LTS: Đối với người Việt Nam ở hải ngoại, dù sống xa quê hương vì bất cứ hoàn cảnh nào, cội nguồn vẫn là cái gì đó âm thầm hiện hữu ở góc sâu thẳm của trái tim. Và Tết, ngày lễ truyền thống của dân tộc, ắt là thời điểm gợi lại nhiều ký ức.
Hồn Việt xin ghi lại tâm tình của một số anh chị em kiều bào xa xứ qua 3 câu hỏi:
1. Năm mới, ở xa quê nhà, anh/chị có cảm xúc gì về đất nước, về văn hóa người Việt?
2. Nơi xứ người, anh/chị có dự định gì cho năm mới?
3. Nếu có một lời cầu mong cho Tổ quốc, anh/chị nói lời gì?
NGUYỄN HUY HOÀNG (Nga):
Tôi đã xa Tổ quốc một phần ba thế kỷ, gần một nửa đời người. Trong suốt quãng thời gian đó, có dăm lần tôi về đón năm mới ở Việt Nam, còn lại tôi đón Tết ở nước Nga.
Ngày Tết, đó là thời khắc người xa quê thường chiêm nghiệm, nghĩ về quê hương, đất nước. Cơ may, ở Liên bang Nga có một cộng đồng người Việt đông đảo, như là một xã hội Việt Nam thu nhỏ. Ngày Tết của cộng đồng người Việt, dường như là sự mô phỏng, là sự tái hiện, nói đúng hơn, đó là sự chuyển tiếp những truyền thống, phong tục tập quán bao đời của dân tộc sang tận xứ tuyết, cách xa Tổ quốc gần 10.000km. Nhà nào cũng có bàn thờ, hương khói, cũng cúng tất niên, cũng tuân theo mọi lễ nghi ngày mồng 1, cũng xông đất, cũng mừng tuổi, cũng lì xì… Ngẫm ra, đó là sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam, bất chấp thời gian và không gian, bất chấp sự khác biệt.
Nó không chỉ gợi nên niềm yêu thương của người xa nước khi hướng về quê cha đất tổ mà nó còn giáo dục cho thế hệ thứ hai, thứ ba và lớp con cháu sau này về nguồn cội.
Cách đây mấy chục năm, người Nga hãy còn lạ lẫm với việc thờ cúng và phong tục Việt Nam, còn bây giờ họ đã quen và tôn trọng những lễ nghi đó. Nhiều cơ quan, công sở và trường học tại Nga, đến ngày Tết Việt Nam, họ cũng nhớ đến, cũng chúc mừng và có người còn mang theo quà tặng cho chúng tôi.
Thường mỗi năm mới đến, tôi hay tổng kết lại công việc của mình năm qua và cũng phác thảo sơ bộ cho công việc năm sắp tới, đó là sẽ viết được gì, dịch thêm được gì, gắng in thêm một vài tác phẩm.
Ở một đất nước đầy biến động như nước Nga, chúng tôi khao khát một sự yên hàn để sinh sống và làm việc ổn định: “Trông cho chân cứng đá mềm - Trời yên biển lặng, mới yên tấm lòng” như cổ nhân nói.
Từ nơi xa xăm, trong những ngày Tết đến, chúng tôi đau đáu hướng về quê hương, mong sao cho một ngày không xa, đất nước ta sẽ thịnh vượng, công bằng, dân chủ và văn minh như nhân dân ta hằng mơ ước.

Nguyễn Huy Hoàng | 
|