HV122 - Tưởng nhớ Trần Hữu Độ

Trần Hữu Độ là một trí thức yêu nước ở Nam Bộ trong nửa đầu thế kỷ 20, có những đóng góp cho văn học và cách mạng.

Giáo sư David G. Marr cho biết: “Vào năm 1928, Trần Hữu Độ có 13(1) sách mỏng (tracts) được lưu hành với không dưới 25.000 bản sách được in ra (…). Ít nhất 4 cuốn được in lần thứ nhì(2) cho thấy sách của ông được người đọc tìm mua, chứ không phải để bám bụi trong các hiệu sách hay trong nhà của tác giả (…). Chúng ta biết nhiều thanh niên nam nữ vừa tốt nghiệp các trường học của thực dân đã đọc sách của ông”(3).

Một điểm khác đáng ghi nhận là sách của ông xuất bản ở Sài Gòn, nhưng theo giáo sư Nghiêm Toản, sách “tràn ra đến Bắc Hà và được công chúng [ngoài ấy] hoan nghênh nhiệt liệt”(4).

Trong số những độc giả ở miền Bắc lúc đó có Trường Chinh, người sau này hai lần giữ chức tổng bí thư của Đảng. Hơn 20 năm sau, trong báo cáo đọc trước Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhì (tháng 7-1948), Trường Chinh còn nhớ sách của Trần Hữu Độ từng “làm sôi nổi can trường” người đọc(5).

Thế nhưng - như nhà nghiên cứu Bằng Giang đã viết - “Trần Hữu Độ không được kể đến trong hầu hết các bộ văn học sử của ta. Ông chỉ được nhắc qua một đôi dòng trong những cuốn không phải văn học sử (…). Về sách thuộc loại văn học sử (…) Trần Hữu Độ cũng chỉ may mắn được hiện diện thoáng qua, nhiều lắm là từ mươi dòng trở lại”(6).

Mặt khác, ông vào Đảng tại Sài Gòn khá sớm, hoạt động chung với Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu và Bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Oanh, từng hai lần bị thực dân Pháp bắt giam, đã viết 3 cuốn sách về chủ nghĩa Mác - những tác phẩm lý luận được xếp vào hàng tiên phong và được cán bộ tuyên huấn lúc đó xem là “bửu bối”. Thế nhưng các sách về lịch sử phong trào cách mạng ở Sài Gòn không có lấy một chữ nhắc đến tên ông, đến các tác phẩm của ông, đến Tân văn hóa tòng thơ hay Đông Dương văn sĩ liên đoàn do ông sáng lập…

Quê ông là vùng Láng Thé, nay thuộc huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh(7). Khoảng mười năm trước khi ông ra đời, “năm 1875, nhân dân tỉnh Vĩnh Long, quận Vũng Liêm, vùng Láng Thé, nổi dậy dưới quyền chỉ huy của cụ Nguyễn Văn Chất 60 tuổi, giết chết một số quan quân Pháp”(8). Truyền thống đánh giặc ngoại xâm của quê hương để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm trí ông.

Tuy sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng ông được cha mẹ cho đi học, ban đầu ở quê nhà, sau tại Sài Gòn. Nhờ tinh thần hiếu học, ông giỏi cả chữ quốc ngữ, chữ Nho và chữ Pháp.

Tại Sài Gòn, ông vừa dạy học, vừa chữa bệnh theo Đông y.

Theo tiến sĩ Philippe M.F. Peycam, trong những năm đầu thế kỷ 20, ông tham gia phong trào Minh Tân ở Nam Bộ của Trần Chánh Chiếu (1867-1919)(9). Sách Cách làm giàu của ông mãi đến năm 1924 mới xuất bản, nhưng có lẽ được thai nghén từ 20 năm trước theo chủ trương cổ xúy việc phát triển công thương nghiệp bản xứ.

