt? Những yếu tố nào tạo nên bản sắc Việt? Dân ta từ đâu tới? Bản sắc dân tộc hòa hợp ra sao để thành dân ta ngày nay?

Chuyện số 1 đã đặt ngay câu hỏi về bản sắc: “Theo Nguyễn Hưng Quốc, khi nói: Tôi là người Việt Nam, với người Việt trong nước đó là chuyện bình thường, tự nhiên, đương nhiên. Với người Việt hải ngoại, đó là một sự khẳng định đầy ý thức... vì phần lớn không còn hoàn toàn là người Việt nữa, không còn là công dân Việt Nam nữa. Vậy mà đa số người Việt Nam ở hải ngoại vẫn còn tự xác định họ trước hết là người Việt.

“... Cái gọi là người Việt Nam ấy, cái tạm gọi là bản sắc ấy, ở quê nhà thì khá ổn định, ở hải ngoại thì nó có khuynh hướng chuyển biến. Ví dụ, những năm đầu tiên sau 1975, chúng ta tự định nghĩa mình như những người Việt Nam tị nạn, không phải là Việt Nam, mà Việt Nam tị nạn, tức là rất nặng về chính trị. Sau sống lâu ở nước ngoài, tư cách tị nạn ngày càng nhạt dần. Chúng ta tự định nghĩa tính cách Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn cội rễ văn hóa. Có nhiều góc nhìn cội rễ văn hóa, bản sắc dân tộc.

Khái niệm bản sắc (tiếng Anh: Identity; tiếng Pháp: Identité) là “bản chất, bản tính mà con người tự cảm thấy và nhận lấy, rồi từ đó xử sự một cách hợp lý với cái đặc tính mình chấp nhận”.

Bác sĩ Kim Khánh và bác sĩ Nguyễn Lê Hiếu phân biệt hai trường hợp:

1. Bản sắc nhóm (group identity) mô tả đại đa số tính tình thành viên của một nhóm (không phải là toàn thể). Nó dựa vào quan sát, mang tính thụ động, ít biến chuyển, tiệm tiến do tương đối ổn định, dần dần tạo ra truyền thống.

2. Bản sắc cá nhân (personal identity). Mỗi thành viên tuy có bản sắc chung của nhóm, nhưng thay đổi nhiều hay ít yếu tố do có tự do quyết định, chịu ảnh hưởng của thể nghiệm, giáo dục.

Các tác giả đề nghị dùng từ ngữ bản chất để nói về nhóm (group), bản sắc để nói về cá nhân (personal). Chuyển sang góc nhìn cội rễ dân tộc theo xã hội - triết học, bác sĩ Phan Hữu Trác nhận định: “Đối với cộng đồng di dân Việt, va chạm văn hóa là biểu hiện của sự khác biệt về bản sắc”.

Dưới góc độ lịch sử, bác sĩ Chat V. Dang nêu lên 12 yếu tố tạo nên sự hình thành và phát triển của bản sắc Việt. Yếu tố đầu tiên khá độc đáo mà cũng có lý. Đó là việc Tần Thủy Hoàng lập ra đế chế Trung Hoa đầu tiên (Thủy Hoàng: hoàng đế đầu tiên) thế kỷ 3 trước Công nguyên. Do Triệu Đà - tướng của Tần Thủy Hoàng, bình định một vùng tộc Việt phía nam sông Dương Tử, chiếm cả Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt. Triệu Đà chống lại Tần, tách Nam Việt khỏi Trung Hoa, trong quá trình chống Trung Hoa, dân Lạc Việt ngày càng mài giũa ý thức dân tộc.

Câu chuyện số 2 về nguồn gốc tộc Việt. Huyền thoại khởi đầu là một bà mẹ sinh ra 100 con (con trai - theo chuyện Việt, con gái - theo chuyện Mường). Có thuyết cho là thổ dân vùng Tây Tạng di cư xuống miền Nam theo sông Cửu Long thì lập ra Lào - Miên, theo sông Hồng thì lập ra nước Việt. Theo lịch sử, dựa vào sách xưa, 3.000 năm trước Công nguyên, Viêm Đế phong con trưởng làm vua phương Bắc, con thứ Lộc Tục làm vua phương Nam, lấy tên là Kinh Dương Vương. Con ông này, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, là thủy tổ các vua Hùng. Sau đó, đến An Dương Vương, Triệu Đà...