Giữa thập niên 1920, có nhiều biến cố quan trọng tác động đến suy nghĩ của Trần Hữu Độ. Ông thành lập Tồn Việt thơ xã(10). Ông giải thích mục đích của thơ xã:

“Nước mất là vốn [bởi vì] tinh thần của nước đã mất trước vậy. Tinh thần của nước là gì? Tinh thần của nước tức là tinh thần của dân. Ngày nay nước Việt Nam đã mất rồi (…) thì toàn do tinh thần của dân Việt Nam. Sử xưa có nói rằng: Sở tuy tam hộ, vong Tần tất Sở (nước Sở tuy chỉ còn có ba nhà, mà sau này Tần mất về Sở). Bởi vậy, một nước tuy là được độc lập tự do, mà dân không có tinh thần, thì còn cũng như mất; [ngược lại] một nước mà bị phiên thuộc nô lệ, nhưng dân số có tinh thần, thì mất cũng như còn. Nay nước Việt Nam ta đã mất rồi, nhưng mà dân ta biết lo dung chú(11) tinh thần, đào luyện(12) tinh thần, bồi dưỡng tinh thần, thì tuy mất cũng chưa thật là mất hẳn”.

Tồn Việt thơ xã xuất bản sách nhằm bảo tồn tinh thần dân Việt để nước Việt tuy “mất cũng như còn”.

Trong 4 năm (1925-1928), Trần Hữu Độ biên soạn và cho ấn hành 9 cuốn sách: Cây dù gãy của nước Việt Nam (1925), Tiếng chuông truy hồn (1925, tái bản 1926), Hồn độc lập (1926, tái bản 1927), Anh hùng tạo thời thế (1926), Hồi trống tự do (1926, tái bản 1926), Tờ cớ mất quyền tự do (1926), Tinh thần tự trợ (1927), Thần quyền lợi (1927), Thanh niên tu độc(18) (1928, tái bản 1928).

Trong 9 sách đó, Thanh niên tu độc được giáo sư Trần Văn Giàu đánh giá là “quyển sách tiêu biểu nhất của Tồn Việt thơ xã (…) có nhiều tư tưởng đặc sắc”(13).

Hai năm trước, khi cụ Phan Châu Trinh qua đời, một nhà báo than thở: “Ối! Cụ Phan Châu đã mất rồi!/ Hai mươi lăm triệu có còn ai?”(14).

Trần Hữu Độ không tán thành cách suy nghĩ đó. Trong Thanh niên tu độc, ông viết: “Nước chẳng phải nước của một hai người, nước là của cả muôn triệu người. Việc cũng chẳng phải việc của một hai người. Lấy [tất] cả người trong nước trị việc trong một nước thì có việc gì mà chẳng xong; bằng lấy một hai người mà trị cả việc trong một nước, còn lại mấy chục muôn, mấy chục triệu người đều bỏ mà đi, hoặc theo phá quấy, tuy cho thánh hiền cũng vị tất trị xong. Cho nên, người đời muốn trông mong đặng trị, thì xin đừng trông mong ở một hai người, mà phải trông mong ở nơi muôn triệu người”.

Cách nhìn của Trần Hữu Độ gần với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” ngày nay. Ông phê phán những người “chỉ biết trau mình, trị gia mà cuộc hưng vong, cường nhược của nước thì lơ láo(15), không kể đến”. Theo ông, “làm dân mà mất chỗ chứa đựng mình thì còn mong mỏi gì là nhà (…). Nước mất thì nhà tan, thân bị khốn. Cho nên (…) phải trước lo cho nước, sau lo cho nhà. Nếu trái lại, lo cho nhà trước, cho nước sau, như thế là bỏ gốc, tìm ngọn”. Ông kết luận: “Phàm sĩ, nông, công, thương, mỗi người đều lấy quốc sự làm tiền đề”.

Ông nhấn mạnh vai trò tiên phong của thanh niên; bác bỏ lời khuyên của Lão Tử “đừng làm trước trong thiên hạ; kẻ nào làm trước trong thiên hạ, kẻ đó không thể không hư”. Ông viết: “Nếu không có người xướng đầu thì hoặc trầm mai ẩn phục(16) đến mười năm hoặc mấy trăm năm cũng không thấy xuất hiện, thì như đá chìm đáy biển mà thôi”.

Để làm tròn vai trò của mình, trước hết thanh niên phải không sợ khó. Ông khuyên: “Trong thế gian, có một điều đã làm cho người mất hết chí khí, làm trở ngại bước đường tiến thủ, ấy là việc sợ khó. Muôn người có tính hay sợ khó, dầu cho có tài phi thường, chức phận phi thường, cũng không làm nên việc gì đặng. Cho nên úy nan là cừu địch của thành sự”. Để minh họa cho lời khuyên đó, ông nêu gương “Ngu Công di sơn”: dời núi là việc cực kỳ khó, nhưng Ngu Công quyết làm, ai cản cũng không nao lòng, cuối cùng dời được núi.

Để khắc phục lòng sợ khó, thanh niên phải rèn luyện tính tự tin. Ông viết: “Người biết biện sự(17) thì đứng vào vị trí bất bại (…). Biết không có cái gì gọi là bại thì không có lòng sợ sệt, vậy sau ta mới có thể làm hết cái chức phận của ta phải làm. Chừng ấy, ta đem cái lương tri lương năng(18) của ta ra mà làm việc không thôi”.

Ngoài tính tự tin, phải có chí tự cường. Ông khuyên thanh niên: “Nay mình muốn có quyền tự do thì không có cái chi khác nữa, duy trước hết mình phải cầu tự cường mà thôi. Nếu muốn cho một thân ta được tự do thì ta chẳng nên chẳng trước(19) làm cho thân ta mạnh, còn muốn cho nước được tự do thì chẳng nên chẳng trước làm cho nước mạnh”.

Để nước mạnh và được tự do, thanh niên phải rèn luyện chí khí anh hùng. Ông phân biệt anh hùng hữu danh và anh hùng vô danh. Những tướng soái tài ba như Trần Hưng Đạo, Quang Trung… là những anh hùng hữu danh, được mọi người biết đến, còn binh lính dưới quyền tuy tên tuổi không được ghi vào sử sách, nhưng là những anh hùng vô danh, vì chính họ đã “giúp cho tướng soái được thành công”. Đây là một quan điểm tiến bộ, đề cao vai trò của quần chúng trong việc góp phần làm nên lịch sử. Suy nghĩ như vậy, ông khuyên thanh niên: “Đừng nói rằng ta làm người anh hùng không đặng. Ta tuy làm người anh hùng hữu danh không đặng, nhưng chưa chắc ta làm không đặng người anh hùng vô danh”(20).

Trong thập niên 1920, giữa lúc tiểu thuyết diễm tình và thơ ca lãng mạn đang “làm cho thanh niên quên cả bổn phận đối với đời; tâm hồn trụy lạc, nghị lực tiêu ma, một chứng cớ: hồi ấy, họ đua nhau đi trẫm mình ở hồ Trúc Bạch, hồ Tây hay hồ Hoàn Kiếm” - như nhận định của giáo sư Nghiêm Toản(21) - thì những lời khuyên nói trên của Trần Hữu Độ đem lại những tác dụng lành mạnh đối với thế hệ trẻ. Các tác giả Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Ngòi bút sắt của Trần Hữu Độ (…) đã góp phần xứng đáng, rất tích cực vào việc dựng dậy một lớp trẻ đầy nhiệt huyết”(22).

Tháng 7-1927, Pháp tịch thu cuốn Hồi trống tự do mà họ cho là “một cuốn sách cộng sản có tính chất lật đổ”(23). Tháng 10 cùng năm, Trần Hữu Độ bị bắt và bị kết án vì “đã dịch sang quốc ngữ bài diễn thuyết của phái viên Quốc tế Cộng sản Borodin tại Trường võ bị Hoàng Phố ở Quảng Đông”(24).

Đầu năm sau (1928), Pháp quyết định tịch thu những tập sách mỏng của Trần Hữu Độ và kết án ông 18 tháng tù vì đã “rao giảng lòng căm thù” đối với thực dân Pháp và “xúi giục dân An Nam nổi loạn”(25). Trong thời gian bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn, ông có dịp tiếp xúc với các nhà cách mạng cộng sản và được họ giác ngộ. Vì vậy, sau khi ra tù, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định đó là một trong những trường hợp “điển hình của cả một lớp nhà Nho tiến bộ, yêu nước, trước sau chuyển sang chủ nghĩa Mác - Lênin”(26).