Theo khoa khảo cổ, văn minh Phùng Nguyên (3.000 năm TCN) dẫn đến thời đại Đông Sơn (thế kỷ 7 TCN - thế kỷ 1 đồ đồng, thời Hùng Vương). Người Phùng Nguyên - Đông Sơn từ đâu đến? Có thể thời tiền sử, có hai luồng di dân lớn:

Luồng 1 (40.000 năm trước đây), xuất phát từ quần đảo Indo Malaysian, tỏa ra khắp Đông Nam Á; luồng 2 là Mongoloid (cách đây 4.000 - 6.000 năm), từ Hoa Nam xuống Đông Nam Á. Người Việt phải chăng là hỗn hợp giữa hai luồng ấy?

Khoa sinh học phân tử phát hiện là người Việt có mặt lâu nhất ở Đông Nam Á, hỗn hợp ADN nhiều nhất các tộc của hai luồng di dân nói trên.

Miền Nam Việt Nam tiêu biểu cho sự chung sống của 4 sắc dân chính: Việt, Chăm, Khmer, Hoa. Hai tác giả Kim Khánh và Nguyễn Lê Hiếu đã chứng tỏ điều này qua sự phân tích gốc các nhân vật trong hai cuốn tiểu thuyết: Ai làm được (1912-1922) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa Hiệp kỳ duyên (1919) của Nguyễn Chánh Sắt.

Bác sĩ Hiếu đã cho biết là vào mùa thu 2017 các vị tổ chức một cuộc hội thảo về Nhân bản Việt Nam. Thật đáng quý tấm lòng của những trí thức Việt kiều “tuy xa quê hương, nhưng vẫn nhớ đến đất nước, dân tộc và văn hóa gốc”.

 

-------------------------

* Tác giả của các sách đã xuất bản: Phác thảo chân dung văn hóa Pháp, Mảnh trời Bắc Âu, Văn hóa Thụy Điển, Hồ sơ văn hóa Mỹ, Chân dung văn hóa Nhật Bản, Khám phá văn hóa Việt Nam, Phác thảo văn hóa Việt Nam, Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Lãng du trong văn hóa xứ sở Hoa anh đào, Từ điển tác gia nước ngoài, Từ điển hệ Hy Lạp và La tinh, Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam, Từ điển triết học giản yếu.

 

Sinh năm 1918, năm nay nhà văn Hữu Ngọc (ảnh) tròn 100 tuổi thọ. Người ta hay gọi ông là nhà văn hóa, cũng bởi vì ông thông thạo nhiều ngoại ngữ, hiểu biết nhiều nền văn hóa và đem nó ra trao đổi sách, xuất nhập khẩu cùng với văn hóa Việt. Những cuốn sách của ông được đọc ở nhiều nền văn hóa, bởi lẽ ông biết khám phá ra cái độc đáo, cái hồn phách trong văn hóa Việt. Nhiều người nước ngoài cám ơn ông, yêu mến ông, thán phục ông như một kỳ quan của văn hóa và đến Việt Nam là tìm đến ông…

100 tuổi - có người gọi ông là con khủng long của văn hóa Việt còn sót lại… Ông tham gia Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chủ yếu là làm báo, địch vận, làm văn hóa…

Hình như chúng ta còn chưa biết quý văn hóa. Một ca sĩ như Johnny Hallyday người Pháp, vừa mới mất mà cả 4 đời tổng thống Pháp đều tới viếng, chia buồn và cả nước Pháp thương tiếc. Ở ta, một nhà văn hóa như Hữu Ngọc thì có vẻ “bụt chùa nhà không thiêng”… Chả ai tặng ông giải thưởng gì, ngoài các giải như Cành cọ hàn lâm (Palme Académique) của nước ngoài… Làm thế thì ta làm sao có văn hóa được. Ta còn nghèo, nhưng phải biết quý nhân tài, bởi vì “Có được hiền tài đâu dễ” (Nguyễn Trãi).

Tôi đành an ủi: “Thôi anh ạ, cũng chẳng cần, Trịnh Công Sơn có viết: Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”.

Làm việc thiện và để gió cuốn đi “sự sở đương vi, bất vấn công” (việc cần làm thì làm, không cần công xá), đó là văn hóa.

M.Q.L.

HỮU NGỌC*