Sau thắng lợi của Mặt trận Bình dân ở Pháp, tại hội nghị trong các ngày 29 và 30-3-1938 ở Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định), Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương.

Thực hiện chủ trương đó, Trung ương Đảng cử Trần Hữu Độ đứng ra vận động thành lập Đông Dương văn sĩ liên đoàn(27). Mặt khác, theo chủ trương của Đảng, Trần Hữu Độ thành lập Tân văn hóa tòng thơ ở số 95 đường Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là đường Trần Đình Xu) để công khai xuất bản các sách tiến bộ, trong đó có cuốn Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương của Trí Thành (tức Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư của Đảng) xuất bản năm 1938. Bản thân Trần Hữu Độ biên soạn và dịch thuật ba cuốn: Biện chứng pháp (1936), Mười một công thức của Karl Marx làm cơ sở duy vật sử quan (1936), Đế quốc chủ nghĩa (1937).

Trong hồi ký Chúng tôi làm báo, Nguyễn Văn Trấn kể: Những năm cuối thập niên 30 - đầu thập niên 40 của thế kỷ 20, “chúng tôi làm công tác tuyên truyền… mà lận lưng thì chỉ có Vụ kiện duy tâm duy vật của Trần Hữu Độ và quyển Chủ nghĩa duy vật của Hải Triều… Chúng tôi chỉ có hai bửu bối ấy”(28).

Ở Đông Dương, hàng nghìn đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắt giam trong các lao tù và các “trại lao động đặc biệt”. Trần Hữu Độ bị giam tại Tà Lài(29) rồi Bà Rá(30) từ năm 1941 đến 1943.

Sau khi được trả tự do, ông nối lại liên lạc với Trần Văn Giàu(31). Tuy sức khỏe sa sút nhưng ông tiếp tục biên dịch cuốn Xã hội chủ nghĩa. Nhưng quyển sách thứ tư này chưa hoàn thành thì ông đã ra đi vào tháng 2-1945 sau một cơn tai biến mạch máu não(32). Phải chi ông sống thêm 6 tháng nữa để có thể chứng kiến Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, để cùng toàn dân hít thở bầu không khí Độc lập, Tự do.

Ông không còn nữa, nhưng đồng bào, đồng chí không quên ông. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, tên ông được đặt cho tỉnh Trà Vinh - quê hương của ông: tỉnh Trần Hữu Độ.

*

Có lần Trần Bạch Đằng viết: Các vị thuộc những thế hệ đi trước “mất dần theo quy luật thời gian. Điều đáng nhắc là chúng ta - những người lứa sau - quá chậm trong ghi chép cuộc đời phong phú sức sống bên trong của các vị”(33).

Bài viết này quá chậm - hơn 70 năm sau khi Trần Hữu Độ qua đời, nhưng “thà chậm còn hơn không” - và còn quá đơn sơ, chỉ mới phác họa đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của ông với hy vọng các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ và công bằng hơn những đóng góp của ông trong lãnh vực văn học cũng như trong đấu tranh chính trị.l

(1) Đúng ra chỉ có 10 quyển. Ba quyển còn lại xuất bản sau năm 1928 (chú thích của PVH).

(2) Trong 4 cuốn ấy có 2 cuốn được in lại ngay trong năm xuất bản, cho thấy công chúng nhiệt tình đón nhận các sách của ông (chú thích của PVH).

(3) David G. Marr, Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, University of California Press, 1981, tr.288.

(4) Hạo Nhiên Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử trích yếu, NXB Vĩnh Bảo, Sài Gòn, 1949, tập II, tr.111- 112.

(5) Trường Chinh, “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” trong Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1976, tập II, tr.181.

(6) Bằng Giang, Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865- 1930, NXB Trẻ, TP.HCM, 1992, tr.202.

(7) Các tác giả sách Lược truyện các tác giả Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1972, tập II, tr.168) viết ông người Gò Công là không chính xác.

(8) Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.54.

(9) Philippe M.F. Peycam, Làng báo Sài Gòn 1916- 1930, bản dịch của Trần Đức Tài, NXB Trẻ, TP.HCM, 2015, tr.405.

(10) Trần Huy Liệu (Hồi ký, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, tr.461) và các tác giả Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tập II, tr.215) viết: Bảo Tồn thơ xã. Đúng ra, Bảo Tồn là tên nhà in, còn thơ xã tên Tồn Việt.

(11) Dung chú (dung: nấu chảy; chú: đúc): rèn đúc.

(12) Tu độc (tu: nên, cần phải; độc: đọc): nên đọc.

(13) Trần Văn Giàu, Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.564.

(14) Nguyễn Kim Đính, Gương chí sĩ - Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên, NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản, 2016, tr.166.

(15) Lơ láo: cảm thấy xa lạ.

(16) Trầm mai ẩn phục (trầm: chìm; mai: chôn; ẩn: giấu; phục: núp): không muốn cho người khác biết.

(17) Biên sự: làm việc .

(18) Lương tri lương năng: sự hiểu biết đúng đắn và năng lực làm việc.

(19) Chẳng nên chẳng trước: trước hết phải…

(20) Trích dẫn theo Trần Văn Giàu, Hệ ý thức tư sản…, sđd, từ tr.555 trở đi.

(21) Hạo Nhiên Nghiêm Toản, sđd, tập II, tr.111.

(22) Trần Văn Giàu và nnk, Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, sđd, tập II, tr.215.

(23) Philippe M.F. Peycam, sđd, tr.240.

(24) Philippe M.F. Peycam, sđd, tr.405-406. Mikhail Markovitch Borodin (1884-1951) từng được V.I. Lênin cử làm phái viên của Quốc tế Cộng sản ở các nước Thụy Điển - Đan Mạch - Na Uy, ở Mexico, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Tháng 10-1923, ông đến Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa) làm cố vấn chính trị cho Chính phủ Trung Hoa theo lời mời của chính phủ này, đồng thời làm đại diện của Quốc tế Cộng sản ở miền Nam Trung Hoa cho đến năm 1927. Ông giúp Tôn Dật Tiên tổ chức lại quân đội Trung Hoa theo mô hình Hồng quân Liên Xô, giúp thành lập Trường võ bị Hoàng Phố. Trong những năm 1923-1927, Nguyễn Ái Quốc (mang bí danh Lý Thụy) làm thư ký kiêm phiên dịch cho Phái bộ Borodin, đồng thời tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

(25) David G. Marr, sđd, tr.288.

(26) Trần Văn Giàu, Thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sđd, tr.445.

(27) Báo Dân chúng số 15, ngày 10-9-1938.

(28) Nguyễn Văn Trấn, sđd, tr.47. Nguyễn Văn Trấn nhớ sai tên của cả 2 cuốn sách. Sách của Hải Triều là cuốn Duy tâm hay duy vật do Hương Giang thư quán ở Huế xuất bản năm 1935.

(29) Trại Tà Lài nay ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

(30) Trại Bà Rá nay ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

(31) Trần Văn Giàu cũng bị giam ở Tà Lài từ tháng 4-1940, nhưng sớm vượt ngục (tháng 3-1941), được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (tháng 10-1943). Trong hồi ký Chúng tôi làm báo (sđd, tr.150), Nguyễn Văn Trấn cho biết Trần Hữu Độ dự một cuộc họp ở Phú Lạc (nay thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Bí thư Trần Văn Giàu triệu tập năm 1944.

(32) David G. Marr và các tác giả cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam ghi Trần Hữu Độ qua đời năm 1939, e không chính xác. Nguyễn Văn Trấn trong hồi ký (sđd, tr.151) viết: “Bác Độ đã chết vài tháng trước khi ta cướp được chính quyền”.

(33) Trần Bạch Đằng, Kẻ sĩ Gia Định, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.260-231.

 

TS PHAN VĂN HOÀNG